Xem xét lại tính khả thi của việc bổ sung chất chỉ thị màu vào cồn không sử dụng trong thực phẩm

Bổ sung chất chỉ thị màu vào các sản phẩm cồn không dùng trong thực phẩm để phân biệt với cồn thực phẩm là một trong những giải pháp được đề ra nhằm phòng ngừa pha chế rượu từ sản phẩm cồn không được phép dùng trong thực phẩm, tuy nhiên các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng việc triển khai giải pháp này trong thực tế là không khả thi và còn nhiều hạn chế.

Ngày 14/6/2019, Quốc hội khóa XIV chính thức thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020. Trong đó, khoản 3 Điều 20 quy định "Bộ Công Thương, Bộ Y tế, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, hướng dẫn việc bổ sung chất chỉ thị màu vào các sản phẩm cồn không dùng trong thực phẩm để phân biệt với cồn thực phẩm và phòng ngừa pha chế rượu từ sản phẩm cồn không được phép dùng trong thực phẩm".

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương về việc rà soát, hướng dẫn thực thi quy định này, ngày 24/11/2021 Cục Hóa chất đã tổ chức Hội thảo về giải pháp bổ sung chất chỉ thị màu vào các sản phẩm cồn không dùng trong thực phẩm. Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương và sự tham dự của chuyên gia đến từ các Viện nghiên cứu, đại diện doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hóa chất và thực phẩm.

Hạn chế trong triển khai thực tế

Chia sẻ tại Hội thảo, 9 ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp đều cho rằng giải pháp bổ sung chất chỉ thị màu vào sản phẩm cồn không dùng trong thực phẩm có nhiều hạn chế khi triển khai trong thực tế.

Đại diện Công ty TNHH Hóa chất Petrolimex - đơn vị sử dụng đến hơn 5.000 tấn cồn công nghiệp mỗi năm - cho rằng việc bổ sung chất chỉ thị màu sẽ gây khó khăn trong cả quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cồn không dùng trong thực phẩm.

Trên thị trường quốc tế, chỉ tiêu ngoại quan phổ biến đối với mặt hàng cồn công nghiệp là trong suốt, không phân lớp và không có tạp chất. Vậy để bổ sung chất chỉ thị màu, doanh nghiệp trong nước bắt buộc phải thực hiện một trong hai phương án: đề nghị nhà cung cấp nước ngoài bổ sung tại nhà máy sản xuất trước khi giao hàng hoặc bổ sung tại kho chứa hóa chất của doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên cả 2 phương án này đều khó thực hiện khi kéo theo hàng loạt chi phí phát sinh cho doanh nghiệp: xây dựng bể bổ sung chất chỉ thị màu, chi phí nhân xông, chi phí xây dựng bộ tiêu chuẩn liên quan đến nguyên vật liệu, chất lượng thành phẩm sau khi bổ sung chất chỉ thị màu, chi phí xử lý hàng hóa trong trường hợp hai bên không tiếp tục thực hiện hợp đồng và không giao nhận hàng hóa đã bổ sung chất chỉ thị màu,… Với những phát sinh này, đương nhiên chi phí sản xuất sẽ tăng cao, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, trong khi hiệu quả sản xuất và hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp lại giảm đáng kể.

Chưa kể, cồn không dùng trong thực phẩm được sử dụng phục vụ nhiều ngành sản xuất công nghiệp có yêu cầu về thành phẩm, khi bổ sung chất chỉ thị màu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thành phẩm cuối cùng, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ.

“Tại thị trường nội địa, khách hàng sử dụng mặt hàng cồn không dùng trong thực phẩm của công ty chúng tôi chủ yếu hoạt động ở các lĩnh vực như chất tẩy rửa, sơn công nghiệp, keo dán, mực in,… Yêu cầu bắt buộc đối với nguyên liệu, dung môi hóa chất trong các lĩnh vực này là phải đảm bảo ngoại quan trong suốt, không có màu sắc, không có lắng cặn để không làm ảnh hưởng đến chất lượng thành phẩm, đặc biệt là thành phẩm sơn nhựa, xác điện thoại và mực in”, đại diện Hóa chất Petrolimex cho biết, khẳng định việc bổ sung chất chỉ thị màu sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng thành phẩm của các khách hàng sử dụng sản phẩm này.

Đồng tình với quan điểm này, đại diện Công ty TNHH Thương mại Hóa chất Thiết bị Đoàn Lê cũng cho rằng đa số các khách hàng của công ty là các phòng thí nghiệm trong và ngoài nước sẽ không chấp nhận tiêu thụ sản phẩm cồn không dùng trong thực phẩm mà có màu, khi hóa chất này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến sản phẩm cuối cùng của họ, từ đó không đảm bảo độ chính xác trong thí nghiệm khoa học.

Điều này dẫn đến việc, chỉ một động tác bổ sung chất chỉ thị màu vào cồn không dùng trong thực phẩm để phân biệt với cồn thực phẩm nhưng lại ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng khác trên thị trường, cho thấy tính khả thi của giải pháp này là không cao.

Theo TS. Đặng Hồng Ánh - đại diện Viện Công nghiệp Thực phẩm, Bộ Công Thương, trên thế giới cũng có một số quốc gia từng sử dụng giải pháp bổ sung chất chỉ thị màu vào cồn không sử dụng trong thực phẩm, nhưng có mục tiêu cụ thể, ví dụ như nghiên cứu, và ở phạm vi hẹp, chứ không nhằm phân biệt với cồn sử dụng trong thực phẩm.

Siết quản lý, nâng nhận thức là yếu tố then chốt

Dù vậy, rõ ràng vẫn cần có giải pháp chấm dứt việc sử dụng sai cồn không dùng trong thực phẩm để tránh những hệ lụy tiêu cực đối với người tiêu thụ sản phẩm.

ThS. Phạm Huy Đông - Phó Viện trưởng Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam nhận định, các quy định về hàm lượng Methanol, Etanol, Andehit trong thực phẩm nói chung và rượu nói riêng đã rất rõ ràng. Những vụ việc ngộ độc Methanol trong rượu đáng tiếc xảy ra thời gian qua xuất phát từ 2 nguyên nhân: sự thiếu hiểu biết của cá nhân, cơ sở sản xuất; hoặc sự cố ý vi phạm pháp luật vì chạy theo lợi nhuận. Dù là nguyên nhân vô tình hay cố ý thì cũng cho thấy đã đến lúc cần có cơ chế kiểm tra, giám sát và chế tài xử phạt mạnh tay hơn để xử lý vấn đề này, thay vì sử dụng chất chỉ thị màu gây ảnh hưởng đến sản phẩm và doanh nghiệp.

Trước hết, cần kiểm soát từ chính hoạt động của các đơn vị bán Methanol bằng những công cụ như phiếu kiểm soát mua bán chất độc theo quy định, để hạn chế việc mua và sử dụng sai mục đích. Cùng với đó, cần tăng cường kiểm tra liên ngành, phát hiện và xử phạt kịp thời các hành vi sử dụng hóa chất không hợp pháp. Đặc biệt, siết chặt các quy định, hoạt động kiểm soát về nhãn mác sản phẩm có thể giúp “truy vết”, theo dõi nguồn gốc xuất xứ sản phẩm và xử lý tận gốc cơ sở sản xuất vi phạm. Như vậy, các khâu trong chuỗi cung ứng, từ sản xuất và cung cấp nguyên vật liệu, sản xuất cồn, đến sản xuất, pha chế rượu và tiêu thụ sản phẩm trên thị trường đều cần tăng cường công tác quản lý một cách toàn diện với sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và cả doanh nghiệp.

“Nhà sản xuất khi bán ra bao giờ cũng sẽ cung cấp tên sản phẩm là Methanol, Ethanol công nghiệp hay Ethanol thực phẩm, khi hàng hóa đến tay đơn vị sản xuất hàng hóa cung cấp trực tiếp đến tay người tiêu dùng, họ đã biết nguồn cung cấp là hóa chất gì rồi. Vậy nên tôi nghĩ là chúng ta nên tập trung vào mảng hậu kiểm, cũng như hầu hết các nước trên thế giới, và có chế tài xử phạt ở khâu hậu kiểm”, TS. Hoàng Văn Hà - Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội nhấn mạnh.

Ở góc nhìn sâu hơn, các chuyên gia cho rằng quan trọng nhất là cần thúc đẩy các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cá nhân, cơ sở sản xuất và người tiêu dùng về cách phân biệt, lựa chọn sản phẩm khi tiêu thụ để tránh được rủi ro liên quan đến sức khỏe.

Cục trưởng Cục Hóa chất Nguyễn Văn Thanh cho biết Bộ Công Thương tới đây sẽ triển khai hàng loạt hoạt động truyền thông trên các phương tiện đại chúng để tuyên truyền, cảnh báo rộng rãi đến tất cả người dân về vấn đề này, giải quyết vấn đề “gốc rễ” là nhận thức chung của người sản xuất và người sử dụng sản phẩm rượu.

Đồng thời, tổ chức các đoàn liên ngành để một mặt thanh tra, kiểm tra thị trường; mặt khác phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức cho bà con tiểu thương biết cách phân biệt và phòng tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.

Trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia tại Hội thảo, Cục Hóa chất sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương, tham mưu Chính phủ để hoàn thiện chính sách và thực thi có hiệu quả pháp luật liên quan đến các sản phẩm cồn không dùng trong thực phẩm để phân biệt với cồn thực phẩm, phòng ngừa pha chế rượu từ sản phẩm cồn không được phép dùng trong thực phẩm.

[Quảng cáo]

Thy Thảo - Thăng Long