Việt Nam tham gia FTA với 60 nền kinh tế

Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 13 FTA đã ký kết và đi vào hiệu lực, 1 FTA Việt Nam - EU đã ký kết và chờ phê chuẩn và 3 FTA đang đàm phán.
Việt Nam có FTA với 60 nền kinh tế
Việt Nam có quan hệ thương mại với trên 230 thị trường

Xây dựng kế hoạch hành động

Các FTA nói trên đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại với trên 230 thị trường, trong đó có FTA với 60 nền kinh tế. 

Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai và hoàn tất nghĩa vụ thông báo trong các lĩnh vực bao gồm cơ chế áp dụng lộ trình cắt giảm thuế quan, cơ chế chứng nhận xuất xứ, cấp phép xuất khẩu và mua sắm Chính phủ.

Hiện đang tiếp tục đôn đốc các Bộ, ngành thực hiện các nghĩa vụ thông báo trong các lĩnh vực còn lại theo quy định của CPTPP.

Riêng đối với thực thi Hiệp định CPTPP; sau khi được Quốc hội thông qua, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Hiệp định. Ngoài khung kế hoạch tổng thể chung, các Bộ, ngành và địa phương cũng được giao xây dựng Kế hoạch hành động của đơn vị mình.

Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các Bộ ngành xây dựng Dự thảo sửa đổi một số Luật như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Thông tư về thuế xuất nhập khẩu, mua sắm của Chính phủ, giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với dược phẩm…

Đồng thời chủ trì xây dựng và ban hành một số Thông tư hướng dẫn thực thi các cam kết như Thông tư hướng dẫn biện pháp khẩn cấp đối với hàng dệt may và biện pháp tự vệ trong giai đoạn chuyển tiếp trong Hiệp định CPTPP; Thông tư về quy tắc xuất xứ và xuất khẩu dệt may sang Mê-hi-cô, dự thảo Thông tư về cách xác định hàng hóa Made in Vietnam...

Đối với nhiệm vụ của mình, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 456/QĐ-BCT về Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Bộ.

Theo đó, lộ trình triển khai gồm hai giai đoạn, gồm: giai đoạn 1 (năm 2019) và giai đoạn 2 (năm 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035).

Các nhóm công việc chính tập trung bao gồm: Khẩn trương xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thực thi Hiệp định CPTPP, trong đó tập trung vào các lĩnh vực thuộc phạm vi phụ trách như quản lý xuất nhập khẩu, quy tắc xuất xứ, cạnh tranh...

Khai thác cơ hội

Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã thường xuyên, tích cực triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định, cam kết về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hiệp định FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và các FTA khác mà ta đã tham gia.

Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt mức trên 516 tỷ đô la, xuất siêu xấp xỉ 10 tỷ đô la
Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt mức trên 516 tỷ đô la, xuất siêu xấp xỉ 10 tỷ đô la

Từ đó hỗ trợ các đối tượng liên quan tận dụng tối đa cơ hội do các FTA mang lại ở tất cả các cấp độ, từ nâng cao nhận thức đến chuyên sâu theo hầu hết tất cả các kênh khác nhau như: tọa đàm, hội nghị, hội thảo, các lớp tập huấn, đào tạo, trả lời trực tuyến, trả lời phỏng vấn, cung cấp thông tin trên trang web của Bộ...

Bộ Công Thương cũng đã nâng cấp toàn bộ cấu trúc và nội dung của chuyên trang thông tin điện tử về Hiệp định CPTPP tại địa chỉ http://cptpp.moit.gov.vn/. Đây là Cổng thông tin chính thức về Hiệp định CPTPP của Bộ Công Thương, được thiết kế khoa học, thân thiện với người dùng.

Các thông tin được đăng tải trên trang web này gồm: Thông tin tổng quan về CPTPP, cam kết chính của CPTPP trong các lĩnh vực chủ chốt như hàng hóa, dịch vụ - đầu tư, mua sắm Chính phủ, sở hữu trí tuệ, lao động, doanh nghiệp Nhà nước...

Bên cạnh đó là các thông tin hữu ích cho nhà xuất khẩu, toàn bộ văn kiện Hiệp định CPTPP (tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt), cũng như cập nhật về tình hình thực thi Hiệp định của Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương.

Sau khi đưa chuyên trang thông tin điện tử về Hiệp định CPTPP vào vận hành, Bộ Công Thương đã tiếp nhận nhiều câu hỏi, vấn đề thực tiễn mà các doanh nghiệp gặp phải.

Trong năm 2019, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo phổ biến về Hiệp định CPTPP cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp tại một số cụm tỉnh, thành địa phương như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Lâm Đồng và Hải Phòng.

Tại các hội nghị này, Bộ Công Thương không chỉ cung cấp, giới thiệu các thông tin mang tính tổng quan, chiến lược về Hiệp định CPTPP mà còn đi vào giới thiệu chi tiết, hướng dẫn cụ thể về các cam kết quan trọng.

Bộ trưởng Công thương Việt Nam trao đổi với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc bên lề Hội nghị cấp cao APEC
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh trao đổi với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc bên lề Hội nghị cấp cao APEC

Những hoạt động trên góp phần làm hoạt động xuất nhập khẩu tích cực hơn, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu xuất khẩu được Quốc hội và Chính phủ giao. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt mức trên 516 tỷ đô la, xuất siêu xấp xỉ 10 tỷ đô la;

Kim ngạch xuất khẩu sang các khu vực thị trường đều đạt mức tăng trưởng dương, tăng cao ở những thị trường có FTA với Việt Nam như: ASEAN, Hàn Quốc, Ấn Độ, New Zealand.

Đặc biệt kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt. Xuất khẩu sang Canađa đạt 3,86 tỷ USD, tăng 28,2%; xuất khẩu sang Mexico đạt 2,84 tỷ USD, tăng 26,8%.

Kỳ Anh