Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu tích cực trong 8 tháng đầu năm 2021 dù đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp

Sau 8 tháng đầu năm 2021, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 213,52 tỷ USD, tăng 21,8%, tương ứng tăng 38,15 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.

Giữ vững đà tăng trưởng xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm 2021 dù đang phải đối mặt với những diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp Việt Nam đã cho thấy sự chủ động, linh hoạt trong tổ chức sản xuất trong trạng thái “bình thường mới”, biến “nguy” thành “cơ” đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt khi các thị trường xuất khẩu chủ lực của ta đã có những tín hiệu tích cực về việc mở cửa trở lại sau khi các chương trình tiêm chủng mở rộng được thực hiện. Bên cạnh đó, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương cũng đã và đang thực thi nhiều các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tăng trưởng kinh tế song song với ưu tiên giữ vững hiệu quả công tác phòng, chống dịch.

Xuất khẩu tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch

Sau 8 tháng đầu năm 2021, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 213,52 tỷ USD, tăng 21,8%, tương ứng tăng 38,15 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 297,43 tỷ USD, tăng 31,2% (tương ứng tăng gần 70,8 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 132,25 tỷ USD, tăng 19,8% (tương ứng tăng 21,83 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó 6 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 63,1%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 8 tháng, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 2,29 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 189,28 tỷ USD, tăng 22,5%. Nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 15,4 tỷ USD, tăng 14,9%. Nhóm hàng thủy sản đạt 5,58 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ.

Tăng trưởng xuất khẩu đến từ những nguyên nhân chủ yếu sau:

Thứ nhất, việc các quốc gia trên thế giới đang triển khai mạnh mẽ tiêm vaccine, kích cầu tiêu dùng và dần mở cửa trở lại đã làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử. Các thị trường xuất khẩu chính chứng kiến sự phục hồi rõ rệt ở các ngành hàng chủ lực, chẳng hạn, trong 8 tháng đầu năm 2021:

- Hoa Kỳ: kim ngạch xuất khẩu hàng dệt, may đạt 10.52 tỷ USD, tăng 16,4%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 10,31 tỷ USD, tăng mạnh 68%, tương ứng tăng 4,16 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang Hoa Kỳ đạt 8,09 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước; Giày dép các loại: đạt 5,17 tỷ USD, tăng 30,2%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,33 tỷ USD, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước;…

- Nhật Bản: kim ngạch xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt đạt 1,7 tỷ USD, tăng 33%, tương ứng tăng 417 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 931 triệu USD, tăng 14%;…

- Trung Quốc: kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt 8,06 tỷ USD, tăng mạnh 65%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 1,67 tỷ USD, tăng 46%, tương ứng tăng 528 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,02 tỷ USD, tăng 24%;…

Thứ hai, việc triển khai thực thi các FTA có hiệu quả đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Với việc tận dụng ưu đãi mở cửa thị trường từ các hiệp định thương mại tự do mới ký kết như EVFTA, UKVFTA, CPTPP, xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm 2021 sang Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 62,2 tỷ USD, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 32,7 tỷ USD, tăng 19,8%. Thị trường EU đạt 26,1 tỷ USD, tăng 14,5%. Thị trường ASEAN đạt 18,4 tỷ USD, tăng 23,3%. Hàn Quốc đạt 13,9 tỷ USD, tăng 9,9%. Nhật Bản đạt 13,5 tỷ USD, tăng 8,6%.

 Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và đã có tác động tiêu cực đến hoạt động thương mại trên phạm vi toàn cầu, xuất khẩu của cả nước vẫn có tăng trưởng dương do các doanh nghiệp đã tận dụng được cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường thay thế. Điều này cho thấy, việc đẩy mạnh các hoạt động đàm phán, ký kết các FTA đã giúp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường.

Bên cạnh đó, xuất khẩu đã có sự tăng trưởng cân đối hơn, không chỉ về quy mô chiều rộng mà hướng tới cả về chiều sâu. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã tiếp cận được các khu vực thị trường được coi là “khó tính” nhất trên thế giới, nơi áp dụng những quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật cao đối với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là với nhóm hàng nông sản và thủy sản. Cụ thể như xuất khẩu mặt hàng rau quả 7 tháng đầu năm sang Anh tăng 72,5% (đạt 9,5 triệu USD), sang Canada tăng 16,2% (đạt 19,2 triệu USD), sang Nhật Bản tăng 18,2% (đạt 93,6 triệu USD), sang Australia tăng 45,6% (đạt 46,6 triệu USD),…

Thứ ba, sức cầu của thị trường thế giới hồi phục mạnh, trong đó, các nền kinh tế lớn có tốc độ phục hồi nhanh gây ra sự thiếu hụt, tạo sự gia tăng giá hàng hóa trên thị trường quốc tế. Giá xuất khẩu tăng góp phần thúc đẩy giá trị xuất khẩu gia tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Ở nhóm hàng nông, thuỷ sản, các mặt hàng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về giá xuất khẩu bình quân so với cùng kỳ là hạt tiêu (tăng 51,3%) và cao su (tăng 30%). Trong đó, xuất khẩu cao su đạt 919 nghìn tấn, tăng 34,2% so với cùng kỳ, cùng với mức giá xuất khẩu bình quân khoảng 1.678 USD/tấn, tăng 30% so với cùng kỳ giúp trị giá xuất khẩu cao su đạt 1,54 tỷ USD, tăng 74.5%, là mặt hàng tăng cao nhất trong nhóm hàng nông, thuỷ sản.

Ở nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản, dầu thô và xăng dầu các loại là các mặt hàng tuy giảm về sản lượng xuất khẩu (lần lượt giảm 34,1% và 7,1%) nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng kim ngạch tích cực (lần lượt tăng 3,3%, đạt 945 triệu USD và 17,1%, đạt 742 triệu USD) do giá xuất khẩu bình quân tăng mạnh so với cùng kỳ (lần lượt tăng 56,8% và 26%).

Ở nhóm hàng công nghiệp chế biến, giá xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất đều tăng so với cùng kỳ, cụ thể: sắt thép các loại (tăng 51,2%), chất dẻo nguyên liệu (tăng 39,8%), xơ, sợi dệt các loại (tăng 25,1%),…đóng góp vào mức tăng ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng này: sắt thép các loại (tăng 121,3%, đạt 5,6 tỷ USD), chất dẻo nguyên liệu (tăng 73,2%, đạt 1,2 tỷ USD), xơ, sợi dệt các loại (tăng 65%, đạt 3,1 tỷ USD),…

Khó khăn do tác động của dịch bệnh

Dù tăng trưởng tích cực nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đã chậm lại hơn so với nhập khẩu trong những tháng gần đây khiến cán cân thương mại thay đổi từ xuất siêu thành nhập siêu từ tháng 4/2021. Kết quả này phần lớn là do ảnh hưởng tiêu cực của làn sóng thứ tư của dịch Covid-19 ở Việt Nam.

Đại dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp trong ngành phải đối diện với nhiều khó khăn, cụ thể như: việc tổ chức sản xuất bị hạn chế, vận chuyển nguyên vật liệu và thành phẩm mất nhiều thời gian hơn do các địa phương thực hiện các biện pháp đang giới hạn lượng phương tiện lưu chuyển, năng lực lưu bãi, khai thác tại một số cảng đang ở mức cao và khó duy trì lâu dài. Ở thời điểm hiện nay, so với cùng kỳ các năm là giai đoạn sản xuất quan trọng để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ các đơn hàng cuối năm tại thị trường Mỹ, EU, dịch bệnh chưa được khắc phục cũng là vấn đề hết sức khó khăn đối với khả năng đáp ứng đơn hàng của đối tác.

Làn sóng 4 của dịch bệnh Covid-19 có thể nói là đợt dịch phức tạp, căng thẳng nhất đối với Việt Nam từ trước đến nay. Số lượng ca nhiễm lớn và phạm vi vùng dịch rộng khiến nhiều doanh nghiệp đã và đang phải tạm ngừng sản xuất, kinh doanh để thực hiện các biện pháp chống dịch. Dịch bệnh đã lây lan sâu vào các khu công nghiệp, sau Bắc Ninh, Bắc Giang, hiện nay là thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và 19 tỉnh thành phía Nam khác, đây đều là những trung tâm sản xuất công nghiệp, luôn đóng góp cao vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 7/2021, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn 19 tỉnh thành phố phía Nam giảm khoảng 14% so với tháng trước, tương ứng giảm 2,5 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giảm 25%, Long An giảm 22%, Cần Thơ giảm 16%, Bình Dương giảm 15%, Đồng Nai giảm 10,5%,…

Giải pháp từ phía Bộ Công Thương

Ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đã quyết liệt chỉ đạo thực thi nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn nhằm đảm bảo công tác chống dịch, vừa hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của dịch bệnh tới hoạt động xuất nhập khẩu.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong thời gian gần đây, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng Đề án Phát triển xuất nhập khẩu bền vững trong những tháng cuối năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 để Chính phủ và các địa phương thảo luận trong Hội nghị trực tuyến do Thủ tướng Chính phủ chủ trì vào ngày 16 tháng 6 năm 2021. Ngay sau Hội nghị, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2021 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 để các Bộ, ngành, địa phương cùng triển khai thực hiện.

Gắn với tình hình trước mắt khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương vùng dịch, các Hiệp hội ngành hàng để tìm hiểu, có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ đang và tiếp tục triển khai:

Thứ nhất, chú trọng công tác triển khai thực hiện các Hiệp định thương mại tự do nói chung, nhất là các FTA thế hệ mới như Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA. Mục tiêu là không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp nắm được nội dung cam kết CPTPP, EVFTA mà còn vận dụng và phát huy có hiệu quả ưu đãi của Hiệp định, từ đó tận dụng tối đa các cơ hội và hạn chế các thách thức đặt ra từ những Hiệp định này.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới.

Thứ ba, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các địa phương với mục tiêu cắt giảm các chi phí khai thác hạ tầng vận tải, cắt giảm chi phí logistics trong các hoạt động xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hóa trong nước.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính. Trong đó, tập trung triển khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất nhập khẩu theo Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN... để tạo thuận lợi cho Hiệp hội và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.

Trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cao theo chu kì xuất nhập khẩu hàng hóa và tín hiệu phục hồi của cầu hàng hóa trên thị trường thế giới, đặc biệt là đối với ngành điện tử, máy móc thiết bị, đồ gỗ, hàng dệt may và thủy sản,…Hơn nữa, các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là CPTPP, EVFTA và UKVFTA, đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn, dự báo hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc. Bên cạnh đó, với kinh nghiệm triển khai phòng chống dịch bệnh cùng các biện pháp quyết liệt, sáng tạo, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp sẽ thích ứng nhanh hơn để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội từ bối cảnh mới

 

Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương