Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo ra thị trường nước ngoài tháng 1/2022 tăng 3,2% về lượng nhưng giảm 2,8% về kim ngạch và giảm 5,8% về giá so với tháng 12/2021. So với tháng 1/2021 thì tăng mạnh 45,4% về khối lượng, tăng 28,2% về kim ngạch nhưng giảm 11,8% về giá, đạt 505.741 tấn, tương đương 246,02 triệu USD, giá trung bình 486,5 USD/tấn.

Philippines vẫn dẫn đầu về tiêu thụ các loại gạo của Việt Nam, chiếm 11,8% trong tổng lượng và chiếm 9,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, với 234.050 tấn, tương đương 110,21 triệu USD, giá trung bình 470,9 USD/tấn, tăng mạnh 54,4% về lượng, tăng 46,6% về kim ngạch nhưng giảm 5% về giá so với tháng 12/2021; so với tháng 1/2021 cũng tăng mạnh 37,8% về lượng, tăng 20,6% kim ngạch nhưng giá giảm 12,5%.

Bờ biển Ngà vượt qua thị trường Trung Quốc lên đứng thứ 2 về kim ngạch, chiếm 11,8% trong tổng lượng và chiếm 9,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, với 56.675 tấn, tương đương 23,38 triệu USD, giá trung bình 391,9 USD/tấn; giảm 14,7 % về lượng, giảm 34,9% về kim ngạch và giảm 23,6% về giá so với tháng 12/2021; so với tháng 1/2021 thì tăng rất mạnh 424% về lượng, tăng 252,5% kim ngạch nhưng giá giảm 32,7%.

Thị trường Trung Quốc đứng thứ 3, chiếm trên 7% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đạt 37.006 tấn, tương đương 18,99 triệu USD, giá 513 USD/tấn, giảm 37,2% về lượng và giảm 32,2% về kim ngạch nhưng tăng 8% về giá so với tháng 12/2021; so với tháng 1/2021 thì giảm cả về khối lượng, kim ngạch và gía với mức giảm tương ứng 36%, 37% và 1,5%.

Đáng chú ý, xuất khẩu gạo sang thị trường Malaysia trong tháng 1/2022 tăng mạnh cả về lượng và kim ngạch so với tháng 12/2021, với mức tăng tương ứng 163,4% và 156%; và so với tháng 1/2021 cũng tăng mạnh 104% về khối lượng và tăng 67,5% về kim ngạch, đạt 34.925 tấn, tương đương 16,07 triệu USD.

Xuất khẩu gạo trong năm 2022 được dự báo tiếp tục duy trì thứ hạng tốt do ngành lúa gạo Việt Nam ngày càng được cải thiện về chất lượng (tỷ trọng gạo thơm tăng lên, năng suất lúa được cải thiện). Các doanh nghiệp lớn như Lộc Trời, Tân Long, Intimex, Trung An… tiếp tục được đối tác ký kết các đơn hàng lớn, giá trị cao.

Ngoài các thị trường truyền thống, gạo thơm và gạo chất lượng cao của Việt Nam những năm gần đây còn xâm nhập và dần chiếm lĩnh các thị trường cao cấp như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, EU… Điển hình như thị trường EU, lượng gạo thơm của Việt Nam xuất khẩu năm 2021 tăng 9,3% về lượng và tăng 28,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.