Vinamilk (VNM): Biên lãi gộp tiếp tục được cải thiện, nắm gần 1 tỷ USD tiền nhàn rỗi

Biên lợi nhuận gộp trong quý 4/2023 của Vinamilk (mã cổ phiếu VNM) tiếp tục được cải thiện mạnh. Đáng chú ý, doanh nghiệp sữa này đang nắm gần 1 tỷ USD tiền mặt, tiền gửi ngân hàng và chứng khoán kinh doanh.
Lợi nhuận Vinamilk
Bộ nhận diện thương hiệu mới đã hỗ trợ Vinamilk cải thiện thị phần tích cực, nâng cao doanh thu và lợi nhuận.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2023, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã cổ phiếu VNM - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần 15.619 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, các thị trường nước ngoài có mức tăng trưởng lên tới 11,7%, đóng góp 2.534 tỷ đồng doanh thu.

Xét về thị trường tiêu thụ, kênh xuất khẩu đem về cho Vinamilk gần 1.300 tỷ đồng doanh thu trong quý 4/2023, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại thị trường nội địa, doanh thu của Vinamilk đạt 13.085 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2022 và thị phần ở tất cả các ngành hàng được duy trì ổn định so với quý 3/2023.

Đại diện Vinamilk cho biết, sau khi giới thiệu bao bì mới cho sản phẩm sữa nước trong quý 3/2023, Vinamilk đã triển khai loạt chiến dịch marketing trong quý 4/2023 để lan tỏa hình ảnh bộ nhận diện thương hiệu mới cũng như gia tăng nhận diện cho dòng sản phẩm sữa tươi cao cấp Green Farm. Cùng với đó là đẩy mạnh hình thức quảng cáo “Out-of-Home” (OOH) tại các vị trí đắc địa đã giúp ngành hàng sữa nước gia tăng thị phần đáng kể trong những tháng gần đây.

Ngoài ra, Vinamilk cũng tích cực mở rộng độ phủ trên các sàn thương mại điện tử khi lần đầu có mặt trên Tiktok Shop trong phiên livestream 12/12 với sự tương tác lớn từ người tiêu dùng.

Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp trong quý 4/2023 của Vinamilk tiếp tục được cải thiện thêm 245 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm 2022, đạt 41,2%. Qua đó, hãng sữa này ghi nhận 2.351 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 25,8% so với quý 4/2022.

Luỹ kế cả năm 2023, Vinamilk ghi nhận tổng doanh thu 60.479 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2022 nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 5,1%, đạt 9.019 tỷ đồng. So với kế hoạch kinh doanh, hãng sữa này đã hoàn thành 95% mục tiêu doanh thu và 105% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Đây được xem là những kết quả tích cực khi các thách thức kinh tế vĩ mô trong năm 2023 đã ảnh hưởng đến sức mua và khiến nhiều người coi uống sữa là không thiết yếu, giảm tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa.

Tính chung cả năm, biên lợi nhuận gộp của Vinamilk đạt 40,7%, tăng 80 điểm cơ bản so với năm 2022. Đến cuối năm 2023, tổng tài sản của hãng sữa này đạt 52.673 tỷ đồng, tăng 8,6% so với hồi đầu năm. Trong đó, tổng giá trị tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, chứng khoán kinh doanh tăng 17%, đạt hơn 23.000 tỷ đồng. Hàng tồn kho cũng tăng gần 11%, đạt 6.128 tỷ đồng. 

Về phía nguồn vốn, tổng dư nợ vay ngắn hạn lẫn dài hạn của Vinamilk tăng mạnh 71%, đạt 8.456 tỷ đồng, chủ yếu do vay ngắn hạn tăng.

Giá cổ phiếu VNM Vinamilk
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu VNM của Vinamilk kể từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Vinamilk sẽ hưởng lợi trực tiếp từ sự phục hồi kinh tế, cổ phiếu VNM liệu có hút tiền?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Chia sẻ về kế hoạch kinh doanh, đại diện Vinamilk cho biết công ty sẽ tiến hành nâng cấp các cửa hàng trong hệ thống 653 cửa hàng giới thiệu sản phẩm trong thời gian tới và tăng cường hoạt động bán hàng trực tuyến. Trong năm 2023, kênh cửa hàng đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu lên tới 13%; trong khi đó, kênh bán hàng trực tuyến có mức tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ với hơn 4 triệu đơn hàng.

Theo đánh giá mới đây của Maybank IBG Research, với vị thế chiếm thị phần lớn nhất thị trường sữa Việt Nam hiện nay, Vinamilk sẽ là đơn vị hưởng lợi trực tiếp từ sự phục hồi của ngành hàng khi các điều kiện kinh tế được cải thiện, giúp nâng cao mức chi tiêu đối với sản phẩm sữa. Bên cạnh đó, chiến lược cao cấp hoá (premiumisation) sẽ hỗ trợ tăng trưởng dài hạn của Vinamilk.

Duy Quang