Xây dựng định mức chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi ở miền Bắc

PHẠM HOÀI NAM (Học viện Ngân hàng)

TÓM TẮT:

Định mức chi phí sản xuất có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công tác quản lý, giúp nhà quản trị ước tính được trước sự biến động chi phí trong tương lai, chủ động trong việc định hướng phát triển, sử dụng điều kiện sản xuất một cách tối ưu. Các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi ở miền Bắc cần quan tâm đến việc xây dựng hệ thống định mức chi phí sản xuất nhằm giúp cho công tác kiểm soát chi phí trong các doanh nghiệp này được hiệu quả hơn.

Từ khóa: định mức, chi phí sản xuất, doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi.

1. Đặt vấn đề

Chăn nuôi là một trong các ngành sản xuất (SX) chính của kinh tế nông nghiệp. Với điều kiện tự nhiên và vị trí thuận lợi, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển ngành Chăn nuôi. Để ngành Chăn nuôi phát triển rất cần có sự góp sức của ngành Chế biến thức ăn chăn nuôi (CBTACN). Trên thực tế, những năm gần đây, ngành CBTACN gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do thị trường nguyên liệu đầu vào liên tục tăng giá, chi phí lãi vay cao, biến động tỷ giá bất lợi cho các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, tình hình dịch bệnh, yếu kém trong kiểm tra chất lượng thức ăn, các chi phí  đầu vào như xăng, dầu, điện, nước, cước vận tải, tiền lương, tiền công… dẫn đến SX không ổn định, làm ăn không hiệu quả nên một số DN đã rút khỏi thị trường CBTACN.

Vì vậy, các DN CBTACN Việt Nam nói chung và ở miền Bắc nói riêng gặp rất nhiều khó khăn cần sự trợ giúp của Nhà nước và sự thay đổi trong chính bản thân mỗi DN để vượt qua khó khăn, giảm chi phí, tăng lợi nhuận và phát triển bền vững. Định mức chi phí có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công tác quản lý, giúp nhà quản trị ước tính được trước sự biến động chi phí trong tương lai, chủ động trong việc định hướng phát triển, sử dụng điều kiện sản xuất một cách tối ưu. Xuất phát từ việc nghiên cứu thực trạng, bài viết này đề xuất cách thức xây dựng định mức chi phí sản xuất trong các DN CBTACN ở miền Bắc. Đây là cơ sở, tiêu chuẩn để đánh giá tình hình thực hiện chi phí, gắn trách nhiệm sử dụng và quản lý chi phí cho bộ phận phát sinh chi phí giúp cho hoạt động quản lý, kiểm soát chi phí trong DN CBTACN ở miền Bắc hiệu quả hơn.  

2. Nội dung

2.1. Tổng quát về các DN CBTACN ở miền Bắc

Đặc điểm chung: Theo số liệu của “Dự án CARD 030/06 VIE: Xây dựng chiến lược nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của các DN vừa và nhỏ nông thông trong chuỗi giá trị nông nghiệp: trường hợp ngành thức ăn chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi”, phân bố DN CBTACN theo quy mô sản xuất ở miền Bắc và miền Nam, đồng bằng sông Hồng là khu vực chiếm một nửa số DN CBTACN, tiếp đến là khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, các DN CBTACN ở nước ta có công nghệ và thiết bị chế biến không ngừng được cải tiến và hiện đại hóa. Tổng các tiêu chí đánh giá về công nghệ của ngành Công nghiệp CBTACN Việt Nam đạt mức khá cao với 876/1000 điểm. Trên 80% các nhà máy TACN đã có chứng chỉ ISO hoặc HACCP, trong đó các DN liên doanh và 100% vốn nước ngoài đạt 100%.

Trên thực tế, những năm gần đây, ngành CBTACN gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do thị trường nguyên liệu đầu vào liên tục tăng giá, chi phí lãi vay cao, biến động tỷ giá bất lợi cho các DN nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, tình hình dịch bệnh, yếu kém trong kiểm tra chất lượng thức ăn, các chi phí đầu vào như xăng, dầu, điện, nước, cước vận tải, tiền lương, tiền công… dẫn đến sản xuất không ổn định, làm ăn không hiệu quả nên một số DN đã rút khỏi thị trường CBTACN. Ngoài ra, DN còn gặp khó khăn trong nguồn cung cấp nguyên liệu nội địa cho SX TACN, đặc biệt là các nguyên liệu giàu đạm, còn hạn chế so với nhu cầu trong nước, do đó, DN phải nhập khẩu để bù đắp vào lượng thiếu hụt. Vì vậy, các DN CBTACN Việt Nam nói chung và ở miền Bắc nói riêng gặp rất nhiều khó khăn cần sự trợ giúp của Nhà nước.

Đặc điểm sản phẩm: TACN còn được gọi là cám được chia thành nhiều loại. Nếu chia theo đặc điểm thì có dòng thức ăn đậm đặc và dòng thức ăn hỗn hợp. Sản phẩm TACN có tính tương đồng về nguyên liệu, kích cỡ, giá trị. Sản phẩm TACN có giá trị nhỏ, khối lượng sản phẩm lớn. Danh mục sản phẩm sản xuất có tính chất ổn định, ít biến động, nếu có sự thay đổi chỉ là sự thay đổi một số thành phần trong nguyên liệu TACN do sự thay đổi nguyên liệu hoặc thay đổi yêu cầu về dinh dưỡng của sản phẩm. Sản phẩm TACN được sản xuất theo công thức dinh dưỡng đã được nghiên cứu. Mỗi sản phẩm có công thức riêng tùy theo mục đích của sản phẩm dùng cho đối tượng nào và ở giai đoạn tuổi nào.

Đặc điểm quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm: Quy trình sản xuất liên tục và khép kín, trải qua nhiều công đoạn. Như quy trình chế biến thức ăn đậm đặc gồm các công đoạn như: nạp nguyên liệu, nghiền, trộn, cân, ra bao, đóng gói. Thời gian một quy trình SX ngắn, đối với thức ăn hỗn hợp thời gian 60 phút/1 mẻ, thức ăn đậm đặc thời gian khoản 90 -120 phút/1 mẻ. SP được SX theo từng mẻ SP. Mỗi mẻ chỉ SX một loại SP riêng biệt.

Đặc điểm tổ chức quản lý sản xuất: Xuất phát từ đặc điểm sản phẩm, quy trình công nghệ sản xuất, các DN này thường tổ chức chung một phân xưởng SX bao gồm các bộ phận tham gia vào tất cả các khâu trong quy trình SX từ khâu nạp nguyên liệu đến khâu đóng gói nhập kho thành phẩm. Sau khi hoàn thành, sản phẩm được đem kiểm nghiệm nhằm đảm bảo độ dinh dưỡng theo quy định. Nếu sản phẩm đạt tiêu chuẩn thì được lập biên bản nghiệm thu mẻ sản phẩm đó, nếu không đạt tiêu chuẩn thì lập biên bản đối với sản phẩm hỏng.

Như vậy, công nghệ sản xuất TACN ảnh hưởng đến dòng chi phí phát sinh, tính chất chi phí, từ đó ảnh hưởng đến công tác kế toán trong các DN CBTACN ở miền Bắc, đặc biệt với việc xây dựng định mức chi phí sản xuất trong các DN này. Cụ thể, mỗi mẻ SX chỉ sản xuất một loại sản phẩm và mỗi mẻ cần một lượng nguyên vật liệu theo tiêu chuẩn, do đó chi phí nguyên vật liệu trực tiếp (CP NVLTT) là chi phí trực tiếp, được tập hợp trực tiếp cho từng loại sản phẩm để tính giá thành cho mẻ sản phẩm đó hoặc loại loại sản phẩm đó. Chi phí nhân công trực tiếp (CPNCTT) là chi phí trực tiếp nếu DN tính lương theo sản lượng sản xuất, khi đó được tập hợp riêng cho từng mẻ, từng loại sản phẩm để tính giá thành cho mẻ sản phẩm đó hoặc loại sản phẩm. Nhưng nếu DN tính lương theo thời gian thì là chi phí gián tiếp, DN cần tập hợp chung sau đó lựa chọn tiêu thức phân bổ phù hợp để phân bổ cho từng đối tượng chịu chi phí. Chi phí sản xuất chung (CPSXC) là chi phí gián tiếp nên cần tập hợp chung sau đó phân bổ cho từng đối tượng chịu chi phí theo tiêu thức phù hợp.

2.2. Thực trạng xây dựng định mức chi phí sản xuất tại các DN CBTACN ở miền Bắc

Xuất phát từ đặc điểm của sản phẩm TACN, đặc điểm của quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm TACN nên các DN CBTACN đã bước đầu quan tâm đến việc xây dựng định mức chi phí. Việc sản xuất TACN phải đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn về độ đạm, độ béo, độ dinh dưỡng… của DN công bố và theo tiêu chuẩn của cơ quan quản lý Nhà nước. Do đó, định mức CPNVLTT được quan tâm đặc biệt tại các DN này. Định mức CP NVL được thể hiện trong bảng định mức nguyên liệu để SX từng loại thức ăn do phòng kỹ thuật cung cấp. Qua khảo sát thực tế tại 58 DN CBTACN ở miền Bắc, 100% DN đã tiến hành xây dựng định mức CP NVLTT. Tuy nhiên, định mức CP NVLTT mới chỉ được xây dựng là định mức về mặt lượng nguyên vật liệu (NVL) cần thiết cho 1 kg thành phẩm thức ăn. Đây là cơ sở để xác định khối lượng NVL xuất kho cho 1 mẻ sản phẩm nhất định bằng cách lấy định mức về lượng NVL nhân với số kg thành phẩm cần sản xuất. Định mức NVL về mặt lượng được thể hiện ở “Lệnh sản xuất kiêm phiếu xuất vật tư”. Việc xây dựng định mức CPNVLTT đảm bảo TACN SX ra được trộn theo đúng hàm lượng các chất. Các định mức chi phí sản xuất chưa thực sự được các DN CBTACN ở miền Bắc quan tâm và thực hiện. Cụ thể, đối với CPNCTT và CPSXC có  lần lượt 20,4% và 18,3% DN có quy mô vừa và nhỏ và 88,9% DN có quy mô lớn tiến hành lập định mức.

Như vậy, với các DN CBTACN ở miền Bắc có quy mô vừa và nhỏ chưa thực sự quan tâm đến việc xây dựng định mức chi phí sản xuất, các DN có quy mô lớn thì các định mức chi phí được lập đầy đủ hơn.

2.3. Hoàn thiện xây dựng định mức chi phí sản xuất tại các DN CBTACN ở miền Bắc

Xây dựng định mức CPNVLTT

Tại các DN CBTACN ở miền Bắc định mức CPNVLTT mà các DN xây dựng chủ yếu mới chỉ dừng lại ở định mức về mặt lượng. Các DN thường tiến hành xây dựng định mức tiêu hao từng loại nguyên liệu cho 1kg thức ăn mỗi loại. Công tác xây dựng do bộ phận lập kế hoạch của phòng kế hoạch vật tư và phòng quản lý chất lượng phối hợp đảm nhiệm, có sự giám sát của kế toán trưởng và ban giám đốc. Định mức này được xây dựng dựa trên kinh nghiệm SX nhiều năm và vận dụng phương pháp phân tích - tính toán, thử nghiệm SX. Định mức này được DN cập nhật thường xuyên để đảm bảo chất lượng của SP cũng như tiết kiệm NVL. Kết hợp với kế hoạch SX, bảng định mức tiêu hao NVL sẽ là cơ sở để xây dựng kế hoạch về NVL, giúp SX chủ động và không bị gián đoạn. Đồng thời các DN cần bổ sung định mức giá NVL để xác định định mức CP NVLTT được hoàn chỉnh. Định mức giá NVL cần được xác định riêng cho từng loại NVL. Căn cứ để xác định định mức giá NVL là giá thị trường, chính sách của nhà nước về thuế, chính sách nhà nước đối với TACN, chính sách tỷ giá... Cuối cùng, xác định định mức CP NVLTT được tính bằng cách lấy định mức lượng nhân với định mức giá NVL.

Minh họa Bảng định mức CPNVLTT của sản phẩm: thức ăn hỗn hợp cho lợn thịt, mã sản phẩm A15 tại Công ty Nam Việt năm 2020 như Bảng 1.

Bảng 1. Định mức CP NVLTT Công ty Nam Việt


 vật tư

Tên vật tư

ĐVT

Định
mức
lượng

Định mức
giá (đ)

Thành
tiền

Ghi chú

DL-003

Bột cá

Kg

0,120

23.050

2.776

 

DL-006

Bột huyết

Kg

0,040

9.700

388

 

DL-011

Bột nặng

Kg

0,012

840

10

 

DL-004

Bột thịt xương

Kg

0,080

8.230

658,4

 

MIX-001

CuSO4 ( Đồng sunfat)

kg

0,002

37.700

75,4

 

DL-008

Đậu vàng

kg

0,014

8.100

113,4

 

MIX-006

D.C.P

kg

0,018

4.500

81

 

DL-021

Khô đậu tương

kg

0,689

7.114

4.901,5

 

DL-015

Mỡ cá

kg

0,015

9.405

141,1

 

DL-020

Muối tinh

kg

0,008

6.400

51,2

 

K-005

K-enzim

kg

0,002

35.214

70

 

 

Tổng cộng

 

1

 

8.567

 

Xây dựng định mức CPNCTT

Do quy trình chế biến TACN là quy trình khép kín từ khi đưa NVL vào chế biến cho đến sản xuất hoàn thành, đóng bao sản phẩm nên lao động trực tiếp trong DN CBTACN bao gồm nhân công trực tiếp điều khiển máy móc, thiết bị và công nhân vận chuyển. Vì vậy, để xây dựng định mức CP NCTT của DN cần định mức thời gian lao động công nhân đứng máy và định mức thời gian công nhân vận chuyển.

Định mức CP NCTT của công nhân đứng máy

=

Định mức lượng thời gian đứng máy để sản xuất 1 kg

x

Định mức đơn giá tiền lương của 1 giờ công của công nhân đứng máy

Minh họa cách xây dựng định mức CPNCTT tại Công ty Nam Việt năm 2020: Để sản xuất 1 mẻ sản phẩm TACN hỗn hợp (2.500 kg) cần 1 giờ máy chạy, để phục vụ sản xuất của dây chuyền cần 6 công nhân đứng máy. Trên cơ sở đó, xác định số giờ công của công nhân đứng máy là 6 giờ cho một mẻ SP 2.500 kg. Định mức lượng thời gian đứng máy để sản xuất 1kg TACN hỗn hợp là: 6 giờ/2.500 kg = 0,0024 giờ công đứng máy/1 kg SP. Giả sử định mức đơn giá tiền lương của 1 giờ công Công ty xác định là 50.000 đ/giờ. Định mức CPNC đứng máy tính cho 1 kg TACN hỗn hợp: 0,0024 x 50.000 = 120 đ/kg. Tương tự, xác định định mức CP công nhân vận chuyển, biết rằng Công ty đã xác định định mức CP công nhân vận chuyển là 28 đ/kg. Cụ thể, bảng định mức CPNCTT của Công ty Nam Việt  cho sản phẩm TACN hỗn hợp năm 2020 như Bảng 2.

Bảng 2. Định mức CP NCTT của Công ty Nam Việt

Stt

Chỉ tiêu

Số lượng

ĐM/kg

Đơn giá chi phí NCTT/1 kg SP

Định mức CPNCTT

đồng/1 SP

 

1

Chi phí lao động đứng máy

 

0,0024

 

50.000

 

120

2

Chi phí lao động vận chuyển

 

1

 

28

 

28

 

TỔNG CỘNG

 

 

148

Trong DN CBTACN, sản phẩm đậm đặc có thời gian chế biến dài hơn dòng sản phẩm thức ăn hỗn hợp nhưng cách xây dựng định mức CP NCTT thực hiện tương tự SP TACN hỗn hợp.

Định mức chi phí sản xuất chung (CPSXC)

Định mức CPSXC được xây dựng theo CPSXC biến đổi và CPSXC cố định. Định mức CPSXC được xây dựng dựa trên đơn giá phân bổ SXC và tiêu thức được chọn để phân bổ CPSXC (số giờ lao động hoặc số giờ máy). Tại các DN CBTACN nên lựa chọn số giờ lao động trực tiếp của công nhân đứng máy làm tiêu chí phân bổ, CPSXC cố định và CPSXC biến đổi được xác định:

+ Định mức CPSXC biến đổi:

Định mức lượng: Số giờ công của công nhân đứng máy cần thiết để SX 1 đơn vị SP.

Định mức giá: Đơn giá SXC biến đổi tính cho 1 giờ lao động.

Định mức CPSXC biến đổi = Định mức lượngx Định mức giá

+ Định mức CPSXC cố định:

Định mức lượng: Số giờ công của công nhân đứng máy cần thiết để sản xuất 1 đơn vị sản phẩm.

Định mức giá: Đơn giá CPSXC cố định tính cho 1 giờ lao động.

Định mức CPSXC cố định = Định mức lượng x Định mức giá

Giả sử, Công ty Nam Việt có đơn giá sản xuất chung biến đổi tính cho 1 giờ công của công nhân đứng máy là 17.500 đ, đơn giá sản xuất chung cố định tính cho 1 giờ công của công nhân đứng máy là 101.667 đồng. Ta tính được định mức CPSXC tại Bảng 3 sau đây:

Bảng 3. Định mức CPSXC Công ty Nam Việt năm 2020

Chỉ tiêu

ĐVT

Số tiền

1. Số giờ công của lao động đứng máy

Giờ

0,0024

2. Dự kiến chi phí SXC biến đổi

Đồng/giờ

công lao động

17.500

3. Tổng chi phí SXC biến đổi (1) x (2)

Đồng

42

4. Chi phí SXC cố định (Thời gian hoàn thành 1SP x đơn giá SXC cố định/1 giờ công lao động trực tiếp đứng máy)

Đồng

244

5.Tổng chi phí SXC (3)+(4)

Đồng

286

4. Kết luận

Việc xây dựng định mức chi phí sản xuất tại các DN nói chung và DN CBTACN nói riêng là rất cần thiết để phục vụ cho công tác kế toán, đặc biệt trong việc kiểm soát chi phí sản xuất của DN. Xây dựng định mức chi phí giúp DN xác định được chi phí sản xuất trong định mức và chi phí sản xuất ngoài định mức. Riêng đối với CPSXC, định mức CPSXC cố định và CPSXC biến đổi sẽ giúp cho các nhà quản trị của các DN CBTACN sẽ biết được chi phí sản xuất sẽ biến động như thế nào khi mức độ hoạt động thay đổi. Định mức chi phí là cơ sở để xây dựng dự toán ngân sách hoạt động hàng năm của bất kỳ doanh nghiệp nào. Đồng thời, định mức chi phí cũng sẽ góp phần tích cực vào việc phát huy ý nghĩa của dự toán.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Dự án CARD 030/60 VIE: Xây dựng chiến lược nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ nông thôn trong chuỗi giá trị nông nghiệp: Trường hợp ngành TACN, Sử dụng thức ăn của hộ chăn nuôi lợn và gà.
  2. Hiệp hội TACN Việt Nam (2017), Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ IV và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ V (giai đoạn 2012 - 2016), ngày 28/3/2017.
  3. Nguyễn Ngọc Quang (2013), Giáo trình Kế toán quản trị, NXB Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.
  4. Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam (2015) https://vietfeed.wordpress.com/tag/thi-truong-thuc-an-chan-nuoi/

Establishing production cost norms at animal feed manufacturers

in the Northern Vietnam

Ph.D Pham Hoai Nam

Banking Academy

ABSTRACT:

Production cost norms play a key role in production management, helping managers to estimate cost fluctuations in the future and be proactive in managing production and taking advantage of production conditions effectively. Animal feed manufacturers in the Northern Vietnam should pay attention to the establishment of production cost norms in order to better control their production costs.

Keywords: norm, production costs, animal feed manufacturer, Northern Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 9, tháng 4 năm 2021]