“Việc nhẹ nhàng” từ đỉnh Nà Lay

Khi đã đứng trên đỉnh Nà Lay huyền thoại, tôi gắng phóng tầm mắt xa hơn nhìn xuyên qua thung lũng Bắc Sơn – nơi có những cánh đồng lúa tuyệt đẹp mang dáng dấp của một tấm thổ cẩm khổng lồ, gắng để đượ

Giáp với huyện Bắc Sơn - nơi có cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn nổi tiếng những năm 1940, huyện Bình Gia tỉnh Lạng Sơn nhỏ bé, khiêm tốn với danh phận của một huyện miền núi nghèo, dân cư thưa thớt, người dân tộc Tày, Nùng, Dao, Hoa là chủ yếu. Nơi chúng tôi đến là Trường phổ thông dân tộc nội trú Hồng Thái thuộc xã Hồng Thái của huyện Bình Gia. Nếu không nhìn trước “dung nhan” thầy hiệu trưởng Hoàng Văn Trung sinh năm 1971 qua Zalo tôi sẽ chẳng thể nhận người đàn ông thấp đậm, đen ngăm ngăm và chắc chắn như một nông dân miền núi đang đứng từ đời nào ở tận ngoài đường đón chúng tôi lại là một thầy giáo. Một cảm giác hơi không được thoải mái lắm khi nghe thoang thoảng mùi men toát ra từ thầy, vậy mà thầy đã nhận ra ngay và vội vã giải thích: “Trưa nay có đoàn ở trên về nên tôi có uống một nửa chén tiếp khách, các bạn thông cảm vì mình là chủ, phải giữ đúng vai trò chủ nhà. Thật là ngại quá!”. Nhưng rồi rất nhanh, sự chân tình, nét hoạt bát của thầy Trung đã chiếm trọn vẹn cảm tình của chúng tôi. Và rồi câu chuyện của thầy và hơn 40 giáo viên của Trường Hồng Thái cùng hành trình 13 năm kiên trì cắm chốt gieo trồng từng con chữ trên vùng đất khó này đã khiến đoàn từ thiện của Tạp chí Công Thương đã có rất nhiều những suy nghĩ mà trước khi đặt chân đến đây chúng tôi chưa thể hình dung nổi.


Trường PTDTNT Hồng Thái ngoài điểm trường chính ở ngay ở xã Hồng Thái vào sâu khoảng 15km từ đường huyện thì 5 điểm trường còn lại được cắm chốt ngay giữa các thôn bản sâu hơn nữa rất nhiều mà để đi được đến đó thời tiết tốt thì mất khoảng 2 tiếng đồng hồ, còn trời mưa, đường lầy lội thì thời gian là vô cùng vô tận. Trước khi trao quà cho điểm trường chính, thầy Trung cùng các thầy cô giáo hồ hởi đưa chúng tôi vào điểm trường gần đó là Thôn Bản Nghiệc. Tiết trời thu hanh hao nắng gió hây hẩy đất trời tây bắc đẹp tuyệt vời nên có thể nói là hành trình ban đầu cực kỳ thuận lợi, nhưng đường tới Thôn Bản Nghiệc đâu chỉ có thế. Càng vào sâu bên trong thì “đặc sản núi rừng” bắt đầu xuất hiện. Đó là những sống trâu, không, phải gọi là sống... voi thì đúng hơn vì rất to, lù lù giữa đường và độ lõm cực sâu của con đường do mọi phương tiện đi trước đó cùng với dấu vết của mưa, bùn. Ô tô đã bị kịch gầm mà đường vào trường còn xa, làm thế nào bây giờ, phải san đường thôi. Thế là ào một cái, cùng các thầy giáo, cả đoàn thanh niên chúng tôi nhảy xuống mượn quốc mượn cào, xẻng để san đường cho xe đi qua. 


Đất đồi cực rắn, đôi bàn tay khỏe mạnh của thanh niên phố thị chả mấy chốc cũng bắt đầu rã rời thì may quá con đường đã hòm hòm, xe ô tô đã có thể băng qua được rồi. Đi thêm chục phút nữa thì cũng là đến đoạn ô tô phải dừng lại vì đường quá nhỏ. Vậy là lại trần lưng chất hàng lên ô tô chuyên dụng, rồi chúng tôi cùng lên xe máy của các thầy cô giáo tăng bo vào trường. Vòng vèo, uốn lượn, xóc tung người, trơn tuồn tuột, lầy lội, dẻo quánh bùn, nhão nhoẹt nước... mãi rồi cuối cùng cũng vào đến điểm trường Thôn Bản Nghiệc. Bé tí xíu trên một mỏm đất cao cao so với con đường vào, trường có vẻn vẹn 5 lớp học chia làm hai dãy và một nhà vệ sinh: 2 lớp ở dãy được xây bằng gạch vữa bê tông cát sỏi, 3 lớp còn lại lụp sụp lán trại đóng bằng gỗ tạp, lớp học chan hòa ánh nắng mặt trời chiếu qua các khe gỗ. Mặc dù đã được thầy Trung cho biết là trước đây, khi chưa có dự án tài trợ, trường chỉ có toàn lớp lán trại. Từ khi được tài trợ, trường được trang bị dãy 2 lớp bằng gạch và khu vệ sinh kiên cố, vậy mà đứng nhìn ngôi trường cập kênh cảm giác về sự đối lập cứ nghẹn đắng lòng... Thật may, tiếng ê a đọc bài của các em vang lên. “Cây xoài của ông em. Ông em trồng cây xoài cát này trước sân khi em còn đi lẫm chẫm. Cuối đông, hoa nở trắng cành. Đầu hè, quả sai lúc lỉu. Trông từng chùm quả to, đu đưa theo gió, em càng nhớ ông. Mùa xoài nào, mẹ em cũng chọn những quả chín vàng và to nhất bày lên bàn thờ ông”... 


Lớp học vùng núi rất ít học sinh, mỗi lớp chỉ có 8-10 em và mỗi khối chỉ có 1 lớp. Tôi nhìn lên bảng, những dòng chữ nắn nót của cô giáo đẹp như chữ in trong sách giáo khoa, xung quanh bốn vách là một vài dụng cụ học tập, bảng chữ cái tự viết đơn sơ mộc mạc, các em bé chân tay mặt mũi lấm lem, cái miệng nhỏ đang đánh vần từng chữ nhưng đôi mắt tròn xoe pha chút lạ lẫm lẫn sợ sệt rất đặc trưng của trẻ em miền núi cứ nhìn chúng tôi không chớp mắt. Cô giáo Nguyễn Thị Hằng đã có gần 30 năm công tác cười bảo: “Dạy các em thì nhàn hơn dạy các lớp đông học sinh, tha hồ lắng nghe mọi tâm tư nguyện vọng cũng như hiểu rõ tính cách, hoàn cảnh của từng em. Chị chỉ còn vài ba năm nữa là nghỉ chế độ, lương được khoảng 6 triệu/tháng, cùng với ông xã đang công tác ở ngành điện, mới đủ sức nuôi hai cháu một đang là sinh viên ngoài Hà Nội, một đang học cấp 2 ngoài huyện. Các em nghèo lắm nhưng ham học nên dạy các em thấy vui. Khó khăn lớn nhất là đường đi em à, xa là một chuyện, nhưng đường xá lầy lội khó đi lắm làm thời gian cứ kéo dài ra, con cái trông cậy cả vào ông bà nên cũng thấy day dứt”.


Lấy cơ sở chính của trường ở xã Hồng Thái làm bàn đạp, hơn 40 thầy cô giáo biên chế Trường PTDTNT Hồng Thái thay phiên nhau đi vào các thôn bản xa hơn, tới 5 điểm trường sâu hơn để giảng dạy. Hôm nay cô Luyến dạy nhạc, họa, mỹ thuật đến phiên dạy ở điểm trường Thôn Nà Dẳn. Dòng suối hiền hòa chảy róc rách như làm bạn cùng cô, đến chỗ cây cầu bắc ngang qua suối, cô Luyến xuống xe tắt máy rồi lựa dắt sao cho chiếc xe đi vào giữa chiếc cầu được ghép bởi 4 cây tre hai bên còn thanh sắt hình chữ U rộng khoảng 20cm buộc cố định ở giữa. Đôi chân cô bước chầm chậm trên hai thanh tre tròn nhẵn mắt nhìn thẳng để khỏi bị mất thăng bằng. Đã gần 8 năm đi lại trên con đường này nên cô thành thạo lắm, nhìn các cô giáo gầy gò trẻ trung lớp sau này mắm môi mắm lợi dò dẫm người đẩy kẻ kéo xe giật lùi trên chiếc cầu “thân tre cốt sắt” bắc ngang dòng suối cô lại nhớ lại những ngày đầu chập chững của mình. Qua chiếc cầu này là đến với lũ trẻ rồi, hôm nay không biết cái Hoa đã khỏi ốm mà đi học chưa, khổ thân con bé hát hay múa dẻo mỗi tội hay ốm... Rồi cô nhẩm tính: Phải tranh thủ dậy nốt các em thêm hai bài hát nữa bù lại mấy bữa lũ về cuốn phăng cầu cô trò không được gặp nhau. Dạy các em học múa học hát để các em thêm yêu trường yêu lớp, bù đắp cho những thiệt thòi ngàn đời nay của người dân vùng núi cao. Dòng suối hôm nay hiền lành là vậy, ngày mai không biết thế nào, có thể bất ngờ làm khó cô trò mình nhưng chỉ cần còn một em muốn học thì cô còn muốn dạy.



Tôi rẽ vào hỏi chuyện lớp 4 điểm trường Thôn Bản Nghiệc. Thầy Lương Ngọc Sơn người dân tộc Tày trước học Sư phạm Lạng Sơn hiện đang dạy lớp 4 kể rằng cách đây hơn 10 năm thầy chưa có đủ tiền mua xe máy, phải mất 4 năm ròng rã đạp xe đạp, đường đi bé xíu men theo bờ suối. Từ nhà thầy vào đến đây là 7 cây số nhưng đi mất hàng vài tiếng, có nhiều hôm phải ở lại. Giờ Trường đã khang trang hơn trước nhiều, các em chăm học, lớp thầy có em Hoàng Mạnh Hùng lớp trưởng học Toán rất khá. Thầy kể trước khi dạy học còn phải dạy các em tiếng Kinh, rồi mới dạy kiến thức. Một nụ cười không thể hiền hơn khi tôi hỏi thầy có yêu nghề giáo không, thầy Sơn bảo: Phải yêu chứ chị, yêu các con nhiều nhất. Chúng nó cái gì cũng hỏi mình, xem mình như một vị thần í. Ở dưới xuôi bố mẹ có điều kiện gần gũi dạy bảo các con nhiều thứ nên thầy cô giáo có khi chỉ là người dạy học, còn ở vùng ba này, thầy cô giáo là người đại diện cho kiến thức, cho sự am hiểu về cuộc sống văn minh, hiện đại, văn hóa. Chúng tôi đi sớm về muộn, cửa nhà con cái nhờ cậy hết ông bà để đi dạy dỗ các em, nếu không coi trọng các em, yêu nghề giáo của mình, liệu có thể vượt qua khó khăn không?


Thay mặt 199 em học sinh của 5 điểm trường thuộc Trường PTDTNT Hồng Thái lần đầu tiên được nhận quà từ thiện từ Hà Nội xa xôi và ăm ắp tình yêu thương chia sẻ, thầy hiệu trưởng Hoàng Văn Trung cố dấu sự xúc động. Bữa cơm tối bên thị trấn Bình Gia có hai cô giáo rất xinh xắn và giọng nói hay như chim hót. Mấy chàng trai trong đoàn nhìn hai cô cùng mặc hai chiếc váy mầu mận thời thượng hỏi đùa có phải đồng phục nhà trường may hay không, hai cô nhìn nhau rồi cười bảo tình cờ bị trùng hợp thôi anh ạ. Tôi nhìn sang hai chiếc xe Sirius mầu đỏ của hai cô cũng “đồng phục” hai chiếc găng tay to đùng gắn cố định ở tay lái, loại găng tay sưởi ấm hay thấy của những người chuyên đi lại trong ngày đông tháng giá, hai cô cười bảo mấy hôm vừa rồi Lạng Sơn lạnh lắm chị ạ, bọn em đi từ sớm nên phải trang bị thế này để giữ ấm cho cơ thể. Đường vừa xa vừa xấu, mùa đông vùng núi đến sớm và khắc nghiệt hơn đồng bằng rất nhiều, giữ ấm là điều phải ưu tiên hơn cả làm đẹp, nên váy thì mặc nốt mấy hôm nữa rồi xếp vào tủ cất đi hẹn mùa hè sang năm. Mấy cô gái trẻ trong đoàn vừa toan bấm nhau cười vì thời trang “mặc váy đeo găng tay khủng” chợt không ai bảo ai cùng im lặng.



Xóa tan bầu không khí trầm lắng, tôi hỏi thầy Hoàng Văn Trung về chế độ của thầy hiệu trưởng trường học vùng cao miền núi, thầy cười bảo: Phụ cấp lãnh đạo của mình là 0,5 nghĩa là mỗi tháng được hơn các bạn đây đúng 650 nghìn đồng. “Em hỏi thật, có khi nào anh nghĩ mình làm hiệu trưởng làm gì, làm giáo viên bình thường cho lành không?”. Thầy Trung gật gù bảo: “Ừ ai cũng hỏi thế, bảo mình sao không nghỉ quách làm giáo viên cho lành, mình cũng chẳng biết vì sao nhưng từ năm 2004 thành lập Trường PTDTNT Hồng Thái đến nay thì công việc cứ thế đến tay, cũng chả có thời giờ mà nghĩ nhiều đến việc làm hay không làm, chức vụ hay không chức vụ. Các thầy cô giáo ở trường mình cũng vậy, ai cũng nghĩ việc nặng quá không làm được thì chọn lấy một việc nhẹ nhàng để khỏi thành người thừa thôi mà”. Rồi anh chuyển ngay sang đề tài khác rất rôm rả, đó là sang đầu năm 2018 anh sẽ lên chức ông nội, nhưng vợ chồng anh cũng vừa sinh cậu con trai thứ hai mới có hơn 20 tháng tuổi! Quê gốc anh ở Thái Bình nhưng ông bà, bố mẹ đã là thổ dân huyện Bình Gia từ lâu rồi, sống giữa những người dân tộc Tày, Nùng, giọng nói dân tộc Kinh của anh đã phôi pha, có âm hưởng lơ lớ giống hệt một người bản địa. Quả thật, nếu không nhìn trước “dung nhan” thầy hiệu trưởng Hoàng Văn Trung sinh năm 1971 qua Zalo tôi sẽ chẳng thể nhận người đàn ông thấp đậm, đen ngăm ngăm và chắc chắn như một nông dân miền núi đang đứng từ đời nào ở tận ngoài đường đón chúng tôi lại là một thầy giáo - người đã cùng hơn 40 thầy cô giáo Trường PTDTNT Hồng Thái chọn “việc nhẹ nhàng” cho cả một đời người.