Như cát qua kẽ tay

Nếu định danh một cách đơn giản: “Du khách là người đi khám phá vùng đất mới”, thì thế giới có 200 nước (số tròn), với mỗi du khách, 199 nước còn lại sẽ là “vùng đất mới” cần đặt chân tới. Trời phú cho dãy Hymalaya bao la hùng vĩ đến thế nào, thì Việt Nam vẫn là điểm hấp dẫn du khách với những đặc trưng riêng. Có thể nói, tài nguyên du lịch là bình đẳng cho mọi quốc gia.

Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương Jonathan Hạnh Nguyễn thăm quan sản phẩm tại Hội nghị
Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương Jonathan Hạnh Nguyễn thăm quan sản phẩm tại Hội nghị

Nhưng tận dụng được, giữ chân được du khách chưa bao giờ dễ dàng; vì vậy, khai thác tài nguyên du lịch luôn là những câu chuyện mở và tiếp nối.

Tôi khá “sốc” khi gặp Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) Johnathan Hạnh Nguyễn tại Hội nghị Kết nối các sản phẩm OCOP của Bộ Công Thương tháng 12 năm trước.

OCOP là Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, với trọng tâm phát triển các nhóm sản phẩm tinh hoa, chủ yếu là nhóm hàng sản vật đặc trưng vùng miền và nhóm hàng thủ công tinh xảo. Chủ nhân của những sản phẩm này phần lớn là hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ.

Vậy lý do gì ông chủ chuyên phân phối các thương hiệu xa xỉ Hermès, Versace, Chanel, người kiểm soát chuỗi cửa hàng hiệu và thức ăn nhanh tại 2 sân bay lớn nhất nước cất công tham gia Hội nghị này.

Nghe Johnathan Hạnh Nguyễn và các nhân vật đình đám của VietJet Air, Vietjnam Airlines, Metro Market... trao đổi với các chủ nhân sản phẩm OCOP mới biết, những người khổng lồ đơn thương độc mã biết bao.

 Để xây dựng chuỗi cửa hàng ở Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Johnathan Hạnh Nguyễn đã đáp xuống sân bay nhiều nước. Ông hiểu rằng, sân bay chính là “cửa ngõ quốc gia”; là hình ảnh ban sơ của tổ quốc. Ánh mắt đầu tiên của khách quốc tế dừng lại ở nhân viên hải quan, nhưng trong cảm nhận của họ, là hiện thân cho phong cách làm việc của quốc gia đó.

Tương tự, mỗi sản phẩm ở cửa hàng miễn thuế, cửa hàng lưu niệm cũng tạo ấn tượng cho du khách như những tinh hoa, trí tuệ của toàn bộ quốc gia.

Trở về nước, ông mải miết tìm nhà cung cấp. Ông gặp người nọ người kia, nói với họ những điều tâm huyết nhất. Trong 25-30 người cũng có 1-2 người đáp ứng được những tiêu chí IPP đưa ra.

Nhưng làm “thủ công” như thế bao giờ mới đạt được khát  vọng? Trong khi sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài mỗi năm hơn  30 triệu khách quốc tế đi qua, những người khao khát như ông cảm nhận rất rõ cơ hội trôi qua từng ngày như cát qua kẽ tay.

Vietnam Airlines cũng vậy, mất tới 4-5 năm để đưa được 52 loại trái cây từ các vùng miền đất nước lên máy bay.

Đường vào “cửa ngõ quốc gia”

Bao nhiêu năm lầm lụi một mình trên đường, nay được gặp gỡ ở Hội nghị OCOP những người khổng lồ hết vui mừng. Johnathan Hạnh Nguyễn bộc lộ nguyên vẹn cảm xúc: “Nhu cầu của khách hàng rất lớn, sản phẩm không đủ bán. Nhân viên của chúng tôi phải “ăn đong”, đi khắp các vùng miền để tìm mua. Từ Đà Lạt tới Sóc Trăng, Bắc Cạn, Hòa Bình…”.

Để vào "cửa ngõ quốc gia" có rất nhiều việc phải làm
Để vào "cửa ngõ quốc gia" có rất nhiều việc phải làm

Hội nghị này như món quà trời cho, vị Chủ tịch IPP đăng ký 4 công ty nhưng đã mang theo 6 công ty thành viên với đội ngũ thu mua “hùng hậu” đến khảo sát kỹ lưỡng từng sản phẩm OCOP tại các gian hàng.

Bà Trần Thanh Hà, Phó trưởng phòng tiêu chuẩn, Ban dịch vụ hành khách, Vietnam Airlines chia sẻ: “Lần đầu tiên được tham dự một Hội nghị có quy mô lớn như thế, có thể gặp được rất nhiều nhà cung cấp.

Tôi thấy có rất, rất nhiều sản phẩm vùng miền vô cùng quý giá mà bản thân chúng tôi - những người xây dựng tiêu chuẩn phục vụ hành khách trên chuyến bay, chưa hề biết đến”.

Cái được lớn nhất của Hội nghị là hoạt động tìm kiếm đối tác. Đội ngũ mua hàng đã trực tiếp trải nghiệm sản phẩm, trao đổi với hàng trăm doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP về tín hiệu thị trường, về tiêu chí của nhà phân phối.

Trong đó, tiêu chí để vào hệ thống phân phối nơi “cửa ngõ quốc gia” hết sức đặc biệt. Lụa Nha Xá vang danh đất Bắc như thế; và cũng là nơi đầu tiên dùng chất liệu thiên nhiên củ nâu, cánh kiến, lá bàng, lá trầu không… để nhuộm lụa tơ tằm; được đánh giá là an toàn.

Nhưng để vào được “cửa ngõ quốc gia” - lên máy bay các hãng hàng không, hay cửa hàng miễn thuế, cửa hàng lưu niệm ở sân bay thì phải chuyển các túi, hộp đựng sản phẩm bằng nilon sang bằng vỏ tre hoặc vỏ giấy, hay túi vải.

Không chỉ là chất lượng, tiêu chuẩn quốc tế, mà bao bì phải được chăm sóc kỹ lưỡng. Bao bì - túi đựng sản phẩm trước hết phải sang trọng (đương nhiên); còn phải thân thiện môi trường và rất cần bền đẹp để du khách về nước họ rồi, vẫn có thể sử dụng khi đi mua sắm.

Thêm nữa, nó phải hữu ích ngay khi du khách đang ở Việt Nam. Đó là những thông tin thiết yếu, chẳng hạn chiếc túi có thể in hình ảnh những biểu tượng của đất nước, con người Việt Nam như Vịnh Hạ Long, Cao nguyên đá Đồng Văn, Hang động Sơn Đoòng… Nó cũng là thông tin gợi ý địa điểm du lịch thú vị cho du khách.

Đất nước trên hết

Theo Johnathan Hạnh Nguyễn, hình ảnh đất nước phải đặt lên vị trí hàng đầu trên bao bì sản phẩm. Có thể du khách không biết Việt Nam có những trái cây nổi tiếng nào, nhưng họ biết Việt Nam là xứ nhiệt đới. Thế nên, bất cứ trái cây nào đựng trong giỏ, túi xách có tên Việt Nam thì người ta hình dung ra ngay đây là trái cây xứ nhiệt đới - một trong những món quà thiên nhiên đáng được thưởng thức.

Lụa Nha Xá đã vang danh đất Bắc
Lụa Nha Xá đã vang danh đất Bắc

Ngay cả sản phẩm đồ thủ công tinh xảo, việc gắn tên nước Việt Nam cũng là cần thiết. Tôi từng đến nhà một anh bạn có sở thích du lịch; bộ đồ sưu tập của anh không chỉ có trong tủ kính, đặt trang trọng trong phòng khách, mà còn có những chiếc mũ đan bằng lá cọ châu Mỹ; những linh vật của châu Á; mặt nạ của thổ dân châu Phi… được sắp xếp một cách nghệ thuật dọc cầu thang lên phòng khách, lối ra ban công.

Điều đáng nói là mỗi hiện vật đều gắn tên quốc gia. Chắc hẳn ai cũng rất tự hào khi không phải khoe, mà khách vẫn biết chủ nhà từng in dấu lên những chân trời nào. Việc quảng bá tên nước trên sản phẩm đắc địa biết bao!

Không phải sản phẩm OCOP nào cũng cầu kỳ như trên. Chúng chỉ áp dụng khi đi vào hệ thống phân phối nơi “cửa ngõ quốc gia”. Nhưng góc nhìn này cho thấy, ngay cả những người khổng lồ về nguồn lực tài chính và quản trị cũng có thể “cô đơn”, loay hoay tìm nguồn cung ứng.

Một không gian mang tính chia sẻ, kết nối như Hội nghị OCOP vừa qua là đặc biệt hữu ích cho tất cả những ai muốn đem những sản vật, tinh hoa vùng miền của mình đi khắp muôn phương thông qua con đường xuất khẩu tại chỗ.