Xuất khẩu cá tra đang chao đảo vì đại dịch Covid-19
Xuất khẩu cá tra đang chao đảo vì đại dịch Covid-19

Xen lẫn gam màu tối-sáng

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 1,9 tỷ USD, giảm 12% so năm 2018. Năm 2020 xuất khẩu cá tra có cơ vực dậy khi cuối năm 2019 Mỹ công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ lần thứ 15 (POR15) xuống còn 0%. Theo đó, mức thuế sơ bộ cho bị đơn bắt buộc là 0,00 USD/kg; thuế suất cho bị đơn tự nguyện cũng là 0,00 USD/kg; thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/kg.

Mức thuế này thấp hơn rất nhiều so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát trước đó (POR14, mức thuế 1,37 USD/kg – 2,39 USD/kg). Nhưng quan trọng hơn, Mỹ đã chính thức công nhận hệ thống kiếm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam sau 3 năm liên tiếp kiểm tra giám sát nghiêm ngặt, tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu sang thị trường này.

Tuy nhiên, phận cá tra chưa hết lận đận khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã gây tác động lớn. Trung Quốc, thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam năm 2019 với kim ngạch 622,7 triệu USD, chiếm 31% tổng giá trị xuất khẩu lại là tâm dịch Covid-19, việc xuất khẩu các tra sang thị trường này bị gián đoạn.

Tại một số thị trường khác cũng bị giảm do Covid-19. Tính đến nửa đầu tháng 3/2020, giá trị xuất khẩu cá tra sang ASEAN giảm 25,2%; EU giảm 47,3%; Brazil giảm 14,3%, Mexico giảm 57,5% so với cùng kỳ năm trước. 

Nhưng đến nay, ở hai thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc đã có những tín hiệu lạc quan. Trong lúc Trung Quốc đang là tâm điểm dịch bệnh thì Hoa Kỳ đã vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu cá tra số 1 nước ta.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến nửa đầu tháng 3/2020, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ tăng 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm khoảng 20% giá trị kim ngạch.

Cùng với đó, từ tháng 2/2020, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông đã khởi động trở lại và hoạt động này đang dần trở lại bình thường. Chỉ trong nửa đầu tháng 3/2020, kim ngạch cá tra sang thị trường này đã gần 13 triệu USD, tăng một triệu USD so với cả tháng 2/2020.

Nhiều doanh nghiệp XK các tra tự tin nhận định rằng, giá trị XK cá tra sang Trung Quốc trong các tháng tới có thể tăng 40-50% và sớm có thể trở lại ngôi vị số 1.

Tìm hướng đi mới

Mặc dù vậy, tính đến giữa tháng 3/2020, tổng giá trị XK cá tra đạt 267,8 triệu USD, chưa có dấu hiệu phục hồi so với cùng kỳ năm trước. Chính vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã đưa ra 4 hướng đi nhằm “giải tỏa công suất” nuôi trong nước.

các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã đưa ra 4 hướng đi nhằm “giải tỏa công suất” nuôi trong nước.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tìm hướng đi nhằm “giải tỏa công suất” nuôi trong nước.

Hướng thứ nhất là đáp ứng nhu khắt khe hơn về chất lượng và truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc - Hong Kong trên tinh thần đảm bảo quy trình sản xuất để sản phẩm cá tra xuất sang đây cũng phải theo những tiêu chuẩn của các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Hướng thứ hai, tận dụng cơ hội mức thuế chống bán phá giá sơ bộ lần thứ 15 xuống còn 0%, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Tình hình dịch bệnh đang ảnh hưởng tới hoạt động giao thương thủy sản, nhưng đó cũng là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu trong bối cảnh tiêu thụ thủy sản (trong đó cá tra) đang tăng rất mạnh tại Mỹ do tâm lý của người tiêu dùng tích trữ lương thực nhiều hơn để đối phó với tình hình dịch bệnh.

Hướng thứ ba, sẵn sàng chuẩn bị mọi điều kiện để đẩy mạnh xuất khẩu vào EU với thuế suất ưu đãi theo EVFTA. Để có thể cạnh tranh với những đối thủ khác tại thị trường EU, các doanh nghiệp trong ngành xác định sẽ cạnh tranh bằng chất lượng chứ không cạnh tranh bằng giá.

Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cũng phải hướng tới phát triển chu trình khép kín, từ giống, nuôi và chế biến cá tra, nhằm đưa ra sản phẩm chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Ba hướng đi vào 3 thị trường lớn nói trên có nhiều cơ hội tạo ra giá trị kim ngạch lớn, nhưng nhược điểm của nó là hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình đại dịch Covid-19. Chính vì thế, hướng thứ tư đang được doanh nghiệp xuất khẩu cá tra quan tâm là tạo ra một bước chuyển hướng mạnh mẽ vào thị trường nội địa.

Theo ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, mục tiêu của ngành hàng là thị trường nội địa sẽ chiếm 10 - 15% trong tổng sản lượng, nhằm “giải tỏa công suất” cho sản lượng cá nuôi trong nước, không để cá tra phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu.

Thực tế nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản đang nỗ lực định vị thương hiệu tại thị trường nội địa bằng cách phát triển những dòng sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng mới.

Thị trường nội địa cũng có một điểm khó là, hệ thống chế biến, logistics của các doanh nghiệp sản xuất chế biến cá tra lâu nay được đầu tư chuyên phục vụ chế biến xuất khẩu rồi, nếu tách ra một nhánh làm thị trường trong nước phải tính lại bài toán hiệu quả chi phí.

Trên thực tế, mỗi cuộc chuyển hướng đều có những khó khăn riêng. Nhưng có lẽ, trong bối cảnh bất định của thị trường thế giới thì cái giá của bài toán hiệu quả chi phí cho sự chuyển hướng về thị trường nội địa là có thể chấp nhận được.