“Bộ sưu tập” thành tích của Lê Ngọc Phong

Năm 2002, anh Lê Ngọc Phong công tác ở Điện lực Phú Thọ tròn 21 năm, nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua lần thứ 13 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Năm đó con anh- cháu Lê Ngọc Danh mất sau 17 năm bị căn

Trong suốt 17 năm trường, vợ chồng Lê Ngọc Phong khắc phục bao khó khăn trong cuộc sống, với 1 suất lương công nhân, vừa thuốc men chạy chữa cho đứa lớn, vừa lo cho đứa nhỏ ăn học với hy vọng “còn nước - còn tát”. Thế nhưng niềm hy vọng ấy đã không còn nữa! Sự kiện đau thương này những tưởng sẽ khiến anh gục ngã. Nhưng không, người đảng viên trẻ này đã vượt lên nỗi đau riêng để tiếp tục phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc hơn: Năm 2003, 2004 anh lại tiếp tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua và Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; năm 2005, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp ngành Công nghiệp, năm 2006, Lê Ngọc Phong vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương lao động hạng Ba.
Sáng nay, tại Điện lực Phú Thọ, tôi được giới thiệu về người công nhân tiêu biểu này trong dịp toàn ngành Điện đang phát động phong trào “Thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Cầm bảng thống kê thành tích đã được xác nhận của Lê Ngọc Phong trên tay, tôi thật sự không tin vào mắt mình: Lê Ngọc Phong - Tổ trưởng đóng, cắt điện - Điện lực Phú Thọ - thâm niên công tác ngành điện 27 năm: 27 Giấy khen, 18 Bằng khen, 1 Bằng Lao động sáng tạo, 18 năm Chiến sĩ thi đua các cấp, 1 giải thưởng Tôn Đức Thắng, 1 Bằng khen của Thủ Tướng Chính phủ và 1 Huân chương lao động hạng Ba!
Thế nhưng, khi được tiếp xúc trò chuyện với Lê Ngọc Phong, tôi mới “tâm phục” rằng: Đây đúng là con người của công việc! Những công việc bình dị thường ngày nhưng lại ánh lên sức phấn đấu phi thường, bởi nó được tôn lên bằng ý thức thi đua mãnh liệt và trong sáng. Anh thật sự xứng đáng là chủ sở hữu “bộ sưu tập thành tích” mà tập thể cũng như cấp trên cũng vô cùng hài lòng và đánh giá cao.
Thực vậy, phía sau những chứng nhận thành tích và danh hiệu thi đua ấy là hình ảnh một đảng viên trẻ Lê Ngọc Phong bản lĩnh và mẫu mực, một Chủ tịch Công đoàn cơ sở luôn sâu sát giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn của đoàn viên, lao động sống hoà đồng, tình nghĩa với anh em. Đặc biệt, với cương vị là một công nhân ngành Điện, một tổ trưởng đóng cắt điện thuộc Phòng kinh doanh Điện lực Phú Thọ, anh luôn sáng tạo, tìm mọi cách khắc phục khó khăn, tích cực nghiên cứu, học tập để cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Sau khi tốt nghiệp trường Công nhân Kỹ thuật Điện với bậc nghề 3/7 năm 1981, chàng trai xứ Gò Công Tây - Lê Ngọc Phong được toại nguyện nối nghiệp cha là Lê Văn Sen - một công nhân điện đã nghỉ hưu. Anh được bố trí công tác tại Chi nhánh điện Bắc TP. Hồ Chí Minh nay là Điện lực Phú Thọ. Từ 1 công nhân quản lý vận hành trạm điện, 5 năm sau anh được đề bạt làm trưởng ca Điều độ, rồi 5 năm sau nữa - trở thành tổ trưởng Tổ Điều độ mà đến năm 1995 đổi thành Đội vận hành lưới điện Điện lực Phú Thọ. Đầu năm 2006, anh lại nhận nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ Đóng cắt điện thuộc Phòng Thu ngân Điện lực.
Công việc cụ thể của 12 anh em trong Tổ là “cầm sào” đi đóng điện và cắt điện theo phương thức vận hành của Điều độ Điện lực. Cũng có lúc cắt điện để sửa chữa, nhưng cũng có lúc cắt điện để đòi nợ khách hàng- một công việc không tránh khỏi va chạm, đầy phức tạp vì Điện lực Phú Thọ quản lý tới 100.000 khách hàng. Nhưng đối với Lê Ngọc Phong, để thu hồi tiền điện cho nhà nước, đạt tỷ lệ thu 100% cho Điện lực mà không làm cho khách hàng “khó chịu” là phải “có bài”. Anh đã dày công thuyết phục có lý, có tình, động viên sự tự giác của khách hàng là chính, cách “cắt điện” như vậy đồng đội gọi là “cắt điện thông minh” Anh đem lời Bác Hồ ra để nhắc nhở anh em trong tổ: “Đánh mà thắng là tốt, không đánh mà thắng lại càng tốt hơn”.
Anh tâm sự: “Nói là như vậy, nhưng cái nghề này khó lắm, phải nắm được hoàn cảnh, tâm lý từng khách hàng. Bản thân phải vững về pháp luật, quy định. Cũng có lúc phải kiên quyết trước sự ngang ngược, liều lĩnh của khách hàng. Mình mà mềm yếu, họ “nuốt” mình luôn, tạo ra tiền lệ xấu trong toàn bộ khâu thu ngân của Điện lực”. Anh nhắc đến 1 kỷ niệm nghề nghiệp, đó là trường hợp khách hàng Chung Thị Hảo ở Quận 10, chây ỳ tiền điện quá lâu nhưng khi bị cắt điện, niêm phong công tơ, bà đã xé cả niêm phong để phản đối. Lê Ngọc Phong đã phải nhờ đến chính quyền và bà con khu vực đến chứng kiến, phân tích đúng sai, bà Chung Thị Hảo mới tâm phục, khẩu phục chịu phạt.
Theo Lê Ngọc Phong, để làm việc có hiệu quả, bất cứ ai, từ cán bộ đến công nhân đều phải có cái “tâm” và cái “tầm”. Cái tâm thì rõ rồi, còn cái tầm là trình độ năng lực nghiệp vụ, phải luôn tìm tòi, khắc phục cái khó, sáng tạo để đáp ứng với nhiệm vụ. Nhận thức như vây, nên trong quá trình quản lý lưới điện gồm 135km đường dây trung áp, gần 5000km đường dây 0,4kVvà 954 trạm biến áp trên địa bàn Điện lực Phú Thọ, Lê Ngọc Phong đã chịu khó suy nghĩ, tìm tòi, khiêm tốn, học hỏi và đề xuất được những biện pháp quản lý tối ưu. Chỉ tính từ năm 2003 trở lại đây, anh đã đề xuất được 11 sáng kiến, giá trị làm lợi được Hội đồng sáng kiến Điện lực đánh giá từ 30 đến 70 triệu đồng. có sáng kiến đem lại giá trị tiết kiệm hàng trăm triệu đồng. Từ những cải tiến kỹ thuật như “chế tạo tay đỡ bợ chì trung thế ngăn máy biến áp trong tủ RMU”, đến những đề xuất biện pháp bảo đảm an toàn cho người và thiết bị như: chế tạo đầu móc lắp vào sào để thao tác cầu dao hạ thế, rồi áp dụng tin học để viết chương trình tự động điện lại cho khách hàng bị cắt điện do nợ tiền điện đã thanh toán… tránh gây phiền hà cho khách hàng trong vấn đề nhạy cảm này. Hiệu quả mang lại là vô giá! Nhưng điều lớn hơn là Lê Ngọc Phong đã cùng đồng đội góp phần để Điện lực Phú Thọ giải quyết trực tiếp được khó khăn nảy sinh trong sản xuất và kinh doanh điện năng.
Bận rộn trong công tác chuyên môn là vậy, nhưng Lê Ngọc Phong luôn có mặt ở những “điểm nóng” trong phong trào Công đoàn của đơn vị, bởi anh còn được công nhân lao động ở đây tín nhiệm bầu là Chủ tịch Công Đoàn. Chủ tịch Lê Ngọc Phong đã đề xuất phong trào tự nguyện đóng góp quỹ tương trợ để giúp đỡ thiết thực các hoàn cảnh khó khăn trong CBCNV. Hơn ai hết, anh thấu hiểu những trường hợp khó khăn của anh em công nhân khi gặp phải ốm đau, bệnh tật, bởi anh cũng đã từng trải qua. Điều đó giải thích vì sao các trường hợp của công nhân Hồ Hùng Ninh, Lê Thị Xuân Dung, Nguyễn Thị Thuỳ Trang… đã được Công đoàn quan tâm chăm lo chu đáo, thể hiện “cái tâm” của người cán bộ công đoàn đối với đoàn viên của mình.
Siết chặt tay anh với sự cảm phục và niềm tự hào vì Điện lực Phú Thọ đã đào tạo được những con người như Lê Ngọc Phong, tôi càng vui hơn khi biết rằng Lê Ngọc Phong vừa đạt giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ I. “Bộ sưu tập thành tích” của Lê Ngọc Phong sẽ đồ sộ hơn theo năm tháng trưởng thành của người công nhân bình dị mà cao quý này. Bởi nó đang phát huy tác dụng, toả sáng để động viên toàn thể CBCNV Điện lực Phú Thọ vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hơn nữa.