VEPR: Áp lực lạm phát sẽ lớn hơn trong Quý II/2019

Giá và áp lực lạm phát là hai vấn đề được quan tâm hơn cả trong tăng trưởng kinh tế Quý I/2019. Áp lực lạm phát ở Quý II dự kiến còn lớn hơn. Nhận định này được đưa ra tại buổi công báo Báo cáo kinh tế Vĩ mô Quý I/2019 do VEPR tổ chức chiều 11/4/2019.

PGS.TS.Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế chính sách (VEPR) cho biết, kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,79% trong Quý I/2019, thấp hơn so với con số kỷ lục của năm 2018 (7,45%) nhưng vẫn cao hơn nhiều so với 7-8 năm liền trước đó.

Trong đó, tăng trưởng của các khu vực nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp xây dựng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn ở mức khá, ngành dịch vụ vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá ổn định. Có thể thấy dịch vụ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

vepr
Các chuyên gia kinh tế của VEPR cho rằng, áp lực lạm phát sẽ lớn hơn trong Quý II/2019 bởi tác động của việc tăng giá điện và xăng dầu

Đánh giá về mức tăng trưởng này, PGS.TS.Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, cho rằng, với mức tăng 6,79%, mục tiêu tăng trưởng 6,6 - 6,8% của năm 2019 do Quốc hội đề ra khả thi.

Tuy nhiên, trước chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và chủ nghĩa bảo hộ, rủi ro của kinh tế Trung Quốc, tương lai không rõ ràng của tiến trình Brexit và mâu thuẫn trong nội bộ khu vực EU, sự thất thường của Donald Trump... khiến tương lai của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019 trở nên bất định hơn do có thể chịu ảnh hưởng bởi các cú sốc từ thị trường thế giới, PGS.TS.Nguyễn Đức Thành dự báo.

Đáng chú ý, Quý I/2019, vấn đề đáng quan tâm nhất là giá cả và lạm phát do tác động của nhiều các yếu tố như: giá xăng dầu đang có xu hướng tăng trở lại, tăng giá điện hơn 8,36%, tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường từ 1/1/2019.

“Tác động của việc tăng giá điện và xăng dầu vừa qua đến CPI có thể kéo dài từ 2-6 tháng tới. Chính vì vậy, áp lực lạm phát sẽ lớn hơn trong Quý II/2019. Trong thời gian tới, để đạt được mục tiêu lạm phát dưới 4%, Ngân hàng Nhà nước vẫn cần theo dõi rủi ro lạm phát để có những biện pháp ứng phó phù hợp, không chủ quan với chính sách tiền tệ”, ông Phạm Thế Anh khuyến cáo.

áp lực lạm phát

Với đà tăng trưởng trong Quý I cùng những phân tích về thị trường thế giới, VEPR đưa ra dự báo tăng trưởng và lạm phát năm 2019 của Việt Nam

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng được đánh giá là có thể mang lại nhiều cơ hội tích cực nếu Việt Nam biết nắm bắt. Về tác động lâu dài khi chuỗi cung ứng sản xuất dịch chuyển từ Trung Quốc tới các nước láng giềng, Việt Nam cần cải thiện môi trường thể chế, kinh doanh và chất lượng lao động để đón đầu cơ hội.

Thách thức cho Việt Nam cũng không nhỏ khi cơ sở hạ tầng chưa sẵn sàng tiếp nhận làn sóng chuyển dịch sản xuất, cũng như bất lợi khi không có lợi thế quy mô như Trung Quốc hay Ấn Độ.

Đáng chú ý, trong quý I/2019, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam. Dòng vốn từ nước này ngoài những tích cực mang lại cho việc làm và tăng trưởng thì cũng có thể kéo theo những rủi ro về môi trường và quản lý lao động nước ngoài.

“Đã đến lúc Việt Nam cần rà soát lại các chính sách ưu đãi về thuế khoá hay đất đai đối với FDI nhằm tạo ra môi trường bình đẳng hơn với các doanh nghiệp trong nước, cũng như giữa các lĩnh vực”, chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh nhấn mạnh.

Hạ An