Xóa bỏ các trọng điểm xung yếu đê điều, hồ đập

Các bộ Giao thông vận tải, Xây dựng, Công Thương, Y tế, Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành khác có liên quan sẵn sàng các kịch bản, kịp thời ứng phó sự cố, thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Quan điểm chỉ đạo chung đối với công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn là phải chủ động hơn nữa, quyết tâm cao nhất để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, lấy sự an toàn của người dân làm thước đo cho kết quả các hoạt động của phòng, chống thiên tai; phòng chống thiên tai phải lấy phòng ngừa là chính, từ cơ sở là chính, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”.

Đó là nội dung Kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại Hội nghị về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021.

Kết luận nêu ró, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ vai trò cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, chịu trách nhiệm điều phối chung, tham mưu, chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai; tổ chức các đoàn kiểm tra phương án chuẩn bị ứng phó thiên tai của các địa phương, trong đó đặc biệt là công tác bảo đảm an toàn dân cư, đê điều, hồ đập;

Bố trí nguồn lực để xóa bỏ các trọng điểm xung yếu về đê điều, hồ đập; đầu tư nâng cấp, bổ sung phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành ứng phó thiên tai; khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia, dự án di dời dân cư khẩn cấp vùng thiên tai,...

Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, giữ vai trò tham mưu, điều động lực lượng, phương tiện để ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong đó xác định lực lượng quân đội là lực lượng chủ công, tuyến đầu khi có tình huống xảy ra; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp chuẩn bị lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó, khắc phục thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn;

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương khẩn trương hoàn thành Đề án phát triển, nâng cao năng lực lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tập trung nâng cao năng lực cho lực lượng làm nhiệm vụ ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn, nhất là đối với các đơn vị làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển, sự cố hóa chất độc xạ, sinh học; đầu tư nâng cấp, bổ sung phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu tìm kiếm cứu nạn kịp thời, hiệu quả hơn trong các tình huống thiên tai, sự cố.

Bộ Công an sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó thiên tai, sự cố và bảo đảm an ninh trật tự khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, đảm bảo kịp thời, chính xác.

Các Bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Công Thương, Y tế, Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành khác có liên quan sẵn sàng các kịch bản, kịp thời ứng phó sự cố, thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Các địa phương giữ vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định trong phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn, tiếp tục nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nhất là ở cơ sở, phát huy tối đa phương châm “4 tại chỗ” để chỉ đạo, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại khi thiên tai, sự cố; đặc biệt cần chủ động xây dựng kịch bản sơ tán dân cư để ứng phó với thiên tai trong tình huống dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Các cơ quan thông tấn, báo chí từ trung ương đến địa phương thực hiện tốt công tác truyền thông, tăng cường đưa tin về các hoạt động phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn đến người dân và các cấp chính quyền cơ sở để người dân và chính quyền địa phương có giải pháp ứng phó phù hợp.

Bình Lục