Việt Nam đang chuẩn bị gì cho CPTPP?

Điều quan trọng nhất lúc này là chuẩn bị những gì để khai thác có hiệu quả những ưu đãi thuế quan và ứng phó tốt trước thách thức đối với thị trường trong nước về thương mại, dịch vụ, đầu tư?

Ngày 12/11/2018 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 72 phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các văn kiện liên quan. Theo đánh giá, tham gia Hiệp định, GDP của Việt Nam có khả năng tăng thêm 1,32% tính đến năm 2035, trong trường hợp đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ, GDP có thể tăng thêm 2,01%. Các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như nông, thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 4,04% và nhập khẩu tăng thêm 3,8% vào năm 2035; tổng số việc làm tăng thêm hàng năm từ 20.000 đến 26.000 lao động.

thuy san
Thủy sản sẽ được xóa bỏ thuế ngay khi CPTPP có hiệu lực

 

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất lúc này là làm gì để khai thác có hiệu quả những ưu đãi thuế quan và ứng phó tốt trước thách thức đối với thị trường trong nước về thương mại, dịch vụ, đầu tư, nông nghiệp, thu ngân sách, sở hữu trí tuệ, lao động?

Cho đến nay, hai Bộ Công Thương, Tài chính đang khẩn trương chuyển đổi biểu thuế xuất, nhập khẩu và biểu quy tắc xuất xứ theo mặt hàng cụ thể (PSR)theo mã HS 2017 để kịp ban hành các Nghị định liên quan trước thời điểm 14/1/2019. Hiện có 6 nước gồm Singapore, Chile, Nhật Bản, Canada, Australia, New Zealand đã hoàn tất việc chuyển đổi này.

Bên cạnh đó, các nước CPTPP cũng đang thúc đẩy thảo luận các nội dung liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước với Nhà nước (SSDS); giữa Nhà nước với nhà đầu tư (ISDS) như lựa chọn trọng tài viên, quy trình thủ tục giải quyết tranh chấp… Hiện nay, các bộ Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp đang tích cực tham gia vào quá trình thảo luận này.

Đối với Chương trình hành động thực thi Hiệp định CPTPP, cuối tháng 11 năm 2018 Bộ Công Thương đã dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, gửi lấy ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam. Nội dung của Chương trình hành động thực thi Hiệp định này gồm 5 cấu phần với phân công rõ ràng, cụ thể về cơ quan thực hiện và thời hạn hoàn thành trên cơ sở quy định của Hiệp định CPTPP, cụ thể như sau:

  • Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định CPTPP và các thị trường của các nước tham gia Hiệp định CPTPP;
  • Công tác xây dựng thể chế;
  • Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực;
  • Chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp;
  • Chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Với tư cách là cơ quan chủ trì dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình hành động thực thi Hiệp định CPTPP, Bộ Công Thương đang đôn đốc các cơ quan có ý kiến và tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành Nghị quyết theo đúng thời hạn quy định tại Luật Điều ước quốc tế.

CPTPP - Hiệp định thương mại tự do giữa 11 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam- được ký vào rạng sáng 8/3/2018 tại thủ đô Santiago de Chile của Chile. Theo quy định, CPTPP sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi ít nhất 6 nước chính thức phê chuẩn hiệp định. Đến nay đã có 7 nước thông qua, gồm: Mehico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada, Australia, Việt Nam. 4 nước còn lại đang tiến hành các thủ tục phê chuẩn. Dự kiến thủ tục phê chuẩn sẽ được Peru hoàn tất vào tháng 12/2018; Chile tháng 2/2019, Malaysia trong năm 2019.

Thanh Văn