Xây dựng mô hình thực hành kế toán doanh nghiệp tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

TS. NGUYỄN HOẢN (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội)

TÓM TẮT:

Việc đào tạo nguồn nhân lực kế toán không chỉ cần về số lượng, mà còn cả về chất lượng để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Tìm được một mô hình giảng dạy, phương pháp giảng dạy kế toán phù hợp cho các trường đại học trong cả nước nói chung và Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nói riêng là một vấn đề đang rất được quan tâm. Bài báo đề xuất xây dựng mô hình thực hành kế toán doanh nghiệp tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cho phép sinh viên trải nghiệm công việc của một kế toán viên thực thụ, xây dựng cho sinh viên kỹ năng nghề nghiệp thực tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhà tuyển dụng.

Từ khóa: thực hành kế toán, thực hành kế toán doanh nghiệp, phần mềm kế toán, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

1. Đặt vấn đề

Cùng với quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, nhu cầu về nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán chất lượng cao ở Việt Nam đang tăng nhanh hơn bao giờ hết. Thực tế cho thấy, kế toán, kiểm toán vẫn luôn là ngành học hấp dẫn, thu hút nhiều thí sinh hàng năm nhờ sức hút về thu nhập cao, dễ tìm việc làm trong nhiều lĩnh vực. Đây là lý do mỗi năm có hàng nghìn sinh viên chuyên ngành kế toán, kiểm toán tốt nghiệp và ra trường. Tuy nhiên, nếu xét về chất lượng đào tạo thì có sự chênh lệch lớn giữa các trường và chất lượng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với tình hình phát triển và hội nhập sâu rộng của nền kinh tế nước ta trong dài hạn.[1]

Một trong những nội dung quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên ngành Kế toán là học kiến thức đi đôi với thực hành kỹ năng. Hiện nay, môi trường thực hành của sinh viên kế toán gặp nhiều khó khăn, khiến cho các doanh nghiệp không muốn để các sinh viên mới ra trường thực hành trên chứng từ, phần mềm kế toán của doanh nghiệp mình. Để khắc phục khó khăn đó, tác giả đã thực hiện đề tài về xây dựng mô hình thực hành kế toán doanh nghiệp cho sinh viên bậc đại học ngành Kế toán tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.  

2. Cơ sở lý luận

Mô hình thực hành kế toán doanh nghiệp là mô hình mô phỏng các nghiệp vụ, công việc, trình tự thực hiện công việc tại một doanh nghiệp và từ đó sinh viên có thể thực hành các phần hành, công việc kế toán. Công việc thực hành giống như họ làm kế toán thực tạo các doanh nghiệp.

Sau khi thực hành kế toán, sinh viên hình dung được toàn bộ công việc kế toán tại doanh nghiệp, từ hệ thống chứng từ kế toán, sổ sách kế toán đến báo cáo tài chính, báo cáo thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp.[2]

Phần mềm kế toán là hệ thống các chương trình máy tính dùng để tự động xử lý các thông tin kế toán trên máy vi tính, bắt đầu từ khâu lập chứng từ gốc, phân loại chứng từ, ghi chép sổ sách, xử lý thông tin trên các chứng từ, sổ sách theo quy định của chế độ kế toán đến khâu in ra sổ kế toán và báo cáo tài chính, báo cáo kế toán quản trị và các báo cáo thống kê phân tích tài chính khác.

3. Thực trạng giảng dạy thực hành kế toán tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

Trong chương trình đào tạo ngành Kế toán tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, sinh viên chủ yếu được thực hành trong học phần kế toán máy với phần mềm kế toán. Tuy nhiên, việc thực hành kế toán chỉ dừng ở mức độ đơn giản là nhập liệu vào phần mềm kế toán theo từng bài tập do giảng viên giao, mỗi bài tập gồm một số các nghiệp vụ kế toán tập trung vào 1 chu trình kinh doanh cụ thể, như: mua hàng, bán hàng, tính lương, khấu hao tài sản cố định,... Mặc dù có sự giải thích hướng dẫn của giảng viên, nhưng do chưa có một bộ dữ liệu chung liên quan đến tất cả quá trình kinh doanh trong 1 doanh nghiệp cụ thể, dẫn đến sinh viên không nắm được quy trình xử lý đối với các nghiệp vụ kế toán thực tế diễn ra tại đơn vị.

Phần mềm kế toán đang được sử dụng thực hành là phần mềm dành cho các doanh nghiệp nhỏ, áp dụng chế độ kế toán theo Quyết định số 48/2006/QĐ-BTC. Điều này dẫn đến một số hạn chế trong quá trình dạy và học thực hành kế toán như chưa cập nhật Thông tư mới theo quy định của Bộ Tài chính về danh mục tài khoản kế toán, chứng từ kế toán,... phần mềm là phiên bản cũ và miễn phí, nhà sản xuất đã ngừng cập nhật, nên trong quá trình sử dụng, giảng viên và sinh viên đều không có sự hỗ trợ từ phía nhà sản xuất về các lỗi của phần mềm. Đặc biệt, trong thời kỳ dịch bệnh vừa qua, do điều kiện bắt buộc phải học trực tuyến, sinh viên phải tự cài phần mềm trên máy tính theo bộ cài mà giảng viên cung cấp. Tuy nhiên, một số sinh viên không thể cài phần mềm trên máy tính của mình, do lỗi liên quan đến phần mềm.

Để thu thập thêm thông tin về tính cấp thiết xây dựng mô hình thực hành kế toán tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tác giả đã thực hiện khảo sát đối tượng nghiên cứu là sinh viên và một số cựu sinh viên ngành Kế toán khóa 6 - 10. Với tổng số phiếu phát ra là 190; tổng số phiếu thu về là 190, kết quả điều tra khảo sát cho thấy có đến 73,5% sinh viên đánh giá chương trình học còn nhiều lý thuyết và ít thực hành; hơn 90% sinh viên có nhu cầu bồi dưỡng kỹ năng thực hành kế toán (Biểu đồ 1).

Về phần mềm kế toán đang được sử dụng trong giảng dạy và thực hành, có 33,7% sinh viên hài lòng với phần mềm này, thấp hơn so với số sinh viên không hài lòng; 51% sinh viên cảm thấy phần mềm chưa đáp ứng yêu cầu về thực hành kế toán; 80,5% sinh viên cảm thấy cần thiết xây dựng một mô hình thực hành kế toán doanh nghiệp mới (Biểu đồ 2).

Như vậy, về cơ bản, phần lớn sinh viên Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội mong muốn tăng cường tính thực tế của nội dung thực hành, đổi mới phần mềm kế toán và có nhu cầu được tiếp cận với mô hình thực hành mới.

4. Xây dựng mô hình thực hành kế toán cho sinh viên Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

Để khắc phục những vấn đề còn tồn tại trong chương trình đào tạo, với mong muốn giúp sinh viên Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có thể tiếp cận với công việc kế toán một cách chân thực, hiệu quả nhất, tác giả đề xuất xây dựng mô hình thực hành kế toán doanh nghiệp tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cho phép sinh viên trải nghiệm công việc của một kế toán viên thực thụ, xây dựng cho sinh viên kỹ năng nghề nghiệp thực tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhà tuyển dụng (Hình 1).

Với mô hình thực hành này, sinh viên có thể thực hành các nghiệp vụ kinh tế phát sinh phổ biến giống trong thực tế hoạt động của doanh nghiệp. Sinh viên được đóng vai kế toán viên trong phòng kế toán, gồm: tiếp nhận các thông tin về các nghiệp vụ kinh tế theo nội dung công việc mà mình được giao phụ trách, xác định bộ chứng từ cần thiết để phản ánh các nghiệp vụ phát sinh, nhập liệu các nghiệp vụ vào phần mềm kế toán, tương tác trực tiếp với các kế toán viên khác để giải quyết vấn đề phát sinh và thực hiện chu trình kế toán theo quy định.

Xây dựng mô hình thực hành kế toán cho sinh viên Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội gồm các công việc cụ thể, như sau:

4.1. Tài liệu thực hành

Một yếu tố quyết định trong thực hành kế toán chính là tài liệu thực hành. Các tài liệu này phải đảm bảo đầy đủ các yếu tố như tính cập nhật về luật, có ý nghĩa thực tế, đa dạng. Để phù hợp với chương trình học của ngành Kế toán, bộ dữ liệu thực hành của doanh nghiệp tuân thủ theo chế độ kế toán ban hành theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Hiện nay, có rất nhiều loại hình doanh nghiệp như doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp thương mại, doanh nghiệp xây dựng, xây lắp,... Tuy nhiên, tác giả đề xuất xây dựng mô hình thực hành trên cơ sở một doanh nghiệp vừa có hoạt động sản xuất và thương mại. Mô hình sẽ có một bộ dữ liệu thực hành bao gồm thông tin về doanh nghiệp, số dư đầu kỳ của các tài khoản và các nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Giảng viên thu thập các chứng từ bên ngoài phản ánh các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, giao cho sinh viên kiểm tra và phân loại; sinh viên tự lập các chứng từ phát sinh tại công ty.

Bộ dữ liệu của tài liệu thực hành đi sâu vào những hoạt động phổ biến của một doanh nghiệp bao gồm các phần hành cơ bản sau:

- Kế toán vốn bằng tiền

- Kế toán mua hàng và công nợ phải trả

- Kế toán bán hàng và công nợ phải thu

- Kế toán kho

- Kế toán công cụ dụng cụ

- Kế toán tài sản cố định

- Kế toán tiền lương

- Kế toán giá thành

- Kế toán tổng hợp và báo cáo tài chính

4.2. Tổ chức thực hành

Quá trình thực hành được tổ chức như sau:

- Giảng viên phân chia sinh viên phụ trách các phần hành khác nhau, tùy vào số phần hành kế toán của bài tập thực hành. Giảng viên quan sát sự thể hiện của các sinh viên.

- Với mỗi nghiệp vụ kinh tế của một phần hành cụ thể, giảng viên giải thích, phân tích nghiệp vụ, trình bày quy trình luân chuyển chứng từ, nhiệm vụ của mỗi kế toán trong nghiệp vụ này. Trên cơ sở đó, các sinh viên tùy vào từng phần hành công việc được chia để thực hiện các bước công việc của một nhân viên kế toán, gồm:

+ Tiếp nhận hoặc lập, kiểm tra, luân chuyển và lưu trữ, bảo quản chứng từ

+ Nhập liệu trên phần mềm kế toán

+ Luân chuyển, đối chiếu số liệu

+ Lập báo cáo thuế, báo cáo tài chính

- Giảng viên nhận xét, góp ý từng phần hành để sinh viên rút kinh nghiệm

- Sau khi thực hành xong, sinh viên phải nộp được một bộ báo cáo đầy đủ chứng từ, bảng biểu, các sổ kế toán (chi tiết, tổng hợp), các nhật ký đặc biệt, báo cáo tài chính, báo cáo thuế. Bộ báo cáo này phải được đảm bảo về tính chính xác, đầy đủ chữ ký và được sắp xếp, lưu trữ một cách khoa học, hợp lý và thẩm mỹ. (Hình 1)

Để tổ chức được mô hình thực hành, cần phải xây dựng một phòng thực hành kế toán riêng. Đây là một phòng học rộng gồm những thiết bị cần thiết trong một phòng kế toán như bàn ghế, tủ tài liệu, máy in, văn phòng phẩm,... Đặc biệt, máy vi tính đã được cài đặt phần mềm. Trong phòng có phân chia rõ các khu vực dành cho các bộ phận kế toán riêng để sinh viên có thể thực hiện các công việc, luân chuyển chứng từ như một doanh nghiệp thực tế.

4.3. Lựa chọn và sử dụng phần mềm kế toán

- Công ty MISA có bộ phận chăm sóc khách hàng tốt, sinh viên và giảng viên có thể liên hệ để hỗ trợ ngay khi có vấn đề.

Mặt khác, với mong muốn chia sẻ tri thức cho cộng đồng, trong những năm qua, MISA đã có chính sách hợp tác đào tạo với trên 600 trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các trung tâm đào tạo. Mỗi năm, hàng chục nghìn sinh viên được đào tạo về nghiệp vụ và thực hành phần mềm MISA hoàn toàn miễn phí. Bên cạnh việc tài trợ phần mềm phục vụ công tác giảng dạy như trên, MISA còn thường xuyên tài trợ học bổng cho sinh viên, tham gia các hoạt động giao lưu, trao đổi với sinh viên các trường để định hướng nghề nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm làm việc, chia sẻ tri thức và tạo các cơ hội việc làm cho sinh viên.

Xuất phát từ những ưu điểm đó, tác giả đề xuất lựa chọn và ứng dụng phần mềm MISA trong mô hình thực hành kế toán tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (Hình 2).

5. Lợi ích của việc áp dụng mô hình thực hành kế toán doanh nghiệp

5.1. Đối với sinh viên

- Mô hình thực hành kế toán giúp sinh viên được làm việc trực tiếp với phần mềm kế toán và chứng từ, sổ sách kế toán, biết được cách tổ chức bộ máy kế toán trong một doanh nghiệp, nắm được cụ thể quy trình kế toán của một doanh nghiệp.

- Trong quá trình thực hành, sinh viên hiểu được cách vận dụng hệ thống các văn bản pháp luật trong công việc kế toán thực tế như luật kế toán, chuẩn mực kế toán, chính sách thuế, chính sách lao động tiền lương, các thông tư, nghị định, các văn bản pháp quy khác liên quan đến kế toán, thuế,...

- Rèn luyện cho sinh viên những kỹ năng mềm hữu ích, như: kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng giao tiếp,...

- Mô hình học thực tế giúp sinh viên hứng thú hơn trong việc học, các buổi học trở nên sinh động hơn, sinh viên tiếp cận tri thức một cách chủ động. Từ đó, sinh viên tự tin hơn với kiến thức và kỹ năng thực hành kế toán của mình, có nhiều cơ hội xin việc sau khi ra trường.

5.2. Đối với nhà trường

Việc áp dụng mô hình thực hành kế toán doanh nghiệp giúp nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường, gắn liền giữa đào tạo lý thuyết và thực hành, thực tế, đảm bảo được chất lượng đào tạo theo chuẩn đầu ra ngành kế toán, khẳng định được uy tín, thương hiệu của nhà trường.

5.3. Đối với nhà tuyển dụng

- Với chương trình đào tạo thực hành kế toán doanh nghiệp, khi tuyển dụng sinh viên mới ra trường, nhà tuyển dụng không tốn thêm chi phí để đào tạo lại nhân sự.

- Ngoài ra, nhà tuyển dụng cũng dễ dàng hơn trong việc lựa chọn nhân sự kế toán có chất lượng, phù hợp với nhu cầu quản lý của đơn vị mình.

6. Kết luận

Giáo dục hiện đại dù tiến hành theo mô hình nào cũng phải đặt sinh viên vào vị trí trung tâm của hoạt động dạy và học, sinh viên vừa là chủ thể, vừa là mục đích của quá trình phấn đấu đó.

Kết quả nghiên cứu, xây dựng, triển khai mô hình thực hành kế toán doanh nghiệp của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là một cơ sở khoa học trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, gắn liền giữa lý luận và thực tiễn cho việc đào tạo nghề kế toán. Việc đưa mô hình này vào sử dụng thực tiễn sẽ giúp sinh viên ngành Kế toán, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội hình thành những kỹ năng nghề nghiệp cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tế trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Võ Văn Nhị (2016). Một số ý kiến về vấn đề đào tạo kế toán, kiểm toán bậc đại học đáp ứng xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, <http://www.vacpa.org.vn/Page/Detail.aspx?newid=5327>.
  2. Nguyễn Thị Anh Hoa (2018). Hoàn thiện ứng dụng mô hình phòng thực hành kế toán phục vụ đào tạo ngành Kế toán cho sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Thái Nguyên,188, 221-226.
  3. Phạm Thị Lan Anh (2018). Nghiên cứu đổi mới thực hành kế toán cho sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải. Tạp chí Giao thông vận tải, http://www.tapchigiaothong.vn/nghien-cuu-doi-moi-thuc-hanh-ke-toan-cho-sinh-vien-truong-dai-hoc-giao-thong-van-tai-d53827.html.
  4. Vũ Thị Thanh Bình (2017), “Đào tạo kế toán tại các trường đại học, cao đẳng hiện nay: đổi mới theo hướng tiệm cận với yêu cầu thực tiễn”, Hội thảo khoa học “Đổi mới phương pháp đào tạo, cập nhật giáo trình giảng dạy kế toán phù hợp với yêu cầu cải cách kế toán trong giai đoạn mới”.
  5. Yangyang L, Lisha M. (2019). Analysis on the construction of accounting practice teaching system for training applied accounting talents in colleges and universities based on the innovation of industry-university-research cooperative education, Francis Academic Press, 5,17-22. DOI: 10.25236/etmhs.2019.004.

Developing a corporate accounting practice model for Hanoi University of Natural Resources and Environment

Ph.D. Nguyen Hoan

Hanoi University of Natural resources and environment

ABSTRACT:

It is not just quantity of training human resources in accounting sector that matters, it is quality too to meet the more demanding requirements of the market. Finding a suitable model for accounting teaching is a great concern of many universities including Hanoi University of Natural Resources and Environment (HUNRE). This paper proposes a corporate accounting practice model which enable HUNRE’s students gain real accounting work experience and build their professional skills to meet increasing requirements of employers.

Keywords: accounting practice, corporate accounting practice, accounting software, Hanoi University of Natural Resources and Environment.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25, tháng 11 năm 2021]