Bà Hà Thị Ngọc Hà - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Chi Lê: “Cần phải hiểu rõ và đẩy mạnh sự trao đổi thị trường giữa hai nước” 

Chi Lê là một đất nước rất xa xôi nhưng có nguồn tài nguyên khoáng sản vô cùng phong phú, như nguồn gỗ thông dồi dào, nguồn rượu vang ngon và nổi tiếng được Việt Nam tiêu thụ rất nhiều. Đó là những điều kiện thuận lợi, đầu vào cho phát triển thị trường nguyên liệu ở Việt Nam. Việt Nam và Chile đã hoàn tất hiệp định thương mại tự do, nên cơ hội tăng cường phát triển xúc tiến thương mại giữa hai bên là rất lớn. Đặc biệt, đó cũng là tiền đề giúp doanh nghiệp hai nước tìm hiểu những vấn đề về thuế để xuất khẩu hàng của Việt Nam sang Chi Lê và tăng cường nhập khẩu hàng của Chi Lê sang Việt Nam. Trong 2 năm qua, kim ngạch thương mại xuất, nhập khẩu của hai nước đã không ngừng tăng lên (tăng 41%). 

Sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam-Chi Lê được kí kết và sớm được phê chuẩn vào đầu năm 2012 thì đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc xúc tiến thương mại giữa hai quốc gia. Năm 2011, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước là 400 triệu USD so với tiềm năng là rất thấp. Vì vậy, cần phải hiểu rõ tầm quan trọng của việc trao đổi thị trường giữa hai nước, tăng cường công tác quảng bá để Chi Lê hiểu hơn về thị trường Việt Nam. Ngoài ra, cần tăng cường thúc đẩy đầu tư phát triển tiềm năng du lịch, bởi nước bạn Chi Lê rất mong muốn sẽ có nhiều người dân của họ được đến tham quan, du lịch ở Việt Nam và ngược lại, nhiều người dân Việt Nam cũng muốn sang thăm quan Chi Lê. Tôi hi vọng sang năm 2012, quan hệ giữa hai nước sẽ có bước tiến mới cả về quan hệ kinh tế, chính trị, thương mại, du lịch. 

Ông Nguyễn Cảnh Cường- Tham tán thương mại Việt Nam tại Pháp: “Cần thận trọng khi thực hiện điều khoản thanh toán trong xuất khẩu hàng hoá” 

Năm 2011, Việt Nam xuất khẩu sang Pháp đạt 1,3 tỷ USD, xuất khẩu từ Pháp sang Việt Nam là 800 triệu USD. Tăng trưởng của xuất khẩu năm 2011 sang Pháp đạt 61% và dự báo năm 2012, vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng vì cơ cấu sản phẩm xuất khẩu hàng Việt Nam sang Pháp là hàng các loại tiêu dùng, giày dép, dệt may, cà phê... vẫn chiếm tỷ trọng cao. Người tiêu dùng Pháp có thể giảm chi tiêu hàng cao cấp, nhưng với hàng tiêu dùng thiết yếu, họ vẫn cần nhiều. Trong số các mặt hàng như thủy sản, giày dép, dệt may, cà phê, thì cà phê rất có triển vọng vì đây là hàng tiêu dùng thiết yếu của người Pháp. 

Hiện nay, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế tại Pháp và châu Âu nên không tránh khỏi việc một số doanh nghiệp có thể bị phá sản, vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng về điều khoản thanh toán trong xuất khẩu sang khu vực này, bởi do gặp khó khăn, đối tác có thể trì hoãn việc thanh toán. Chúng ta cần hạn chế việc trao hàng trước để tránh việc thanh toán không an toàn. Đã có một số doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều của Việt Nam gặp phải tình huống này. Khi xảy ra tranh chấp, việc đòi tiền hàng rất mất thời gian và tốn kém. Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng khi ký kết hợp đồng để đảm bảo được thanh toán khi đã xuất hàng. Còn nếu quá dễ dãi về các điều khoản thanh toán (có thể do sức ép cạnh tranh giữa các nhà xuất khẩu với nhau hay quá tin tưởng vào bạn hàng), chấp nhận thanh toán thuận lợi cho nhà nhập khẩu mà không thuận lợi cho mình thì khi có khó khăn, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải gánh chịu những thiệt hại.
Ông Đào Trần Nhân- Tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ: “Nên phối hợp để đưa ra mức giá mà thị trường có thể chấp nhận được, đừng quá chú trọng đến việc cạnh tranh bằng giá” 

Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường Mỹ đạt hơn 6 tỷ USD, da giày 1,4 tỷ USD, đồ gỗ gần 1,4 tỷ USD, thủy sản khoảng 1 tỷ USD… Thời gian tới, các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam vào Mỹ vẫn tập trung vào các mặt hàng dệt may, đồ gỗ, hải sản và các nông sản khác. Đây là thị trường rộng lớn, nhưng cũng có những quy định hết sức khắt khe. 

Mới đây, Mỹ đã đưa ra một đạo luật mới với tên gọi là Đạo luật Hiện đại hóa vệ sinh an toàn thực phẩm. Sang năm 2012, Đạo luật này sẽ được áp dụng. Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đã cảnh báo cho các cơ quan và doanh nghiệp Việt Nam về các quy định trong đạo luật mới này. Mặc dù vậy, theo ý kiến của chúng tôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nên mời các chuyên gia Mỹ sang Việt Nam đào tạo, hướng dẫn cho các doanh nghiệp của ta để có thể duy trì lượng hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này. Điều đó sẽ giúp doanh nghiệp trong nước tránh được tình trạng khi sự việc đã xảy ra mới đi vào giải quyết. 

Khi lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng đột biến vào thị trường Mỹ, Thương vụ luôn theo dõi và đưa ra các cảnh báo. Trên thực tế, ở Mỹ luôn có những nhóm lợi ích khác nhau. Do đó, họ có thể vận động hành lang để các nghị sỹ nêu vấn đề khởi kiện sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia khác. Về phía các doanh nghiệp, khi nhận được các cảnh báo, phải có sự xem xét để điều hòa về số lượng và giá xuất khẩu một cách nghiêm túc. Tại thị trường Mỹ, nếu sản phẩm bán giá quá rẻ có thể bị quy là bán phá giá. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ nên có sự phối hợp để đưa ra mức giá mà thị trường có thể chấp nhận được, chứ đừng quá chú trọng đến việc cạnh tranh bằng giá. 

Ông Nguyễn Tiến Vinh - Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam: “Thường xuyên trao đổi thông tin thương mại, thị trường giữa Việt Nam và các nước” 

Cà phê, ca cao là những mặt hàng chủ lực chiếm thị phần lớn trong những mặt hàng xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Việt Nam là nước có sản lượng cà phê xuất khẩu đứng thứ 2 trên thế giới, sau Braxin. Trong những năm qua, ngành Cà phê đã đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế và là nguồn thu nhập chủ yếu của hàng triệu hộ nông dân, góp phần ổn định chính trị, kinh tế xã hội tại Tây Nguyên. Kim ngạch xuất khẩu niên vụ 2009-2010 đạt 1,1 triệu tấn đạt 1,7 tỷ USD. Niên vụ 2010-2011 đạt 1,2 triệu tấn, nâng kim ngạch giá trị xuất khẩu lên 2,7 tỷ USD, đạt mức cao nhất từ trước đến nay do giá cà phê đạt đỉnh điểm từ 3 đến 5 năm. Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, niên vụ 2010-2011, cà phê đã xuất khẩu đến gần 80 quốc gia, trong đó chiếm thị phần đáng kể vẫn là các thị trường truyền thống, như Hoa Kỳ đứng đầu với hơn 140 ngàn tấn, Trung Quốc đã trở thành quốc gia thứ 10 trong các quốc gia nhập khẩu cà phê của Việt Nam. Các thị trường mới nổi lên cần chú ý là Nga, Angieri, Belarut, và Malaysia. Đạt được kết quả trên là do cơ quan liên bộ phối hợp với Bộ Ngoại giao, các văn phòng xúc tiến thương mại thăm dò thị trường, kịp thời giải đáp những vướng mắc. 

Để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, Hiệp hội xin đề xuất một số ý kiến sau: Về công tác phát triển thị trường thì ngoài các thị trường truyền thống, cần nhanh chóng phát triển thị trường sang các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Trong đó, tại các nước ASEAN, cần phối hợp chặt chẽ với các thương vụ kêu gọi đầu tư của đối tác nước ngoài tại khu vực tham gia vào các chương trình lớn, như đầu tư nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê, áp dụng quy trình trồng cà phê tốt, đầu tư dây chuyền chế biến cà phê để nâng cao giá trị... Ngoài ra, cần phải phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, các văn phòng xúc tiến thương mại ở các nước để mở rộng thị trường. Đồng thời, nên thường xuyên trao đổi thông tin thương mại, thị trường giữa Việt Nam và các nước. 

Ông Trần Thanh Hải - Tham tán thương mại Việt Nam tại Italia: “Nên khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài” 

Trong khi cuộc khủng hoảng công diễn ra trên toàn châu Âu do chịu sự tác động chung của nền kinh tế thế giới, Việt Nam cũng không nằm ngoài sự tác động đó. Cái khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam là phải đối mặt với rất nhiều thách thức, như phá giá, thiếu vốn... Chính vì vậy, các doanh nghiệp phải biết tìm cách ứng biến, luôn luôn chuyển động làm cách nào để thoát khỏi những khó khăn đó. Về cơ bản, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được các mặt hàng tiêu dùng như giày dép, quần áo. Theo tôi, nên khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, không nên giữ cách nghĩ trước kia, chúng ta là nước nghèo chỉ có thu hút đầu tư từ nước ngoài mà không nghĩ rằng Việt Nam cũng có rất nhiều tiềm lực để đầu tư vào nhiều quốc gia trên thế giới. 

Ông Nguyễn Duy Phú- Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc:
“Nhập siêu Việt Nam - Trung Quốc chưa thể giảm mạnh”
 

Hiện, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 3 nhóm hàng lớn gồm hàng nông - lâm - thủy, hải sản, khoáng sản và hàng công nghiệp. Đối với nhóm hàng công nghiệp, cùng với thực tế đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt là đầu tư của các tập đoàn lớn như Samsung, thì xuất khẩu hàng công nghệ cao, hàng điện tử chất lượng tốt sẽ tăng lên trong thời gian tới. Đối với nhóm hàng nông sản, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này vẫn tăng đều. 

Trong thời gian trước mắt, nhập siêu Việt Nam-Trung Quốc chưa thể giảm mạnh được, bởi có một số yếu tố tác động như cơ cấu ngành hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao chưa thể tăng đột biến. Bên cạnh đó, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam ngày một gia tăng, khiến cho nhập khẩu thiết bị vào Việt Nam cũng gia tăng. Đặc biệt, nhận thầu công trình của Trung Quốc ở Việt Nam cũng tăng mạnh nên nhập khẩu thiết bị đi kèm cũng gia tăng, khiến nhập siêu của Việt Nam vì thế mà khó giảm. Hiện, Việt Nam đứng thứ 5 trong tổng số 10 thị trường lớn nhất của Trung Quốc về nhận thầu công trình quốc tế ở hải ngoại. Trong những năm gần đây, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc cũng bị tăng về giá trị, do giá thành hàng hóa sản xuất của Trung Quốc tăng lên khi đồng NDT tăng giá, giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng, giá nhân công tăng. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu hàng Trung Quốc nên đã chịu những tác động bất lợi này. 

Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đang giữ được tốc độ tăng 50%/năm. 11 tháng của năm 2011, xuất khẩu Việt Nam-Trung Quốc đạt 9,8 tỷ USD. Tuy nhiên, đồng thời với tăng trưởng mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc, Việt Nam cũng nhập khẩu mạnh hơn các hàng hóa, nguyên vật liệu, thiết bị từ Trung Quốc để sản xuất. Theo tôi, để giảm nhập siêu từ Trung Quốc, các giải pháp quan trọng cần tập trung gồm: nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành hàng xuất khẩu theo hướng chuyển sang các mặt hàng chế biến có giá trị gia tăng cao để tạo ra bước đột phá trong xuất khẩu. Bởi khi không thể tăng nhanh sản lượng xuất khẩu thì phải tăng về giá trị. Vì thế, thời gian tới, cần tập trung mạnh hơn cho nhóm hàng công nghệ cao do hàng công nghiệp là mặt hàng mang lại giá trị lớn nhất. Cùng với các giải pháp để tăng kim ngạch xuất khẩu, san bớt khoảng cách giữa nhập khẩu và xuất khẩu thì các cơ quan chức năng cần có các biện pháp quyết liệt để giảm nhập khẩu, nhất là với nhóm hàng hóa thiết bị.