VEAM: Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp

VEAM tiếp tục thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, sẽ thay đổi hình thức sở hữu, mô hình quản trị đối với các công ty con, công ty liên kết và các chi nhánh theo hướng tinh gọn, năng động, minh bạch, hiệu quả. Khai thác có hiệu quả 3 lĩnh vực động cơ và máy nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp ô tô, xe máy

Do đại dịch covid – 19, ngày 29/5, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEAM) đã tổ chức buổi gặp mặt nội bộ với các cán bộ là lãnh đạo của VEAM qua các thời kỳ cùng lãnh đạo các công ty thành viên nhân kỷ niệm 30 năm thành lập (12/5/1990 – 12/5/2020).

Ông Nguyễn Khắc Hải - Quyền Tổng giám đốc VEAM bày tỏ lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đến các đơn vị, cá nhân, đã có đóng góp cho sự phát triển của VEAM.

Phát biểu tại chương trình gặp mặt, ông Nguyễn Khắc Hải - Quyền Tổng giám đốc VEAM chia sẻ “Chương trình gặp mặt là dịp để CBCNV VEAM nhìn lại chặng đường đã qua, đồng thời là dịp để cùng hướng đến mục tiêu phát triển của VEAM trong giai đoạn tới. Cũng là dịp để chúng tôi bày tỏ lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đến các đơn vị, cá nhân, đã có đóng góp cho sự phát triển của VEAM trong 30 năm qua”.

Ông Bùi Quang Chuyện - Chủ tịch HĐQT: VEAM tiếp tục thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, theo hướng tinh gọn, năng động, minh bạch, hiệu quả

Tại chương trình gặp mặt - Chủ tịch HĐQT VEAM, ông Bùi Quang Chuyện đã tóm tắt quá trình 30 năm xây dựng và trưởng thành của VEAM. Trong 30 năm qua, VEAM vẫn duy trì mục tiêu cơ giới hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Từ 12 nhà máy  những ngày đầu thành lập, đến nay VEAM đã nâng số đơn vị thành viên lên 22. Từ vốn chủ sở hữu gộp của các đơn vị thành viên chỉ có 110 tỉ, đến nay, VEAM nâng tổng số vốn điều lệ lên 13,288 tỷ đồng.

Sản phẩm của VEAM không chỉ có mặt đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước mà còn xuất khẩu. Nhiều công ty con của VEAM đã trở thành những nhà cung cấp linh kiện cho các công ty đa quốc gia và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Ông Chuyện khẳng định, VEAM tiếp tục xác định mục tiêu ở ba mũi nhọn phát triển có vai trò quyết định thành công của VEAM ở chặng đường phía trước, gồm “kiên trì sứ mệnh động cơmáy nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp ô tô, xe máy”.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, thay đổi hình thức sở hữu, mô hình quản trị đối với các công ty con, công ty liên kết và các chi nhánh theo hướng tinh gọn, năng động, minh bạch, hiệu quả. Các công ty con là công ty TNHH phát triển theo hướng công ty cổ phần, các chi nhánh sẽ hoạt động theo mô hình công ty TNHH 100% vốn VEAM.

Muốn phát triển ngành chế tạo máy, cần phải chú trọng đầu tư phát triển công nghệ nền.

Là người có gần 40 năm gắn bó với VEAM, ông Ngô Văn Tuyển - nguyên quyền Tổng giám đốc VEAM đánh giá cao những thành công mà VEAM đạt được trong 30 năm qua “VEAM là doanh nghiệp cơ khí Việt Nam ít ỏi  được đánh giá là top đầu 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Vốn nhà nước tại VEAM là hơn 13.288 tỷ đồng. Năm 2018, lợi nhuận của VEAM đạt trên 5.000 tỷ, năm 2019 doanh thu hợp nhất của VEAM đạt trên 5.000 tỷ (không bao gồm doanh thu của đơn vị liên doanh) nhưng lợi nhuận đạt trên 7.000 tỷ đồng. VEAM không chỉ bảo toàn nguồn vốn của nhà nước mà còn hoàn thành các cam kết lợi nhuận với các cổ đông”.

Tuy nhiên, ông Tuyển trăn trở trước những khó khăn hiện nay của VEAM “Muốn phát triển ngành chế tạo máy, cần phải chú trọng đầu tư phát triển công nghệ nền như đúc, rèn, dập.

Hiện nay, công nghệ dập, đúc, đặc biệt là đúc tại VEAM đã có bước phát triển vượt bậc, các thiết bị hiện đại được đầu tư, giúp sản phẩm đúc có mặt trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tuy nhiên, công nghệ rèn vẫn phải sản xuất trên những máy móc thiết bị lạc hậu”. 

Các cán bộ nguyên là lãnh đạo VEAM đều mong muốn VEAM sẽ tiếp tục duy trì và khai thác có hiệu quả cao nhất các mảng sản xuất truyền thống là động cơ, máy nông nghiệp, chế tạo động cơ, công nghiệp hỗ trợ.

Buổi gặp mặt cũng đã nhận được nhiều ý kiến đến từ các cán bộ nguyên là lãnh đạo VEAM qua các thời kỳ, các ý kiến đều mong muốn VEAM sẽ tiếp tục duy trì và khai thác có hiệu quả cao nhất các mảng sản xuất truyền thống là động cơ, máy nông nghiệp, chế tạo động cơ, công nghiệp hỗ trợ.

Trải qua 3 thập kỷ xây dựng và phát triển, VEAM chuyển đổi qua nhiều hình thức sở hữu, mô hình hoạt động, từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ Công ty con đến nay chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần.

Trong 30 năm qua, VEAM vẫn duy trì mục tiêu cơ giới hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và cải tạo các thiết bị máy móc cho ngành nông nghiệp, giải phóng sức lao động cho người nông dân. 

Trong hành trình mới, VEAM xác định mục tiêu ở ba mũi nhọn phát triển có vai trò quyết định thành công của VEAM ở chặng đường phía trước, gồm “kiên trì sứ mệnh động cơ và máy nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp ô tô, xe máy”.

Phạm Ân