Vinatex: Sẽ tập trung phát triển chuỗi cung ứng thời trang hiện đại

Đó là lời khẳng định của ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) trong buổi họp báo trao đổi về tình hình SXKD 6 tháng của Tập đoàn và đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong n

Toàn cảnh buổi họp báo
Tính đến hết tháng 6/2018, giá trị sản xuất công nghiệp của Vinatex đạt 20.515 tỷ đồng bằng 45,9% kế hoạch năm 2018, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng doanh thu đạt 22.365 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT) đạt 46,3% kế hoạch năm 2018 tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu tính đủ đạt 1.306,6 triệu USD, bằng 43,8% kế hoạch năm 2018, tăng 8,8% so với cùng kỳ 2017.

Trong đó, Thị trường xuất khẩu trọng điểm như Hoa Kỳ, các nước khối CPTPP, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN... đều tăng mạnh, tốc độ tăng vượt trội so với cùng kỳ năm 2017; các mặt hàng xuất khẩu bứt phá mạnh trong 6 tháng đầu năm 2018 là vải, áo thun, áo jacket, váy... Một số DN đạt kim ngạch XK điển hình là: Cty TNHH May Tinh Lợi, Tcty CP May Việt Tiến, Cty TNHH Regina Miracle, Cty TNHH Worldon (VN)...

Riêng về doanh thu nội địa tuy mới chỉ đạt được 6.053 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 26,9% trong tổng doanh thu, nhưng so với cùng kỳ năm 2017 tăng 26,9%. Các đơn vị điển hình đạt mức doanh thu nội địa cao trong 6 tháng đầu năm 2018 như các Tổng Công ty: Dệt may Miền Bắc: 2.057,1 tỷ đồng, Phong Phú đạt: 1.212 tỷ đồng, Việt Thắng: 664,5 tỷ đồng, May Việt Tiến: 559 tỷ đồng, May Nhà Bè: 265,7 tỷ đồng… Ngoài ra các các đơn vị như May 10; Dệt Nam Định, Dệt Hòa Thọ; Dệt kim Đông Phương; Dệt may Huế; Dệt Vĩnh Phúc, May Đáp Cầu đạt doanh thu nội địa từ 115 tỷ đồng -hơn 200 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay.

Ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Vinatex: Theo tình hình SXKD 6 tháng đầu năm, giá trị SXCN cả năm 2018 ước đạt 44750 tỷ đồng, tăng khoảng 9,8% so với kế hoạch. Doanh thu (chưa bao gồm VAT) ước đạt 48.325 tỷ đồng, tăng 8,7% so với kế hoạch đề ra.


Trao đổi thêm về vấn đề chiến lược phát triển thị trường nội địa, ông Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh, Viantex luôn khuyến khích các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, đặc biệt là các đơn vị thành viên trong khối tập đoàn phát triển các mặt hàng thế mạnh chủ lực để phục vụ đẩy mạnh thị trường trong nước.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Viantex đã cùng các đơn vị thành viên tích cực triển khai các giải pháp mạnh như: Đầu tư nâng cấp khâu thiết kế, tạo mẫu, chú trọng vào phom dáng, nghiên cứu cấu trúc vải, họa tiết thiết kế khác biệt giúp tạo nên ấn tượng về thương hiệu, đa dạng chủng loại sản phẩm, nâng cấp và phát triển trung tâm phân phối hàng dệt may Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả

Tại Trung tâm thời trang Viantex có địa chỉ tại 25 Bà Triệu, sau hơn 2 tháng nâng cấp sửa chữa, mở bán và khai trương, tổng doanh thu bán hàng đã đạt con số 25 tỷ đồng. Trung tâm đã thu hút khoảng 60 nhà cùng cấp mang thương hiệu dệt may Việt nổi tiếng trong và ngoài hệ thống Vinatex.

Từ mô hình phân phối tiện ích, hiệu quả này, Vinatex tiếp tục chỉ đạo nhân rộng, xây dựng thêm một trung tâm thời trang tại địa chỉ 57 Phan Chu Chinh (Hà Nội), Chủ trương của lãnh đạo Vinatex là xây dựng thành chuỗi trung tâm thương mại, thông minh, chuyên phân phối hàng dệt may thời trang thương hiệu thuần Việt. Đồng thời vận dụng phương thức phân phối theo hướng kinh doanh hiện đại, thông qua các kênh mua sắm trực tuyến và kênh mua sắm qua truyền hình, ông Cao Hữu Hiếu trao đổi thêm.

Những tháng cuối năm Viantex sẽ tập trung phát triển chuỗi cung ứng thời trang dệt may 


Ngoài ra, để phát triển mạnh hơn nữa thị trường nội địa, Viantex sẽ thực hiện các chính sách thu hút người tiêu dùng như khuyến mại, chăm sóc khách hàng, bán sản phẩm chất lượng cao, giá thành hợp lý, có chế độ bảo hành, tem nhãn, thương hiệu, xuất xứ rõ ràng nhằm nâng cao sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập, ngoài ra tạo những dòng sản phẩm (như sản phẩm khăn, vải, áo sơ mi..) có giá bán phù hợp đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng từ thành thị đến nông thôn trong cả nước.

Về lĩnh vực đầu tư trong 6 tháng đầu năm, Vinatex đã đầu tư 25 dự án (trong đó có 4 DA hoàn thành, 15 dự án chuyển tiếp và 6 dự án khởi công mới). Ngoài ra, các đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn cũng đã triển khai 25 dự án (trong đó có 1 dự án đầu tư nhà máy Sợi; 2 dự án đầu tư nhà máy Dệt nhuộm;1 dự án đầu tư nhà máy May; 12 dự án đầu tư chiều sâu, nâng cấp máy móc thiết bị và 9 dự án đầu tư khác).

Tin và ảnh: Thu Hoài