Xuất khẩu tôm năm 2019: Hướng mục tiêu trên 4 tỷ USD

Với lợi thế từ các FTA (VKFTA, CPTPP, EVFTA…) đang và chuẩn bị có hiệu lực, XK tôm Việt Nam năm 2019 dự kiến tăng trưởng tốt và đạt trên 4 tỷ USD.

Theo VASEP, kết thúc năm 2018, XK tôm Việt Nam không khả quan như mong đợi, giảm 7,8% so với năm 2017 đạt 3,55 tỷ USD và giảm... so với mục tiêu đã đề ra. Trong năm 2018, XK tôm chỉ tăng trong 2 tháng 1 và 3, XK trong các tháng còn lại đều giảm.

Nhu cầu tiêu thụ tôm ở các thị trường lớn như Mỹ, Canada giảm do có bão tuyết, tồn kho ở Nhật Bản, Hàn Quốc và EU cũng ở mức cao. Giá tôm trong nước trong quý II có lúc giảm 20-30% cũng ảnh hưởng tới nguồn cung và nhu cầu thị trường và giá trị XK.

Cuối năm 2018, giá tôm thế giới giảm xuống mức thấp nhất. Nguồn cung từ các nước sản xuất tôm như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia tăng, tôm tồn kho tại Mỹ cao, nên tôm Việt Nam không thể xuất mạnh sang thị trường này.

Ngoài ra, lượng tồn kho của Ấn Độ, Ecuador và Indonesia cũng tăng đáng kể vì Trung Quốc siết chặt vấn đề tôm XK đường tiểu ngạch qua biên giới.

Tôm chân trắng vẫn chiếm vị trí chủ đạo trong cơ cấu các sản phẩm tôm XK của Việt Nam, chiếm 68,7%, tôm sú chiếm 23% và tôm biển 8,3%.

tom

Năm 2018, giá trị XK tôm chân trắng và tôm sú đều giảm so với năm 2017, lần lượt là 3,5% và 7%. Trong các sản phẩm tôm chân trắng và tôm sú XK, chỉ có tôm chân trắng chế biến tăng 4%, các sản phẩm còn lại đều giảm trong đó tôm sú chế biến giảm mạnh nhất 21% so với năm 2017.

Năm 2018, XK tôm Việt Nam sang 4 thị trường chính đều giảm trong đó giá trị XK sang Trung Quốc giảm mạnh nhất 28%, Nhật Bản giảm 9,2%, XK sang EU và Mỹ giảm lần lượt 2,8% và 3,3%. XK sang Hàn Quốc và Canada tăng nhẹ, lần lượt 1% và 3,5% so với năm 2017.

EU vẫn là thị trường NK tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 23,6% tổng giá trị XK tôm Việt Nam đi các thị trường. Năm 2018, XK tôm Việt Nam sang EU đạt 838,3 triệu USD, giảm 2,8%. XK tôm sang EU tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm và có xu hướng giảm trong nửa cuối năm. Anh, Hà Lan, Đức là 3 thị trường NK lớn nhất trong khối EU. XK sang Anh và Đức năm 2018 tăng trưởng lần lượt 13% và 11%, XK sang Hà Lan giảm 15% so với năm 2017.

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực năm 2019. Theo đó, ngành tôm Việt Nam sẽ nỗ lực tạo đột phá XK mạnh vào 28 nước châu Âu để tận dụng lợi thế thuế quan khi EVFTA có hiệu lực với mục tiêu đạt kim ngạch XK 1 tỷ USD.

Năm 2018, XK tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 637,7 triệu USD, giảm 3,3% so với năm 2017. XK tôm Việt Nam sang Mỹ năm 2018 vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh của nguồn cung đối thủ (Ấn Độ) cùng với thuế chống bán phá giá. Năm 2019, Mỹ được xác định là thị trường tăng trưởng chủ chốt của tôm Việt Nam. Ngành tôm sẽ phải lên kế hoạch giảm thiểu ảnh hưởng của thuế chống bán phá giá cũng như sức ép giá thấp từ Ấn Độ bằng cách tăng dần XK các mặt hàng giá trị gia tăng không bị áp thuế chống bán phá giá vào thị trường Mỹ.

tom 2

Dự báo, năm 2019, XK tôm Việt Nam sẽ vẫn phải đối mặt với những thách thức về nguồn cung và giá thấp. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, lợi thế từ các FTA (VKFTA, CPTPP, EVFTA…) đang và chuẩn bị có hiệu lực, XK tôm Việt Nam năm 2019 dự kiến tăng trưởng tốt và đạt trên 4 tỷ USD.

Thanh Xuân