Vinamilk (VNM): 2 dự án trọng điểm sắp hoạt động, dự kiến chia thêm cổ tức năm 2023

Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) vừa cho biết 2 dự án trọng điểm với quy mô đầu tư hàng nghìn tỷ đồng dự kiến sắp đi vào hoạt động. Đồng thời, doanh nghiệp sữa này dự kiến sẽ chia thêm cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt.

Muốn chia thêm cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt

Sữa Vinamilk
Vinamilk đặt mục tiêu lãi ròng năm nay tăng 4% so với năm 2023.

Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã cổ phiếu VNM - sàn HoSE) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, dự kiến tổ chức vào ngày 25/4.

Trong năm nay, doanh nghiệp sữa này lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu đạt 63.163 tỷ đồng và mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 9.376 tỷ đồng, lần lượt tăng 4,4% và 4% so với mức thực hiện của năm 2023.

Đáng chú ý, về phương án phân phối lợi nhuận, Hội đồng Quản trị Vinamilk dự kiến trình cổ đông thông qua việc chia cổ tức đợt cuối năm 2023 với tỷ lệ lên đến 9,5%, tương ứng cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu sẽ nhận được 950 đồng cổ tức. Đợt chia cổ tức này dự kiến sẽ được thực hiện ngay trong năm nay.

Trước đó, Vinamilk đã thực hiện tạm ứng cổ tức cho cổ đông qua 2 đợt. Cụ thể, đợt 1 diễn ra vào tháng 10/2023 với tỷ lệ 15%; đợt 2 diễn ra vào tháng 2/2024 với tỷ lệ 5%. Đợt chia cổ tức lần 3 với tỷ lệ 9% dự kiến sẽ được thực hiện trong tháng 4/2024.

Như vậy, nếu phương án chia thêm cổ tức đợt 4 được thông qua, Vinamilk sẽ hoàn thành kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2023 với tổng tỷ lệ là 38,5%.

Chia sẻ thêm thông tin về chiến lược kinh doanh năm nay,  bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc Vinamilk cho biết: “Bước sang năm 2024, với kỳ vọng tình hình vĩ mô sẽ cải thiện, chúng tôi dự kiến doanh thu và lợi nhuận của Vinamilk sẽ tiếp tục tăng trưởng. Ưu tiên của chúng tôi là tiếp tục phục hồi thị phần và doanh số bán hàng một cách bền vững và có lợi nhuận”.

Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, giá sữa bột nguyên liệu tiếp tục neo ở mức thấp và dự kiến giảm đáng kể trong năm nay đang hỗ trợ tích cực kết quả kinh doanh của Vinamilk.

Đầu tháng 2 vừa qua, ông Lê Thanh Liêm - Giám đốc Tài chính Vinamilk, cho biết kết quả kinh doanh quý 1/2024 sẽ “tốt hơn nhiều” so với cùng kỳ năm 2023 và công ty đã chốt giá nguyên liệu cho sản xuất đến hết nửa đầu năm 2024.

Hai dự án trọng điểm dự kiến vận hành trong năm nay

Dự án Vinamilk
Vinamilk đang chi từ 1.500 - 2.000 tỷ đồng/năm để đầu tư nâng cấp, mở rộng sản xuất.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2026, Vinamilk sẽ  tiếp tục tập trung triển khai các dự án trọng điểm nhằm củng cố năng lực kinh doanh trong trung và dài hạn.

Cụ thể, đối với Dự án chăn nuôi và chế biến thịt bò Vinabeef Tam Đảo tại tỉnh Vĩnh Phúc, Vinamilk và công ty con - Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico) đã hợp tác với Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) để đầu tư hệ thống chăn nuôi - chế biến khép kín, hiện đại trên diện tích 75,6 ha.

Dự án ồm 2 phân khu chính bao gồm Trang trại chăn nuôi bò thịt có sức chứa 10.000 con và Nhà máy chế biến thịt bò mát với công suất 30.000 bò thịt/năm, tương ứng với 10.000 tấn sản phẩm/năm cung cấp cho thị trường toàn quốc và xuất khẩu.

Quy mô hợp tác các giai đoạn dự kiến lên đến 500 triệu USD (tương đương gần 12.500 tỷ đồng). Trong đó giai đoạn 1 của dự án có vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm nay.

Giá cổ phiếu VNM Vinamilk
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu VNM của Vinamilk kể từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Vinamilk (VNM): Giá sữa bột tiếp tục “dò đáy”, đẩy mạnh chiếm lĩnh thị phần" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Đối với Dự án Tổ hợp Thiên đường sữa Mộc Châu tại tỉnh Sơn La, Vinamilk cùng với công ty con - Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) triển khai tổ hợp dự án với tổng vốn đầu tư lên đến 3.150 tỷ đồng.

Dự án này bao gồm Trang trại bò sữa công nghệ cao quy mô 4.000 con kết hợp du lịch sinh thái và Nhà máy chế biến sữa công nghệ cao Mộc Châu với công suất 500 tấn sữa/ngày (Giai đoạn 1). Dự án đã khởi công trong năm 2022 và dự kiến đi vào hoạt động năm 2024.

Đối với Dự án Tổ hợp Trang trại bò sữa Lao – Jagro tại tỉnh Xieng Khuang, Lào do liên doanh của Vinamilk (chiếm 51% cổ phần) thực hiện, Giai đoạn 1 với quy mô 8.000 con bò, trong đó có có 4.000 bò sữa hữu cơ. Dự án đã  đi vào hoạt động kể từ năm 2022 với sản lượng sữa lên đến 44.000 tấn/năm.

Giai đoạn 1 của Dự án được triển khai trên diện tích 1.000 ha và tổng mức đầu tư 120 triệu USD. Dự án này hiện cũng đã hoàn thiện chứng nhận Organic cho diện tích hơn 600 ha theo tiêu chuẩn EU/NOP (của châu Âu và Mỹ).

Giai đoạn 2 của dự án dự kiến mở rộng trang trại lên 15.000 - 20.000 ha với quy mô chăn nuôi 100.000 con. Tổng vốn đầu tư trong hai giai đoạn sẽ lên tới 500 triệu USD.

Bên cạnh đó, Vinamilk đang đẩy mạnh việc mở rộng công suất sản xuất. Hiện doanh nghiệp này đang chi từ 1.500 - 2.000 tỷ đồng/năm để đầu tư nâng cấp sản xuất. Trong năm 2024, Vinamilk có kế hoạch thuê tư vấn để cải tiến các hoạt động tiếp thị của mảng sữa bột cho trẻ sơ sinh, tái cơ cấu các kênh phân phối theo hướng tiếp cận nhiều hơn với các kênh bệnh viện và kênh bán hàng hiện đại nhằm đạt mục tiêu giành lại thêm 1% thị phần tại mảng này.

Mạnh Hùng