Việt Nam ưu tiên chuyển đổi năng lượng để phát triển bền vững

Việt Nam luôn tuân thủ các yêu cầu về quá trình chuyển đổi năng lượng, ứng dụng các dạng năng lượng mới, tái tạo và thân thiện với môi trường.

Ngày 9/4, nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas (Hai-cô Ma-át) và Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmaier (Pê-tơ An-mai-ơ), Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh đã tham dự Đối thoại về chuyển đổi năng lượng diễn ra tại thủ đô Berlin.

Đối thoại về chuyển đổi năng lượng là sự kiện thường niên với mục tiêu phát triển các nguồn năng lượng sạch cũng như sử dụng năng lượng hiệu quả. Năm nay, Đối thoại thu hút hơn 2.000 đại biểu đến từ hơn 90 quốc gia, trong đó có 50 đại biểu cấp cao là các Bộ trưởng và Quốc vụ khanh.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã tham gia phiên thảo luận "Tương lai của các nhà máy điện“ cùng với các diễn giả là Bộ trưởng Năng lượng Romania, Bộ trưởng Năng lượng, Hầm mỏ và Phát triển bền vững Maroc…



Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã giới thiệu khái quát về những chính sách để tăng cường an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam, vai trò của Việt Nam trong việc kết nối mạng lưới năng lượng khu vực.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định Việt Nam luôn tuân thủ các yêu cầu về quá trình chuyển đổi năng lượng, ứng dụng các dạng năng lượng mới, tái tạo và thân thiện với môi trường, vừa đảm bảo được cùng một lúc thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường, an toàn năng lượng và phát triển kinh tế bền vững.

Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, công ty về lĩnh vực năng lượng trong việc khai phá, phát triển thị trường, cung cấp các giải pháp, sản phẩm tiết kiệm năng năng lượng, thân thiện với môi trường.

Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác tại Đức, chiều ngày 9/4, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã có buổi làm việc với ông Klaus Ersnt (Cờ-lau Ơn), Chủ tịch Uỷ ban Kinh tế và Năng lượng Quốc hội Liên bang Đức.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và ông Klaus Ernst đã trao đổi về các nội dung liên quan đến quan hệ song phương và tình hình phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu. Dự kiến, Hội đồng châu Âu sẽ xem xét các hiệp định này ngay sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào cuối tháng 5 tới.

Liên quan đến chính sách năng lượng tái tạo, ông Klaus Ernst bày tỏ mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ giữa Đức và Việt Nam trong lĩnh vực này. Việt Nam có tiềm năng phát triển điện gió, điện mặt trời rất lớn và cần phía Đức hỗ trợ về công nghệ trữ điện và các giải pháp tăng cường tiết kiệm năng lượng hiệu quả.

Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ