Xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản: Linh hoạt đáp ứng những thay đổi của thị trường

Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ lớn đối với các sản phẩm nông, thủy sản - thực phẩm chế biến. Hiện nay, các mặt hàng nông sản, trái cây Việt Nam đang ngày càng được ưa chuộng tại thị trường này.

Các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản tham dự Hội thảo “Nâng cao năng lực xúc tiến xuất khẩu thị trường Nhật Bản cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực nông sản” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Trung tâm ASEAN – Nhật Bản và Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức đều nhận định: Hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là nhóm hàng nông sản còn rất nhiều dư địa và tiềm năng để tăng trưởng tại thị trường Nhật Bản.

Nhiều lợi thế để tăng trưởng xuất khẩu

Theo ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, trong bối cảnh xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới bị ảnh hưởng thời gian qua thì thị trường Nhật Bản vẫn là điểm sáng. Năm 2021 tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt 42,7 tỷ USD, tăng 7,8% so với năm 2020; trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 20,1 tỷ USD, tăng 4,4%.

Đối với nhóm hàng nông thủy sản, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản năm qua đạt 1,8 tỷ USD; trong đó có một số mặt hàng tăng trưởng cao như: cà phê tăng 25,5%; hàng rau quả tăng 20%; hạt điều tăng 39%; hạt tiêu tăng 56%... Một số mặt hàng hoa quả Việt Nam cũng chiếm thị phần lớn và ngày càng phổ biến trên thị trường Nhật  như: thanh long, xoài, dừa, vải...

Về mặt cơ cấu hàng hóa, các mặt hàng của hai nước mang tính bổ sung, không cạnh tranh. Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu lớn nông lâm thủy sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng các loại... trong khi Việt Nam lại có lợi thế cạnh tranh lớn về các sản phẩm này”, ông Tài nhấn mạnh.

Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại chia sẻ về công tác xúc tiến thương mại hàng nông sản Việt Nam sang thị trường Nhật Bản

Ông Tạ Đức Minh - Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, với dân số gần 126 triệu người và thu nhập bình quân khoảng 43.000 USD/người/năm, Nhật Bản là thị trường có sức tiêu thụ lớn, đặc biệt đối với các sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm chế biến như: tôm, cá, thịt, rau quả tươi và chế biến, ngũ cốc, cà phê... Trong số các nguồn nhập khẩu, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có thế mạnh về những mặt hàng này và có khả năng cung ứng tốt cho thị trường Nhật Bản.

Một lợi thế nữa, theo ông Minh đó là trong những năm gần đây diễn ra làn sóng các doanh nghiệp Nhật Bản chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam, xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm rồi xuất khẩu về Nhật Bản. Đồng thời số lượng người Việt sống và làm việc tại Nhật Bản cũng tăng nhanh.

Do đó hàng nông thủy sản – thực phẩm nhập khẩu từ Việt Nam ngày càng được biết đến rộng rãi, có lượng tiêu thụ tốt trong cộng đồng người Nhật, người Việt và người dân các nước châu Á khác sống tại Nhật. Đây là những tiền đề cho thấy hàng nông sản Việt Nam còn nhiều tiềm năng để xuất khẩu hơn nữa sang Nhật Bản trong thời gian tới.

Đánh giá tình hình xuất khẩu hàng nông sản sang Nhật Bản, ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, hiện nay Nhật Bản chiếm khoảng 6,4% tổng kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam. Trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản tiếp tục tăng trưởng tốt 19,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo ông Toản, xuất khẩu nông sản Việt sang thị trường này hiện có một số thuận lợi. Trước hết là sản phẩm nông sản Việt Nam có tiềm năng đáp ứng đặc điểm thị trường và thị hiếu người tiêu dùng Nhật Bản. Việt Nam hiện là thị trường xuất khẩu rau quả lớn thứ 10 vào Nhật Bản, đặc biệt là các loại trái cây nhiệt đới như chuối, thanh long, vải và các sản phẩm trái cây chế biến.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bước đầu tận dụng tốt ưu đãi từ những hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương mà hai bên cùng tham gia. Việt Nam và Nhật Bản hiện đã ký kết 4 FTA bao gồm: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam tại thị trường này.

Cần đáp ứng những thay đổi của thị trường

Tuy nhiên, để tận dụng được các lợi thế, thuận lợi đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chủ động, nhanh nhạy trong xúc tiến thương mại, tiếp cận và đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường Nhật Bản, đặc biệt là các yêu cầu, xu hướng tiêu dùng mới đối với nhóm hàng nông thủy sản.

Theo ông Tạ Đức Minh, mặc dù là thị trường tiêu thụ lớn nhóm hàng này nhưng Nhật Bản cũng là thị trường có tiêu chuẩn chất lượng cao đối với sản phẩm. Do đó các doanh nghiệp Việt Nam khi triển khai tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại với thị trường Nhật Bản cần chủ động tìm hiểu, nắm rõ những yêu cầu này, đặc biệt là những rào cản kỹ thuật phi thuế nhằm bảo hộ ngành sản xuất nội địa Nhật như: các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định bảo vệ an toàn sức khỏe con người, an toàn môi trường, hay các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp...

Nhật Bản có hệ thống phân phối đa dạng, phức tạp có thể khiến gia tăng chi phí, đòi hỏi các doanh nghiệp nước ngoài muốn xuất khẩu vào Nhật Bản phải thiết lập được mối quan hệ tốt với các đầu mối nhập khẩu lớn của nước này.

Văn hóa kinh doanh và thị hiếu tiêu dùng ở Nhật Bản cũng rất đặc thù. Bên cạnh yếu tố quan trọng nhất trong lựa chọn hàng của người tiêu dùng Nhật là chất lượng sản phẩm thì hiện nay với nhịp sống nhanh, công việc bận bịu khiến người Nhật ngày càng chú trọng tính tiện dụng của sản phẩm, có thể đáp ứng mọi nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày. Do đó những sản phẩm chất lượng tốt và dễ sử dụng như thực phẩm chế biến, ăn liền, thông tin hướng dẫn sử dụng đầy đủ, dễ hiểu... có nhiều cơ hội được đón nhận và gia tăng tiêu thụ.

Doanh nghiệp phải đổi mới tư duy theo hướng bán những thứ thị trường cần, không phải là bán những thứ mình có sẵn; cần tập trung vào những sản phẩm có giá trị cao, tránh chỉ xuất khẩu những sản phẩm thô có giá trị thấp”, ông Minh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Toản cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần kịp thời cập nhật thông tin thị trường, đặc biệt về thủ tục nhập khẩu và các yêu cầu, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với thị trường có yêu cầu chặt chẽ như Nhật Bản, mặc dù hiện nay doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đã chủ động tìm hiểu các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm các yêu cầu về thủ tục nhập khẩu...

Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp vẫn cần được thông tin thông qua các kênh chính thống, đầu mối hỗ trợ và cơ chế cập nhật về các chính sách, yêu cầu, quy định của thị trường nhập khẩu để tạo thuận lợi hơn cho hoạt động xuất khẩu.

Mặt khác, năng lực tiếp cận nhà phân phối, bán lẻ và người tiêu dùng của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế. Đối với các nhà xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản, con đường tiếp cận phổ biến nhất là thông qua một công ty thương mại nhập khẩu của Nhật, từ đó phân phối sản phẩm tới các nhà bán lẻ hoặc tới các chợ bán buôn tập trung.

Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp vẫn cần được hỗ trợ, kết nối chặt chẽ với nhà nhập khẩu Nhật tìm ra con đường riêng tiếp cận hiệu quả tới các nhà bán lẻ, người tiêu dùng tại nước này.

Trái vải thiều tươi Việt Nam được đánh giá cao về chất lượng trong hệ thống các siêu thị AEON tại Nhật Bản

Từ góc độ nhà nhập khẩu lâu năm trong việc thu mua hàng hóa Việt Nam bán tại thị trường Nhật Bản, ông Keigo Yoshida, Giám đốc cấp cao Công ty TNHH AEON TopValu Việt Nam cho biết, so với thời gian trước thì hiện nay nông sản Việt đã được cải tiến chất lượng và khả năng đáp ứng thị trường hơn.

Ví dụ, với sản phẩm xoài đông lạnh, trước đây AEON chỉ đặt hàng các doanh nghiệp Việt Nam cho sản phẩm gói 350gram, còn loại gói 150gram do các nhà xuất khẩu Thái Lan cung cấp. Nhờ hiệu quả của sự đầu tư, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, năng lực và chất lượng đáp ứng đơn hàng tăng lên nên hiện nay các nhà cung cấp Việt Nam đảm nhận cả 02 loại sản phẩm này xuất khẩu sang Nhật thông qua hệ thống của AEON.

Tuy nhiên, ông Yoshida cũng đánh giá những trường hợp như vậy chưa nhiều, phần lớn các hộ nông dân, nhà sản xuất nông sản Việt Nam mới chỉ tập trung vào sản xuất, chưa chú trọng đến việc tăng năng suất và chất lượng sản phẩm cũng như chưa có sự đầu tư bài bản vào công tác marketing, xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm làm ra...

Để tận dụng hiệu quả các tiềm năng, lợi thế lớn của mình, Việt Nam cần cải cách đồng bộ nền sản xuất - kinh doanh sản phẩm nông sản; cần có sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân... để khắc phục những trở ngại hiện nay, tạo ra những sản phẩm, giá trị khác biệt, nâng cao giá trị và thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông sản Việt Nam sang Nhật Bản nói riêng và ra thế giới nói chung.

Việt Hằng