VPI và GICON® hợp tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới ở Việt Nam

Ngày 29/3/2021, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) và Großmann Ingenieur Consult GmbH (GICON®) đã tổ chức trực tuyến Lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tiến sĩ Hagen Hilse - Giám đốc điều hành GICON® và Tiến sĩ Nguyễn Anh Đức - Viện trưởng VPI.
vpi
Tiến sĩ Hagen Hilse - Giám đốc điều hành GICON và Tiến sĩ Nguyễn Anh Đức - Viện trưởng VPI ký Biên bản ghi nhớ

VPI và GICON® sẽ hợp tác nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới ở Việt Nam, trọng tâm là sản xuất điện gió ngoài khơi và sử dụng khi không được huy động để sản xuất hydro bằng nước biển; sử dụng công nghệ sinh học và điện phân nước để chuyển hóa sinh khối thành methane sinh học.

Hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, trọng tâm là quản lý năng lượng (lập kế hoạch, cung cấp các giải pháp tối ưu hóa năng lượng); công nghệ sản xuất hydro và điện từ nguyên liệu tái tạo và khí sinh học; nghiên cứu đa dạng sinh học; đánh giá độc tính sinh thái.

Giáo sư, Tiến sĩ Jochen Grossmann - Chủ tịch GICON® cho biết sẽ tăng cường hợp tác nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm với VPI trong các lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo (từ gió, mặt trời và sinh khối), quản lý năng lượng, công nghệ xử lý chất thải, công nghệ sinh học (như hệ thống lên men kỵ khí và phản ứng quang sinh, nghiên cứu đa dạng sinh học và đánh giá độc tính môi trường)... GICON® đang sở hữu số lượng lớn bằng sáng chế, đặc biệt là các công nghệ năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường. GICON® quan tâm đến việc áp dụng và tiếp tục triển khai các công nghệ này tại Việt Nam cùng với đối tác VPI.

vpi 1
Tiến sĩ Phan Ngọc Trung - Thành viên HĐTV PVN phát biểu tại Lễ ký kết.

Tiến sĩ Phan Ngọc Trung - Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết chuyển dịch năng lượng là xu hướng lớn, mang tính cách mạng, dự báo có quy mô và tác động lớn trên toàn thế giới.

Trong chiến lược xây dựng hệ sinh thái sáng tạo cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, VPI được giao trọng trách đóng vai trò hạt nhân, liên kết với các tổ chức/cá nhân trên thế giới để nghiên cứu phát triển, cung cấp các sản phẩm, giải pháp công nghệ mới, đột phá để nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh cho các đơn vị trong ngành Dầu khí Việt Nam.

Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đánh giá cao các ý tưởng, kế hoạch về việc phối hợp triển khai chương trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đào tạo của VPI và GICON®.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Đức - Viện trưởng VPI cho biết Diễn đàn đổi mới sáng tạo và kinh tế Đức - Việt là cầu nối cho sự hợp tác giữa VPI and GICON: "Chúng tôi kết hợp thế mạnh của GICON® trong nghiên cứu, phát triển và kỹ thuật với sự am hiểu của VPI về điều kiện đặc thù ở khu vực Đông Nam Á, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Sản xuất điện và hydro xanh là chủ đề của tương lai mà chúng tôi lên kế hoạch triển khai các dự án thử nghiệm để tìm ra các công nghệ/giải pháp tối ưu”.

GICON® là tập đoàn quốc tế (có trụ sở chính tại Dresden, Đức và văn phòng đại diện tại châu Mỹ, châu Âu, châu Á), cung cấp dịch vụ tư vấn và kỹ thuật, nghiên cứu phát triển, xây dựng dự án. Trong đó, GICON® cung cấp dịch vụ tư vấn và giải pháp kỹ thuật cho các lĩnh vực hoạch định hệ thống kinh doanh, môi trường, quản lý tài nguyên đất và nước, công nghệ năng lượng, công nghệ thông tin...

 Với sự hợp tác của các tổ chức nghiên cứu quốc tế, các nghiên cứu toàn diện được GICON® thực hiện nhằm đảm bảo sự đổi mới cần thiết cho GICON® và cho chính khách hàng. GICON® có thể tự phát triển các nghiên cứu mới cho đến khi sẵn sàng đưa vào sản xuất, giới thiệu ra thị trường và tự sản xuất sản phẩm độc quyền.

Được thành lập năm 1978, VPI là đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam). Các kết quả nghiên cứu của VPI là cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách, chiến lược, quyết định của PVN và tư vấn cho Nhà nước trong các hoạt động dầu khí, bao gồm tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, an toàn và môi trường, kinh tế và quản lý dầu khí.

Sứ mệnh của VPI là trở thành hạt nhân đổi mới sáng tạo, tiên phong từ nghiên cứu, đến triển khai và sản xuất; cung cấp các chuyên gia có trình độ cao và tận tâm, đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển bền vững của Việt Nam và hội nhập vào ngành năng lượng toàn cầu.

Chỉ tính riêng trong lĩnh vực kinh tế quản lý dầu khí, VPI đang tập trung rà soát, xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển ngành Dầu khí Việt Nam; lập, thẩm định, phản biện các báo cáo kế hoạch phát triển mỏ (ODP, FDP); nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách quản lý Nhà nước trong các hoạt động dầu khí; phân tích, dự báo thị trường dầu khí và năng lượng; lập, thẩm định các định mức kinh tế kỹ thuật; nghiên cứu, tư vấn về quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro…

Trong giai đoạn 2020 - 2025, VPI đặt mục tiêu triển khai thành công tối thiểu 4 chương trình nghiên cứu dài hạn để tạo ra các sản phẩm/giải pháp khoa học công nghệ, đón đầu các xu hướng chính trên thế giới (chuyển dịch năng lượng, kinh tế số); đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ/sản phẩm khoa học công nghệ (sáng kiến, sáng chế, giải pháp, bản quyền tác giả) tăng trưởng 10%/năm, có tối thiểu 2 phát minh sáng chế quốc tế; thử nghiệm áp dụng tối thiểu 5 công nghệ mới trên thế giới; thương mại hóa tối thiểu 3 sản phẩm khoa học công nghệ.

Nguyên Hà