"Vững thêm bước chân đi vào lò…"

Theo thống kê của TKV, mỗi năm có hàng nghìn thợ lò bỏ việc. Thế nhưng, đó chỉ là con số ít so với hàng vạn thợ mỏ vẫn ngày đêm đang hăng say làm việc, chinh phục những đường lò. Với họ tình yêu mỏ, sự hy sinh, cống hiến lớn hơn nhiều những lo lắng. Đã có không ít thợ thành công với nghề. Điều đó chứng tỏ, nghề mỏ vẫn có sức hút.

Đến với mỏ từ những… câu thơ

Anh Phạm Văn An đã đến với mỏ qua những...câu thơ.

 

Ngầm trong lòng đất/ Ở mãi hầm sâu/ Ơi chú thợ mỏ/ Chú đi về đâu/ Chú có mỏi mắt/ Chú có mỏi người/ Mà sao cháu thấy/ Chú vẫn vui cười…”. Trên con đường lò sâu hun hút ở mức -300m, chỉ có ánh sáng đèn lò trên mũ dọi chiếu từng bước chân, chúng tôi lội qua những rãnh, hố nước, đường ray xe goòng vào gương sản xuất, anh Phạm Văn An (SN 1972, Tổ trưởng Tổ đào lò, Công trường Kiến thiết cơ bản 2, Công ty CP than Hà Lầm - Vinacomin) đã đọc cho tôi lời thơ ấy. Anh không nhớ những câu thơ ấy của ai, nhưng nó đã theo anh suốt từ thời còn học lớp 1 cho đến bây giờ. Hình ảnh chú thợ mỏ, ánh đèn lò trên mũ, đẩy chiếc xe goòng sâu trong lòng đất với cậu bé An khi ấy có gì đó bí ẩn, ấn tượng, có sức thu hút...

Thợ lò Phạm Văn An bên chiếc xe Benelli.

 

Rồi trong một lần từ làng quê Tứ Kỳ, Hải Dương ra thăm phố mỏ, anh được theo dì ruột đi làm ở mỏ Hà Lầm, được tiếp xúc với những anh thợ lò, được nói chuyện và nghe họ kể về mỏ. Tình yêu mỏ cứ thế lớn dần lên. Để rồi, sau này anh quyết định xin vào làm việc ở Công ty than Hà Lầm. Ban đầu anh được bố trí sàng than; 3 năm sau được Công ty cho đi học đào tạo. Năm 1996 anh chính thức thực hiện được ước mơ trở thành thợ lò. Nghề thợ mỏ khi ấy mỗi tháng chỉ thu nhập 300.000 đồng. Không đủ trang trải cuộc sống, anh phải đi làm thêm ở xưởng cơ khí. Có những đồng nghiệp của anh tăng ca làm than “thổ phỉ”; nhiều người khác thì bỏ việc. Còn anh vẫn quyết tâm gắn bó với tình yêu nghề mỏ của mình...

Một luồng gió mát xua tan cái oi bức dưới đường lò -300. Bụi sục lên. Câu chuyện của chúng tôi gián đoạn vì tiếng ồn và hơn chục người phía trước. Thấy tôi tỏ ra lo ngại, đồng chí Trưởng Phòng An toàn đi cùng, giải thích: “Không có gì đâu, nhà báo cứ yên tâm tiến quân vào lò. Chỉ là ống thông gió bị “châm kim” nên các thợ lò đang “khâu” lại thôi”.

Phó Bí thư Đảng ủy Công ty CP than Hà Lầm Vũ Đình Rạo (thứ 2, phải sang) xuống lò động viên công nhân dịp Tháng Công nhân năm 2019.

 

Qua đoạn ống thông gió “châm kim”, đường lò trở nên tĩnh lặng. Anh An bảo: “Sự cố dưới hầm lò thì không ai biết trước được. Nhưng hiện mỏ Hà Lầm đã đầu tư cơ giới hóa, nên các tai nạn, rủi ro giảm nhiều. Trong hiểm nguy mới thấu hiểu được tinh thần kỷ luật và đồng tâm của người thợ mỏ”. Anh kể, hồi xảy ra sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng (tỉnh Lâm Đồng) năm 2014, anh An cùng một số đồng nghiệp của Than Hà Lầm được lãnh đạo đề xuất tham gia đội cứu hộ. Các anh đều đồng ý ngay, dù biết vào chỗ hiểm nguy, dù phía sau ai cũng có một gia đình. Khi đó, anh có cậu con trai đang chờ bàn tay chăm sóc của bố, vì vợ anh đã mất do căn bệnh ung thư. Vì thế, anh càng thấu hiểu nỗi đau mất người thân. “Nếu 12 công nhân đang gặp nạn trong hầm Đạ Dâng không trở về thì người thân của họ sẽ ra sao? Tôi chỉ nghĩ như vậy và sẵn sàng lên đường” - Anh An tâm sự.

Khi vào trong đó, nhóm của anh đã gặp bác Đoàn Kiển, nguyên Chủ tịch TKV, cũng vào trợ giúp cứu hộ. Điều mà anh An cùng các đồng nghiệp khâm phục là dù bác đã nghỉ hưu nhưng vẫn không ngại hiểm nguy, lên đường tham gia ứng cứu. Anh An nói: “Thợ mỏ chúng tôi lấy đó là tấm gương trong tinh thần kỷ luật - đồng tâm”.

Cũng vì tinh thần đó, nên có thời điểm Công trường của anh An gặp diện khai thác phức tạp, dù có cơ hội để chuyển sang công trường mới, thu nhập cao hơn, nhưng anh vẫn quyết ở lại, cùng đồng đội khắc phục khó khăn. Anh luôn tâm niệm, muốn có quả ngọt phải biết hy sinh, sống bằng nghề phải trăn trở với nghề. Chính vì thế, anh có rất nhiều sáng kiến được áp dụng vào sản xuất.

Thành công từ nghề mỏ

Qua câu chuyện của anh An, tôi được biết, có những đồng nghiệp năm xưa của anh đã từng rời mỏ, họ cũng rất tiếc. Bởi ít ở đâu có thu nhập cao, được chăm lo đời sống như ở ngành Than, điều kiện làm việc thì ngày càng được quan tâm, cải thiện.

Phó Bí thư Đảng ủy Công ty CP than Hà Lầm, phấn khởi khoe: “Ở Than Hà Lầm, nhiều người thu nhập đạt mức trên 300 triệu đồng/năm. Như anh An đây có thu nhập tới 417 triệu đồng/năm, lọt top 5 người có thu nhập cao nhất Công ty và trong nhóm cao nhất của Tập đoàn”.

Trong 25 năm chinh phục các đường lò, anh An đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Công Thương, được cử đi học ở Nhật Bản…Vừa qua, anh vinh dự là một trong số gần 1.000 công nhân cả nước tham dự chương trình Thủ tướng gặp gỡ công nhân, lao động kỹ thuật cao. “Nhà cửa thì khang trang ở phố Đoàn Kết, Hà Lầm, con trai đang làm việc bên Nhật, tậu được chiếc xe Benelli 600 phân phối. Giờ cậu ấy chỉ mong có người chờ đợi mình sau mỗi giờ tan ca thôi…”, Phó Bí thư Đảng ủy Công ty nói, hướng ánh mắt về phía anh An.

Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam và TKV đi xe song loan thăm thợ mỏ Than Hà Lầm.

 

Trong Tháng Công nhân 2019, tôi đã được trò chuyện với Hoàng Công Dương, thợ đào lò “khỏe” nhất Công ty CP than Núi Béo, thu nhập gần nửa tỷ đồng/năm; thợ lò Nguyễn Văn Phiên, 3 tháng đầu năm nay thu nhập gần 100 triệu đồng (chưa tính thưởng), cao nhất Công ty than Dương Huy; Bùi Hữu Trạm, Công ty CP than Đèo Nai, thợ khoan “khỏe” nhất ngành Than…Họ "từ muôn phương tới" (như lời một bài hát), nhưng đã gặt hái được những thành công trong nghề mỏ, được các cấp khen thưởng, xây dựng được nhà cửa khang trang ở Vùng mỏ… mà nhiều người mơ ước. Có những thợ lò đã vươn lên giữ những vị trí cao trong công ty, trong Tập đoàn. Hành trình chinh phục những đường lò vô cùng gian khó, có cả máu và nước mắt, nhưng những gì họ cống hiến đều nhận được thành quả xứng đáng.

Qua nửa giờ đồng hồ đi bộ tới gương sản xuất, anh An giới thiệu cho chúng tôi những máy khoan, máy xúc, máy khấu và những trang thiết bị công nghệ hiện đại đang được Than Hà Lầm áp dụng vào sản xuất. Các đơn vị của ngành Than đang tập trung hiện đại hóa, cơ giới hóa các hầm lò, nên người lao động đỡ tốn sức hơn, nhưng năng suất cao hơn, hạn chế được nhiều rủi ro.

Tôi còn nhớ, nguyên Giám đốc Công ty CP than Hà Lầm Ngô Thế Phiệt, nay là Giám đốc Công ty CP than Núi Béo, từng chia sẻ: “Khi gặp thợ lò, chúng tôi luôn bắt tay họ. Bắt tay để biết tay họ mềm hay cứng. Nếu cứng là điều kiện làm việc của họ vẫn còn vất vả lắm. Và chúng tôi cần phải làm nhiều hơn nữa, đầu tư công nghệ nhiều hơn để cải thiện điều kiện làm việc cho thợ mỏ. Đặc biệt, chúng tôi phải làm thay đổi tư duy từ bị động sang chủ động, tức thay vì thợ lò bỏ việc thì sẽ làm cho thợ lò bám mỏ”.

Thợ mỏ Hà Lầm hiện khai thác than với trang thiết bị công nghệ hiện đại.

 

Với quyết tâm ấy của lãnh đạo Tập đoàn, các đơn vị ngành Than, từ công nghệ khai thác còn lạc hậu, hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp, công nghệ khai thác than chủ yếu phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài, thì nay thợ lò đã làm chủ những công nghệ tiên tiến, hiện đại, đồng bộ trong khai thác, vận chuyển, chế biến, cảnh báo an toàn lao động, cấp cứu mỏ. Điển hình, như hệ thống giàn chống thủy lực, vì neo, máy đào com-bai, băng chuyền vận chuyển, lò giếng đứng sâu trên 300m…mở ra lộ trình phát triển ngành Than bền vững. Đến nay, ngành Than đã đạt sản lượng khai thác gấp 7-8 lần so với 50 năm trước, đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu. So với năm 1995 (năm đầu thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam), đến nay tổng doanh thu toàn Tập đoàn tăng gấp 61 lần; vốn chủ sở hữu tăng gấp 40 lần; nộp ngân sách nhà nước tăng gấp 137 lần.

Sản xuất phát triển đi cùng với chăm lo đời sống thợ lò. Nhiều đơn vị đã xây chung cư cao tầng hiện đại đầy đủ tiện nghi, đáp ứng chỗ ở cho người lao động. Thợ mỏ được ăn cơm tự chọn hàng chục món, uống sinh tố, ăn chè, được phục vụ tắm giặt tại chỗ; được đi du lịch trong và ngoài nước hằng năm; thu nhập ngày càng cao, số thợ lò thu nhập bình trên 300 triệu đồng/năm tăng nhiều so với trước đây…Nhiều đơn vị có các chính sách ưu đãi riêng cho thợ lò.

Trên chuyến xe song loan rời mỏ Hà Lầm hôm ấy chúng tôi đã cùng nhau ca vang bài hát “Khi chúng tôi vào lò” của Nhạc sĩ Trần Chung. “…Khi chúng tôi vào lò, thấy càng yêu cuộc sống. Vùng than ơi Vùng than. Năm tháng qua đi, bao nhiêu mùa than sẽ chiến thắng, lứa tuổi chúng tôi từ muôn phương tới, với tình yêu thủy chung. Vững thêm bước chân đi vào lò…”. Vâng, chính sự quan tâm của lãnh đạo Tập đoàn, của các đơn vị ngành Than cùng với tình yêu nghề mỏ, sự đam mê, cống hiến của những người thợ đã trở thành động lực làm cho những bước chân thêm vững khi vào lò!