Xuất khẩu thủy sản “cán đích” 9 tỷ USD

Xuất khẩu thủy sản năm 2018 đạt khoảng 9 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2017. Trong đó, cá tra đạt 2,26 tỷ USD, tăng 26,4%; tôm đạt 3,58 tỷ USD; cá ngừ đạt 785 triệu USD; cá khác đạt 1,52 tỷ USD; nhuyễn thể đạt 785 triệu USD...
thuy san
Xuất khẩu thủy sản năm 2018  tăng 8,4% so với năm 2017

 

 

Đó là thông tin vừa được Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) công bố tại Hội nghị Tổng kết năm 2018 và Triển khai nhiệm vụ năm 2019 diễn ra chiều nay (24/12), tại Hà Nội.

Theo Tổng cục Thủy sản: Đáng chú ý, không chỉ tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng, năm 2018, mặt hàng cá tra còn ghi nhận có sự tăng trưởng phát triển vượt bậc về diện tích nuôi khi đạt con số 5.400 ha (tăng 3,3% so với năm 2017); sản lượng 1,42 triệu tấn, tăng 8,4% so với năm 2017. 

Năm 2018, ngành thủy sản đã tổ chức thay thế 30 nghìn con đàn cá bố mẹ, chọn lọc giống được tăng cường. Do đó, chất lượng con giống cá tra đã từng bước được cải thiện, hoạt động sản xuất ương giống, nuôi cá tra thương phẩm đã cơ bản được kiểm soát nhằm ngăn ngừa tình trạng ồ ạt mở rộng diện tích nuôi cá tự phát từ năm 2017. 

Về nuôi biển (cá biển, nhuyễn thể, tôm hùm, rong biển, cua ghẹ...), năm 2018, toàn ngành đã tiếp tục phát triển với diện tích khoảng 6.000 ha nuôi cá biển, sản lượng 32 nghìn tấn; nhuyễn thể 45 nghìn ha, sản lượng 320 nghìn tấn; tôm hùm 1,6 nghìn tấn, cua ghệ hơn 60 nghìn tấn... 

Ngoài ra, hoạt động nuôi trồng thủy sản các loài có giá trị kinh tế cao như cá nước lạnh, cá rô phi, nhuyễn thể, tôm càng xanh, tôm hùm... tiếp tục phát triển ổn định, góp phần nâng cao chất lượng, gía trị của ngành. 

Dù đạt được những kết quả khả quan, song ông Trần Đình Luân-Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cũng nêu rõ: Năm 2018, toàn ngành còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Điển hình như, trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản: Chất lượng giống cá tra vẫn chưa được cải thiện rõ nét. Chất lượng cá giống thấp dẫn đến hệ lụy về sức cạnh tranh lâu dài của sản phẩm. Bên cạnh đó, tôm giống vẫn còn lệ thuộc phần lớn vào nguồn nhập khẩu, có thể bị tác động khi các quốc gia hoặc doanh nghiệp xuất khẩu thao túng thị trường này.

“Ngoài ra, một số sản phẩm có tiềm năng vẫn chưa được phát triển tương xứng với tiềm năng hoặc chưa ổn định như nuôi cá biển, trồng rong biển, nuôi tôm hùm, nuôi cá rô phi. Công tác quản lý vật tư dùng trong nuôi trồng thủy sản đã có chuyển biến, tuy nhiên vẫn còn hiện tượng người nuôi lạm dụng kháng sinh, hóa chất trong nuôi trồng thủy sản”, ông Luân nói.

Trong lĩnh vực khai thác, ông Luân cho biết thêm: Việc chuyển đổi cơ cấu nghề trong khai thác hải sản còn chậm, các nghề xâm hại nguồn lợi thuỷ sản giảm chưa đáng kể, đặc biệt nghề lưới kéo; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong khai thác thủy sản chưa cao, trang bị công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm chưa được quan tâm đầu tư nên tổn thất sau thu hoạch vẫn còn ở mức cao, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất và an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ thuỷ sản chưa được ưu tiên thực hiện. Hệ thống hạ tầng cấp thoát nước, cấp điện, giao thông các vùng sản xuất giống, nuôi trồng thuỷ sản tập trung còn thiếu đồng bộ gây nhiều khó khăn cho sản xuất, chưa thu hút được các nhà đầu tư phát triển nuôi trồng thuỷ sản qui mô công nghiệp, hàng hoá lớn...

Năm 2019, ngành thủy sản đặt mục tiêu: Tốc độ tăng giá trị sản xuất tăng 4,25% so với năm 2018; tổng sản lượng thủy sản 7,9 triệu tấn (khai thác 3,6 triệu tấn, nuôi trồng 4,3 triệu tấn)…

Để đạt được các mục tiêu đề ra, toàn ngành xác định tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, đẩy mạnh tổ chức sản xuất liên kết ngang và dọc theo chuỗi giá trị (xây dựng đề án liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ các đối tượng chủ lực); tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động Quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025" và Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm đến 2025; trình phê duyệt và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển nuôi biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tổ chức triển khai các nội dung của Đề án cá tra 3 cấp…