Vì sao Ngân hàng Hà Lan muốn đầu tư 15 triệu USD vào Camimex Group (CMX)?

Ngân hàng Phát triển Doanh nghiệp Hà Lan (FMO) hiện xem xét đầu tư 15 triệu USD vào Camimex Group (mã cổ phiếu CMX) - doanh nghiệp xuất khẩu tôm hữu cơ hàng đầu thế giới của Việt Nam.

Ngân hàng Phát triển Doanh nghiệp Hà Lan (FMO) vừa cho biết đang xem xét khả năng đầu tư 15 triệu USD (tương đương 370 tỷ đồng) vào Công ty Cổ phần Camimex Group (mã cổ phiếu CMX - sàn HoSE).

FMO cho biết, khoản đầu tư này nhằm giúp Camimex Group mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, bao gồm việc xây dựng 01 nhà máy chế biến mới với hệ thống bảo quản lạnh và đông lạnh nhanh; xây dựng các trang trại sản xuất giống hữu cơ mới và bổ sung vốn lưu động cần thiết để chứng nhận và thanh toán tiền nhập các sản phẩm tôm hữu cơ.

Camimex Group
Camimex Group hiện sở hữu chuỗi giá trị tôm khép kín với vùng nuôi tôm sinh thái (nuôi tự nhiên trong rừng ngập mặn) hơn 6.800 ha.

Camimex Group là một trong những doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam. Đặc biệt, doanh nghiệp này là một trong số ít những đơn vị sản xuất tôm hữu cơ quy mô lớn trên thế giới và là nhà sản xuất Việt Nam duy nhất hiện nay đạt tiêu chuẩn hữu cơ trên toàn bộ chuỗi cung ứng (từ con giống đến bàn ăn) Naturland, EU Organic và BIO SUISSE.

Camimex Group hiện đang vận hành 03 nhà máy chế biến hiện đại với tổng công suất thiết kế đạt hơn 15.000 tấn thành phẩm/năm. Doanh nghiệp này cũng sở hữu chuỗi giá trị tôm khép kín với vùng nuôi tôm sinh thái (nuôi tự nhiên trong rừng ngập mặn) hơn 6.800 ha và vùng nuôi liên kết với các nông hộ lên đến gần 40.000 ha; trong đó, diện tích rừng chiếm 50% và diện tích nuôi tôm chiếm 50%.

Sản phẩm của Camimex Group đang được xuất khẩu đến hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ với các thị trường trọng điểm, gồm: Mỹ, Thuỵ Sỹ, Đức, Áo, Hà Lan… Camimex Group hiện đặt mục tiêu mở rộng vùng nuôi tôm sinh thái lên mức 20.000 ha; tập trung đầu tư nuôi tôm công nghệ cao, từng bước tự chủ một phần nguyên liệu cho sản xuất kinh doanh, phấn đấuco tới năm 2025 tự chủ 20 - 30% nguyên liệu tôm Vannamei đầu vào.

FMO cho biết, tầm nhìn kinh doanh của Camimex Group phù hợp với định hướng của tổ chức này trong việc thúc đẩy nuôi trồng thủy sản bền vững tại Việt Nam. Trong đó, việc, mở rộng vùng nuôi tôm sinh thái sẽ vừa giúp tăng cường sản xuất và an ninh lương thực, cải thiện sinh kế của nông dân, vừa tăng độ che phủ rừng ngập mặn, giúp giảm phát thải carbon.

Giá cổ phiếu CMX Camimex Group
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu CMX của Camimex Group từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Thực phẩm Sao Ta (FMC): Xuất khẩu tôm có thể gặp khó ít nhất 6 tháng nữa" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Xét về hoạt động kinh doanh, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, Camimex Group ghi nhận 1.280 tỷ đồng doanh thu và lãi ròng 58 tỷ đồng, lần lượt giảm 41% và 34% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, doanh nghiệp này mới chỉ hoàn thành 42% mục tiêu doanh thu và 56% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Kết quả kinh doanh kém tích cực này diễn ra trong bối cảnh lạm phát neo cao kéo dài, đặc biệt là tại các nền kinh tế phát triển, khiến người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, lựa chọn thực phẩm giá rẻ. Kéo theo đó, nhu cầu tiêu thụ tôm - loại thực phẩm vốn được định vị là hải sản cao cấp lao dốc.

Hiện hoạt động kinh doanh của Camimex Group được kỳ vọng sẽ phục hồi dần trong thời gian tới và hưởng lợi lớn nhất khi người tiêu dùng càng ngày càng ưu chuộng thủy sản hữu cơ.

Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, với mức độ lo ngại ngày càng gia tăng liên quan đến thực phẩm chế biến sẵn, các thành phần nhân tạo và ảnh hưởng của thuốc trừ sâu, hormone và kháng sinh; hành vi của người tiêu dùng đang dần thay đổi trong những năm gần đây. Đặc biệt sau đại dịch COVID-19, người tiêu dùng ngày càng chú trọng hơn việc ăn uống lành mạnh để giảm thiểu nguy cơ bệnh tật. Khi xu hướng ăn uống này được dự báo sẽ tiếp tục trong thời gian tới, thủy sản hữu cơ sẽ ngày càng được ưa chuộng.

Duy Quang