Xử lý vi phạm pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường nước trong khu công nghiệp: Thực trạng khung pháp lý về đề xuất giải pháp hoàn thiện

Bài viết "Xử lý vi phạm pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường nước trong khu công nghiệp: thực trạng khung pháp lý về đề xuất giải pháp hoàn thiện: do PGS.TS. Bành Quốc Tuấn (Viện Đào tạo Sau đại học - Trường Đại học Thủ Dầu Một - TDMU) và TS. Nguyễn Sơn Hà (Trường Đại học Luật, Đại học Huế) thực hiện.

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích và đánh giá thực trạng khung pháp lý về xử lý vi phạm pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi trường nước trong khu công nghiệp. Từ đó, đề xuất một số giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý vi phạm pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi trường nước trong khu công nghiệp bằng biện pháp “hành chính” và “hình sự”.

Từ khóa: kiểm soát ô nhiễm môi trường, khu công nghiệp, xử lý vi phạm, môi trường nước, khung pháp lý, giải pháp hoàn thiện.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, trong nền thương mại hội nhập, khu công nghiệp (KCN) đã trở thành mô hình phổ biến, được nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam sử dụng với mục tiêu thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, phục vụ mục đích an ninh quốc phòng bằng những chính sách, như: tạo không gian xác định, có một môi trường thương mại thông thoáng, đặc biệt áp dụng mức thuế quan thấp nhất, nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài như về vốn, khoa học công nghệ, con người, ý tưởng để tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế[1]. Bên cạnh những lợi ích của KCN mang lại, do hoạt động sản xuất, kinh doanh được tiến hành tập trung, dẫn đến lượng chất thải thải ra môi trường lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, đặc biệt là ô nhiễm môi trường nước. Vì vậy, yêu cầu về kiểm soát ô nhiễm môi trường nước trong KCN được pháp luật quy định khắt khe hơn. Thực tiễn trong thời gian qua, việc thực hiện pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường nước trong KCN, ngoài các kết quả đạt được, đã bộc lộ các hạn chế, yếu kém, đặc biệt ở khâu xử lý vi phạm pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường nước trong KCN ở cả khâu xử phạt vi phạm hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Thực trạng khung pháp lý về xử lý vi phạm pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi trường nước trong khu công nghiệp

2.1. Quy định pháp luật về xử lý vi phạm pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi trường nước trong khu công nghiệp bằng biện pháp “hành chính

Dưới góc độ pháp lý, việc xử lý vi phạm pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi trường nước trong KCN bằng biện pháp “hành chính” được căn cứ chủ yếu tại các văn bản: (i) Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020); Luật BVMT năm 2020; (i) Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT, có hiệu lực từ ngày 25/8/2022. Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức (Điều 4, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022).

Thực tiễn triển khai cho thấy quy định về xử lý vi phạm pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi trường nước trong KCN bằng biện pháp “hành chính” vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc, cụ thể như sau:

Thứ nhất, mức xử phạt vi phạm chưa tương xứng với mức độ thiệt hại của hành vi gây ONMTN. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT chỉ là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức, mức phạt này không có gì thay đổi giữa Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 và Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016. Thực tiễn cho thấy mức phạt này vẫn chưa đảm bảo tính răn đe, thậm chí có trường hợp cá nhân, pháp nhân chấp nhận nộp phạt để vi phạm. Ví như vụ việc Công ty Cổ phần Vedan Việt Nam xả thải trực tiếp xuống sông Thị Vải (tháng 10/2008) bị xử phạt hành chính 267 triệu đồng, trong khi phí BVMT truy thu với lượng nước thải đã xả trái phép là 127 tỷ đồng; buộc Công ty phải đầu tư 33 triệu USD để nâng cấp công nghệ, bảo đảm nước thải đạt quy chuẩn môi trường[2].

Thứ hai, về tổ chức thi hành, việc thực hiện biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính gặp nhiều khó khăn. Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản liên quan chưa có quy định hình thức cưỡng chế thi hành đối với hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như đình chỉ hoạt động có thời hạn, buộc khắc phục hậu quả, buộc di dời cơ sở gây ONMT nước, buộc xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định tại Quyết định xử phạt vi phạm hành chính; hình thức cưỡng chế đối với đối tượng bị cưỡng chế nhưng không thực hiện quyết định cưỡng chế;… kéo theo khó khăn trong việc ban hành quyết định cưỡng chế của cơ quan có thẩm quyền, vì trong quyết định cưỡng chế phải ghi rõ biện pháp cưỡng chế được áp dụng. Do đó, đã làm xuất hiện hiện tượng tái phạm vi phạm lần 2 và lần 3 của các chủ thể vi phạm hành chính. Lấy ví dụ vụ việc Nhà máy Mía đường cồn Long Mỹ Phát, tỉnh Hậu Giang có hành vi xả nước thải ra sông Cái Lớn, gây ô nhiễm nghiêm trọng năm 2019. Ngày 23/7/2019, UBND tỉnh Hậu Giang đã ra Quyết định xử phạt Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát 714 triệu đồng và hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động 4,5 tháng kể từ ngày 23/7/2019. Tuy nhiên, theo Biên bản kiểm tra do Đội Liên ngành kiểm tra về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh lập ngày 9/12/2019, Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ vẫn tiếp tục vận hành Nhà máy đường và có xả thải ra môi trường khi chưa hoàn thành các nội dung theo Kết luận thanh tra của Tổng cục Môi trường và quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND tỉnh[3].

2.2. Quy định pháp luật về xử lý vi phạm pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi trường nước trong khu công nghiệp bằng biện pháp “hình sự”

Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS) quy định 12 loại tội phạm môi trường (Chương XIX). Tuy nhiên, không có quy định trực tiếp tội danh vi phạm pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi trường nước trong KCN. Do đó, để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường nước, cơ quan có thẩm quyền phải căn cứ vào các tội phạm môi trường khác như tội gây ô nhiễm môi trường nước (Điều 235), tội vi phạm các quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường (Điều 237) [23]. Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C05) Bộ Công an, trong giai đoạn 2010 - 2020, toàn lực lượng đã phát hiện 170.875 vụ vi phạm pháp luật về môi trường; xử lý hành chính 141.000 vụ, khởi tố 2.624 vụ với 4.357 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 97.000 vụ với số tiền 1.166 tỉ đồng[4]. Đặc biệt, đã điều tra, xử lý nhiều vụ phạm tội về môi trường, tập trung vào lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, an toàn thực phẩm. Số liệu của Tòa án Nhân dân tối cao cho thấy, trong 11 năm, từ năm 2010 đến năm 2020, hệ thống tòa án nhân dân đã thụ lý 2.842 vụ án về môi trường với 4.445 bị cáo. Trong đó, xét xử 2.237 vụ với 4.145 bị cáo phạm tội về môi trường, chiếm 0,37% tổng số vụ án hình sự đã xét xử[5]. Thực tiễn cho thấy xử lý hình sự các vi phạm về pháp luật kiểm soát ÔNMT nước trong KCN còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập:

Thứ nhất, trong các tội phạm môi trường, không có tội phạm nào được phân loại là đặc biệt nghiêm trọng, khung hình phạt tối đa cho các tội phạm môi trường chỉ là 10 năm, chưa đủ tính răn đe đối với các vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận[6]. Điển hình như vụ Vedan xả nước thải xuống sông Thị Vải năm 2008, vụ xả thải gây ô nhiễm nước biển miền Trung năm 2016 của Công ty Hưng Nghiệp Formosa, mặc dù gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nhưng không cá nhân hay pháp nhân nào phải chịu trách nhiệm hình sự.

Thứ hai, điểm mới của BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) là lần đầu tiên chính thức ghi nhận chủ thể chịu trách nhiệm hình sự là pháp nhân (Điều 76) với 33 tội danh; trong đó có hành vi gây ô nhiễm môi trường nước. Tuy nhiên, kể từ thời điểm BLHS 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018, cho đến nay đã được gần 5 năm, nhưng mới chỉ có 1 pháp nhân thương mại bị kết án[7]. Riêng đối với tội phạm về môi trường, tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có pháp nhân thương mại nào bị xử lý theo thủ tục tố tụng hình sự về hành vi gây ô nhiễm môi trường nước, mặc dù các hành vi gây ô nhiễm môi trường nước diễn ra thường xuyên trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trong phạm vi cả nước[8]. Do đó, kinh nghiệm thực tiễn của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong giải quyết các vụ án có pháp nhân thương mại phạm tội chưa có, đặc biệt là đối với các pháp nhân có tổ chức chặt chẽ, dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội và che giấu tội phạm thì càng khó khăn hơn; khi xử lý trường hợp pháp nhân thương mại vi phạm pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường nước trong KCN sẽ không tránh khỏi lúng túng, thậm chí cách hiểu và áp dụng pháp luật còn khác nhau, nên rất khó đấu tranh với chủ thể này[9].

3. Một số giải pháp hoàn thiện khung pháp lý về xử lý vi phạm pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi trường nước trong khu công nghiệp

3.1. Hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý vi phạm pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi trường nước trong khu công nghiệp bằng biện pháp “hành chính” 

Thứ nhất, về mức xử phạt hành chính. Liên quan đến chế tài xử phạt hành chính, các chế tài xử phạt hành chính đối với hành vi gây ONMTN những năm qua đã liên tục được sửa đổi theo hướng tăng nặng khung hình phạt. Ví dụ: theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 mức xử phạt vi phạm pháp luật môi trường, trong đó có môi trường nước vẫn quá thấp, cao nhất là 1.000.000.000 đồng/hành vi vi phạm của cá nhân và cao nhất là 2.000.000.000 đồng/hành vi vi phạm của pháp nhân. Mức xử phạt này chưa đủ sức răn đe và thực tiễn cũng chưa có cá nhân, pháp nhân nào bị xử phạt ở mức cao nhất này. Do vậy, việc có những chủ thể sẵn sàng nộp phạt để xả thải chất gây ô nhiễm không phải là hiếm mà vụ Vedan xả thải gây ô nhiễm môi trường nước sông Thị Vải là một ví dụ điển hình. Để khắc phục bất cập này, cần tiếp tục tăng nặng khung hình phạt hành chính với các hành vi vi phạm pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi trường nước trong KCN để đảm bảo tính răn đe. Tham khảo quy định xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi trường nước trong KCN của Trung Quốc, trong đó mức phạt tính trên tỷ lệ phần trăm thu nhập trong năm của chủ thể có hành vi vi phạm[10].

Thứ hai, cần xây dựng, bổ sung các quy định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm môi trường nước trong KCN; đảm bảo các chủ thể có hành vi vi phạm chấp hành đầy đủ các biện pháp xử lý.

3.2. Hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý vi phạm pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi trường nước trong khu công nghiệp bằng biện pháp “hình sự” 

Thứ nhất, về khung hình phạt cho các tội phạm môi trường. Theo quy định của BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), các tội phạm về môi trường (quy định tại Chương XIX) có khung hình phạt cao nhất là 10 năm, mặc dù tính chất nguy hiểm của loại tội phạm này rất lớn, để lại hậu quả lâu dài, nghiêm trọng và rất tốn kém khi khắc phục. Vì vậy, theo tác giả, cần cân nhắc phân loại các tội phạm môi trường, như: tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235), tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường (Điều 237) lên mức tội đặc biệt nghiêm trọng, với khung hình phạt tù tối đa đến 20 năm để tăng cường tính răn đe, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có hành vi gây ô nhiễm môi trường nước gây hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận.

Thứ hai, để chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội có thể được hiểu đúng, áp dụng một cách thống nhất trong hệ thống các cơ quan tư pháp, đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền cần phải nghiên cứu xây dựng và ban hành các văn bản giải thích, hướng dẫn riêng về việc áp dụng chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội vào thực tiễn. Trong đó, Quốc hội cần tập trung giải thích, Chính phủ và liên ngành Tư pháp Trung ương cần hướng dẫn các vấn đề chủ yếu sau đây: 

- Hướng dẫn về việc như thế nào là hoạt động chỉ đạo, điều hành, hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại cho cá nhân thực hiện hành vi phạm tội nhân dân pháp nhân thương mại, vì lợi ích của pháp nhân thương mại gắn với từng loại hình pháp nhân thương mại.

- Hướng dẫn áp dụng quy định “Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân”.

- Hướng dẫn cách tính thời hạn để xóa án tích đối với pháp nhân thương mại phạm tội.

- Hướng dẫn áp dụng các tội cụ thể mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự trong phần Các tội phạm của BLHS 2015[11].

Bên cạnh đó, đối với các tội phạm về môi trường, cần tăng mức xử phạt tiền. Các tội phạm về môi trường do pháp nhân thực hiện thường gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường trên diện rộng, gây thiệt hại và tác động đến nhiều mặt của thiên nhiên và đời sống, xã hội con người. Hiện nay, mức phạt tiền tối đa đối với pháp nhân phạm tội là 20 tỷ đồng, là một mức phạt cao trong hệ thống pháp luật Việt Nam, nhưng chưa thể tương xứng với hậu quả của hành vi mà tội phạm về môi trường do pháp nhân thực hiện gây ra cho xã hội và môi trường. Bên cạnh đó, nhiều pháp nhân với quy mô tổ chức và tiềm lực kinh tế lớn, thì số 20 tỷ đồng vẫn không phải là vấn đề lớn. Vì vậy, cần thiết xem xét mức xử phạt tương ứng với mức độ hậu quả mà pháp nhân gây ra. Đồng thời, cần có thêm những chế tài bắt buộc những pháp nhân đó khắc phục những hậu quả thiệt hại cho môi trường.

4. Kết luận

Trong nền kinh tế hội nhập hiện nay, KCN trở thành mô hình phổ biến, được nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam sử dụng để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, cũng như phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng. Bên cạnh những lợi ích của KCN mang lại, do hoạt động sản xuất - kinh doanh được tiến hành tập trung với nhiều dây chuyền sản xuất, công nghệ hiện đại, số lượng công nhân được sử dụng lớn, dẫn đến lượng lớn chất thải thường xuyên phải thải ra môi trường, nếu không được quản lý và xử lý tốt thì nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước rất cao[12]. Thông qua việc đánh giá thực trạng khung pháp lý về xử lý vi phạm pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi trường nước trong KCN bằng biện pháp “hành chính” và “hình sự”, tác giả nhận thấy còn nhiều tồn tại, vướng mắc trong quy định về xử lý vi phạm pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi trường nước trong KCN cần tiếp tục hoàn thiện.

LỜI CẢM ƠN:

*Bài viết này được tài trợ bởi Trường Đại học Thủ Dầu Một trong đề tài mã số DT.21.1-045.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1,12] Nguyễn Sơn Hà (2020). Pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động của các khu kinh tế ở Việt Nam. Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Luật, Đại học Huế.

[2] Tạ Thị Thùy Trang (2019). Một số bất cập của pháp luật bảo vệ môi trường về xử lý nước thải. Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Số 23 (399), tr. 41 - 47.

[3] VOV (2019). Yêu cầu Công ty Long Mỹ Phát dừng sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Truy cập tại: https://vov.vn/xa-hoi/yeu-cau-cong-ty-long-my-phat-dung-san-xuat-gay-o-nhiem-moi-truong-990436.vov

[4] Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Phú Yên (2021). Tình hình tội phạm về môi trường và một số dự báo về xu hướng vận động. Truy cập tại: https://congan.phuyen.gov.vn/tin-moi-truong/tinh-hinh-toi-pham-ve-moi-truong-va-mot-so-du-bao-ve-xu-huong-van-dong-1712.html

[5] Nguyễn Hữu Hòa (2018). Thực trạng và giải pháp phòng ngừa các tội phạm về môi trường ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Tòa án. Truy cập tại: https://tapchitoaan.vn/thuc-trang-va-giai-phap-phong-ngua-cac-toi-pham-ve-moi-truong-o-viet-nam-hien-nay

[6]  Hồ Anh Tuấn (2022). Several legal issues on water pollution control in Vietnam. Tạp chí Công Thương, Số 5,  tháng 3/2022, tr. 28-35.

[7] Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ (2020). Bản án số 02/2020/HS-ST ngày 14/01/2020 của Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ.

[8] Hà Lệ Thủy, Trần Công Thiết (2022). Trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường theo Luật Hình sự Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 05 (453), tháng 3.

[9,11] Vũ Văn Tư (2023). Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội trong Luật Hình sự Việt Nam. Luận án Tiến sĩ Luật học, Học viện Khoa học xã hội.

[10] Nguyễn Thị Cẩm Anh (2019). Pháp luật kiểm soát ô nhiễm nước: Thực trạng và giải pháp hoàn thiện. Luận văn Thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Sơn Hà (2020). Pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động của các Khu kinh tế ở Việt Nam. Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Luật, Đại học Huế.
  2. Tạ Thị Thùy Trang (2019). Một số bất cập của pháp luật bảo vệ môi trường về xử lý nước thải. Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Số 23 (399), tr. 41 – 47.
  3. VOV (2019). Yêu cầu Công ty Long Mỹ Phát dừng sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Truy cập tại: https://vov.vn/xa-hoi/yeu-cau-cong-ty-long-my-phat-dung-san-xuat-gay-o-nhiem-moi-truong-990436.vov.
  4. Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Phú Yên (2021). Tình hình tội phạm về môi trường và một số dự báo về xu hướng vận động. Truy cập tại: https://congan.phuyen.gov.vn/tin-moi-truong/tinh-hinh-toi-pham-ve-moi-truong-va-mot-so-du-bao-ve-xu-huong-van-dong-1712.html.
  5. Nguyễn Hữu Hòa (2018). Thực trạng và giải pháp phòng ngừa các tội phạm về môi trường ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Tòa án. Truy cập tại: https://tapchitoaan.vn/thuc-trang-va-giai-phap-phong-ngua-cac-toi-pham-ve-moi-truong-o-viet-nam-hien-nay.
  6. Hồ Anh Tuấn (2022). Several legal issues on water pollution control in Vietnam. Tạp chí Công Thương, Số 5 - tháng 3, tr. 28-35.
  7. Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ (2020). Bản án số 02/2020/HS-ST ngày 14/01/2020 của Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ.
  8. Hà Lệ Thủy, Trần Công Thiết (2022). Trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường theo Luật Hình sự Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 05 (453), tháng 03.
  9. Vũ Văn Tư (2023). Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội trong Luật hình sự Việt Nam. Luận án Tiến sĩ Luật học, Học viện Khoa học xã hội.
  10. Nguyễn Thị Cẩm Anh (2019). Pháp luật kiểm soát ô nhiễm nước: Thực trạng và giải pháp hoàn thiện. Luận văn Thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội.

 

Handling violations against regulations on controlling water pollution in industrial parks: Current legal framework and proposed solutions

Assoc.Prof.Ph.D Banh Quoc Tuan1

Ph.D Nguyen Son Ha2

1Institute of Post Graduate Studies, Thu Dau Mot University

2University of Law, Hue University

Abstract:

This study analyzes and evaluates the current legal framework on handling violations against regulations on controlling water pollution in industrial parks. Based on the study’s analysis, some solutions are proposed to strengthen regulations on controlling water pollution in industrial parks with both administrative and criminal measures.

Keywords: environmental pollution control, industrial parks, violation handling, water environment, legal framework, complete solutions.

Tạp chí Công Thương