Xây dựng Thủy Nguyên thành trung tâm hành chính, chính trị mới của TP. Hải Phòng

Theo Quy hoạch, xây dựng đô thị mới Thủy Nguyên là trung tâm hành chính, chính trị mới của thành phố Hải Phòng; trung tâm nghề cá vùng duyên hải Bắc Bộ; trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch...

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1388/QĐ-TTg ngày 16/11/2023 phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị mới Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng đến năm 2045.

Mục tiêu phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị mới Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng đến năm 2045 nhằm cụ thể hoá những chiến lược, định hướng phát triển của quốc gia và của thành phố Hải Phòng; nâng tầm vị thế đô thị Thủy Nguyên trở thành trung tâm kinh tế đa ngành của thành phố Hải Phòng và của vùng đồng bằng sông Hồng; phát triển đô thị Thủy Nguyên trở thành thành phố trực thuộc thành phố Hải Phòng.

Đồng thời, xây dựng, phát triển đô thị Thủy Nguyên trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, hướng tới thành phố quốc tế, thành phố sinh thái thông minh; phát huy hiệu quả các giá trị lịch sử, cảnh quan, môi trường, văn hóa; đảm bảo quốc phòng, an ninh, thích ứng biến đổi khí hậu.

Thủy Nguyên - Hải Phòng
Xây dựng Thủy Nguyên là đô thị loại III vào năm 2025, hướng tới đô thị loại II vào năm 2035 với mô hình thành phố thuộc TP. Hải Phòng.

Phạm vi khu vực lập quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Thủy Nguyên và phần đảo Vũ Yên cùng mặt nước liền kề thuộc địa giới hành chính quận Hải An; quy mô lập quy hoạch: Khoảng 26.910,2 ha (diện tích trên địa bàn huyện Thủy Nguyên 26.191,2 ha; diện tích trên địa bàn quận Hải An 719,0 ha).

Ranh giới nghiên cứu lập quy hoạch phía Đông và phía Bắc giáp với thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh; Phía Tây giáp huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương; Phía Nam giáp huyện An Dương, quận Hồng Bàng và quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng.

Năm 2035, Thủy Nguyên là thành phố thuộc TP. Hải Phòng

Về tính chất, Nhiệm vụ Quy hoạch chung xác định xây dựng đô thị mới Thủy Nguyên là đô thị loại III vào năm 2025 hướng tới đô thị loại II vào năm 2035 với mô hình thành phố thuộc TP. Hải Phòng.

Thủy Nguyên là trung tâm hành chính, chính trị mới của TP. Hải Phòng; là trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch, văn hóa thể dục thể thao, y tế, giáo dục; là trung tâm nghề cá vùng duyên hải Bắc Bộ; là đô thị thông minh, sinh thái, thân thiện với môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh.

Dự báo về quy mô dân số đến năm 2035 khoảng 600.000 người; đến năm 2040 khoảng 645.000 người; đến năm 2045 khoảng 725.000 người.

Dự báo quy mô đất đai đến năm 2030 - 2035 đất xây dựng khoảng 8.000 ÷ 9.000 ha, trong đó đất dân dụng đô thị và đất khu dân cư nông thôn khoảng 4.200 ÷ 4.800 ha; Đến năm 2040 - 2045 đất xây dựng khoảng 10.000 ÷ 14.000 ha, trong đó đất dân dụng đô thị và đất khu dân cư nông thôn khoảng 5.000 ÷ 5.800 ha. Việc phân tích, đánh giá, dự báo cụ thể quy mô dân số và đất đai xây dựng đô thị theo từng giai đoạn sẽ được nghiên cứu, đề xuất trong quá trình nghiên cứu đồ án quy hoạch.

Rà soát các chương trình, dự án phát triển trên địa bàn

Một trong những yêu cầu chính về nội dung Quy hoạch chung đô thị mới Thủy Nguyên là yêu cầu về phân tích đánh giá hiện trạng. Trong đó, phân tích vị trí, đánh giá điều kiện tự nhiên. Tập trung đánh giá phân tích về vị trí vai trò của Thủy Nguyên trong toàn thành phố và các mối liên hệ của Thủy Nguyên với vùng đô thị hiện hữu Nam sông Cấm cũng như với các vùng phụ cận thuộc địa bàn tỉnh Hải Dương và tỉnh Quảng Ninh từ đó tìm ra các lợi thế so sánh, các hạn chế trong bối cảnh cạnh tranh và hợp tác phát triển giữa các đô thị.

Phân tích đánh giá về hiện trạng dân số, sử dụng đất, kiến trúc cảnh quan, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và môi trường. Tập trung đánh giá quá trình tăng trưởng dân số, cơ cấu dân số, lao động trong đó lưu ý sự tăng trưởng cơ học gắn với sản xuất công nghiệp, dịch vụ từ khi phát triển Khu công nghiệp đô thị VSIP, Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, Khu công nghiệp Bến Rừng... Đánh giá việc khai thác sử dụng đất đai và hiệu quả sử dụng đất; đánh giá về kiến trúc cảnh quan đô thị, đặc biệt lưu ý đánh giá các giá trị cảnh quan tự nhiên và các đặc trưng cảnh quan tự nhiên gắn với sông Bạch Đằng, sông Giá, sông Cấm, vùng núi đá tự nhiên ven sông Bạch Đằng gắn với các di tích văn hóa lịch sử. Đánh giá về hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, môi trường và từ đó đối chiếu với các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển đô thị. Đánh giá các vấn đề về môi trường và các nguy cơ tiềm ẩn rủi ro có thể xảy ra.

Đánh giá công tác quản lý, triển khai thực hiện quy hoạch. Đánh giá quá trình phát triển đô thị, công tác quản lý phát triển và các vấn đề bất cập trong quản lý một khu vực phát triển đô thị quy mô lớn của thành phố nhưng thuộc địa bàn cấp huyện. Đánh giá về phát triển và biến đổi không gian đô thị qua các thời kỳ, việc quản lý, khai thác sử dụng đất và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng đô thị (đô thị mới Bắc Sông Cấm, thị trấn Minh Đức, thị trấn Núi Đèo) và vùng nông thôn.

Đánh giá hiện trạng đô thị theo các tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại đô thị. Rà soát đánh giá chất lượng đô thị và đối chiếu theo các tiêu chí, tiêu chuẩn, chỉ tiêu của đô thị loại III và hướng tới loại II để tìm ra hướng đầu tư trọng điểm sớm đưa Thủy Nguyên lên đô thị loại III giai đoạn trước mắt và hướng tới đô thị loại II trong tương lai.

Đánh giá các chương trình, dự án đầu tư. Rà soát thống kê các chương trình, các dự án phát triển trên địa bàn toàn đô thị Thủy Nguyên. Phân tích đánh giá sự phù hợp với các chương trình, các quy hoạch cấp trên, sự phù hợp với mục tiêu phát triển Thủy Nguyên trong tương lai để phân loại các dự án tiếp tục triển khai, các dự án cần có sự điều chỉnh hoặc các dự án không phù hợp (nếu có).

Yêu cầu về tiền đề và dự báo phát triển 

Nhiệm vụ Quy hoạch yêu cầu cụ thể về tiền đề và dự báo phát triển là phân tích vai trò vị thế, tiềm năng, động lực phát triển. Trong đó phân tích, làm rõ các Nghị quyết, Quyết định, văn bản pháp lý, các chủ trương và chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ liên quan đến phát triển TP. Hải Phòng; phân tích các tác động của Quy hoạch vùng, các quy hoạch ngành mới, mang lại những động lực, tiềm năng mới cho thành phố Thủy Nguyên.

Phân tích và làm rõ vị thế, vai trò của thành phố Thủy Nguyên trong định hướng tổng thể TP. Hải Phòng, cũng như trong vùng đồng bằng sông Hồng; đồng thời làm rõ các kết nối chia sẻ hạ tầng kinh tế - xã hội và hạ tầng kỹ thuật. Đánh giá được động lực, tiềm năng chính, cơ chế chính sách, quỹ đất, tính đa dạng văn hóa, lịch sử và các đặc trưng về địa lý, kinh tế, cảnh quan, môi trường.

Việc xác định tính chất, chức năng đô thị cần phù hợp với các định hướng phát triển được xác định trên cơ sở các Nghị quyết, Quyết định, văn bản pháp lý, các chủ trương và chính sách của: Đảng, Quốc hội, Chính phủ liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh đối với TP. Hải Phòng và vùng đồng bằng sông Hồng. Tính chất, chức năng của thành phố Thủy Nguyên cần nghiên cứu và bổ sung so với đồ án Quy hoạch chung TP. Hải Phòng được duyệt năm 2023 để đảm bảo thành phố phát huy được tối đa các lợi thế về vị trí, vị thế, vai trò của một đô thị cửa ngõ...

Định hướng phát triển không gian đô thị

Mô hình và định hướng phát triển đô thị cần lồng ghép, kế thừa các định hướng của quy hoạch chung TP. Hải Phòng gắn với Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải; gắn kết không gian của khu vực nội thị với khu vực đô thị trung tâm TP. Hải Phòng. Nghiên cứu mô hình và hướng phát triển đô thị phù hợp với tính đặc trưng về địa hình, cảnh quan, môi trường và văn hóa, xã hội (cảnh quan sông, núi…); phù hợp với các dự kiến về mô hình tổ chức hành chính mới của đô thị Thủy Nguyên.

Xác định phạm vi, quy mô các khu vực chức năng của đô thị; khu hiện có hạn chế phát triển, khu chỉnh trang, cải tạo, khu cần bảo tồn, tôn tạo; các khu chuyển đổi chức năng; khu phát triển mới; khu cấm xây dựng, các khu dự trữ phát triển; các khu vực dự kiến xây dựng công trình ngầm (đặc biệt lưu ý đến ranh giới vùng bảo vệ di tích; khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải…).

Đề xuất định hướng phát triển các khu vực nông thôn và vùng ven đô, trong đó làm rõ mối liên hệ giữa không gian khu vực nông thôn với đô thị, nông thôn với phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ; nông thôn với bảo tồn, phát huy các giá trị của cảnh quan tự nhiên, văn hóa; đảm bảo điều kiện hạ tầng đô thị nhằm gắn kết không gian tổng thể TP. Hải Phòng và các địa phương lân cận...

Định hướng hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội - hạ tầng kỹ thuật

Quy hoạch chung xác định hệ thống trung tâm hành chính, trung tâm thương mại, dịch vụ, trung tâm công cộng, thể dục thể thao, công viên, cây xanh và không gian mở; trung tâm chuyên ngành cấp vùng và đô thị để đảm bảo đáp ứng được tiêu chí đô thị loại II và phù hợp với quy hoạch các ngành, quy hoạch TP. Hải Phòng thời kỳ năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Định hướng xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và hiện đại, phù hợp với tính chất chức năng và quy mô của đô thị phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn của đô thị loại II; đảm bảo tuân thủ theo quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tỉnh; xác định các vấn đề chia sẻ hạ tầng kỹ thuật trong vùng đô thị trung tâm TP. Hải Phòng.

Về quy hoạch giao thông, xác định hệ thống khung hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối đồng bộ mạng lưới giao thông vận tải của đô thị mới Thủy Nguyên với mạng lưới giao thông vận tải vùng, quốc gia và của TP. Hải Phòng. Nghiên cứu các tuyến giao thông thủy phù hợp nhằm khai thác lợi thế tối đa các tuyến sông (sông Bạch Đằng, sông Giá, sông Cấm) đồng thời đưa ra các giải pháp kết nối đa phương thức giữa giao thông thủy và đường bộ, đường sắt…

Thanh Hà