Vượt thoát dịch bệnh bằng du lịch thông minh?

Du lịch thông minh hỗ trợ doanh nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp và kéo dài như hiện nay.
trải nghiệm phương thức, tiện tích du lịch trực tuyến của đơn vị mạng xã hội du lịch Hahalolo.
Du khách trải nghiệm phương thức, tiện tích du lịch trực tuyến của đơn vị mạng xã hội du lịch Hahalolo.

Kết luận cuộc họp mới đây với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đẩy mạnh xã hội hóa để huy động sức mạnh tổng hợp cho phát triển văn hóa và nâng cao giá trị con người.

Thủ tướng nêu rõ, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khác của ngành văn hóa, thể thao và du lịch là tập trung nguồn lực thỏa đáng, phát triển các lĩnh vực nghệ thuật, nhất là các loại hình nghệ thuật thúc đẩy phát triển nền văn hóa dân tộc và phát huy giá trị con người Việt Nam. Chủ động, sáng tạo triển khai các giải pháp để duy trì sản xuất, kinh doanh, không làm đứt gãy các chuỗi sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ du lịch, duy trì ổn định tình hình kinh tế - xã hội.

Bảo đảm tuân thủ giải pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc “5k + vaccine” và tích cực ứng dụng công nghệ rộng rãi, chặt chẽ để duy trì, ổn định hoạt động du lịch, bảo đảm thích ứng với điều kiện dịch bệnh và sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh hậu COVID-19. Chú trọng phát triển các lĩnh vực như du lịch thông minh…

Theo các chuyên gia, thành tựu của công nghệ thông tin (CNTT) giúp ngành Du lịch trong nước có cơ hội tối ưu hóa hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá, mở rộng thị trường, phát triển du lịch trực tuyến, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng thương hiệu du lịch. Những cơ hội mới đặt ra cho ngành Du lịch yêu cầu cần chuyển đổi phù hợp với xu hướng phát triển du lịch thông minh trong khi dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường.

Sự phát triển công nghệ thông minh sẽ tạo điều kiện cho các thành phố lớn trở thành các khu đô thị thông minh. Các đô thị lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… nên đầu tư phát triển hệ thống thông tin thông minh để xây dựng từng thành phố như là một điểm đến và là cơ sở tạo ra trải nghiệm du lịch tốt hơn.

Tuy vậy, cũng theo các chuyên gia du lịch, điều quan trọng làm nên thương hiệu du lịch của mỗi đất nước vẫn là du lịch khám phá, trải nghiệm di sản, văn hóa. Việc khai thác những địa danh, công trình, kiến trúc cổ có giá trị văn hóa, lịch sử, kết hợp với công nghệ cao sẽ tạo nên sản phẩm du lịch thông minh và phát triển bền vững.

Ỏ Việt Nam, gần như 100% doanh nghiệp du lịch đã có website để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Các khách sạn, nhà hàng, điểm vui chơi đã có wifi miễn phí và dịch vụ này đang được nhiều địa phương thực hiện. Nhiều di tích đã ứng dụng robot thuyết minh đa ngôn ngữ.

Để hỗ trợ hoạt động du lịch của du khách, các địa phương cũng đã nghiên cứu, sản xuất và đưa vào sử dụng nhiều phần mềm, tiện ích thông minh, nhất là các tỉnh, thành phố lớn được coi là những trung tâm du lịch của cả nước.

Một số tiện ích về bản đồ, tìm đường, trạm xe buýt... cũng đã được nghiên cứu, sản xuất và đưa vào sử dụng. Nhiều điểm trên địa bàn thuộc các quận trung tâm Thủ đô đã lắp đặt trạm phát wifi miễn phí như khu vực quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, các khu phố cổ, đường hoa, chợ hoa, công viên, bến xe, tuyến xe buýt...

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia nghiên cứu, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng rất nhanh nhạy, tích cực tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư để theo kịp xu hướng kinh doanh mới, đáp ứng nhu cầu du lịch đa dạng của du khách. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động cải tiến để trở thành doanh nghiệp thông minh.

Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết, một số vấn đề đặt ra với du lịch Việt Nam hiện nay đó là: công tác xúc tiến quảng bá chưa hiệu quả; nhiều sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn; chất lượng dịch vụ du lịch ở nhiều điểm đến chưa đáp ứng yêu cầu; hiệu lực và hiệu quả của quản lý nhà nước về du lịch chưa cao… Tuy nhiên, thúc đẩy du lịch thông minh có thể góp phần giải quyết các vấn đề này.

Công nghệ mới sẽ tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng trải nghiệm cho khách tại điểm đến. Công tác quản lý nhà nước về du lịch sẽ thay đổi phương thức theo hướng hiệu quả hơn, còn các doanh nghiệp du lịch sẽ được nâng cao sức cạnh tranh. Du lịch thông minh cũng hỗ trợ doanh nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp và kéo dài như hiện nay.

Du lịch thông minh là hành động của các công ty du lịch sử dụng công nghệ và ứng dụng vào thực tiễn để tăng cường quản lý tài nguyên và tính bền vững, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Định Công