Xây dựng nông thôn mới góp phần tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở Hải Phòng

ThS. BÙI THÚY TUYẾT ANH (Trường Đại học Hàng hải Việt Nam)

TÓM TẮT:

Là thành phố trọng điểm về kinh tế của khu vực phía Bắc, ngoài việc tập trung phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, TP. Hải Phòng còn đặt mục tiêu trở thành một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng nông thôn mới (NTM). NTM đã tạo ra một lực lượng sản xuất mới, làm thay đổi diện mạo nông thôn tại Hải Phòng. Có thể nói, xây dựng NTM tại Hải Phòng đã từng bước giúp tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, góp phần tích cực trong việc nâng cao đời sống của nhân dân.

Từ khóa: Nông thôn mới, tái cơ cấu kinh tế, nông nghiệp, Hải Phòng.

1. Một số thành tựu đạt được trong xây dựng nông thôn mới ở Hải Phòng

Ngày 04/6/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Thực hiện Công văn số 12/BCĐTW-VPĐP ngày 11/8/2015 của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã đạt được những kết quả tích cực, cụ thể:

1.1. Công tác lập, sử dụng quy hoạch và phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội

Đến nay, 100% số xã xây dựng nông thôn mới (139 xã) đã hoàn thành công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội là khâu đột phá, sau nhiều năm thực hiện, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đã đạt kết quả quan trọng nổi bật:

- Tiêu chí giao thông: Toàn thành phố xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp được 2.691 km đường giao thông nông thôn (76 km đường trục xã; 1.472 km đường thôn, xóm, khu dân cư; 1.143 km đường giao thông nội đồng). Có 49 xã đạt tiêu chí giao thông (bằng 35,2% tổng số xã), tăng 48 xã so với năm 2011.Thành phố có chính sách phù hợp, tạo động lực để người dân tích cực tham gia thực hiện.

- Tiêu chí thủy lợi: Xây mới và cải tạo 207,5 km kênh mương thủy lợi do xã quản lý (trong đó xây mới 97,1 km; cải tạo, nâng cấp 110,4 km). Có 71 xã đạt tiêu chí thủy lợi (bằng 51,1%), tăng 56 xã so với năm 2012.

- Tiêu chí Điện nông thôn: Có 139 xã đạt tiêu chí về điện nông thôn (bằng 100%).

- Tiêu chí Trường học các cấp: Cơ sở vật chất trường học các cấp trên địa bàn các xã được các địa phương tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo. Có 48 xã đạt tiêu chí về trường học (bằng 34,53%).

- Tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa: Có 51 xã đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa (bằng 36,7%).

- Tiêu chí chợ nông thôn: Có 94 xã đạt tiêu chí về chợ nông thôn (bằng 67,6%). Một số địa phương có cơ chế ngân sách hỗ trợ một phần vốn (từ 20 đến 30%) khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn.

- Tiêu chí hệ thống trạm y tế: Có 113 xã đạt tiêu chí về trạm y tế (bằng 81,3%).

- Tiêu chíbưu điện và hạ tầng công nghệ thông tin nông thôn: Có 139 xã đạt tiêu chí về bưu điện (bằng 100%); Internet tốc độ cao đến hầu hết các điểm bưu điện văn hóa xã, 100% số xã có điểm truy cập internet công cộng, vùng phủ sóng 3G đạt 100% dân số. Người dân khu vực nông thôn được sử dụng các dịch vụ bưu chính, viễn thông phổ cập.

1.2. Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo

Thành phố có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp thủy sản:

Thực hiện Nghị quyết số 14/2010/NQ-HĐND ngày 09/12/2010 của Hội đồng nhân dân thành phố về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, thủy sản thành phố Hải Phòng giai đoạn 2012 -2016: Trong 5 năm (2012 - 2016), thành phố đã đầu tư 1.130.298,3 triệu đồng hỗ trợ thực hiện: bảo đảm kinh phí rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển nông nghiệp, thủy sản; hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi; xây dựng vùng sản xuất tập trung, phát triển trang trại chăn nuôi; khuyến khích áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; phát triển sản xuất thủy sản theo hướng bền vững; tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản; giảm thủy lợi phí và miễn thu quỹ phòng chống lụt bão cho nông dân, ngư dân…

Thực hiện Nghị quyết số 12/2009/NQ-HĐND ngày 23/7/2009 của Hội đồng nhân dân thành phố về cải tạo, nâng cấp trạm bơm điện phục vụ sản xuất nông nghiệp về cải tạo, nâng cấp trạm bơm điện phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng: 5 năm (2010-2015), toàn thành phố cải tạo, nâng cấp được 191 công trình, nạo vét 33 tuyến kênh hút (18,233 km), đạt 28,64% kế hoạch; tổng kinh phí thực hiện là 131.403 triệu đồng, bằng 33,6% kế hoạch (trong đó ngân sách thành phố 96.847 triệu đồng, bằng 31,02% so với kế hoạch).

Thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-HĐND ngày 15/7/2010 của Hội đồng nhân dân thành phố về nhiệm vụ, giải pháp thu gom, xử lý chất thải rắn ở nông thôn trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2010-2020, trong 5 năm (2011-2015), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố cấp 80.054 triệu đồng từ ngân sách thành phố hỗ trợ các địa phương cải tạo, xây dựng 74 ga trung chuyển chất thải rắn; 3 bể chứa chất thải rắn; xây mới và cải tạo, nâng cấp 86 bãi chôn lấp chất thải rắn tạm thời; mua 1.252 xe đẩy tay, 300 thùng đựng rác cho các xã; xây dựng 8 lò đốt rác bằng công nghệ BD-Anpha với công suất đốt một giờ được 500 kg rác. Khối lượng chất thải rắn ở nông thôn năm 2011 được thu gom, vận chuyển, xử lý đạt 63%; năm 2016 đạt 85%.

Hỗ trợ thực hiện các đề án phát triển sản xuất 70.175 triệu đồng: xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ phục vụ sản xuất nông nghiệp tại 21 xã, kinh phí 42.756 triệu đồng; trồng 261.482 cây phân tán tạo cảnh quan môi trường, kinh phí 8.000 triệu đồng; xây dựng 41 mô hình cánh đồng lớn, kinh phí 7.590 triệu đồng; thực hiện 1.780 mô hình hộ chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học, kinh phí 6.490 triệu đồng; hỗ trợ sản xuất lúa thuần, kinh phí 3.939 triệu đồng; mô hình trồng cây ăn quả cải tạo vườn tạp, kinh phí 1.400 triệu đồng. Quan tâm chỉ đạo kiện toàn tổ chức sản xuất, hỗ trợ hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, các tổ hợp tác. Nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; các tổ, đội sản xuất, liên tập đoàn trong khai thác thủy sản đã được thành lập.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã phát huy hiệu quả; có trên 5.900 lượt nông dân, ngư dân được tập huấn nghề; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 56%, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 34%.Thu nhập bình quân đầu người dân nông thôn tăng từ 19,2 triệu đồng (năm 2012) lên 34,08 triệu đồng (năm 2016); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,53% năm 2012 còn 1,53% năm 2016. Có 108 xã đạt tiêu chí về hộ nghèo (bằng 77,7%). Đến nay, đã có 92 xã đạt tiêu chí về thu nhập (bằng 66,2%), 125 xã đạt tiêu chí về việc làm (bằng 89,93%).

1.3. Phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và bảo vệ môi trường

- Công tác giáo dục đào tạo: Đảm bảo các mục tiêu, nhiệm vụ, về tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học. Có 60 xã đạt tiêu chí trường học (bằng 43,2%); 130 xã đạt tiêu chí giáo dục (bằng 93,5%).

- Y tế: Hệ thống cơ sở vật chất y tế cấp huyện, xã được nâng cao; chất lượng chăm sóc sức khỏe của người dân khu vực nông thôn cơ bản được đáp ứng. Có 120 xã đạt tiêu chí y tế (bằng 86,3%), tăng 74 xã so với năm 2012.

- Văn hóa: Các hoạt động văn hóa, thể thao quần chúng được đẩy mạnh và đa dạng hóa. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã động viên các tầng lớp nhân dân đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, chung sức xây dựng nông thôn mới. Phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa ngày càng phát triển sâu rộng: năm 2016, có 1.874 xóm trong tổng số 2.292 xóm đạt danh hiệu văn hóa (bằng 81,76%); 247.549 gia đình trong tổng số 298.901 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa (bằng 82,81%) và 118 xã trong tổng số 143 xã đạt tiêu chí văn hóa (bằng 84,9%).

- Môi trường:

+ Đến năm 2016, toàn thành phố đã xây dựng 205 công trình cấp nước hợp vệ sinh ở nông thôn; có98,6% dân cư nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh (67% sử dụng nước sạch đạt QCVN 02:2009/BYT); xây dựng 86 bãi chôn lấp tạm thời, 8 lò đốt rác thải; 143 xã thành lập tổ, đội hoặc ký hợp đồng thu gom, vận chuyển chất thải rắn (bằng 100% tổng số xã); khoảng 85,3% tổng lượng rác ở nông thôn được thu gom, xử lý; 85% số hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 75% số hộ có chuồng trại hợp vệ sinh. Các nhà trẻ, trường học, trạm xá, chợ, trụ sở xã và các công trình công cộng ở nông thôn được cấp nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh.

+ Hàng năm, thành phố phát động tết trồng cây và thực hiện đề án trồng cây lâm nghiệp phân tán tạo cảnh quan môi trường. Năm 2016, trồng 261.482 cây phân tán trên địa bàn các huyện.

+ Chỉ đạo các địa phương quy hoạch, chỉnh trang nghĩa trang nhân dân đúng quy hoạch nông thôn mới, phù hợp với phong tục, tập quán và nếp sống văn hóa.

+ Đến nay, có 65 xã đạt tiêu chí về môi trường (bằng 46,76%).

1.4. Xây dựng hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và gìn giữ an ninh, trật tự xã hội

- Xây dựng hệ thống tổ chức, chính trị xã hội vững mạnh: Tổ chức cơ sở Đảng ở địa phương được nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung, phương pháp sinh hoạt; nâng cao vai trò hạt nhân trong lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Nhiều cấp ủy Đảng cơ sở chủ động lựa chọn những vấn đề bức xúc, nổi cộm, những yêu cầu, nguyện vọng của người dân để bàn bạc, thảo luận trong cấp ủy, chi bộ, tập trung lãnh đạo thực hiện có kết quả. Có 139 xã đạt tiêu chí về hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh (bằng 100%).

- Đảm bảo an ninh trật tự ở nông thôn: Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Chủ động đấu tranh ngăn chặn các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh nông thôn. Có 139 xã đạt tiêu chí về đảm bảo an ninh trật tự (bằng 100%).

2. Những hạn chế, tồn tại

Mặc dù đạt được kết quả, nhưng tiến độ thực hiện Chương trình vẫn còn chậm: Các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa chưa đạt so với mục tiêu của thành phố đề ra.

Các xã tập trung cao phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng các nội dung về phát triển sản xuất còn hạn chế: Hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thủy sản chưa cao; việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, chưa tạo ra năng suất, chất lượng cao.

Ô nhiễm môi trường nông thôn đang là vấn đề bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân và mục tiêu phát triển nền nông nghiệp sạch.

Nếp sống văn minh, văn hóa mới trong nông thôn chuyển biến còn chậm; nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao ở khu vực nông thôn còn đơn điệu; xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa ở một số địa phương chưa đảm bảo thực chất; tệ nạn xã hội vẫn còn là nỗi lo lắng của người dân nông thôn.

Một số địa phương lúng túng trong việc vận dụng cơ chế, chính sách; huy động các nguồn lực, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Công tác chỉ đạo, điều hành của một số sở, ngành, địa phương chưa tập trung cao thực hiện các nhiệm vụ được phân công; như: Theo dõi, chỉ đạo, đánh giá kết quả thực hiện tiêu chí; chưa đề xuất được giải pháp cụ thể để khắc phục; phong trào xây dựng nông thôn mới ở các địa phương không đồng đều.

Một số ít cấp ủy, chính quyền địa phương chưa đề cao vai trò, trách nhiệm trong thực hiện xây dựng nông thôn mới; thiếu chủ động, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện, nhất là huy động nguồn lực thực hiện chương trình; nợ xây dựng cơ bản còn tăng tại các địa phương đăng ký đạt 19 tiêu chí nông thôn mới.

Những hạn chế trên bắt nguồn từ những nguyên nhân chính sau:

- Nguyên nhân khách quan:

+ Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới có những điểm chưa phù hợp với từng vùng, chậm sửa đổi, bổ sung (đặc biệt là hướng dẫn thực hiện tiêu chí của các bộ, ngành) nên khó thực hiện.

+ Nguồn lực đầu tư của Trung ương cho Chương trình còn thấp.

+ Sản xuất nông nghiệp chủ yếu là quy mô hộ gia đình, manh mún, lạc hậu; việc ứng dụng khoa học - công nghệ cao vào sản xuất thấp, hiệu quả sản xuất không cao.

- Nguyên nhân chủ quan:

+ Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn hạn chế, chưa đóng vai trò nòng cốt thực hiện Chương trình; một số cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể cơ sở chưa làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền gắn với vận động quần chúng. Công tác chỉ đạo không lường hết các khó khăn nên chưa đề ra được các giải pháp phù hợp để tạo bước đột phá.

+ Một số địa phương thực hiện chưa đúng theo chỉ đạo, hướng dẫn của thành phố; việc công khai, dân chủ còn hạn chế; chưa phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới.

+ Kết quả điều tra, khảo sát đánh giá thực trạng nông thôn ở một số địa phương chưa sát với thực tế. Việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, đề án chưa được quan tâm kịp thời.

+ Việc xây dựng kết cấu hạ tầng sản xuất được quan tâm, nhưng hình thức tổ chức sản xuất chưa được chỉ đạo đạt hiệu quả.

3. Đề xuất giải pháp xây dựng nông thôn mới góp phần tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở Hải Phòng

Hải Phòng đặt mục tiêu đến năm 2020 có 100% số xã trên địa bàn thành phố đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Giữ vững kết quả đã đạt được, tiếp tục nâng cao chất các tiêu chí nông thôn mới, với những yêu cầu cao hơn. Để làm được điều này, cần chú ý một số giải pháp sau:

- Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XV bằng kế hoạch thực hiện cho cả giai đoạn (2016-2020) và từng năm; xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng để nâng cao tính tự giác, chủ động, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”…

- Nhân rộng những cách làm hay, mô hình điểm; khen thưởng, động viên kịp thời các tổ chức và cá nhân làm tốt, có nhiều đóng góp cho Chương trình xây dựng nông thôn mới.

- Kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới các cấp, bộ máy cán bộ xã, thôn theo quy định của Trung ương và của thành phố. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn.

-Đề nghị bổ sung các cơ chế chính sách thực hiện Chương trình, đặc biệt là tăng cường nguồn lực đầu tư đối với các xã đăng ký đạt 19 tiêu chí nông thôn mới năm 2016 và năm tiếp theo; đặc biệt quan tâm các xã vùng khó khăn, đặc thù; vùng sâu, vùng xa, hải đảo, miền núi.

- Khuyến khích phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác, các doanh nghiệp ở nông thôn theo mô hình liên kết theo chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản; thực hiện hợp tác 4 nhà: Nhà nông - Nhà khoa học -Nhà doanh nghiệp - Nhà nước. Hướng dẫn đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm để nâng cao hiêu quả sản xuất.

- Hướng dẫn, hỗ trợ địa phương thực hiện các nội dung về phát triển văn hóa xã hội, môi trường, đảm bảo an ninh trật tự ở nông thôn; xây dựng nếp sống văn minh, phát huy các truyền thống văn hóa tốt đẹp, tình làng nghĩa xóm; bảo đảm an ninh trật tự, bài trừ tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng xóm, làng xanh, sạch, đẹp.

- Đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới:

+ Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; xây dựng kế hoạch giữ vững và nâng cao chất lượng 19 tiêu chí, xây dựng nông thôn mới.

+ Các xã chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, phấn đấu mỗi làng có ít nhất một sản phẩm nông nghiệp đặc thù; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, hình thành chuỗi hàng hóa từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

- Thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. UBND TP. Hài Phòng (2016), Báo cáo Tổng kết Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012 – 2016.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hải Phòng (2016), Dự thảo Đề án Nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

NEW RURAL AREAS CONTRIBUTING TO THE RESTRUCTURING OF AGRICULTURAL ECONOMY IN HAI PHONG

Msc. BUI THUY TUYET ANH

Vietnam Maritime University

ABSTRACT:

Being the key economic city in the North, Hai Phong focuses both on developing essential sectors and becoming the leading example of building new rural area. New rural area has created a new productive force, changing the face of rural areas in Hai Phong. It can be said that the building of new rural area in Hai Phong has gradually helped to restructure the agricultural industry and actively contributed to the improvement of life standards.

Keywords: New rural areas, economic restructuring, agriculture, Hai Phong.


Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây