Việt Nam đã làm chủ công nghệ sản xuất sợi thủy tinh dùng cho thông tin quang

Với sự hỗ trợ của Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương, Dự án của Công ty cổ phần Thiết bị Bưu điện (POSTEF) đã đánh dấu bước chuyển lớn trong việc chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất và sử dụng sản phẩm công nghiệp công nghệ thông tin trong nước.

Tại Việt Nam, thị trường cáp quang đang có nhu cầu lớn với dự báo giá trị khoảng 8,5 tỷ USD trong giai đoạn 2010-2020. Tuy nhiên, trong suốt 25 năm qua, 100% các nhà máy sản xuất cáp quang của Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á đều phải nhập khẩu sợi quang từ các nước trên thế giới.

Nắm bắt tín hiệu của thị trường, với sự hỗ trợ của Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương, Công ty cổ phần Thiết bị Bưu điện (POSTEF) đã đầu tư nghiên cứu và thực hiện Dự án Ứng dụng làm chủ công nghệ sản xuất sợi thủy tinh dùng cho thông tin quang, tiến đến xây dựng nhà máy sản xuất vật liệu này đầu tiên tại Việt Nam.

Dự án thuộc Chương trình Phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao do Bộ Công Thương chủ trì, có tổng kinh phí thực hiện khoảng 380 tỷ đồng, trong đó một phần kinh phí phục vụ đào tạo nhân lực và kết nối với chuyên gia nước ngoài được Bộ Công Thương hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm thực hiện dự án cho doanh nghiệp.

Buổi nghiệm thu Dự án Ứng dụng làm chủ công nghệ sản xuất sợi thủy tinh dùng cho thông tin quang
Buổi nghiệm thu Dự án Ứng dụng làm chủ công nghệ sản xuất sợi thủy tinh dùng cho thông tin quang

Phát biểu tại buổi nghiệm thu Dự án, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Hòa cho biết, Dự án được phê duyệt và thực hiện từ năm 2017 và hoàn thành vào tháng 4/2019.

Dự án này là một trong những dự án có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, triển khai.

Ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương)
Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Hòa chia sẻ Dự án của POSTEF là khởi đầu cho mô hình tiếp cận mới của Chương trình Công nghệ cao

“Đây là một mô hình tương đối mới mà Bộ Công Thương áp dụng để triển khai trong Chương trình Phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, đó là xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước đồng hành trong xây dựng và hoàn thiện thuyết minh cũng như hỗ trợ xuyên suốt qua từng bước trong quá trình thực hiện Dự án”, ông Trần Việt Hòa khẳng định.

Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cũng mong rằng, song song với việc đánh giá kết quả Dự án, các chuyên gia trong Hội đồng nghiệm thu cũng có thể đưa ra các đề xuất, góp ý về mô hình này của Bộ Công Thương, nhằm có định hướng và chiến lược đúng đắn, hợp lý trong việc phát triển các Dự án tiếp theo thuộc Chương trình Phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao.

Thạc sỹ Trần Hải Vân - Chủ nhiệm Dự án Ứng dụng làm chủ công nghệ sản xuất sợi thủy tinh dùng cho thông tin quang
Thạc sỹ Trần Hải Vân - Chủ nhiệm Dự án chia sẻ về hệ thống thiết bị, công nghệ của Nhà máy

Theo Thạc sỹ Trần Hải Vân - Chủ nhiệm Dự án, sau hơn 2 năm nghiên cứu và triển khai, ngày 15/8/2019 vừa qua, Nhà máy sản xuất sợi thủy tinh dùng cho thông tin quang của POSTEF đã chính thức khánh thành và đi vào hoạt động tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh, với diện tích gần 5ha, công suất thiết kế 3,2 triệu km sợi/năm.

Hoạt động của Nhà máy đã đưa Việt Nam trở thành nước đầu tiên tại Đông Nam Á sản xuất được sợi thủy tinh dùng cho các loại sợi quang theo tiêu chuẩn quốc tế thông dụng hiện nay như G654D, G655 và G657. 

Đặc biệt nhà máy được xây dựng để đáp ứng tiêu chuẩn sạch quốc tế cấp độ 6 do Công ty TAIKISHA (Nhật Bản) thiết kế và thi công theo hình thức chìa khóa trao tay EPC. Đây cũng là nhà máy đầu tiên của POSTEF áp dụng mô hình sản xuất thông minh, xưởng thông minh và đạt mục tiêu nhà máy thông minh vào năm 2020.

Bên trong nhà máy sản xuất sợi thủy tinh dùng cho thông tin quang đầu tiên tại Đông Nam Á
Bên trong nhà máy sản xuất sợi thủy tinh dùng cho thông tin quang đầu tiên tại Đông Nam Á

Hệ thống thiết bị sản xuất của nhà máy được nhập khẩu từ hãng Rosendahl Nextrom (Phần Lan & Australia), bao gồm:

  • Tháp kéo sợi quang theo phương pháp đứng;
  • Thiết bị nạp phôi;
  • Lò nung cao tần;
  • Hệ thống làm mát tốc độ cao;
  • Hệ thống phủ và đóng rắn acrylate;
  • Thiết bị đóng rắn Acrylate bằng tia UV;
  • Thiết bị chống xắn sợi;
  • Thiết bị kéo khởi động – kéo chính;
  • Thiết bị thu sợi kép;
  • Hệ thống giám sát đường kính sợi;
  • Hệ thống điều khiển trung tâm;
  • Thiết bị xử lý hoá học sợi quang bằng khí D2;
  • Thiết bị kiểm tra lực căng và chia lô;
  • Thiết bị nhuộm màu sợi quang.

Trong đó, dây chuyền sản xuất chính (tháp kéo sợi) do NEXTROM (Phần Lan) cung cấp là tháp kéo sợi quang cao nhất tính đến thời điểm này, với tốc độ 3.000m sợi/phút, gấp rưỡi mức nền của phương pháp kéo sợi theo chiều thẳng đứng (2.000m sợi/phút).

Tháp kéo sợi quang cao nhất tính đến thời điểm này, với tốc độ 3.000m sợi/phút
Tháp kéo sợi quang cao nhất tính đến thời điểm này, với tốc độ 3.000m sợi/phút

Đáng chú ý, Nhà máy được đầu tư hệ thống thiết bị phụ trợ “khổng lồ” với hai hệ thống chính là hệ thống cấp nước và hệ thống cấp khí.

Hệ thống cấp nước gồm 6 bể bơm nước cho hệ thống Chiller và cấp nước làm mát cho các bộ phận như Preform feeding, lò nung thuỷ tinh, AHU buồng sạch tinh… tuân thủ các chỉ tiêu kỹ thuật của Nextrom.

Hệ thống cấp khí có nhiệm vụ đảm bảo các loại khí Ar, He, D2, CO2, N2, CDA được cung cấp liên tục trong quá trình sản xuất. Các loại khí này phải đạt yêu cầu cao về độ tinh khiết (>=99,9%) và chứa trong các bồn hoặc bình đạt tiêu chuẩn an toàn nhằm đảm bảo những đặc tính hoá học quan trọng như độ dẫn nhiệt, độ cách nhiệt…

Nguyên liệu đầu vào được lựa chọn là phôi thuỷ tinh do Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) cung cấp, sau khi ra sản phẩm trải qua 3 lần đo kiểm chất lượng kỹ lưỡng để đảm bảo hiệu quả hoạt động trên mạng viễn thông của sản phẩm sợi quang.

Phôi thuỷ tinh được nung nóng để tạo hình sợi
Phôi thuỷ tinh được nung nóng để tạo hình sợi

Trong giai đoạn từ tháng 4/2018 đến 4/2019, Nhà máy sản xuất sợi thủy tinh dùng cho thông tin quang của POSTEF đã sản xuất thử nghiệm thành công hơn 100.000 km sợi.

Mặc dù mới hết một nửa thời gian được giao (6 tháng), nhưng quá trình đào tạo làm chủ công nghệ được đánh giá hoàn thành gần 80%: xây dựng được 32 quy trình đo kiểm sản phẩm và bảo dưỡng thiết bị đo kiểm, 15 quy trình hướng dẫn an toàn sản xuất, 27 quy trình sản xuất và hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng thiết bị sản xuất.

Dự án Ứng dụng làm chủ công nghệ sản xuất sợi thủy tinh dùng cho thông tin quang có sự học hỏi kinh nghiệm từ nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới
Dự án Ứng dụng làm chủ công nghệ sản xuất sợi thủy tinh dùng cho thông tin quang có sự học hỏi kinh nghiệm từ nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới

Đánh giá về hiệu quả của Dự án, 7 trên 9 thành viên Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá đạt, 2 thành viên đánh giá Dự án hoàn thành xuất sắc, trong đó có nhiều kết quả vượt mức chỉ tiêu đã đăng ký về tiêu chuẩn công nghệ và chất lượng sản phẩm.

Các chuyên gia khẳng định POSTEF đã dần hoàn thành nhiệm vụ tiếp thu, làm chủ công nghệ cao, tận dụng được các sản phẩm khí công nghiệp trong nước, góp phần thúc đẩy sản xuất và đóng góp vào vòng tuần hoàn sản xuất – tiêu thụ nội địa.

Đặc biệt, về góc độ kinh tế, Dự án được đánh giá là thành công trong xây dựng nhà máy với kinh phí thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung.  

Nhà máy của POSTEF đã thành công sản xuất thử nghiệm 100.000km sợi trong thời gian tháng 4/2018 - 4/2019
Nhà máy của POSTEF đã thành công sản xuất thử nghiệm 100.000km sợi trong thời gian tháng 4/2018 - 4/2019

Dự án Ứng dụng làm chủ công nghệ sản xuất sợi thủy tinh dùng cho thông tin quang của POSTEF và Bộ Công Thương đánh dấu bước chuyển lớn trong cơ chế đồng hành giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp Việt, góp phần giúp chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất và sử dụng sản phẩm công nghiệp công nghệ thông tin thay vì phải nhập hoàn toàn từ nước ngoài, thậm chí tiến tới xuất khẩu sợi quang sang một số thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á như Myanmar, Lào, Campuchia…

Với sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, Việt Nam đã thành công làm chủ công nghệ sản xuất sợi thủy tinh dùng cho thông tin quang
Với sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, Việt Nam đã thành công làm chủ công nghệ sản xuất sợi thủy tinh dùng cho thông tin quang
Thy Thảo