Vinatex sẽ cung cấp ra thị trường 5 - 6 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn trong tháng 2

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết trong tuần từ ngày 3-16/2, Vinatex đã cung cấp ra thị trường khoảng 750.000 khẩu trang bằng vải dệt kim kháng khuẩn, và mỗi ngày sản xuất 10 tấn vải không dệt kháng khuẩn để cung ứng cho các đơn vị sản xuất khẩu trang sử dụng 1 lần (tương ứng khoảng 3 triệu chiếc khẩu trang 1 ngày).

Với sự chung sức, đồng lòng của các đơn vị thành viên, số lượng khẩu trang được Vinatex cung ứng ra thị trường ngày càng tăng, đáp ứng được cho nhiều người tiêu dùng hơn với số lượng hạn định 5 chiếc/lần mua. Mỗi ngày sản xuất 10 tấn vải không dệt kháng khuẩn để cung ứng cho các đơn vị sản xuất khẩu trang sử dụng 1 lần (tương ứng khoảng 3 triệu chiếc khẩu trang 1 ngày).

Khẩu trang do các doanh nghiệp thuộc Vinatex sản xuất sẽ được ưu tiên cung ứng cho các đơn hàng từ các tổ chức lớn các tỉnh thành trong cả nước và họ có trách nhiệm phân phối đúng đối tượng có nguy cơ cao, ưu tiên sử dụng khẩu trang trước, như y tế, quân đội, hàng không, ngân hàng, trường học… Chỉ 10% số lượng hàng sản xuất được đưa ra thị trường bán lẻ.

Tại 5 điểm bán lẻ của Vinatex trên thị trường Hà Nội, mỗi ngày cung ứng từ 3.000 – 6.000 khẩu trang, chỉ bán cho mỗi khách 5 chiếc, để đảm bảo trung bình mỗi ngày có 600 – 1.200 khách có thể mua được hàng. Trong những ngày tới, lượng hàng tiếp tục được cung ứng nên khách hàng có thể bình tĩnh đợi đến lượt mình mua hàng, không nên tích trữ, để dành cơ hội mua hàng cho những người khác.

Vinatex cung cấp ra thị trường
Vinatex sẽ cung cấp ra thị trường 5 - 6 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn trong tháng 2

Dự kiến trong tuần tới, từ 17-24/02/2020, số lượng khẩu trang được sản xuất sẽ được nâng cao do sự tham gia và tăng năng lực sản xuất khẩu trang của các đơn vị như May Nam Định, May Nhà Bè, May Hồ Gươm, Dệt May Huế… và do năng suất may khẩu trang sẽ phấn đấu đạt mức cao nhất.

Sở dĩ trong hai tuần vừa qua, số lượng khẩu trang hợp chuẩn ở tình trạng cung không đủ cầu vì khẩu trang không phải là mặt hàng Vinatex chuyên sản xuất, do đó khâu chuẩn bị sản xuất phải mất từ 3-5 ngày. Thêm vào đó, trong những ngày đầu sản xuất, Dệt Kim Đông Xuân và các đơn vị thành viên khác chỉ đạt chừng 1/6 công suất và đến ngày 10/02/2020 mới có thể đạt tối đa công suất (mỗi công nhân may được 400 khẩu trang/ngày).

Ngoài việc sản xuất khẩu trang, Dệt Kim Đông Xuân cũng khẩn trương sản xuất vải dệt kim kháng khuẩn với công suất dự kiến là 10 – 12 tấn/ngày. Tuy nhiên, công đoạn xử lý chất kháng khuẩn sẽ tốn thời gian và khó có thể làm nhanh. Vải sau sản xuất và xử lý kháng khuẩn sẽ được chuyển tới các đơn vị miền Bắc và miền Trung trong hệ thống doanh nghiệp may của Vinatex để sản xuất phục vụ nhân dân trong vùng.

Đồng thời, Dệt Kim Đông Xuân cũng đã chuyển giao công nghệ sản xuất vải dệt kim kháng khuẩn tiêu chuẩn Nhật Bản cho Công ty CP Dệt Kim Đông Phương với công suất 10 tấn/ngày để cung ứng vải cho các đơn vị may phía Nam. Đây là loại vải dệt kim kháng khuẩn sử dụng cho trẻ sơ sinh và trong bệnh viện mà Dệt Kim Đông Xuân đã hợp tác sản xuất cho Nhật Bản 30 năm qua.

Như vậy, tổng sản lượng sản xuất vải dệt kim kháng khuẩn của Dệt Kim Đông Xuân và Dệt Kim Đông Phương tuần qua đã đạt gần 20 – 24 tấn/ngày.

Trong tình trạng nhu cầu đơn hàng khẩu trang tăng đột biến lên gấp hàng trăm lần, các đơn vị sẽ không thể đáp ứng ngay lập tức được. Dự kiến, tính đến hết Tháng 02/2020, toàn Tập đoàn sẽ cung ứng ra thị trường 5,5 – 6 triệu sản phẩm khẩu trang sử dụng vải kháng khuẩn, cũng như cung ứng mỗi ngày 10 tấn vải không dệt để các đơn vị may khẩu trang y tế.

Theo kết luận của Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam tại hội nghị ngày 14.02.2020, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, do đó công tác sản xuất khẩu trang phục vụ thị trường vẫn phải được ưu tiên trong các đơn vị của Vinatex. Mỗi đơn vị cần tổ chức một vài chuyền sản xuất riêng khẩu trang để tăng năng lực sản xuất hơn nữa. Riêng trong Tháng 3.2020, tổng số lượng khẩu trang Vinatex và các ĐVTV cung ứng ra thị trường có thể tăng lên tới gần 12 triệu chiếc.

Thanh Xuân