Xử lý trực tuyến - giải pháp mới ngăn chặn hàng giả trong thương mại điện tử

Hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, khiếu nại, tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử sẽ giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như giúp doanh nghiệp có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ thương hiệu.

Công cụ mới ngăn chặn hàng giả trong thương mại điện tử

Để chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, hiệu quả vấn nạn hàng giả trong thương mại điện tử, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, ngày 18/12/2019 tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Lễ khai trương “Hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, khiếu nại, tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử” và Lễ ký cam kết “Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử” đợt 2.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, thương mại điện tử Việt Nam đang có sự bứt phá mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 25-30%/năm.

Riêng năm 2018, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử đạt mức 30% với tổng doanh thu bán lẻ thương mại điện tử (B2C) đạt 8.06 tỷ USD.

Theo dự báo của Google và Temasek, nền kinh tế  internet của Đông Nam Á có thẻ vượt mốc 240 tỷ USD vào năm 2025; trong đó Việt Nam sẽ đóng góp trên 33 tỷ USD.

thương mại điện tử
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, song hành với tốc độ phát triển nhanh của thương mại điện tử cũng phát sinh nhiều vấn đề liên quan

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho hay, song hành với tốc độ phát triển nhanh của thương mại điện tử cũng phát sinh nhiều vấn đề liên quan. Bởi người mua và người bán chỉ liên hệ với nhau qua mạng khiến hàng giả, hàng nhái ngày càng xuất hiện nhiều trên các gian hàng trực tuyến.

Vì thế, việc lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả ngày càng trở nên tinh vi trên môi trường internet, không chỉ ở Việt Nam mà còn diễn ra khắp nơi trên thế giới.

Để chủ động phát hiện, đấu tranh và ngăn chặn kịp thời, hiệu quả vấn nạn hàng giả trong thương mại điện tử, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã ban hàng Kế hoạch tăng cường chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử giai đoạn 2018-2020.

Trong đó, hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, khiếu nại, tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử là một trong 6 nhóm giải pháp để đạt được mục tiêu, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng, online.gov.vn là Cổng dịch vụ công mức độ 4 giúp kết nối, chia sẻ dữ liệu và phối hợp giám sát thực thi cũng như hỗ trợ giải quyết phản ánh, khiếu nại của các đơn vị chức năng trong và ngoài Bộ Công Thương như: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, các Sở Công Thương…

Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cũng chỉ ra mặt trái của thương mại điện tử. Theo ông, có rất nhiều website giả mạo doanh nghiệp có uy tín để cung cấp thông tin sai lệch về hàng hoá, dịch vụ lừa dối người tiêu dùng, thậm chí lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các tổ chức, cá nhân.

Đặc biệt, tại không ít mạng xã hội, ứng dụng thương mại điện tử cũng đang bị các đối tượng sử dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, kiểm soát cũng như gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng.

thương mại điện tử
Theo ông Trần Hữu Linh, bên cạnh sự phát triển của thương mại điện tử thì đây cũng là nơi tiêu thụ các sản phẩm gian lận thương mại nhiều nhất

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) khẳng định, thương mại điện tử đang trở thành phương thức kinh doanh hiệu quả và có xu thế thay thế dần phương thức kinh doanh truyền thống.

Có thể nói, hiện nay người tiêu dùng đặt mua hàng trên mạng ngày càng nhiều, nhất là vào dịp lễ Tết. Bên cạnh sự phát triển của thương mại điện tử thì đây cũng là nơi tiêu thụ các sản phẩm gian lận thương mại nhiều nhất; trong đó, rất nhiều hàng lậu, hàng giả, thậm chí có cả hàng cấm.

Do vậy, đã đến lúc cần phải quan tâm để thương mại điện tử phát triển lành mạnh hơn để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Theo ông Trần Hữu Linh, qua việc kiểm tra kiểm soát thị trường qua mạng, giao dịch thương mại điện tử hàng ngày với khối lượng lớn nhưng lượng thôn tin đăng tải lại không đủ để có thể thẩm định đâu là hàng chính hãng. Vì thế, dự kiến đầu năm 2020 Bộ Công Thương sẽ ban hành Thông tư quy định rõ trách nhiệm của người mua, người bán và cả các sàn giao dịch.

thương mại điện tử
Do vậy, hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, khiếu nại, tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử sẽ giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như giúp doanh nghiệp có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ thương hiệu

Ngoài ra, Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Nghị định 52 về quản lý thương mại điện tử năm 2013. Bởi từ đó đến nay thương mại điện tử đã phát triển như vũ bão nên đã đến lúc cần có một chế tài phù hợp để quản lý lĩnh vực này chặt chẽ hơn và phù hợp với thực tiễn hơn.

Để quản lý tốt về thương mại điện tử, việc ký kết những cam kết với các website thương mại điện tử đã thể hiện sự quyết tâm và nghiêm túc của các chủ thể tham gia thương mại điện tử.

Dưới góc độ kiểm tra, kiểm soát thị trường, ông Trần Hữu Linh cho biết sẽ có kế hoạch cao điểm để kiểm tra quyết liệt hơn và và trọng tâm là các sàn giao dịch thương mại điện tử để ngăn ngừa các hành vi vi phạm nhất là trong môi trường mạng internet.

Thêm 10 doanh nghiệp lớn cam kết “Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử”

thương mại điện tử

thương mại điện tử
 Lễ ký cam kết “Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử” đợt 2 nhằm mục đích tăng cường công tác phối hợp và thực thi giữa các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan về công tác chống hàng giả trên môi trường internet

Song song với việc triển khai Hệ thống hỗ trợ công tác quản lý, giám sát hoạt động TMĐT, ngày 18/4/2019, Bộ Công Thương đã tổ chức Lễ ký cam kết lần thứ nhất với sự tham gia của 5 sàn: Adayroi.com, Lazada.vn, Shopee.vn, Sendo.vn, Tiki.vn đã có những kết quả tích cực và góp phần quan trọng trong việc đẩy lùi hàng giả, hàng nhái trên internet.

Tiếp nối tinh thần đó, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai Lễ ký cam kết “Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử” đợt 2 nhằm mục đích tăng cường công tác phối hợp và thực thi giữa các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan về công tác chống hàng giả trên môi trường internet.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp sở hữu các website TMĐT và các nhãn hàng/hãng trong việc bảo vệ người tiêu dùng; cam kết bán hàng hàng hóa đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và không tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái.

Lễ ký cam kết “Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử” đợt 2 có sự tham gia của 10 doanh nghiệp thuộc 2 nhóm chính: Các doanh nghiệp kinh doanh chuỗi bán lẻ bao gồm: Thegioididong.com, Fptshop.com.vn, Hc.com.vn, Mediamart.vn và Pico.vn và các doanh nghiệp vận hành sàn TMĐT và cung cấp dịch vụ hỗ trợ TMĐT bao gồm: Rongbay.com/Enbac.vn, Vatgia.com, Fado.vn, Joolux.com và Sapo.vn.

Hạ An