dịch Covid - 19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty CP DAP số 2
Dịch Covid - 19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty CP DAP số 2 - Vinachem

Tăng chi phí sản xuất, kinh doanh

Dịch bệnh Covid-19 đã khiến các đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuẩn bị nguyên vật liệu, vật tư cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, sửa chữa máy móc thiết bị...

Ông Ngô Văn Đông - Tổng Giám đốc Công ty CP phân bón Bình Điền cho biết, trong đợt dịch Covid -19, kết hợp hạn mặn ở Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long nên tình hình sản xuất và tiêu thụ của Bình Điền gặp nhiều khó khăn. Tháng 3, Công ty dự kiến hoạch tiêu thụ 30.000 tấn nhưng chưa đạt được một nửa. Xuất khẩu cũng đặc biệt gặp khó khăn do thị trường lớn của Bình Điền là Campuchia, nhưng phía bạn bị hạn mặn hơn cả Việt Nam.

Theo Tổng giám đốc Công ty CP DAP số 2 - Vinachem - Nguyễn Văn Đông, dịch Covid - 19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty, bởi nhiều nguồn vật tư, nguyên liệu sản xuất của Công ty, đặc biệt là các chuyên gia sửa chữa, duy tu máy móc thiết bị của nhà máy đều đến từ Hà Nội nên khó có thể đến nhà máy vào thời điểm cách ly toàn xã hội.

Ngoài ra, phương tiện vận chuyển lưu thông hàng hoá tuyến Hà Nội - Lào Cai hạn chế, không kết hợp được vận chuyển hai chiều đã làm phát sinh chi phí vận chuyển DAP rất lớn trong hoạt động tiêu thụ, mua sắm vật tư và nguyên liệu sản xuất.

Tính chung các đơn vị thuộc Vinachem, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh trong quý I năm 2020 giảm mạnh so với cùng kỳ và không đạt kế hoạch đề ra, đặc biệt đối với nhóm ngành phân bón và thuốc bảo vệ thực vật: Giá trị sản xuất giảm 15,7%, doanh thu giảm 2,9%.

Ông Phùng Hà, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, sản xuất, kinh doanh phân bón vừa bị ảnh hưởng trực tiếp vừa bị ảnh hưởng gián tiếp từ Covid -19.

Ảnh hưởng trực tiếp: Mỗi năm nước ta cần khoảng 11 triệu tấn phân bón, trong đó nhập từ Trung Quốc khoảng gần 40% theo khối lượng. Sau một thời gian đóng cửa khẩu tạm thời để chống dịch từ Trung Quốc, các cửa khẩu đã mở cửa trở lại. Việc áp dụng các biện pháp phòng dịch theo quy định, các thủ tục như cách ly làm thủ tục kiểm dịch, thuê xe dịch vụ, sang tải hàng hóa,… làm tăng chi phí của doanh nghiệp.

Ảnh hưởng gián tiếp: Covid - 19 sẽ tác động trực tiếp đến thị trường nông sản xuất khẩu, do thị trường lớn nhất và gần chúng ta nhất là Trung Quốc bị tác động mạnh nên nhu cầu về hoa quả, một số loại nông sản khác giảm, kéo theo nhu cầu sử dụng phân bón cũng giảm.

Mới đây, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trước đấy là văn bản gửi Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Quốc hội để có thể sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng đưa phân bón vào danh mục sản phẩm hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng.

5 năm một điểm nghẽn

Bên cạnh những khó khăn chung trong đại dịch mà các hầu hết các doanh nghiệp gặp phải, các doanh nghiệp phân bón còn chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi một điểm nghẽn mà 5 năm nay chưa xử lý được.

 dịch Covid -19, kết hợp hạn mặn ở Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long nên tình hình sản xuất và tiêu thụ của Bình Điền gặp nhiều khó khăn.
Dịch Covid -19, kết hợp hạn mặn ở Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long nên tình hình sản xuất và tiêu thụ của Bình Điền gặp nhiều khó khăn

Ngày 26 tháng 11 năm 2014, Quốc hội thông qua Luật số 71, theo đó, từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 các mặt hàng: Phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp… thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ khâu nhập khẩu đến khâu sản xuất, thương mại bán ra. Sau hơn 5 năm thực hiện, Luật số 71 đã bộc lộ những bất cập, gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, cũng như các dự án đầu tư sản xuất phân bón,….

Trước khi áp dụng Luật số 71/2014/QH13, phân bón là mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) với mức thuế suất là 5%. Trừ nguyên liệu như quặng apatit cho sản xuất phân bón chứa lân, phân bón đơn cho sản xuất phân NPK thì các nguyên vật liệu, năng lượng, chi phí khác như than, điện, cước vận chuyển, bao bì… có thuế suất thuế GTGT là 10%. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón được khấu trừ phần thuế GTGT của nguyên vật liệu, chi phí đầu vào, nhiều doanh nghiệp được hoàn thuế GTGT do các nguyên liệu, chi phí đầu vào có thuế suất 10% chiếm tỷ trọng lớn, thuế GTGT đầu vào cao hơn thuế GTGT đầu ra.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, hạn chế ảnh hưởng đến ngành phân bón, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cùng các nhà máy sản xuất phân bón thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, một số doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính,….và một số cơ quan khác về việc sửa đổi Luật số 71, đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế với mức thuế suất 0% hoặc 5%.

Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến tại Văn bản số 7050/VPCP-KTTH ngày 08 tháng 9 năm 2015, trong đó “đối với phân bón, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá tình hình thực hiện năm 2015 để đề xuất sửa đổi trong năm 2016”. Tuy nhiên, đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết.

Ước tính trong 5 năm kể từ khi luật 71/2014/QH13 được áp dụng, thuế GTGT đầu vào làm tăng chi phí sản xuất phân bón của các đơn vị sản sản xuất phân bón trong nước. Cụ thể, tại các đơn vị thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là 3.646 tỷ đồng, trong giai đoạn 2015 - 2019.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để tạo điều kiện cho các đơn vị của Tập đoàn ổn định sản xuất, vượt qua khó khăn, mới đây, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã đề nghị Hiệp hội Phân bón Việt Nam có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương báo cáo Quốc hội xem xét, tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất phân bón trong nước sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất là 0% - 5%.

Không phải bỏ tiền hỗ trợ doanh nghiệp

Theo Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Nguyễn Phú Cường, việc đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng không đòi hỏi Nhà nước, doanh nghiệp phải bỏ tiền hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm dịch covid-19 hoành hành, mà chỉ là điều chỉnh chính sách để hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước bình đẳng với phân bón nhập khẩu. Đó là bởi:

- Khi đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 0%, các sản phẩm phân bón được bán với giá trước thuế cộng với thuế GTGT bằng không (0), nghĩa là số tiền thuế GTGT đầu ra doanh nghiệp nộp cho nhà nước bằng không (0) đồng và doanh nghiệp vẫn được hoàn thuế GTGT đầu vào, sẽ làm giảm giá thành sản xuất phân bón và có cơ hội giảm giá phân bón cho nông dân.

- Trong trường hợp đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%, là tiền thuế GTGT đầu ra doanh nghiệp nộp cho nhà nước và doanh nghiệp vẫn được hoàn thuế GTGT đầu vào (không làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp và không tăng giá bán phân bón cho nông dân).

Với cả hai trường hợp nêu trên, phân bón sản xuất trong nước không phải tăng chi phí sản xuất bất hợp lý và bình đẳng trong môi trường kinh doanh với phân bón nhập khẩu. Doanh nghiệp trong nước có môi trường phát triển lành mạnh, bình đẳng; tăng đóng góp cho ngân sách nhà nước, tăng lợi nhuận của doanh nghiệp và đảm bảo lợi ích lâu dài cho người nông dân.