TÓM TẮT:

Việt Nam đang trong tiến trình phát triển nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ (CN) 4.0. Hướng đi này bước đầu đã được triển khai và đem lại những kết quả tích cực góp phần cơ cấu lại khu vực nông nghiệp. Tuy nhiên, để nông nghiệp Việt Nam bắt kịp xu thế phát triển của thời đại, Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng phát triển rõ ràng. Đồng thời, cần đưa ra các chính sách hỗ trợ hợp lý cho phát triển nông nghiệp 4.0 với lộ trình cụ thể, có tính khả thi, đảm bảo cân đối đủ nguồn lực thực hiện.

Bài viết phân tích xu hướng ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp và hàm ý chính sách cho Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: Nông nghiệp 4.0, Công nghệ 4.0, Chính sách 4.0.

1. Xu hướng ứng dụng CN 4.0 trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam

Công nghệ 4.0 được hiểu khá thống nhất là các CN có tính đột phá thế hệ thứ tư được kết hợp từ các thành tựu trong lĩnh vực số hóa, vật lý và CN sinh học. Có thể thấy, cốt lõi của CN 4.0 chính là CN phần mềm để thu thập dữ liệu, số hóa và phân tích cơ sở dữ liệu, kết nối vạn vật và đưa ra các quyết định một cách thông minh từ kết quả phân tích. CN phần mềm được lắp đặt trên CN phần cứng (có thể là CN của thế hệ thứ hai, thứ ba) tạo nên sự đột phá và tác động đến quá trình sản xuất các ngành, các lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội của con người.

Đối với ngành nông nghiệp, CN 4.0 có thể mang lại những tác động tích cực, nhất là đối với các nước đang phát triển và thậm chí là cả các nước phát triển [2]. Ở Việt Nam, ngành nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế (chiếm 13,96% GDP, 34% lực lượng lao động của cả nước năm 2019). Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp (SXNN) còn phụ thuộc nhiều vào biến động của thời tiết, năng suất lao động (NSLĐ) của ngành còn thấp. Bởi vậy, CN 4.0 là cơ hội để Việt Nam nâng cao NSLĐ và phát triển bền vững ngành nông nghiệp.

Những năm gần đây, xu hướng ứng dụng CN 4.0 trong lĩnh vực trồng trọt đang ngày càng định hình và phát triển ở Việt Nam. Có thể thấy, hầu hết các nhóm CN 4.0 cơ bản trong nông nghiệp đều đã được triển khai hoặc bắt đầu được thử nghiệm tại nước ta. Trong đó, các CN đang được áp dụng nhiều nhất là hệ thống thiết bị máy móc được kỹ thuật số hóa, gắn cảm biến và kết nối internet (IoT sensors) và/hoặc được kết hợp với hệ thống nhà lưới, nhà kính, nhà màng để tạo thành hệ thống canh tác thông minh trong nhà, được điều khiển tự động hoặc bán tự động với quy trình khép kín. Tại một số doanh nghiệp (DN), các trang trại sản xuất tập trung, quy mô tương đối lớn, các CN này đang được áp dụng khá đồng bộ. Có thể kể đến một số vùng sản xuất điển hình đang ứng dụng các CN 4.0 này, như vùng trồng lúa của Tập đoàn Lộc Trời; mô hình “Canh tác lúa tốt nhất” của HTX Mỹ Đông phối hợp với Công ty Rynan Smart Fertilizers; các vùng sản xuất rau an toàn của VinEco, của Công ty Cầu Đất Farm, Công ty TNHH Đà Lạt GAP, …

Mặc dù, hiện nay tỷ lệ đất sản xuất nông nghiệp sử dụng nhà lưới, nhà kính, nhà màng nuôi trồng cây còn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 0,07% diện tích đất trồng cây hằng năm [1], nhưng việc áp dụng các CN này đang ngày càng mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố, không chỉ tại các tỉnh, thành phố lớn - như TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Hà Nội, Quảng Ninh - mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước đều đang có các mô hình ứng dụng hiệu quả các CN này, như: Quảng Ngãi, Kon Tum, Sơn La, Cao Bằng,….

Bên cạnh các CN cảm biến, hệ thống canh tác thông minh trong nhà, CN sử dụng đèn LED đơn sắc để cung cấp đủ ánh sáng giúp thúc đẩy quá trình sinh trưởng của cây trồng cũng đã được áp dụng tại nhiều cơ sở trồng thanh long từ Bình Thuận đến Tiền Giang, hay trong sản xuất nấm và trồng hoa ở một số địa phương như Bà Rịa-Vũng Tàu, Hà Nội. Các phần mềm ứng dụng trong quản lý, giám sát quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm trồng trọt cũng đã được phát triển bởi các doanh nghiệp Việt, như phần mềm Agricheck của Công ty cổ phần Đại Thành; phần mềm của VIFARM kết nối toàn cầu cho từng bao gói sản xuất, truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ, quy trình sản xuất, quy trình chế biến, thời gian bảo quản; phần mềm của Công ty Mimosatek; phần mềm Nextfarm QRcheck của Công ty NextFarm; CN điện toán đám mây Akisai của Tập đoàn FPT hợp tác với Fujitsu,… đã được đưa vào ứng dụng tại không ít cơ sở sản xuất nông nghiệp ở nhiều tỉnh, thành phố.  

Ngoài các CN đang được áp dụng khá hiệu quả nói trên, sản xuất nông nghiệp Việt Nam hiện nay đang bắt đầu thử nghiệm ứng dụng các CN hiện đại khác như: CN máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân; sử dụng robot để gieo hạt tự động, robot gắn các thiết bị cảm biến để thu thập và phân tích dữ liệu, sau đó đưa ra quyết định chăm sóc cây trồng phù hợp; sử dụng tế bào quang điện để sản xuất điện năng từ năng lượng mặt trời (NLMT) phục vụ cho SXNN.

Có thể thấy, mặc dù chưa có một mô hình hoàn chỉnh về nông nghiệp 4.0 nhưng đã có ngày càng nhiều CN 4.0 được đưa vào thử nghiệm và áp dụng trong SXNN ở Việt Nam.

2. Thách thức trong thúc đẩy ứng dụng CN 4.0 trong SXNN ở Việt Nam

Cơ hội và lợi ích từ ứng dụng CN 4.0 vào nông nghiệp là rõ ràng. Tuy nhiên, để tận dụng được lợi thế của CMCN 4.0 thì có rất nhiều thách thức cần phải vượt qua.

Thứ nhất, để ứng dụng CN 4.0 hiệu quả trong SXNN phải dựa trên nền tảng các thông số kỹ thuật có liên quan, từ đó chuyển hóa dữ liệu thành các quyết định sản xuất, kinh doanh tối ưu. Tuy nhiên, Việt Nam đang thiếu một hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học đầy đủ, đồng bộ và cập nhật về sản xuất, vùng sản xuất (như các điều kiện và đáp ứng sinh trưởng, phát triển của cây trồng với sự thay đổi của các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa, các chất dinh dưỡng, các thuốc phòng trừ sâu bệnh,...); về ngành hàng (với các thông tin thị trường cung - cầu, tiêu chuẩn sản xuất - tiêu dùng, biến động giá cả,..); về thị trường công nghệ (như các loại CN, nhà tư vấn, nhà cung cấp, mức độ cung cấp, dịch vụ bảo hành CN,...).  

Thứ hai, quy mô SXNN nhỏ, manh mún, phân tán cùng với chi phí đầu tư ban đầu cho việc áp dụng CN 4.0 vào SXNN thường cao hơn nhiều so với chi phí sản xuất thông thường, dẫn đến mức lợi ích thu được không đạt hiệu quả; đặc biệt ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa hình phức tạp, chi phí đầu tư ban đầu càng lớn, do vậy khó thu hút đầu tư vào ứng dụng CN 4.0 trong SXNN.

Thứ ba, quản lý thị trường sản phẩm lỏng lẻo, thực thi các quy định về kiểm soát chất lượng, chứng nhận, dán nhãn sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong nước hiện nay vẫn yếu kém. Điều này đã gây ra sự cạnh tranh không công bằng cho các sản phẩm ứng dụng CN cao khi đánh đồng sản phẩm có chất lượng, đảm bảo VSATTP với các sản phẩm kém chất lượng hơn. Trong khi đó, giá thành sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CN 4.0 thường cao hơn, dẫn tới giá bán cao hơn, bởi vậy khó cạnh tranh so với các sản phẩm thông thường.

Thứ tư, thị trường CN 4.0 trong nước nhìn chung chưa phát triển. Mặc dù, ngày càng có nhiều Tập đoàn, công ty tham gia vào cung cấp các giải pháp phần mềm CN 4.0, nhưng về cơ bản cơ khí trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu của phần cứng CN, như các loại máy móc, thiết bị phục vụ SXNN về chủng loại, số lượng cũng như chất lượng,.... Điều này làm hạn chế nguồn cung CN cùng với chi phí lắp đặt CN 4.0 trở nên đắt đỏ hơn, các dịch vụ vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế CN chưa thuận tiện, đặc biệt ở các địa bàn khó khăn.

Thứ năm, phát triển nông nghiệp 4.0 đòi hỏi phải có nguồn lao động chất lượng cao. Trong khi thực tế ở Việt Nam, nguồn lao động chất lượng cao, am hiểu về khoa học - kỹ thuật trong nông nghiệp còn thiếu và yếu, làm ảnh hưởng lớn đến việc tiếp cận với khoa học và CN hiện đại. Đây là một trong những yếu tố quan trọng tạo ra thách thức lớn khi thực hiện các chương trình nông nghiệp ứng dụng CN cao, đặc biệt ở những vùng, miền có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Thứ sáu, vấn đề biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh và mạnh, dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường đã tác động lớn đến công tác phân tích, dự báo để đạt được độ chính xác tuyệt đối. Vấn đề này khiến CN phân tích, dự báo các yếu tố tự nhiên khó vận hành một cách tối ưu và có những thay đổi theo kịp với cường độ, diễn biến khó lường của thời tiết, dịch bệnh. Mặt khác, nếu áp dụng những CN, mô hình phân tích, đánh giá tác động đã lỗi thời, công tác phân tích, dự báo sẽ kém hiệu quả và gia tăng chi phí duy trì CN.

3. Hàm ý chính sách thúc đẩy ứng dụng nông nghiệp 4.0 tại Việt Nam

Để phát triển nông nghiệp 4.0, vai trò của Nhà nước là đặc biệt quan trọng trong việc định hướng, dẫn dắt và chung tay phòng ngừa rủi ro cùng với các thành phần kinh tế khác thúc đẩy ứng dụng CN 4.0 vào nông nghiệp thông qua việc ban hành chiến lược, quy hoạch và các chính sách hỗ trợ phù hợp.

Chiến lược, quy hoạch tổng thể cho nông nghiệp 4.0: Ứng dụng CN 4.0 vào nông nghiệp vẫn là lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam, chi phí đầu tư không rẻ và nếu phát triển tràn lan cũng sẽ gây ra các tác động tiêu cực. Vì vậy, cần có chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp 4.0 của cả nước. Trong đó, lựa chọn vùng sản xuất với các loại nông sản cụ thể và định hướng CN sử dụng rõ ràng; đi cùng với phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở dữ liệu và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của nông nghiệp 4.0. Khi Nhà nước thay đổi quy hoạch làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của DN, hộ sản xuất phải bồi thường thỏa đáng với mức giá được xác định theo giá thị trường từ các tổ chức định giá chuyên nghiệp độc lập.

Chính sách thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai cho SXNN: Hiện nay, đất SXNN còn nhỏ, manh mún, phân tán và thiếu ổn định đã phần nào hạn chế nhu cầu và khả năng ứng dụng CN 4.0 vào nông nghiệp. Bởi vậy, chính sách cần nghiên cứu xóa bỏ thời hạn sử dụng đất nông nghiệp và giới hạn đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với tổ chức, cá nhân là người Việt Nam nhằm đảm bảo quyền sử dụng đất ổn định lâu dài và bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, giải quyết dứt điểm việc xác định và thu hồi các diện tích đất dôi dư, đất sử dụng không hiệu quả của các công ty nông, lâm nghiệp để chuyển giao về cho chính quyền địa phương quản lý nhằm tạo quỹ đất sạch cho việc đấu thầu quyền sử dụng đất nông nghiệp theo cơ chế thị trường.

Chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho đổi mới và ứng dụng CN 4.0 trong nông nghiệp: Với đặc điểm của khu vực nông nghiệp, sự thay đổi nhanh chóng của CN và các biến động khó lường của thời tiết, dịch bệnh, đầu tư cho nông nghiệp 4.0 tiềm ẩn nhiều rủi ro, chi phí cao, cần hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ bảo lãnh tín dụng với sự đầu tư, góp vốn ban đầu của Nhà nước. Các quỹ này cần được quản lý và điều hành trực tiếp bởi các tổ chức tư nhân chuyên nghiệp độc lập; Nhà nước giám sát các quỹ này thông qua ứng dụng các phần mềm quản lý hiện đại, như các ứng dụng CN điện toán đám mây quản lý, truy xuất dòng tiền một cách minh bạch. Bên cạnh đó, sửa đổi cơ chế hỗ trợ sau đầu tư quy định tại khoản 4, Điều 15 Nghị định 57/2018/NĐ-CP theo cơ chế giải ngân từng hạng mục để đảm bảo hỗ trợ nguồn vốn kịp thời cho DN đầu tư ứng dụng CN 4.0 vào nông nghiệp. Nếu giữ cơ chế hỗ trợ sau đầu tư, nên chuyển sang theo cơ chế thưởng sau đầu tư và đơn giản các thủ tục xét thưởng, theo đó, DN không cần phải thực hiện các thủ tục đăng ký hỗ trợ trước khi đầu tư.

Chính sách đào tạo phát triển nguồn lao động và phát triển CN 4.0 cho nông nghiệp: Đào tạo lao động cho nông nghiệp 4.0 cần gắn kết với nhu cầu thực tế, thông qua việc phối hợp chặt chẽ công tác đào tạo - nghiên cứu - khuyến nông giữa nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo số hóa (Digital Innovation Hubs - DIHs), là nơi tụ hội của các nhà cung cấp IT, nông dân, các chuyên gia CN, các nhà đầu tư và các đối tác khác. DIHs là cầu nối giúp cho khu vực nghiên cứu và phát triển CN tương tác chặt chẽ với cộng đồng làm nông nghiệp để đưa ra các giải pháp CN thiết thực cho đồng ruộng. DIHs là nơi kiểm nghiệm và thử nghiệm các CN mới/đột phá, ở tất cả các khâu từ lúc có ý tưởng cho tới phát triển sản phẩm.

Chính sách phát triển thị trường sản phẩm nông nghiệp: Quản lý thị trường cần đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa những người chơi. Theo đó, cần có các quy định đầy đủ và hệ thống giám sát đủ mạnh về việc chứng nhận, dán nhãn, truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Trong giai đoạn đầu, Nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện các hoạt động chứng nhận, dán nhãn này nhằm không làm tăng chi phí của người sản xuất, qua đó khuyến khích họ áp dụng các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn tiến bộ. Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm nên được ủy thác hoặc thuê các đơn vị chuyên nghiệp độc lập thực hiện, thay vì các cơ quan, tổ chức của Nhà nước trực tiếp thực hiện như hiện nay.

Chính sách phát triển thị trường bảo hiểm nông nghiệp: Hiện nay, bảo hiểm nông nghiệp chủ yếu mang tính an sinh xã hội cho các đối tượng người nghèo và cận nghèo, với phạm vi hỗ trợ hẹp nên chưa phát huy tác dụng là kênh phòng ngừa rủi ro quan trọng cho SXNN hàng hóa lớn. Chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn tới cần mở rộng phạm vi hỗ trợ cho các sản phẩm nông nghiệp đang có lợi thế nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như các loại rau, hoa ở nhiều tỉnh, thành hơn.

Các giải pháp khác

Thứ nhất, Chính phủ cần giao một cơ quan đầu mối (như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổng hợp và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học liên quan đến SXNN, thị trường CN 4.0 và thị trường sản phẩm nông nghiệp.

Thứ hai, tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng CN cao đã được quy hoạch và phê duyệt đầu tư, trong đó chú trọng xây dựng các vườn ươm CN 4.0 phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng CN điện toán đám mây trong quản lý và giám sát các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho thúc đẩy ứng dụng CN 4.0 trong nông nghiệp nhằm minh bạch hóa, công khai hóa và hiện thực hóa giám sát nhân dân đối với các chương trình, chính sách này.

Thứ tư, đảm bảo nguồn vốn dành cho các chính sách khuyến khích ứng dụng CN 4.0 vào nông nghiệp theo đúng quy định. Qua đó, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của chính sách, củng cố niềm tin của khu vực sản xuất vào các định hướng và cam kết của Nhà nước trong phát triển nông nghiệp 4.0.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu các chính sách của Nhà nước để người dân coi sản phẩm chính sách là “hàng hóa công đặc biệt” và đối tượng thụ hưởng chính sách là “khách hàng - thượng đế”.

4. Kết luận

Để nông nghiệp Việt Nam bắt kịp xu thế phát triển của thời đại, còn nhiều việc cần thực hiện nhằm thúc đẩy việc đổi mới và ứng dụng các CN 4.0 vào SXNN một cách hiệu quả. Một định hướng chiến lược thể hiện tầm nhìn và cam kết của Nhà nước cùng với các chính sách hỗ trợ đầu tư của Chính phủ sẽ rất quan trọng để thúc đẩy xu hướng nông nghiệp 4.0 tại Việt Nam.

Giai đoạn tới, Nhà nước cần tổ chức thí điểm các cơ chế đột phá để thúc đẩy đầu tư của mọi thành phần kinh tế trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CN 4.0 trong nông nghiệp. Khu vực tư nhân cần chủ động, sáng tạo, phát huy tinh thần tự lực để gia tăng tính tự cường, khả năng chuyển đổi cho SXNN, qua đó đưa nông nghiệp Việt Nam hướng đến sản xuất thông minh dựa trên nền tảng CN 4.0./.

Lời cảm ơn:

Bài báo được thực hiện trong khuôn khổ Đề tài cấp Bộ về “Xu hướng ứng dụng CN 4.0 trong nông nghiệp và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2018), Báo cáo Chính phủ về Thực trạng và giải pháp thúc đẩy DN đầu tư vào nông nghiệp tại Hội nghị toàn quốc Thúc đẩy DN đầu tư vào nông nghiệp.
  2. Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (2017c). Báo cáo đề tài Đánh giá hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành nông nghiệp.
  3. http://www.asti.cgiar.org/pdf/APC_brief.pdf .
  4. https://vn.sputniknews.com/vietnam/201911028203953-nhung-sang-che-an-tuong-cua-nguoi-nong-dan-viet-nam/.
  5. GreenID và Rosa Luxemburg Stiftung, 2018. Mô hình sử dụng kết hợp năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp: Kinh nghiệm quốc tế và tiềm năng cho Việt Nam.
  6. GSO (2019). Tổng cục Thống kê 2019.
  7. Lê Thị Xuân Quỳnh và cộng sự (2020). Đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ của doanh nghiệp vào nông nghiệp tại khu vực nông thôn, miền núi ở Khánh Hòa.
  8. https://laodong.vn/kinh-te/cat-giam-dieu-kien-kinh-doanh-va-kiem-tra-chuyen-nganh-truoc-het-phai-cai-cach-tu-duy-641221.ldo
  9. https://www.thesaigontimes.vn/281466/dau-tu-cho-nong-nghiep-chi-chiem-6-tong-dau-tu-toan-xa-hoi.html
  10. CIEM- GIZ (2019). Báo cáo tổng hợp nghiên cứu chuyển đổi/ tiếp cận nông nghiệp 4.0 ở Việt Nam: Vấn đề và kiến nghị chính sách.
  11. WEF và ADB (2017), “ASEAN 4.0: What does the industrial revolution means for regional economic intergration”.

The trend of implementing technologies of Industry 4.0 into the agricultural sectors and policy implications for Vietnam

 Ph.D Hoang Thi Huong

Lecturer, University of Economics and Business, Vietnam National University – Hanoi

Master. Le Thi Xuan Quynh

Deputy Head, Department of Sector and Economic Research, Central Institute for Economic Management, Lead Researcher

Master. Pham Phu Minh

Department of Sector and Economic Research, Central Institute for Economic Management

ABSTRACT:

Vietnam is developing its agricultural sector towards promoting the application of technologies of Industry 4.0. This direction has initially achieved encouraged results, contributing to restructuring the agricultural sector. However, to help Vietnamese agricultural sector catch up with contemporary development trends, it is important for the Government of Vietnam to make a comprehensive strategy and reasonable and feasible policies for the development of its agricultural sector amid the Industry 4.0. This paper analyzes the trend of implementing technologies of Industry 4.0 into the agricultural sectors and policy implications for Vietnam in the coming years.

Keywords: Agriculture 4.0, technologies of Industry 4.0, policies 4.0.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2020]