Xây dựng mô hình kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng

ThS. TRẦN PHƯƠNG NHUNG (Bộ môn Kế toán - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội)

TÓM TẮT:

Hiện nay, việc hiểu và vận dụng kế toán quản trị đối với các doanh nghiệp đã được cụ thể hóa thành các mô hình tổ chức và các mục tiêu hoạt động của từng mô hình nhưng chỉ mới chung chung và chưa chuyên biệt cho từng lĩnh vực. Trọng tâm vẫn chủ yếu là kế toán tài chính và kế toán thuế, còn việc vận dụng kế toán quản trị vẫn mơ hồ đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay và càng khó khăn hơn đối với các nhóm doanh nghiệp đặc thù, đặc biệt là các doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng. Do vậy, việc tổ chức kế toán quản trị nói chung và tổ chức kế toán quản trị chi phí nói riêng trong các doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng đã và đang trở thành nhu cầu bức thiết. Các doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng cần phải có các tiêu chí, mô hình tổ chức kế toán quản trị phù hợp để đạt được các mục tiêu quản lý và tiết kiệm chi phí, hạ thấp giá thành công trình nhưng vẫn đảm bảo chất lượng công trình hoàn thành và tác động của công trình đến môi trường.

Từ khóa: Kế toán quản trị chi phí, doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng, Việt Nam.

1. Nguyên tắc xây dựng mô hình kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng

Thứ nhất, xây dựng mô hình kế toán quản trị chi phí phải đảm bảo tính khách quan và phù hợp với đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng đặc thù. Đối với mỗi doanh nghiệp xây dựng có những đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh đặc thù, do đó việc xây dựng mô hình KTQT chi phí phải đảm bảo tuân theo nguyên tắc phù hợp. Hơn nữa, mô hình KTQT chi phí cần phải tuân theo các quy luật khách quan trên thị trường, có như vậy thì mô hình KTQT chi phí mới là công cụ đắc lực hỗ trợ việc ra quyết định của nhà quản lý doanh nghiệp.

Thứ hai, mô hình xây dựng phải đảm bảo việc cung cấp thông tin đa dạng và mục tiêu kiểm soát chi phí của nhà quản lý doanh nghiệp. Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các doanh nghiệp rất mạnh mẽ thì việc xây dựng một mô hình KTQT chi phí giúp cho nhà quản trị có được thông tin đa dạng để phục vụ cho việc đưa ra các quyết định linh hoạt, kịp thời mà vẫn đảm bảo được mục tiêu tối thiểu hóa chi phí và tối đa hóa lợi nhuận.

Thứ ba, mô hình kế toán quản trị chi phí xây dựng phải đảm bảo được hai yếu tố: nguyên tắc hiệu quả và tiết kiệm. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều chỉ quan tâm để đầu tư cho kế toán tài chính còn chưa chú trọng đầu tư cho KTQT, vì vậy việc xây dựng mô hình KTQT nói chung và KTQT chi phí nói riêng phải đảm bảo hài hòa giữa KTTC và KTQT không gây khó khăn cho tổ chức công tác kế toán, tiết kiệm và luôn hoạt động hiệu quả.

2. Nhân tố ảnh hưởng và quy trình xây dựng mô hình kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng

2.1. Nhân tố ảnh hưởng đến việc xây dựng mô hình KTQT chi phí trong các doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng

* Nhân tố bên trong doanh nghiệp:

Mô hình KTQT chi phí xây dựng phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các nhà quản lý doanh nghiệp. Thông tin của KTQT chi phí mang tính chất nội bộ phục vụ cho các quyết định điều hành sản xuất kinh doanh nên không cần phải luật hóa và phải đảm bảo linh hoạt. Do đó, mô hình KTQT chi phí được xây dựng phụ thuộc vào: Nhận thức của ban lãnh đạo doanh nghiệp trong việc sử dụng thông tin; Năng lực và phong cách của nhà quản lý doanh nghiệp; Đặc điểm sản phẩm và loại hình kinh doanh của doanh nghiệp; Khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và trình độ của người thực hiện công việc;…

* Nhân tố bên ngoài doanh nghiệp:

Hệ thống luật pháp của Nhà nước; Môi trường kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế; Ảnh hưởng của công nghệ thông tin;… đều là những nhân tố bên ngoài nhưng ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng mô hình KTQT chi phí trong doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng hiện nay. Khi hệ thống pháp luật hoàn thiện là điều kiện tiên quyết cho các doanh nghiệp vận dụng và tuân thủ các quy định trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập như hiện nay.

2.2. Quy trình xây dựng mô hình KTQT chi phí trong các doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng

Quy trình xây dựng mô hình KTQT chi phí trong các doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng là một trình tự có tổ chức các hoạt động để hoàn thiện việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp các thông tin hữu ích một cách kịp thời, hiệu quả cho nhà quản trị ra các quyết định. Quy trình xây dựng mô hình cần phải đảm bảo các tiêu chí sau:

Thứ nhất, hiệu quả của quy trình xây dựng mô hình KTQT chi phí. Đó là việc xác định mối quan hệ giữa bộ phận KTQT chi phí với các bộ phận khác trong doanh nghiệp để thiết lập bộ máy kế toán phù hợp đáp ứng được nhu cầu cung cấp thông tin KTQT của nhà quản lý.

Thứ hai, thời gian của một chu kỳ. Tốc độ để các mô hình KTQT chi phí thu thập, phân tích, xử lý và báo cáo thông tin KTQT chi phí đến các nhà quản lý là một chu kỳ. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay thì thời gian một chu kỳ càng ngắn sẽ càng hiệu quả bởi nhà quản trị cần các thông tin nhanh, chính xác, để không bỏ lỡ các quyết định kinh doanh đa dạng.

Thứ ba, chất lượng của quy trình xây dựng mô hình kế toán quản trị chi phí. Việc đảm bảo một quy trình thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin thông suốt, chính xác, kịp thời không xảy ra sai sót.

Tóm lại tổ hợp của ba yếu tố trên sẽ xây dựng ra một mô hình KTQT chi phí hiệu quả. Mô hình có thể khái quát qua sơ đồ sau: (Xem sơ đồ 1)

3. Các mô hình kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng

3.1. Xây dựng bộ máy KTQT chi phí theo mô hình kết hợp (Xem sơ đồ 2)

Mô hình tổ chức theo hướng kết hợp sẽ gắn kế toán tài chính và KTQT chi phí trong cùng một hệ thống kế toán thống nhất tại doanh nghiệp. Trong mô hình này thì sự phân công nhiệm vụ cho từng bộ phận kế toán là rõ ràng, người làm kế toán thực hiện đồng thời cả công việc kế toán tài chính và KTQT chi phí. Việc vận dụng mô hình này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí nhưng hoạt động với hiệu quả không cao, do chưa có sự chuyên biệt trong bộ phận kế toán và cùng một lúc kế toán thực hiện song song hai công việc. Mặt khác công việc giữa KTQT chi phí và KTTC sẽ tuân theo những quy định khác nhau. Theo mô hình này thì KTQT chi phí cần phải thực hiện các công việc: Xây dựng hệ thống chứng từ kế toán; Xây dựng hệ thống tài khoản kế toán; Xây dựng hệ thống sổ sách và báo cáo kế toán.

Theo mô hình trên thì KTQT chi phí độc lập với KTTC và KTQT chi phí sẽ phát huy tối đa vai trò của mình nhưng doanh nghiệp sẽ phải chi một khoản kinh phí khá lớn để vận hành và duy trì hoạt động hiệu quả của các thành phần trong mô hình này. Theo mô hình, KTQT chi phí cần phải thực hiện các công việc sau: Tổ chức hệ thống chứng từ kế toán; Tổ chức hệ thống tài khoản kế toán; Tổ chức hệ thống sổ sách và báo cáo kế toán.

Tóm lại, tùy thuộc vào đặc thù hoạt động và điều kiện về tài chính của doanh nghiệp để lựa chọn một mô hình KTQT chi phí phù hợp, đảm bảo hoạt động hiệu quả và tiết kiệm không lãng phí.

4. Thực trạng mô hình kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng

4.1. Khái quát về các thành phần kinh tế trong ngành Xây dựng hiện nay ở Việt Nam

Sự phát triển của các doanh nghiệp xây dựng trong giai đoạn hiện nay đã góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Giá trị xây dựng cơ sở hạ tầng (xây dựng giao thông, điện, nước) chiếm khoảng 41,2% trong tổng giá trị xây dựng nói chung. Ngoài ra còn sự đóng góp lớn của các doanh nghiệp xây dựng dân dụng (xây dựng nhà ở, cao ốc văn phòng, mặt bằng bán lẻ) chiếm 40,6%, còn lại là xây dựng công nghiệp (nhà xưởng sản xuất công nghiệp) chiếm 18,2%.

Qua thực tế khảo sát tổ chức bộ máy kế toán quản trị chi phí của 725 doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng như sau:

Qua tài liệu khảo sát của tác giả 725 doanh nghiệp trên khoảng 77.750 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực xây dựng (năm 2015) thì việc tổ chức mô hình KTQT chi phí là rất hạn chế. Nhiều doanh nghiệp đã hiểu nhưng cũng ngại vận dụng vì mối quan tâm là có tiết kiệm được chi phí và vận hành liệu có hiệu quả, nhiều doanh nghiệp khác được hỏi thì chưa quan tâm đến kế toán quản trị chi phí và chủ yếu thông tin được cung cấp do kế toán tài chính đưa lên.

4.2. Những hạn chế từ việc chưa xây dựng và triển khai mô hình kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp hiện nay

Việc hiểu và vận dụng một mô hình KTQT chi phí phù hợp là bài toán khó đối với hầu hết các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam hiện nay đặc biệt là nhóm các doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng. Từ đó, dẫn đến nhiều hạn chế yếu kém về quản lý và kiểm soát các chi phí liên quan đến các hoạt động sản xuất kinh doanh trong các đơn vị này như sau:

Thứ nhất, hầu hết các doanh nghiệp chưa xây dựng mô hình KTQT chi phí nên gây ra tình trạng thất thoát chi phí trong ngành Xây dựng còn ở mức rất cao.

Thứ hai, việc phân loại chi phí chưa đảm bảo yêu cầu việc lập kế hoạch và kiểm soát thường xuyên.

Thứ ba, việc phân tích thông tin chi phí chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin cho việc ra quyết định điều hành sản xuất kinh doanh của nhà quản trị.

Thứ tư, qua khảo sát của tác giả thì hầu hết các doanh nghiệp xây dựng nói chung và các doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng nói riêng chưa tổ chức kế toán trách nhiệm.

Thứ năm, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kế toán của các doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ.

Từ những hạn chế trên mà nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp chưa nhận thức được vai trò của KTQT chi phí, hầu hết nhà quản lý doanh nghiệp chỉ quan tâm đến nghĩa vụ nộp thuế của kế toán tài chính, nhiều nhà quản lý đưa ra các quyết định dựa trên những phán đoán mang tính chất cá nhân và kinh nghiệm vốn có chứ chưa có một cơ sở lý luận phù hợp của KTQT chi phí để ra các quyết định.

5. Bài toán cần phải thay đổi

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, hiện nay ở Việt Nam có 3 nhóm thành phần kinh tế trong lĩnh vực xây dựng bao gồm: Thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; Thành phần kinh tế Nhà nước; Thành phần kinh tế ngoài Nhà nước; Sự cạnh tranh diễn ra gay gắt là điều không tránh khỏi, để có được vị thế vững vàng trong cạnh tranh thì các doanh nghiệp một mặt phải đầu tư nâng cao năng lực thi công, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, mặt khác phải nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong điều kiện các nguồn lực ngày càng khan hiếm. Mô hình tổ chức KTQT chi phí là một công cụ vô cùng quan trọng để thu thập, phân tích, xử lý và cung cấp thông tin hữu ích giúp nhà quản lý đưa ra các quyết định quan trọng gắn liền với sự sống còn của doanh nghiệp. Thông tin về KTQT chi phí xây dựng bao gồm:

Thông tin về định mức chi phí cho từng loại chi phí và làm căn cứ để lập dự toán xây dựng.

Thông tin về dự toán chi phí xây dựng là cơ sở để đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đã đặt ra.

Thông tin về chi phí cấu thành nên giá thành công trình làm căn cứ xác định chính xác giá thành thi công và lợi nhuận đạt được.

Thông tin về các chi phí khác của từng bộ phận làm cơ sở xác định kết quả và hiệu quả sản xuất kinh doanh của từng bộ phận đó.

Thông tin về chi phí thích hợp, chi phí không thích hợp, chi phí cơ hội, chi phí chìm,… để giúp nhà quản trị có thể lựa chọn phương án kinh doanh hiệu quả và đạt lợi nhuận cao nhất.

Một số kiến nghị đối với các cơ quan, bộ phận có liên quan:

Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế cần ban hành các chính sách để tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh minh bạch; Bộ Tài chính cần phải có những biện pháp tuyên truyền và hệ thống các văn bản hướng dẫn cụ thể để phân định riêng phạm vi phản ánh của KTQT, đặc biệt là KTQT chi phí để giúp doanh nghiệp thấy rõ được tầm quan trọng của việc thực hiện KTQT chi phí tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các tổ chức đào tạo kế toán cũng cần có sự liên kết, trao đổi, nhằm cải tiến chương trình và phương pháp đào tạo chuyên ngành KTQT theo hướng thực hành và ứng dụng thực tế phù hợp với thông lệ quốc tế. Ngoài ra, các hiệp hội, tổ chức hội kế toán Việt Nam cần tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tổ chức KTQT chi phí bằng các hoạt động tập huấn, đào tạo chứng chỉ hành nghề,… để giúp cho nhà quản lý có cái nhìn đúng đắn về vai trò, vị trí và trách nhiệm của tổ chức bộ máy KTQT chi phí hiện nay.

6. Kết luận

Trên đây là những trao đổi của tác giả về xây dựng mô hình kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng hiện nay. Hy vọng những nội dung tác giả đã đưa ra sẽ góp phần nâng cao hơn nữa cách thức tổ chức quản lý, kiểm soát chi phí trong các doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng nói riêng, các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam nói chung. Cuối cùng là hoàn thiện hệ thống thông tin chi phí nhằm cung cấp cho nhà quản lý doanh nghiệp đưa ra các quyết định hiệu quả, kịp thời, chính xác để điều hành doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Tài chính (2006), Thông tư số 53/2006/TT-BTC về hướng dẫn áp dụng Kế toán quản trị trong doanh nghiệp.

2. Huỳnh Lợi (2012), Kế toán quản trị, Nhà xuất bản Giao thông vận tải.

3. Nguyễn Hoản, Nguyễn Ngọc Quang (2013), Giáo trình Kế toán quản trị, Nhà xuất bản Lao động.

4. Phạm Văn Dược (2009), Mô hình và cơ chế vận hành kế toán quản trị, Nhà xuất bản Tài chính.

5. Võ Văn Nhị (2009), Kế toán doanh nghiệp xây lắp Kế toán đơn vị chủ đầu tư, Nhà xuất bản Tài chính.

6. Lê Thế Anh (2017), Xây dựng mô hình kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp xây dựng giao thông vận tải Việt Nam, Luận án tiến sĩ Kinh tế, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương.

7. Bộ Xây dựng (2015), Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2015 và phương hướng nhiệm vụ kế hoạch năm 2016 của ngành Xây dựng.

DEVELOP COST MANAGEMENT ACCOUNTING MODEL

FOR THE INFRASTRUCTURE CONSTRUCTION ENTERPRISES

MA. TRAN PHUONG NHUNG

Division of Accounting - Hanoi University of Natural Resources and Environment

ABSTRACT:

At present, the understanding and application of management accounting for enterprises have been concretized into the organizational models and operational objectives, however they are still too generalized. The focus is mainly on financial accounting and tax accounting, while the use of management accounting remains ambiguous for Vietnamese businesses today and more difficult for specific business groups, especially those do the infrastructure construction. Therefore, the organization of management accounting in general and cost management accounting in particular in the infrastructure construction enterprises have become a pressing need. Infrastructure builders should have appropriate organizational accounting and accounting standards to achieve management goals, save costs, ensure construction quality, and reduce the environmental impacts.

Keywords: Cost management accounting, infrastructure construction enterprises, Vietnam.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây