Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa cuối tháng 10/2019 đạt 24,74 tỷ USD, tăng 17,8% (tương ứng tăng 3,74 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 10/2019.  

Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 10/2019 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 10 tháng/2019 đạt 428,63 tỷ USD, tăng 8%, tương ứng tăng 31,7 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2018.

Kết quả này cũng đã góp phần quan trọng đưa cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam lên mức kỷ lục.

Cụ thể, chỉ trong nửa cuối tháng 10/2019, thặng dư hàng hóa đã lên tới 1,53 tỷ USD. Như vậy, tính chung 10 tháng, Việt Nam đã xuất siêu 9,01 tỷ USD. 

Có được mức thặng dư kỷ lục như hiện nay nhờ sự nỗ lực về tăng trưởng xuất khẩu của tất cả nhóm hàng.

Đặc biệt, trị giá xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, điện thoại các loại, sản phẩm điện tử và linh kiện (gồm 2 nhóm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện và nhóm điện thoại các loại và linh kiện) đã lên tới 73,15 tỷ USD, chiếm 33% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

10 tháng qua, Việt Nam đạt được thặng dư lớn chủ yếu từ hoạt động xuất nhập khẩu của nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cụ thể, thặng dư thương mại của khối doanh nghiệp FDI đạt 28,53 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, khối doanh nghiệp có vốn hoàn toàn trong nước thâm hụt thương mại 19,51 tỷ USD, tăng 5,1%.

10 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu trên 3 tỷ USD với 6 thị trường là: Hoa Kỳ, Hà Lan, Hồng Kông, Anh, Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Áo và Anh.

Số lượng thị trường nhập siêu trên 3 tỷ USD là 5 thị trường. Trong đó nhập siêu lớn nhất là Trung Quốc với 29,02 tỷ USD, tăng 45,6%; tiếp theo là Hàn Quốc với mức nhập siêu 22,73 tỷ USD, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2018. Riêng hai thị trường này chiếm 74% tổng mức nhập siêu của 5 thị trường lớn.