Vinamilk (VNM): Kỳ vọng lãi ròng quý 4 tiếp tục tăng, xây dựng hình ảnh thương hiệu trẻ trung hơn

Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã cổ phiếu VNM - sàn HoSE) vừa tổ chức gặp gỡ và trao đổi thông tin với các nhà đầu tư với nhiều nội dung đáng chú ý.

Vinamilk sẽ đẩy mạnh khai thác thị trường nông thôn

Trong quý 3/2023, Vinamilk ghi nhận doanh thu thuần đạt 15.636 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh sức tiêu dùng toàn ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) nói chung, ngành sữa nói riêng chậm lại.

Vinamilk
Các dữ liệu mới nhất cho thấy hoạt động kinh doanh của Vinamilk vẫn đang trụ vững trong môi trường kinh doanh đầy thách thức. (Nguồn: Vinamilk)

Tuy nhiên, nhờ biên lợi nhuận gộp được cải thiện khi giá nguyên vật liệu đầu vào, đặc biệt là sữa bột, giảm đáng kể, Vinamilk ghi nhận lãi ròng 2.533 tỷ đồng trong quý 3/2023, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là khoản lợi nhuận lớn nhất theo quý của doanh nghiệp này trong hai năm trở lại đây và cũng là quý thứ hai liên tiếp ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận dương so với cùng kỳ năm trước.

Trước câu hỏi của cổ đông về vấn đề tăng trưởng doanh thu, đại diện Vinamilk cho biết, công ty sẽ thúc đẩy doanh số bán hàng trong thời gian tới thông qua loạt chiến lược trọng tâm, gồm: chiến lược tiếp thị nhằm xây dựng hình ảnh thương hiệu trẻ trung hơn để tiếp cận thêm nhiều người trẻ; mở rộng thêm mục đích sử dụng sản phẩm; và khai thác thị trường nông thôn.

Theo đại diện Vinamilk, các hoạt động marketing trong thời gian qua, đặc biệt là chiến lược tái định vị thương hiệu theo hướng năng động, trẻ trung đã và đang đem lại kết quả khả quan. Tính đến cuối tháng 9/2023, thị phần trong nước của Vinamilk đã tăng thêm 200 điểm cơ bản so với hồi tháng 1/2023 và kỳ vọng sẽ sớm đưa thị phần chung trở về như trước khi đại dịch xảy ra.

Vinamilk tái định vị thương hiệu
Vinamilk đã thực hiện chiến lược tái định vị thương hiệu và tối ưu hoá sản phẩm. (Nguồn: Vinamilk)

Tại kênh phân phối truyền thống, Vinamilk hiện có 200 nhà phân phối độc quyền và 190.000 điểm bán (chợ, cửa hàng tạp hoá). Tại kênh phân phối hiện đại, các sản phẩm Vinamilk hiện đã thâm nhập vào 8.000 điểm bán siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Đồng thời, Vinamilk đang phân phối sản phẩm thông qua hơn 720 cửa hàng Giấc Mơ Sữa Việt và Sữa Mốc Châu, và 08 nền tảng thương mại điện tử. 

Kỳ vọng lãi ròng quý 4/2023 tăng 19%, đã chốt giá nguyên liệu cho quý 1/2024

Vinamilk hiện dự báo lãi ròng cả năm 2023 sẽ tăng 3% so năm 2022, tương đương lợi nhuận sau thuế trong quý 4/2023 sẽ tăng 19% nhờ biên lãi gộp tăng và mức nền thấp của quý 4/2022.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo Vinamilk dự kiến năm 2024 sẽ vẫn tồn tại nhiều thách thức cho tăng trưởng doanh thu. Theo hãng nghiên cứu thị trường Nielsen IQ, nhu cầu tiêu thụ sữa tại Việt Nam vẫn chưa phục hồi bền vững khi doanh số bán các sản phẩm từ sữa trong 9 tháng đầu năm nay đã giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước; riêng trong quý 3/2023, doanh số đã giảm tới 4% so với quý 3/2022.

Vinamilk
Cùng với phát triển sản phẩm, Vinamilk hiện liên tục tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm mở rộng tệp khách hàng.

Về vấn đề biên lợi nhuận gộp, biên lãi gộp của Vinamilk đã tiếp tục được cải thiện trong hai quý liên tiếp, chạm mức 41,9% trong quý 3/2023 - mức cao nhất kể từ sau đại dịch COVID-19, chủ yếu nhờ giá sữa bột đầu vào giảm.

Đại diện Vinamilk cho biết, công ty hiện đã chốt giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất cho đến quý 1/2024. Với việc giá sữa nguyên liệu thấp, Vinamilk kỳ vọng biên lãi gộp sẽ tiếp tục được cải thiện tích cực hơn trong quý 4/2023.

Trong thời gian tới, Vinamilk có kế hoạch chốt chi phí đầu vào trước khoảng một quý, do phí có thể được áp dụng thêm đối với thời gian chốt giá sữa đầu vào xa hơn do nguồn cung hạn chế và sự biến động của giá nguyên vật liệu.

Trong trung và dài hạn, Vinamilk sẽ đẩy mạnh việc tự chủ nguồn cung sữa nguyên liệu nhằm giảm bớt tác động từ thị trường thế giới lên chi phí đầu vào.

Tính đến cuối quý 3/2023, Vinamilk đang khai thác đàn bò có quy mô lớn nhất Việt Nam thông qua 14 trang trại trực tiếp vận hành trong nước (tổng quy mô 40.000 con bò) và 6.000 đối tác nông hộ độc quyền (tổng quy mô 100.000 con bò).

Vinamilk cũng cho biết đã bắt đầu khai thác nguồn sữa tươi từ 1.000 con bò tại tổ hợp trang trại Lao-Jagro (Lào) kể từ quý 3/2023. Vinamilk dự kiến sẽ tăng tổng số bò tại trang trại Lao-Jagro từ 2.500 lên 6.000 con trong năm 2024, và lên 8.000 con trong năm 2025.

Giá cổ phiếu VNM Vinamilk lãi ròng
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu VNM của Vinamilk từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: Giá đường thế giới lên đỉnh 12 năm, Đường Quảng Ngãi (QNS) thêm “vị ngọt” trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Về hoạt động của kênh xuất khẩu, trong quý 3 vừa qua, doanh thu xuất khẩu của Vinamilk đã tăng 5%, đạt 1.246 tỷ đồng, đóng góp 8% vào tổng doanh thu. Đại diện Vinamilk cho biết, động lực cho sự tăng trưởng này đến từ các thị trường truyền thống và mảng gia công xuất khẩu ngành hàng sữa đặc. Hiện các thị trường xuất khẩu chính của Vinamilk là Trung Đông và Đông Nam Á.

Vinamilk chia sẻ, một số thị trường truyền thống như châu Phi và Trung Đông đang có nhiều khó khăn, nhưng công ty vẫn nỗ lực đồng hành với đối tác nhập khẩu trong các hoạt động kinh doanh, cố gắng cung cấp hàng hóa đầy đủ, đảm bảo chất lượng và giá cả tốt nhất.

Bên cạnh đó, Vinamilk đã triển khai những giải pháp phù hợp để thúc đẩy nhóm sản phẩm xuất khẩu thế mạnh, đặc biệt là các sản phẩm mang thương hiệu Ông Thọ và Ngôi Sao Phương Nam. Trong đó, việc phát triển sản phẩm (như thay đổi quy cách đóng gói, đa dạng hương vị…) sẽ dựa trên xu hướng cũng như thói quen tiêu dùng tại từng địa phương, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng bản địa.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 8/11, cổ phiếu VNM đạt 71.400 đồng/cổ phiếu.

Duy Quang