Theo nhận định của Bộ Công Thương, trong khi các thị trường khác trên thế giới đang có xu hướng bão hòa, thị trường châu Phi được đánh giá vẫn còn nhiều cơ hội và triển vọng đối với việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Xuất khẩu tăng tốc
Năm 2008, lần đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi vượt mốc 1 tỷ USD, tăng 95% so với năm 2007. Năm 2009, kim ngạch xuất khẩu sang châu Phi của Việt Nam đạt gần 1,6 tỷ USD. Dự kiến năm nay, xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi có khả năng đạt trên 1,6 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2009.

Các mặt hàng xuất khẩu của Việt nam sang châu Phi tập trung vào gạo, hàng điện tử và linh kiện, dệt may, sản phẩm cao su, giầy dép, cà phê, hải sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng và chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Đây cũng là những mặt hàng châu Phi có nhu cầu cao do phù hợp với thị hiếu tiêu dùng và yêu cầu về chất lượng không khắt khe. Trong đó, gạo vẫn là mặt hàng chủ lực, chiếm hơn 40% kim ngạch xuất khẩu.

Dự báo trong khoảng 5 năm tới, gạo vẫn là mặt hàng xuất khẩu số một của Việt Nam tại châu Phi do nhu cầu của thị trường này cao trong khi nguồn cung hạn chế. Mỗi năm, châu Phi phải nhập khẩu hơn 1 tỷ USD mặt hàng gạo. Các thị trường nhập khẩu gạo với số lượng lớn là Bờ biển Ngà, Senegal, Ghana, Angola, Kenya, Mozambique.

Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ ccs nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ và nhất là Trung Quốc do giá rẻ hơn, phù hợp với sức mua tiêu dùng bình dân ở châu Phi.

Trong số các mặt hàng xuất khẩu của Việt nam sang châu Phi hiện nay có 4 nhóm mặt hàng được đánh giá có tiềm năng xuất khẩu cao sang châu Phi, đó là xi măng, thuốc tân dược (vitamin, thuốc kháng sinh), hàng thực phẩm đóng gói (bột gia vị, mỳ ăn liền, sữa) và hóa chất dùng trong nông nghiệp.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi tăng liên tục trong 3 năm gần đây nhưng mới chỉ chiếm gần 2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Xét tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu của châu Phi trong năm 2009 mới chỉ chiếm 0,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của châu lục này.

Thuận lợi và khó khăn trong việc phát triển thị trường châu Phi.
Thuận lợi cơ bản là hàng hóa của Việt Nam đã bước đầu có chỗ đứng và tạo được uy tín đối với người tiêu dùng châu Phi. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam đã được mở rộng đến toàn bộ 53 quốc gia ở châu Phi. Trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang châu Phi, mặc dù vẫn chủ yếu là các mặt hàng nông sản nhưng trong thời gian gần đây cũng bắt đầu chuyển hướng sang các mặt hàng tiêu dùng và hàng điện tử gia dụng, máy móc thiết bị.

Ngoài mặt hàng gạo luôn chiếm vị trí chủ đạo, các nhóm hàng khác như dệt may, giầy dép, hạt tiêu, cao su và gần đây là nhóm hàng điện tử, máy móc, đồ nhựa, than đá đã có mặt và tạo chỗ đứng trên thị trường này. Việc đa dạng hóa cơ cấu xuất nhập khẩu sẽ giúp Việt nam chủ động trong chiến lược tiếp cận, mở rộng thị trường và sản xuất các mặt hàng mà Việt nam có lợi thế.

Bên cạnh đó, nhờ các chính sách cải cách kinh tế, điều chỉnh cơ cấu, chuyển sang kinh tế thị trường, đẩy mạnh hội nhập khu vực và quốc tế, kinh tế các nước châu Phi tăng trưởng tương đối nhanh trong thời gian vừa qua, thu nhập của người dân từng bước được cải thiện, môi trường kinh doanh đã từng bước được minh bạch hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp.

Về nhu cầu nhập khẩu, châu Phi là thị trường rộng lớn, nhu cầu về các loại hàng hóa lớn về khối lượng và đa dạng về chủng loại. Trước hết là nhu cầu về các loại máy móc thiết bị, nguyên vật liệu để phục vụ phát triển kinh tế. Tiếp đó là nhu cầu về lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng phục vụ đời sống nhân dân, đặc biệt trong bối cảnh dân số châu Phi đang tăng với tốc độ rất nhanh. Mặt khác, thị trường châu Phi không yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm hay về mẫu mã, vệ sinh và chưa có nhiều hàng rào kỹ thuật như ở các khu vực thị trường khác.

Về mặt khách quan, tình hình chính trị xã hội của các nước châu Phi mặc dù có nhiều tiến bộ với xu thế chung là đi dần vào ổn định, nhưng tại từng quốc gia vẫn tồn tại nhiều mâu thuẫn, xung đột nội bộ tiềm ẩn có nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng của châu Phi còn lạc hậu, hệ thống giao thông kém phát triển gây nên tình trạng cô lập cho các vùng sâu vùng xa, cản trở nhiều đến các hoạt động giao thương. Ngoài ra, năng lực tài chính của các phương thức thanh toán thường là trả chậm, gây khó khăn cho các đối tác nước ngoài khi muốn hợp tác kinh doanh với châu Phi.

Về quy mô thị trường, có thể nói nhu cầu của phần lớn các nước châu Phi là còn nhỏ, sức mua của người dân thấp, các chính sách kinh tế thương mại của nhiều nước thiếu minh bạch, không hiệu quả, gây tác động tiêu cực lên thị trường, đặc biệt là chính sách thay thế nhập khẩu, bảo hộ các ngành sản xuất kém hiệu quả trong nước bằng mức thuế nhập khẩu cao.

Một điều cũng cần được quan tâm là cạnh tranh trên thị trường châu Phi sẽ trở nên quyết liệt hơn vì nhiều nước đều coi châu Phi là thị trường tiềm năng cần được khai thác trong bối cảnh nhu cầu ở các thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, châu Âu suy giảm.

Giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Phi.
Để phát triển thị trường châu phi, cần có các giải pháp mạnh mẽ từ cả các cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp.

Thứ nhất, Nhà nước cần có định hướng chiến lược đối với việc phát triển thị trường châu Phi. Thông qua phát triển quan hệ chính trị, ngoại giao và kinh tế với các nước châu Phi, nhà nước cần thiết lập môi trường kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp có điều kiện thâm nhập thị trường châu Phi.

Thứ hai, nhà nước cần sử dụng linh hoạt các công cụ hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp với đặc điểm thị trường châu Phi. Trong đó, chú ý đến việc hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ tài chính, vì đây là những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp khi kinh doanh tại thị trường châu Phi.

Thứ ba, về phía các doanh nghiệp, cần hết sức nỗ lực trong việc thâm nhập thị trường, nghiên cứu kỹ nhu cầu và thị hiếu của thị trường châu Phi để tạo ra được những sản phẩm phù hợp, có sức cạnh tranh về chất lượng và giá thành. Để tiếp cận thị trường châu Phi doanh nghiệp cần phải kiên trì, linh hoạt do thị trường châu Phi có tính thay đổi cao và ít tính nhất quán.

Trong giai đoạn 5 năm tới (2011 – 2015), để hàng hóa của Việt Nam tiếp tục có chỗ đứng vững chắc tại thị trường châu Phi, tiến tới nâng dần tỷ trọng xuất khẩu của Việt nam thông qua việc tranh thủ khai thác tiềm năng nhập khẩu của thị trường này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên vừa phê duyệt đề án “Phát huy khả năng của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tổng hợp đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Phi”.

Theo đó, các doanh nghiệp được lựa chọn làm đầu mối xuất khẩu sang thị trường châu Phi sẽ có cơ chế hỗ trợ riêng. Mỗi doanh nghiệp đầu mối chỉ tập trung vào phần thị trường mà mình có năng lực cạnh tranh và thế mạnh sản phẩm, tránh tình trạng cạnh tranh lẫn nhau.

Bộ Công Thương sẽ lựa chọn những doanh nghiệp có kinh nghiệm xuất nhập khẩu với thị trường châu Phi, có năng lực tài chính tốt, đảm bảo thực hiện các hợp đồng xuất khẩu lớn, có chức năng xuát khẩu tổng hợp nhằm hạn chế rủi ro có thể xảy ra ở mức thấp nhất.

  • Tags: