Việt Nam nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh

ThS. Đặng Thị Mai Hương (Phòng Sau đại học, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội), ThS. ĐẶNG THỊ LAN (Khoa Kế toán - Kiểm toán, Học viện Ngân hàng)

TÓM TẮT:

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia là những yếu tố quan trọng để phát triển cộng đồng doanh nghiệp, lấy đó làm động lực để nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh cũng như nâng cao chất lượng tăng trưởng, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Trong bài viết này, tác giả làm rõ nỗ lực của Việt Nam trong cải thiện môi trường kinh doanh những năm qua và những kết quả đạt được, cũng như những giải pháp của Chính phủ đưa ra trong thời gian tiếp theo.

Từ khóa: Môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, Nghị quyết số 19/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP.

  1. Cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam - Những kết quả đạt được

Xác định rõ vai trò quan trọng của việc cải thiện kinh doanh đối với sự phát triển của nền kinh tế, Chính phủ đã có những nỗ lực quan trọng cải cách môi trường kinh doanh (MTKD) với hai nhóm giải pháp quan trọng chính là Nghị quyết số 19/NQ-CP (NQ 19) của Chính phủ về cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh (NLCT), quốc gia được ban hành hằng năm kể từ năm 2014 đến nay và Nghị quyết số 35/NQ-CP (NQ 35) năm 2016 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, để hướng đến mục tiêu đưa MTKD của Việt Nam vào nhóm 4 quốc gia hàng đầu khu vực ASEAN (ASEAN 4).

Đánh giá kết quả sau 5 năm sau thực hiện Nghị quyết 19 và 2 năm thực hiện Nghị quyết 35 cho thấy, các Bộ, ngành, địa phương đã nhận thức ngày càng rõ trách nhiệm và tham gia ngày càng chủ động, tích cực để cải thiện điểm số và thứ hạng các chỉ số, tiêu chí cụ thể thuộc trách nhiệm quản lý của mình. Hàng ngàn điều kiện kinh doanh bất hợp lý đã được bãi bỏ; công tác kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu đã được đổi mới cơ bản theo nguyên tắc đánh giá rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với nhiều loại hàng hoá; số lượng dịch vụ công trực tuyến tăng nhanh... Trong năm 2018, đa số các Bộ, ngành đã hoàn thành việc xây dựng các Nghị định về điều kiện kinh doanh (ĐKKD) và được Chính phủ thông qua. Trong đó, một số ĐKKD không cần thiết, không hợp lý, thiếu rõ ràng đã được cắt bỏ; rút ngắn yêu cầu về thời gian; giảm các yêu cầu về số lượng; cắt bỏ và đơn giản hóa ĐKKD về địa điểm và cơ sở vật chất... Theo báo cáo của các Bộ, hầu hết kết quả cắt giảm ĐKKD đạt hơn 50%, đạt mục tiêu theo chỉ đạo tại Nghị quyết 19, tuy nhiên trong thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá lại chất lượng các ĐKKD cắt giảm, từ đó tiếp tục đề xuất, kiến nghị cắt bỏ các ĐKKD không cần thiết, không hợp lý, không có hiệu lực, hiệu quả hoặc đơn giản hóa các ÐKKD nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Với sự vào cuộc của các Bộ, ngành và địa phương, MTKD của Việt Nam đã có những cải thiện nhanh, rõ nét, thủ tục gia nhập thị trường đã được đơn giản hóa và thuận lợi hơn, các DN đã tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí hoạt động so với trước. Trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), MTKD năm 2016 của Việt Nam xếp thứ 82; song đến năm 2017, Việt Nam đã có bước nhảy khá dài, vươn lên vị trí 68 trong tổng số 190 nền kinh tế, tăng 14 bậc so với năm trước đó. Năm 2018, tuy thứ hạng về MTKD bị giảm sút một bậc, nhưng 6 trong 11 chỉ số của Việt Nam được đánh giá tốt, rất tốt và có cải thiện nhanh. Trong đó, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam năm 2018 xếp thứ 104/190 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 19 bậc nhờ cơ quan đăng ký kinh doanh cho phép công bố thông tin đăng ký DN qua mạng điện tử và giảm lệ phí đăng ký DN. Chỉ số tiếp cận điện năng cũng tăng mạnh với 69 bậc so năm 2017; Chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng 36 bậc; Chỉ số khởi sự kinh doanh tăng 17 bậc; Chỉ số hiệu quả logistics tăng 25 bậc... Việc chỉ số đánh giá được cải thiện liên tục qua các năm đã giúp Việt Nam thu hẹp dần khoảng cách so với nhóm ASEAN 4 (Xin-ga-po, Thái-lan, Ma-lai-xi-a, Phi-li-pin). Bên cạnh đó, cùng với In-đô-nê-xi-a, Việt Nam là nước thực hiện nhiều cải cách nhất trong 16 năm qua, mỗi nước cùng có 42 cải cách. Tính riêng 5 năm thực hiện Nghị quyết 19, Việt Nam đã có 18 cải cách được ghi nhận, trong đó các chỉ số được ghi nhận liên tục cải cách là chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội, tiếp cận điện năng, tiếp cận thông tin tín dụng liên tục.

Góp phần cải thiện môi trường kinh doanh trong những năm gần đây phải kể đến những nỗ lực cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để cắt giảm chi phí cộng đồng doanh nghiệp, một số địa phương đã xây dựng trung tâm hành chính công tập trung. Theo đó, tất cả thủ tục hành chính đều được thực hiện tại một điểm với sự giám sát chặt chẽ, nhằm tạo ra cơ chế minh bạch, hiệu quả, hạn chế tình trạng cán bộ nhũng nhiễu doanh nghiệp. Với hiệu quả thực tế mang lại, mô hình này đã được nhân rộng tại nhiều địa phương trong cả nước. Cùng với đó, từ năm 2018, một số địa phương bắt đầu thực hiện công khai kế hoạch thanh tra trên trang thông tin điện tử của tỉnh, nhằm bảo đảm không thanh tra chồng chéo, trùng lặp giữa các ngành và không quá 2 lần/năm như yêu cầu của NQ 35.

Đáng chú ý là những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh đã đưa tinh thần khởi nghiệp lên cao chưa từng có, hình thành làn sóng khởi nghiệp trên diện rộng, khai thác tốt hơn nguồn vốn trong dân. Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2016, nước ta có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt mức kỷ lục với 110,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 16,2% so với năm 2015; tổng vốn đăng ký là 891,1 nghìn tỷ đồng, tăng 48,1% (nếu tính cả 1.629,8 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động thì tổng số vốn đăng ký và bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm 2016 là 2.520,9 nghìn tỷ đồng); số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới năm 2016 đạt 8,1 tỷ đồng, tăng 27,5% so với năm 2015. Sang năm 2017, số DN đăng ký thành lập mới là trên 126,8 nghìn doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 1.295,9 nghìn tỷ đồng, tăng 15,2% về số doanh nghiệp và tăng 45,4% về số vốn đăng ký so với năm 2016; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 26,2%. Con số này không ngừng tăng trong năm 2018 khi cả nước có gần 131,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 11,3 tỷ đồng, tăng 10,2%.

Về kết quả xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu, theo các Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho thấy, từ năm 2014 đến 2017, mặc dù thứ hạng thay đổi không bền vững, nhưng điểm số NLCT quốc gia của Việt Nam liên tục được cải thiện. Năm 2017, có 5 trong 12 chỉ số trụ cột tăng điểm, 6 trong 12 chỉ số trụ cột tăng bậc. Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ thay đổi mạnh mẽ, phân cực chính trị và sự phục hồi kinh tế mong manh, năm 2018, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) chính thức áp dụng phương pháp mới và công bố Báo cáo NLCT toàn cầu 2018 với việc đánh giá và xếp hạng chỉ số NLCT toàn cầu 4.0 đã tạo nên những bất lợi cho Việt Nam. Theo xếp hạng này, chỉ số NLCT 4.0 của Việt Nam giảm 4 bậc (từ 74 xuống vị trí 77); điểm tuyệt đối cải thiện 0,2 điểm với 4 trong 12 trụ cột tăng điểm, tuy nhiên, có 7 trong 12 trụ cột giảm điểm. Điều này thể hiện các động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST) để bắt kịp xu thế 4.0 của Việt Nam còn yếu và chưa hiệu quả, trong đó, thủ tục hành chính vẫn là rào cản nặng nề, văn hóa doanh nhân giảm điểm, mức độ trao đổi và đa dạng hóa còn thấp, mức độ thương mại hóa hạn chế.

Mặc dù vậy, trong năm qua, chỉ số ĐMST của Việt Nam lại được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) xếp vị trí thứ 45 trong số 126 nền kinh tế, tăng 2 bậc so năm 2017. Tổ chức này cũng đánh giá thứ hạng các trụ cột ĐMST của Việt Nam có xu hướng cải thiện liên tục trong 5 năm gần đây và xếp thứ hai trong nhóm các nước thu nhập trung bình thấp (30 nước). Ngoài ra, xem xét mối tương quan giữa mức thu nhập (GDP theo đầu người) và năng lực ĐMST (điểm số), WIPO đánh giá Việt Nam tiếp tục có kết quả ĐMST tốt hơn nhiều so mức độ phát triển của đất nước (GDP).

  1. Một số vấn đề còn tồn tại

Mặc dù đã có nhiều cải thiện đáng kể nhưng xếp hạng môi trường kinh doanh (MTKD), năng lực cạnh tranh (NLCT) của Việt Nam mới ở mức trung bình khá trên bình diện quốc tế (xếp thứ 69/190 về MTKD, 77/140 về NLCT). Trong khu vực ASEAN, Việt Nam cũng chỉ đứng thứ 5 về MTKD và thứ 7 về NLCT mà chưa nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu như mục tiêu đề ra. Bên cạnh một số chỉ số có mức cải thiện nhanh, vẫn còn nhiều chỉ số cải thiện chậm, đặc biệt có một số chỉ số bị tụt hạng so với khu vực và thế giới. Trên thực tế, MTKD của Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế, tạo nên những rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của DN. Chỉ tiêu có ít nhất một triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 cũng đang gặp trở ngại vì số DN tuyên bố phá sản mỗi năm vẫn tăng lên. Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2018, tổng số DN tạm ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, DN rời bỏ thị trường trong cả nước là hơn 90,6 nghìn doanh nghiệp, tăng mạnh so cùng kỳ năm 2017. Trong đó, riêng số lượng DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là hơn trên 63,5 nghìn DN, tăng 63,4%. Điều này cho thấy, DN vẫn đang gặp phải những rào cản, khó khăn.

Còn theo theo VCCI, hiện nay, một số vướng mắc và hạn chế về MTKD đang cản trở sự phát triển của DN cần tiếp tục gỡ bỏ và cải thiện. Cụ thể: Mức độ cải thiện MTKD chưa đồng đều. Theo báo cáo điều tra của VCCI về kết quả thực thi Nghị quyết 19 dưới góc nhìn của doanh nghiệp năm 2018, có 6 chỉ tiêu MTKD có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá có sự cải thiện tốt hoặc rất tốt (đạt hơn 50%), các chỉ số còn lại cải thiện chậm và thấp hơn kỳ vọng của doanh nghiệp (dưới 50%).

Bên cạnh đó, một số ĐKKD cắt giảm, sửa đổi, nhưng không thật sự tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Một số ĐKKD cắt bỏ, nhưng lồng ghép vào các quy chuẩn kỹ thuật; vẫn còn nhiều quy định không rõ ràng, khó tiên liệu, tiềm ẩn rủi ro cho doanh nghiệp; chứng chỉ hành nghề chỉ do các cơ quan quản lý nhà nước cấp, tồn tại ở hầu hết các lĩnh vực; mở rộng thêm các quy định về ĐKKD trong thành phần hồ sơ… Với những hạn chế về chất lượng cắt giảm ĐKKD, cần tiếp tục rà soát, đánh giá lại để tiếp tục có phương án cắt giảm thực chất hơn.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng cho rằng dù MTKD đang ngày càng thông thoáng hơn song trên thực tế nhưng vẫn còn nhiều thủ tục gây phiền hà, cản trở hoạt động SXKD. Cụ thể là công tác chỉ đạo hành chính, quy định hành chính chưa phù hợp, không chỉ gây thiệt hại về thời gian, tiền bạc mà còn làm mất cơ hội, thời cơ làm ăn của doanh nghiệp.

Điều đáng nói là tư duy trong cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh chưa thống nhất, không đồng đều giữa nhiều bộ, ngành, địa phương. Việc cải cách các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành mới chỉ đạt kết quả bước đầu ở một số Bộ trong một số lĩnh vực như Y tế, Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng vẫn còn quá ít so với yêu cầu, và mức độ vào cuộc của các Bộ vẫn còn khác biệt. Trên thực tế, số lượng văn bản điều chỉnh hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành nhiều, gây khó khăn cho doanh nghiệp cũng như cơ quan hải quan. Hơn nữa, phạm vi mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành quá rộng. Trong một số trường hợp, Thông tư, Quyết định của một số Bộ có xu hướng mở rộng danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành so với quy định cho phép của Luật. Thời gian và chi phí thực hiện thủ tục quản lý, chi phí thực hiện kiểm tra chuyên ngành tuy đã giảm hơn trước, nhưng vẫn còn dài, quá lớn dẫn tới nhiều rủi ro cho DN, ảnh hưởng nặng nề tới hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra, các chỉ số liên quan tới công nghệ, sáng tạo nhằm thích nghi với nền sản xuất mới trong cách mạng công nghệ (CMCN 4.0) chậm được cập nhật, theo dõi, tập trung cải thiện…

Trong bối cảnh CMCN 4.0 đang ngày càng lan tỏa trên toàn cầu và sự cạnh tranh quốc tế ngày càng tăng, các quốc gia, nền kinh tế đều nỗ lực cải thiện MTKD và chú trọng đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, sáng tạo, nhằm thích ứng với nền sản xuất mới. Do đó, mục tiêu tăng thứ hạng trên thế giới, và vào nhóm 4 quốc gia dẫn đầu trong khu vực ASEAN đòi hỏi cần sự vào cuộc rộng rãi, mạnh mẽ, đồng đều và thực chất hơn nữa của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ cải thiện MTKD, nâng cao NLCT quốc gia và sự hài lòng của cộng đồng DN.

  1. Những giải pháp từ Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ

Trước tình hình đó, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, ngay từ đầu năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp, chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết là nâng cao thứ hạng trong các xếp hạng quốc tế của WB (Ngân hàng Thế giới), WEF (Diễn đàn Kinh tế thế giới), WIPO (Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới), UN (Liên Hợp Quốc) về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh... nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong CMCN 4.0. Việt Nam sẽ tiến hành cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh; tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân… nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nước ta thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN.

Nhằm thực hiện những mục tiêu trên, Chính phủ đã đồng thời đề ra những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là: Tăng cường trách nhiệm của các Bộ được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số và các Bộ được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần; Tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh; thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã thực hiện trong năm 2018; Tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa Quốc gia; Đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup)…

Việc ban hành Nghị quyết số 02 đã cho thấy sự quyết tâm cao của Chính phủ trong việc đưa môi trường kinh doanh của Việt Nam lọt nhóm 4 quốc gia phát triển nhất trong khối ASEAN.

Một số mục tiêu trong Nghị quyết số 02/NQ-CP

Mục tiêu chung:

- Nâng xếp hạng Môi trường kinh doanh theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) tăng 5 - 7 bậc năm 2019 và tăng 15 - 20 bậc đến năm 2021.

- Nâng xếp hạng năng lực cạnh tranh theo WEF tăng 3-5 bậc năm 2019 và tăng 5 - 10 đến năm 2021.

- Nâng xếp hạng đổi mới, sáng tạo quốc gia theo đánh giá của Wipo lên 2 -3 bậc năm 2019 và tăng 5 - 7 bậc đến năm 2021.

- Nâng xếp hạng hiệu quả logistics theo đánh giá của WB lên 5 - 10 bậc đến năm  2021.

- Nâng xếp hạng Chính phủ điện tử lên 10 - 15 bậc năm 2020.

Về cải thiện Môi trường kinh doanh theo EoDB:

- Nâng xếp hạng chỉ số Khởi sự kinh doanh lên ít nhất 5 bậc năm 2019, và lên 20 - 25 bậc đến năm 2021.

- Nâng xếp hạng chỉ số Nộp thuế và Bảo hiểm xã hội từ 7 - 10 bậc năm 2019, và lên 30 - 40 bậc đến năm 2021.

- Nâng xếp hạng chỉ số Cấp phép xây dựng lên ít nhất 1 bậc năm 2019, và lên 2 - 3 bậc đến năm 2021.

- Nâng xếp hạng chỉ số Tiếp cận tín dụng lên ít nhất 1 bậc năm 2019, và lên 3 - 5 bậc đến năm 2021.

- Nâng xếp hạng chỉ số Bảo vệ nhà đầu tư lên ít nhất 5 bậc năm 2019, và lên14 - 19 bậc đến năm 2021.

- Nâng xếp hạng chỉ số Tiếp cận điện năng lên từ 3 - 5 bậc năm 2019, và lên 5 - 7 bậc đến năm 2021.

- Nâng xếp hạng chỉ số Đăng ký tài sản lên từ từ 5 - 8 bậc năm 2019, và lên 20 - 30 bậc đến năm 2021.

- Nâng xếp hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới lên từ 3 - 5 bậc năm 2019, và lên 10 - 15 bậc đến năm 2021.

- Nâng xếp hạng chỉ số Giải quyết tranh chấp hợp đồng lên  ít nhất 3 bậc 8 năm 2019, và lên 12 bậc đến năm 2021.

- Nâng xếp hạng chỉ số Phá sản doanh nghiệp tăng ít nhất 3 bậc năm 2019, và lên 10 -15 bậc đến năm 2021.

Về cải thiện năng lực cạnh tranh theo GCI 4.0:

- Nâng xếp hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật lên ít nhất 2 bậc năm 2019, và từ 5 - 10 bậc đến năm 2021.

- Nâng xếp hạng chỉ số Kiểm soát tham nhũng lên từ 2 - 5 bậc năm 2019, và lên 5 - 10 bậc đến năm 2021.

- Nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng quản lý hành chính đất đai lên từ từ 2 - 3 bậc năm 2019, và từ 5 - 8 bậc đến năm 2021.

- Nâng xếp hạng nhóm chỉ số Hạ tầng lên ít nhất 1 bậc năm 2019, và từ 3 - 5 bậc đến năm 2021.

- Nâng xếp hạng nhóm chỉ số Ứng dụng công nghệ thông tin lên ít nhất 5 bậc năm 2019, và từ 20 đến 25 bậc đến năm 2021.

- Nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng đào tạo nghề lên ít nhất 5 bậc năm 2019, và từ 20-25 bậc đến năm 2021.

- Nâng xếp hạng chỉ số Vốn hóa thị trường chứng khoán lên ít nhất 5 bậc năm 2019, và từ 10 - 15 bậc đến năm 2021.

- Nâng xếp hạng chỉ số Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển lên ít nhất 2 bậc năm 2019, và lên 6 - 10 bậc đến năm 2021.

- Nâng xếp hạng chỉ số Tăng trưởng về doanh nghiệp đổi mới sáng tạo lên ít nhất 5 bậc năm 2019, và từ 20 - 25 bậc đến năm 2021.

- Nâng xếp hạng chỉ số Công ty có ý tưởng sáng tạo mới đột phá lên ít nhất 2 bậc năm 2019, và từ 5 - 10 bậc đến năm 2021.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ, Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
  2. Tổng cục Thống kê, Thông cáo báo chí tình hình kinh tế - xã hội năm 2016.
  3. Tổng cục Thống kê, Thông cáo báo chí tình hình kinh tế - xã hội năm 2017.
  4. Tổng cục Thống kê, Thông cáo báo chí tình hình kinh tế - xã hội năm 2016.
  5. World Bank, Doing Business 2016.
  6. World Bank, Doing Business 2017.
  7. World Bank, Doing Business 2018.
  8. World Economic Forum, Global Competitiveness Report 2016-2017.
  9. World Economic Forum, Global Competitiveness Report 2017-2018.

VIETNAM’S EFFORTS TO IMPROVE THE COUNTRY’S BUSINESS ENVIRONMENT

Master. DANG THI MAI HUONG

Postgraduate Department, Hanoi Metropolitan University

Master. DANG THI LAN

The Faculty of Accounting - Auditing, Banking Academy of Vietnam

ABSTRACT:

Improving the business investment environment and enhancing the competitiveness of Vietnam are important factors to develop the country’s business community. The growth of business community could become the driving force for improving the competitiveness, the autonomy of the country’s economy as well as enhancing the quality of economic development, contributing to fulfill the socio-economic development objectives for the 2016 - 2020 period of Vietnam. This article is to present Vietnam’s efforts to improve the country’s business environment over past years, achieved results as well as solutions of the Vietnamese government in the coming time.

Keywords: Business environment, competitiveness, Resolution No. 19/NQ-CP, Resolution No. 02/NQ-CP.