WSA: Sản lượng thép thô toàn cầu sẽ tăng lên trong những tháng tới đây

Hiệp hội Thép Thế giới cho biết sản lượng thép thô toàn cầu trong tháng 4/2021 đã tăng mạnh 23% so với cùng kỳ năm ngoái và dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục tăng lên trong những tháng tới khi nhu cầu sử dụng tăng và giá thép neo ở mức cao.
Sản xuất thép
Sản lượng thép thô toàn cầu trong tháng 4/2021 đã tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái (Ảnh: Recharge News)

Dữ liệu mới nhất của Hiệp hội Thép Thế giới (WSA) cho thấy sản lượng thép thô trên toàn cầu trong tháng 4 vừa qua đạt 169,5 triệu tấn, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. WSA lưu ý tốc độ tăng trưởng thép toàn cầu hàng năm đã bị phóng đại do hầu hết các hoạt động sản xuất thép trên toàn cầu đều bị đình trệ hồi tháng 4/2020 khi đại dịch Covid-19 lan rộng ra toàn cầu.

Số liệu của WSA cho thấy mặc dù sản lượng thép của Ấn Độ đã giảm xuống trong tháng trước do đại dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng nước này nhưng sản lượng thép của Trung Quốc, Nga và Brazil đã tăng mạnh, góp phần đẩy tổng sản lượng thép thô toàn cầu tăng lên. So với hồi tháng 4/2020 thì sản lượng thép của Ấn Độ trong tháng 4/2021 đã giảm 14,4% và sản lượng thép của Liên minh Châu Âu đã giảm 2%.

Nếu so với hồi tháng 3/2021, sản lượng thép toàn cầu trung bình ngày trong tháng 4/2021 đã tăng 3,5%. WSA dự báo sản lượng thép thô trên toàn cầu sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia nới lỏng các biện pháp kiểm soát đại dịch Covid-19 và giá thép quốc tế neo ở mức cao sẽ khuyến khích các nhà máy gia tăng sản lượng.  

Bất chấp việc Chính phủ Trung Quốc siết chặt các biện pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường, bao gồm các hoạt động sản xuất thép, sản lượng thép thô của Trung Quốc trong tháng 4/2021 tăng tới 7,5% so với hồi tháng 3/2021. Trung Quốc hiện là quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới.

Nhằm đối phó với tình trạng giá thép và giá quặng sắt liên tục tăng cao trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ Trung Quốc đã phải áp đặt một số biện pháp hạn chế xuất khẩu thép thành phẩm và siết chặt quy định giao dịch thép, quặng sắt trên thị trường hàng hoá.

Trong tháng trước, WSA dự báo nhu cầu sử dụng thép trên toàn cầu trong năm nay sẽ tăng 5,8% so với năm 2020, lên mức 1,874 tỷ tấn và nhu cầu sẽ tiếp tục tăng thêm 2,7% lên mức 1,925 tỷ tấn trong năm 2022.

Dự báo trên được WSA đưa ra với giả định rằng làn sóng lây nhiễm dịch Covid-19 thứ 3 (hoặc thứ 2 tại một số nước) sẽ được kiểm soát trong quý 2 năm nay và việc tiêm chủng sẽ được triển khai thông suốt, giúp nhu cầu sử dụng thép tại những nước tiêu thụ thép lớn dần phục hồi.

Theo WSA, sự phục hồi nhu cầu sử dụng thép trên toàn cầu chủ yếu được dẫn dắt bởi thị trường Trung Quốc. Nhu cầu sử dụng thép của Trung Quốc trong năm 2020 đã tăng mạnh 9,1% so với năm 2019 trong bối cảnh nước này tung ra các gói phát triển cơ sở hạ tầng để kích thích tăng trưởng kinh tế.

Nhận định về triển vọng giá thép trong thời gian tới trong bối cảnh giá thép quốc tế liên tục ở mức cao, bà Caroline Bain, nhà kinh tế trưởng thị trường hàng hoá của hãng tư vấn kinh tế Capital Economics (Anh), cho biết “Một số dự án tăng cường công suất sản xuất thép đã được công bố cùng với đó là việc tái khởi động lại một số dự án sản xuất thép, đặc biệt là tại Hoa Kỳ và Ấn Độ. Do đó, chúng tôi dự báo sản lượng thép trên toàn cầu sẽ tăng lên trong năm nay. Điều này cuối cùng sẽ dẫn đến việc giá thép tại một số khu vực giảm xuống”.

Quang Đặng