Xây dựng và hoàn thiện pháp luật phòng, chống tội phạm tham nhũng trong hoạt động tư pháp hiện nay

ThS. ĐẬU QUANG DŨNG (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao)
Tóm tắt:
Phòng, chống tham nhũng nói chung và trong hoạt động tư pháp nói riêng là một nhiệm vụ quan trọng đối với mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, công tác phòng, chống tội phạm tham nhũng trong hoạt động tư pháp càng trở nên quan trọng và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm về cải cách tư pháp.
Từ khóa: Tham nhũng, tội phạm tham nhũng, hoạt động tư pháp.

1. Đặt vấn đề
Vấn đề tham nhũng và tội phạm về tham nhũng đã phát sinh, phát triển từ rất lâu đời, ở các hình thái kinh tế - xã hội và các kiểu nhà nước khác nhau đều tồn tại hiện tượng này. Trong quá trình phát triển đất nước và thực hiện mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng và đặc biệt quan tâm tiến hành công tác phòng, chống tham nhũng. Điều đó một phần xuất phát từ thực tiễn diễn biến hoạt động của loại tội phạm này ngày càng phức tạp, đã và đang gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến mọi mặt đời sống xã hội.
2. Quy định của pháp luật về phòng, chống tội phạm tham nhũng trong hoạt động tư pháp hiện nay
Trong các tội phạm về tham nhũng, tội phạm tham nhũng trong hoạt động tư pháp có những đặc trưng riêng. Hậu quả mà tội phạm tham nhũng trong hoạt động tư pháp gây ra không chỉ ở góc độ kinh tế mà còn tác động tiêu cực đến sự nghiêm minh của pháp luật, sự vô tư, công bằng, khách quan của quá trình giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, lao động; ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của quần chúng nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật, người thực thi pháp luật, nhất là những người có chức vụ, quyền hạn trong giải quyết các vụ việc trên. Nếu để hoạt động tội phạm tham nhũng trong hoạt động tư pháp diễn biến phức tạp và trong thời gian dài sẽ trực tiếp cũng như gián tiếp ảnh hưởng đến niềm tin của quần chúng nhân dân với Đảng, Nhà nước và các cơ quan bảo vệ pháp luật. Đây sẽ trở thành cơ hội để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá đất nước, kích động gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Theo thống kê của Cục Điều tra - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, từ năm 2008 đến hết năm 2017, các cơ quan tiến hành tố tụng đã phát hiện, khởi tố, điều tra tổng cộng 168 vụ, 179 bị can phạm tội tham nhũng trong hoạt động tư pháp. Thực tế cho thấy, hoạt động của tội phạm tham nhũng trong hoạt động tư pháp ở Việt Nam những năm qua diễn biến hết sức phức tạp, có xu hướng gia tăng cả về tính chất, mức độ. Qua các số liệu thống kê cho thấy, một số loại tội phạm cụ thể của tội phạm tham nhũng trong hoạt động tư pháp nổi lên thời gian qua như: Tội nhận hối lộ, khởi tố 52 vụ, 67 bị can, chiếm 30,9%; tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, khởi tố 53 vụ, 46 bị can, chiếm 31,5%; tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, khởi tố 27 vụ, 27 bị can, chiếm 16,1%...
Trong suốt những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng nói chung; xác định rõ ràng đây là một trong những nguy cơ dẫn đến sự tồn vong của chế độ. Vì vậy, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, trong đó thể hiện quan điểm, mục tiêu và định hướng các nội dung cơ bản trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và phòng, chống tham nhũng trong các lĩnh vực cụ thể nói riêng, trong đó bao gồm hoạt động phòng ngừa tội phạm tham nhũng trong hoạt động tư pháp. Quan điểm về phòng, chống tham nhũng đã được Đảng Cộng sản Việt Nam cụ thể hóa trong các kỳ Đại hội, điển hình như: Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, tháng 01/1994, Đảng ta đã chỉ rõ tham nhũng là một trong 4 nguy cơ lớn đối với đất nước. Tiếp đó, Nghị quyết số 14/BCT, ngày 15/5/1996 của Bộ Chính trị đã gắn đấu tranh chống tham nhũng với chống buôn lậu, lãng phí, xác định trọng tâm của cuộc đấu tranh chống tham nhũng tập trung vào 2 loại hành vi chủ yếu gồm tham ô, chiếm đoạt, làm thất thoát tài sản của nhà nước; nhận hối lộ và đòi hối lộ. Sau đó, các Nghị quyết của Đại hội VIII, Đại hội IX, Đại hội X, Đại hội XI và Đại hội XII cũng đã có những quan điểm định hướng chung đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói chung. Nhằm góp phần đổi mới, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp và hoạt động của các cơ quan tư pháp, Đảng ta đã có những nghị quyết chuyên đề về nội dung này, điển hình như: Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 21/8/2006 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020...
Trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng về lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, Nhà nước ta đã cụ thể hóa bằng hệ thống các văn bản pháp luật cũng như các chương trình, kế hoạch phòng, chống tham nhũng nói chung và phòng ngừa tội phạm tham nhũng trong hoạt động tư pháp nói riêng. Cụ thể: Ngày 29/11/2005, tại Kỳ họp thứ 8, Khóa XI, Quốc hội nước ta đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng, có hiệu lực từ ngày 01/6/2006 và tiếp tục được sửa đổi, bổ sung năm 2007 và 2012. Đây là văn bản pháp lý rất quan trọng, điều chỉnh các vấn đề có liên quan và là cơ sở cho việc tổ chức triển khai công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta. Ngày 12/5/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 21/NQ-CP kèm theo Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020. Đến ngày 08/8/2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 68/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2007/NĐ-CP, ngày 09/3/2007 về minh bạch tài sản, thu nhập. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, cũng như thể hiện với cộng đồng quốc tế về quyết tâm chống tham nhũng của nước ta, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Liên Hợp quốc về phòng, chống tham nhũng (UNCAC) năm 2009...
Ngoài việc ban hành các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật tạo cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc cho công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và phòng ngừa tội phạm tham nhũng trong hoạt động tư pháp nói riêng, Đảng và Nhà nước ta còn đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và kiện toàn các cơ quan phòng, chống tham nhũng từ Trung ương đến các địa phương. Điển hình: Ngày 28/8/2006, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1039/2006/NQ-UBTVQH11 quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng ở nước ta. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng hoạt động từ đầu năm 2007 và đến ngày 01/02/2013, Bộ Chính trị thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo Quyết định số 162-QĐ/TW và theo đó Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng hiện nay trực thuộc Bộ Chính trị và do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban, qua đó bảo đảm tính độc lập, khách quan đối với bộ máy chính quyền nhà nước. Ngoài ra, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương cũng đã thành lập các cơ quan, bộ phận thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra, đấu tranh phòng, chống tham nhũng nhằm triển khai các chương trình, kế hoạch, biện pháp để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vụ việc cũng như những người có hành vi phạm tội tham nhũng.
Để góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp hiệp đồng giữa các cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tham nhũng, các ban chỉ đạo, cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng đã tổ chức ký kết các Quy chế phối hợp phòng, chống tham nhũng, cụ thể: Quy chế phối hợp giữa Ban Chỉ đạo Trung ương và Ủy Ban kiểm tra Trung ương; Quy chế phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về phòng, chống tham nhũng; Quy chế phối hợp giữa Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao trong việc xử lý các vụ án về tham nhũng. Hàng năm, Quốc hội nước ta đã quan tâm xây dựng và ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm cũng như công tác của một số cơ quan quan trọng tham gia vào các quá trình tư pháp như: Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án. Điển hình như: Nghị quyết số 111/2015/QH13, ngày 27/11/2015 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo.
Có thể thấy, trong suốt những năm qua, các cơ quan có thẩm quyền đã xây dựng và ban hành nhiều quy định pháp luật làm cơ sở và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và phòng ngừa tội phạm tham nhũng trong hoạt động tư pháp nói riêng. Tuy nhiên, quá trình triển khai trong thực tiễn cho thấy nhiều quy định còn chưa toàn diện và bất cập, không phát huy hiệu quả, điển hình như: Việc quy định về kê khai tài sản, thu nhập hiện nay còn mang tính hình thức, chỉ dừng lại ở việc lưu trữ trong hồ sơ cán bộ, bởi vì hiện nay chưa công khai các thông tin liên quan; chế tài áp dụng đối với tài sản không chứng minh được nguồn gốc còn chưa được quy định rõ ràng, cụ thể; các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp vẫn còn rất tản mạn, chưa có các quy định riêng và chuyên sâu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình áp dụng và thực thi pháp luật…
3. Các giải pháp xây dựng và hoàn thiện pháp luật phòng, chống tội phạm tham nhũng trong hoạt động tư pháp
Thời gian tới, nhằm tạo cơ sở và điều kiện thuận lợi cho việc triển khai hoạt động phòng ngừa tội phạm tham nhũng trong hoạt động tư pháp thì công tác xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật là yêu cầu mang tính chất bắt buộc, vô cùng quan trọng và cần được tiến hành thường xuyên, liên tục. Một mặt phải đảm bảo yêu cầu cần có đủ cơ sở pháp lý để điều chỉnh các vấn đề có liên quan; mặt khác phải kịp thời phát hiện bổ sung, chỉnh lý, bãi bỏ các quy định pháp luật không còn phù hợp, chưa phù hợp, chồng chéo. Theo đó, để góp phần xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý về lĩnh vực này cần tập trung làm tốt một số nội dung quan trọng sau:
- Một là: Xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện các quy định về các chế định miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt; miễn, giảm trong thi hành án phạt do Tòa tuyên án; quyết định về hình phạt nhẹ hơn quy định của luật; giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự trong Bộ luật Hình sự hiện hành (Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Các quy định trong hướng dẫn phải hết sức cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện thống nhất trong thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự, vụ việc có tính hình sự. Vấn đề này được thực hiện tốt trong thực tiễn sẽ góp phần ngăn chặn các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà của cán bộ cơ quan thực thi pháp luật hoặc lợi dụng các cách hiểu không thống nhất đối với các quy định của pháp luật để thực hiện hành vi tham nhũng trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự.
- Hai là: Các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần sớm xây dựng hướng dẫn xử lý các loại tội phạm cụ thể quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 để áp dụng thống nhất trong cả nước. Theo đó, các quy định hướng dẫn xử lý này được xây dựng càng cụ thể bao nhiêu; khung hình phạt áp dụng với các hành vi phạm tội với các tình tiết khác nhau càng chi tiết bao nhiêu thì các cơ quan và cán bộ thực thi pháp luật càng dễ thực hiện bấy nhiêu, qua đó sẽ hạn chế các hành vi tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong quá trình giải quyết các vụ việc phạm tội.
- Ba là: Trong lộ trình xây dựng pháp luật về tố tụng hình sự, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tiến hành các biện pháp theo quy định của pháp luật để giải quyết các vụ án hình sự phải quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, phải làm sao để vừa đảm bảo tính độc lập, khách quan nhưng cũng phải thực hiện tốt cơ chế kiểm soát quyền lực. Theo đó, Viện Kiểm sát nhân dân phải thực hiện tốt quyền thực hành công tố, kiểm sát hoạt động của Cơ quan điều tra, Tòa án nhân dân, Cơ quan thi hành án và những cá nhân có thẩm quyền liên quan. Mặt khác, Cơ quan điều tra, Tòa án nhân dân cũng phải chủ động nắm tình hình để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh với hành vi phạm tội tham nhũng của các cán bộ thoái hóa biến chất thuộc Viện Kiểm sát nhân dân. Giai đoạn phát hiện, điều tra, xử lý vụ việc tội phạm bắt đầu từ giai đoạn tiếp nhận xử lý tin báo, tố giác về tội phạm cho nên giai đoạn này cũng cần phải có sự tham gia của Viện kiểm sát nhân dân. Quá trình xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật tố tụng hình sự cần quy định thời gian rộng hơn để Viện Kiểm sát nhân dân nghiên cứu các Lệnh, Quyết định của Cơ quan điều tra nhằm xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Đồng thời, phải xem xét quy định mọi quyết định, văn bản tố tụng ban hành trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án phải được gửi cho Viện Kiểm sát nhân dân trong thời gian nhất định để phê chuẩn hoặc theo dõi theo quy định.
- Bốn là: Tiến hành rà soát và đề xuất xây dựng, bổ sung, sửa đổi nhằm hoàn thiện một số quy định pháp luật về thi hành án hình sự, thi hành án dân sự như: Cần quy định rõ vai trò của Viện Kiểm sát nhân dân trong quá trình kiểm sát việc định giá tài sản kê biên tài sản; quy định cụ thể các vấn đề có liên quan đến việc áp dụng các trường hợp miễn, giảm hình phạt, hoặc thi hành án hình sự, đặc xá…
- Năm là: Xây dựng và ban hành các quy định, quy trình công tác của cán bộ, công chức nói chung và các cán bộ, công chức thuộc cơ quan tư pháp nói riêng. Bổ sung ban hành các quy định nhằm cụ thể, minh bạch vấn đề quyền, nghĩa vụ của cán bộ, công chức; xây dựng và ban hành quy định các hành vi chuẩn mực về trách nhiệm và nghĩa vụ của cán bộ, công chức, nhất là những cá nhân có thẩm quyền được giao nhiệm vụ giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, lao động. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, xây dựng và ban hành hệ thống các chuẩn mực đạo đức công vụ, trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, lao động.
- Sáu là: Nhanh chóng hoàn thiện và đề xuất Quốc hội nước ta sớm ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, trong đó phải bổ sung và quy định rõ một số nội dung có liên quan như: Quy định trách nhiệm, quy trình của những người có chức vụ, quyền hạn nói chung trong thực thi nhiệm vụ công vụ; quy định về giải trình nguồn gốc các tài sản tăng thêm; quy định về việc công khai bản kê khai, xác minh tài sản; bổ sung quy định về trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nghị quyết số 14/BCT, ngày 15/5/1996 của Bộ Chính trị đã gắn đấu tranh chống tham nhũng.
2. Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 21/8/2006 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
3. Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020...
4. Nghị quyết số 111/2015/QH13 về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo.
5. Nghị quyết số 1039/2006/NQ-UBTVQH11 quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
6. Quyết định số 04/2006/QĐ-BTP về việc ban hành chương trình hành động phòng, chống tham nhũng của ngành Tư pháp và kế hoạch thực hiện chương trình hành động phòng, chống tham nhũng của ngành Tư pháp trong năm 2006.

DEVELOPING AND ENHANCING THE LAW ON PREVENTING AND FIGHTING AGAINST CORRUPTION IN THE CURRENT JUDICIAL ACTIVITIES

Master. Dau Quang Dung
The People's Procuracy of Vietnam

Abstract:
Preventing and fighting against corruption in general and in judicial activities in particular are an important task for all countries, including Vietnam. In the context of accelerated international economic integration, creating a business investment environment, improving the national competitiveness, the corruption prevention in judicial activities becomes more and more important and is one of the key tasks of Vietnam’s judicial reform.
Keywords: Corruption, criminal involved in corruption, judicial activities.