Vượt rào cản kỹ thuật tăng tốc xuất khẩu vào Hoa Kỳ

Là thị trường lớn đang có nhu cầu cao NK nhiều mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, song Hoa Kỳ cũng là thị trường “khó tính” bậc nhất thế giới. Muốn đẩy mạnh XK vào Hoa kỳ, DN cần nỗ lực vượt các rào cản kỹ thuật, đặc biệt là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời linh hoạt trong xúc tiến thương mại, tận dụng tốt kênh thương mại điện tử.
do go
Xuất khẩu đồ gỗ nột thất của Việt Nam vào Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây

 

Nông sản, đồ gỗ nhiều cơ hội

Theo ông Bùi Huy Sơn, Tham tán Công sứ, Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, nền kinh tế Hoa Kỳ đang trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng kinh tế quốc nội (GDP) quý 3/2021 đạt 4,9%. Đây là thị trường NK lớn có sức mua cao, đồng thời có xu hướng tăng cả về giá cũng như quy mô.

Môi trường chính sách, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đang có nhiều thuận lợi cùng với nhu cầu và tập quán tiêu dùng phong phú theo thu nhập, đặc trưng văn hóa vùng miền tạo nên dư địa lớn cho các DN Việt Nam khai thác có hiệu quả. Ngoài ra, lực lượng người Việt đông đảo chính là cầu nối, là nhóm khách hàng quan trọng của hàng hóa Việt Nam.

Các DN cần tạo sự khác biệt cho sản phẩm thông qua chiến lược thiết kế, công tác đánh giá và marketing sản phẩm làm cho thương hiệu sản phẩm của DN nổi trội hơn hẳn so với các thương hiệu khác trong cùng loại mặt hàng.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy: Tính đến hết tháng 10/2021, tổng kim ngạch trao đổi thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ đạt 89,6 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam XK sang Hoa Kỳ 76,7 tỷ USD (tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2020; chiếm tỷ trọng 28,4% tổng kim ngạch XK); NK từ Hoa Kỳ 12,9 tỷ USD (tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm tỷ trọng 4,8% tổng kim ngạch NK).

Ở góc độ mặt hàng, ông Bùi Huy Sơn thông tin thêm: Hoa Kỳ đang NK khá nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm và đồ gỗ nội thất của Việt Nam. Với nông sản, thực phẩm, 10 tháng năm 2021 chỉ gạo và cà phê của Việt Nam XK sang Hoa Kỳ có kim ngạch giảm, các mặt hàng còn lại đều tăng. “Về dài hạn, nhu cầu nhóm nông sản, thực phẩm của Hoa Kỳ tiếp tục tăng, cơ cấu không thay đổi nhưng số lượng tăng đáng kể từ năm 2021- 2025”, ông Sơn nói.

Đáng chú ý, nhóm hàng đồ gỗ nội thất của Việt Nam đã có chỗ đứng tại thị trường Hoa Kỳ. Triển vọng XK mặt hàng này sang Hoa Kỳ tháng cuối năm rất khả quan do nhu cầu mua sắm cho dịp nghỉ lễ. Bên cạnh đó, bối cảnh người dân quen dần với làm việc tại nhà, nhu cầu mua sắm đồ nội thất phục vụ sinh hoạt tăng lên cũng dẫn đến cầu mặt hàng này tăng lên.

Phân tích sâu về thị trường thực phẩm khu vực miền Tây của Hoa Kỳ, ông Trần Minh Thắng, Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco thông tin: Khu vực này tập trung nhiều siêu thị lớn như Safeway, King Soopers, Albertsons, Sprouts Famers Market…. Thị trường người Hoa Kỳ gốc Việt tại đây cũng tương đối lớn với 2,18 triệu người, sức mua đạt 57 tỷ USD, thói quen tiêu dùng rất gần với người Việt Nam. Đây là một kênh hữu hiệu giúp hàng hoá Việt thâm nhập sâu vào thị trường khu vực miền Tây Hoa Kỳ.

Đáp ứng tốt yêu cầu an toàn thực phẩm

Dù có nhu cầu cao, sức tiêu thụ lớn nhưng ông Bùi Huy Sơn cũng chỉ rõ, Hoa Kỳ là một trong những thị trường “khó tính” bậc nhất trên thế giới, yêu cầu rất cao về an toàn vệ sinh thực phẩm, các rào cản kỹ thuật về lao động, môi trường. Hệ thống quy chuẩn an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ được xây dựng ở cả cấp bang, liên bang, do vậy đòi hỏi sự nghiên cứu công phu và kỹ lưỡng mới có thể hiểu, thực hiện và đáp ứng được. Bên cạnh đó, hàng hóa Việt Nam phải cạnh tranh với các nhóm hàng khác được sản xuất ngay tại Hoa Kỳ hay từ các đối thủ khác đến từ châu Á, Nam Mỹ, thậm chí là châu Phi.

Với riêng mặt hàng gỗ, theo ông Bùi Huy Sơn, khoảng cách địa lý xa, chi phí vận tải tăng cao do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp cùng với việc chính quyền Hoa Kỳ hiện chú trọng các yêu cầu thân thiện môi trường, đặc biệt đến vấn đề khai thác gỗ, nguồn gốc gỗ cũng là những thách thức đặt ra.

Lãnh đạo 1 DN nhiều năm XK trái cây vào thị trường Hoa Kỳ cho biết, XK hàng hóa sang Hoa Kỳ phải tính đến chuyện 5-10 năm, rất khó để trong một thời gian ngắn có thể đứng vững tại thị trường này. Hơn nữa, việc kiểm tra chất lượng sản phẩm phải thường xuyên, liên tục để đảm bảo sản phẩm không bị vượt ngưỡng cho phép các loại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Công nghệ bảo quản sản phẩm của nhà sản xuất cũng cần được nghiên cứu, nâng cấp giúp hàng hoá có thể vận chuyển bằng đường biển thay cho đường hàng không như hiện nay nhằm giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Nhấn mạnh vào yếu tố đồng nhất về sản phẩm trái cây XK sang nhiều thị trường “khó tính”, trong đó có Hoa Kỳ, đại diện Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên (Cần Thơ) nêu vấn đề, hiện nay người dân cũng như các hợp tác xã đang gặp khó khăn trong việc sản xuất một quy trình đồng nhất, các xã viên chưa có liên kết với nhau. Trong khi đó, các DN rất cần những quy mô vùng sản xuất lớn với một quy trình được thống nhất. “Ví dụ, sản phẩm bưởi da xanh của Trung Quốc có chất lượng tốt, XK đi châu Âu 10 triệu tấn/năm.

Nếu người dân và các hợp tác xã thực hiện đúng việc đồng nhất quy trình sản xuất, chúng tôi hoàn toàn tự tin có thể cạnh tranh được những sản phẩm trái cây chất lượng đó tại các thị trường “khó tính” như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản”, đại diện Công ty Đại Thuận Thiên khẳng định.

Bên cạnh câu chuyện chất lượng sản phẩm, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, để hàng Việt thâm nhập thành công thị trường Hoa Kỳ cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thiết lập hệ thống phân phối; tích cực liên kết với các các hiệp hội, DN gốc Việt tại các bang của Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, xu hướng mua sắm online đã trở nên rất phổ biến. DN Việt Nam có thể tận dụng các kênh thương mại điện tử lớn như Amazon nhằm quảng bá giới thiệu sản phẩm.