Xây dựng những quy chuẩn quốc tế để khơi thông thị trường xuất khẩu nông sản

Chỉ khi xây dựng được những tiêu chuẩn, quy chuẩn hài hòa quốc tế, nông sản Việt Nam mới có chỗ đứng và nâng cao được năng lực cạnh tranh với các thị trường nước ngoài.

5 thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp

Phát biểu tại Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam 2019” diễn ra sáng 5/3/2019, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong năm 2018 vừa qua, ngành nông nghiệp đã vượt qua các khó khăn, thách thức để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra như: tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3,76%, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,86% (trong đó nông nghiệp tăng 2,91%, lâm nghiệp tăng 6,09%, thủy sản tăng 6,5%), kim ngạch xuất khẩu đạt mức kỷ lục 40,02 tỷ USD với thặng dư thương mại khoảng 8,72 tỷ USD. Mặc dù vậy, trong năm 2019, ngành nông nghiệp dự báo sẽ đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Tuy nhiên, nhìn nhận về tình hình xuất khẩu nông sản năm 2019, Bộ trưởng  Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành Nông nghiệp đang phải đối mặt với 5 thách thức lớn.

Một là nông nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ, phân tán nên chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế.

Xây dựng quy chuẩn quốc tế để khơi thông thị trường xuất khẩu nông sản
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, thị trường xuất khẩu, xung đột thương mại Mỹ-Trung, thời tiết... là những thách thức lớn của ngành nông nghiệp trong năm 2019  

 

Hai là thách thức, nguy cơ từ tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước và tình hình cung cầu nông sản.

Thứ ba, thị trường đầu ra cho nông sản vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm và các nước trên thế giới đều quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nên các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.

Mặt khác, xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc, những bất ổn xung quanh vấn đề Brexit, những bất ổn địa chính trị trên thế giới cũng ảnh hưởng tới việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam.

Nói rõ hơn về những thách thức này, ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông, thủy sản quan trọng hàng đầu của Việt Nam cũng tăng cường thực hiện nghiêm các quy định đã có về truy xuất nguồn gốc, đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu, bao bì sản phẩm.

Hay Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước ASEAN đã và đang tăng cường áp dụng các quy định ngày càng khắt khe về kiểm dịch động thực vật nhập khẩu. Nhiều thị trường áp dụng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm có yêu cầu rất cao với các tiêu chuẩn hầu như tương đương, thậm chí cao hơn cả những tiêu chuẩn quốc tế thông thường như tại Nhật Bản.

Xây dựng quy chuẩn quốc tế để khơi thông thị trường xuất khẩu nông sản

Năm 2019, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 43 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển cơ cấu sản xuất theo 3 trục sản phẩm chủ lực: nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, nhóm sản phẩm đặc sản địa phương theo mô hình “mỗi xã phường một sản phẩm”. Các sản phẩm chủ lực cần xây dựng các chuỗi giá trị để mở cửa và phát triển thị trường cho phù hợp, ưu tiên sản xuất tốt các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu như lâm sản, thủy sản, gạo và trái cây.

"Chúng ta phải chuyển từ sản xuất cho mình thành sản xuất hàng hóa cho xuất khẩu. Câu chuyện không còn là sản xuất để ăn mà là sản xuất để bán. Do đó, cần có sự vào cuộc đồng bộ, cùng đồng hành quyết liệt ở cả 3 trục: Chính phủ, các bộ ngành; doanh nghiệp và người dân", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

xuất khẩu nông sản
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, để hoàn thành những mục tiêu đặt ra trong năm 2019, ngành nông nghiệp Việt Nam phải xây dựng, tiêu chuẩn, quy chuẩn chuẩn quốc tế để khơi thông thị trường xuất khẩu nông sản

 

Còn theo ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) trong năm 2019, ngành nông nghiệp cần tập trung cho một số nhóm giải pháp nhằm khơi thông thị trường xuất khẩu nông sản.

Trong đó phải đẩy mạnh việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, tiến tới hài hòa với các quy định của các thị trường nhập khẩu của khu vực và trên thế giới; tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia, đồng thời phát triển và nhân rộng việc thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc nhằm tạo tiền đề vững chắc cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam đáp ứng khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập quốc tế.

"Chỉ khi xây dựng được những tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với quốc tế, các sản phẩm nông sản mới có chỗ đứng, sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Sản phẩm nông sản Việt Nam khi đáp ứng chuẩn thị trường cũng tạo nên một động lực lớn thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu sản phẩm này sang nước ngoài", ông Toản nhấn mạnh.

thúc đẩy xuất khẩu nông sản
Tại Diễn đàn, rất nhiều các giải pháp được các diễn giả, các chuyên gia đưa ra để thúc đẩy, mở rộng việc sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam trong năm 2019

 

Cũng theo quan điểm của ông Nguyễn Quốc Toản, để hoàn thành các mục tiêu trong năm 2019, ngành nông nghiệp phải tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường chính ngạch cho các sản phẩm hoa quả tươi, rau, thủy sản sang các thị trường có yêu cầu chất lượng cao. Đồng thời, duy trì và phát triển bền vững thị trường Trung Quốc, mở rộng thị trường nông sản sang những nền kinh tế có cơ cấu bổ sung với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Liên minh Châu Âu hay Trung Đông; lựa chọn và đưa các sản phẩm phù hợp vào các thị trường tiềm năng như: Nga, Trung Đông, Châu Phi, ASEAN...

Không những vậy, ngành nông nghiệp Việt Nam cần tăng cường các biện pháp tháo gỡ các rào cản kỹ thuật và rào cản thương mại của các nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa nông sản của Việt Nam thâm nhập vào thị trường các nước. Song song với đó, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa nông sản xuất khẩu của Việt Nam để kịp thời chỉ đạo các giải pháp cụ thể, quyết liệt, có định hướng để tháo gỡ khó khăn...

Hạ Vũ