Bên ủng hộ nhiệt liệt

Ngày 5/5, Mỹ đã gây bất ngờ cho ngành công nghiệp dược phẩm khi lên tiếng ủng hộ đề xuất tạm ngừng bảo vệ bản quyền vắc xin Covid-19. Ấn Độ và Nam Phi là những quốc gia đầu tiên đưa ra đề xuất này, cho rằng đây là cách duy nhất để đảm bảo “quyền tiếp cận công bằng, bình đẳng và giá cả phải chăng” đối với vắc xin và thuốc điều trị Covid-19”.

Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai thừa nhận quyền sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp là quan trọng, song nhấn mạnh trước tình thế cấp bách như hiện tại, các rào cản về bản quyền nên tạm thời được dỡ bỏ. Theo bà Tai, Washington sẽ bắt đầu đàm phán về việc này với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Quá trình đàm phán có thể sẽ mất khá nhiều thời gian do đây là vấn đề nhạy cảm, đụng chạm lợi ích nhiều công ty và quốc gia.

Động thái ủng hộ này của Mỹ cũng nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt từ các nhà hoạt động và các tổ chức nhân đạo cũng như Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ông ca ngợi quyết định của Mỹ là một “quyết định lịch sử”, thể hiện “sự lãnh đạo đầy nhân văn” của Nhà Trắng trong cuộc chiến chấm dứt đại dịch Covid-19.

Một số nhà sản xuất cho biết họ có thể sản xuất nhiều vắc xin hơn nếu họ có quyền sở hữu trí tuệ, theo bà Ellen t’Hoen, Giám đốc Medicines Law & Policy. Bà cho rằng các chính phủ phương Tây đã tài trợ cho việc phát triển vắc xin đáng lẽ nên đảm bảo việc phân phối vắc xin sẽ công bằng hơn. Hiện tại, trên thế giới có khoảng 1,1 tỷ người đã được tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 nhưng chỉ có gần 18 triệu liều đã được tiêm ở châu Phi. Bà nói thêm: “Các chính phủ có thể đã nhượng bộ quá nhiều và bỏ ra những khoản tiền khổng lồ mà không đảm bảo cam kết chia sẻ quyền sở hữu trí tuệ.”

Bên phản đối quyết liệt

Sự ủng hộ của Mỹ là tín hiệu đáng mừng cho nhiều quốc gia thu nhập trung bình và thấp đang “khát” vắc xin. Tuy nhiên, một số nước thành viên WTO như Anh, Đức vẫn phản đối quyết liệt việc dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ vắc xin Covid-19.

Cho đến nay, theo Reuters, các nước thành viên WTO đã trải qua 10 cuộc họp nhưng vẫn không đạt được tiến triển đáng kể. Không có sự đồng thuận, theo quy định hoạt động của WTO, đề xuất này vẫn mãi nằm trên giấy. Các quan chức EU khẳng định việc viết lại các quy tắc bảo hộ bản quyền đối với vắc-xin của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có thể mất vài tháng hoặc thậm chí một năm.

Quyết định ủng hộ từ bỏ các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chính quyền ông Biden cũng vấp phải sự phản đối của các nhà sản xuất và nghiên cứu dược phẩm Mỹ, gồm các nhà sản xuất vắc-xin Covid-19 như AstraZeneca, Pfizer và Johnson & Johnson. Một số nhà sản xuất vắc xin đã cảnh báo các quan chức trong chính quyền Biden rằng việc từ bỏ bằng sáng chế này có thể khiến các công nghệ mới, như nền tảng mRNA, rơi vào tay Trung Quốc và Nga.

Các hãng dược cũng cho rằng việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin Covid-19 không phải là giải pháp hiệu quả. Các nhà sản xuất vắc xin đã nỗ lực cung cấp hàng tỷ liều vắc xin với tốc độ chưa từng có. Họ thậm chí còn ký kết hợp tác với các đối thủ để mở rộng sản xuất. Moderna đã công bố các bằng sáng chế của họ lên mạng vào mùa hè năm ngoái nhưng chúng thực sự không hữu ích gì nhiều.

Các nhóm vận động hành lang cho ngành dược phẩm cảnh báo hành động của chính quyền Biden sẽ làm suy yếu các công ty dược và nhiều hệ lụy khác. Một số học giả ví von động thái này là một sự tước đoạt tài sản của các công ty dược phẩm. “Chén cơm” của các hãng dược sẽ bị “vơi đi”, đồng thời “triệt tiêu” động lực nghiên cứu của họ nếu xảy ra một đại dịch mới.

Bằng sáng chế không phải là “yếu tố tiên quyết”

Tại hội nghị trực tuyến hôm 7/5, các nhà lãnh đạo châu Âu đã cho rằng đề xuất của Mỹ có thể giúp mở rộng khả năng tiếp cận công bằng đối với vắc xin nhưng có thể không là “yếu tố quan trọng nhất” trong việc mở rộng sản xuất vắc xin.

Thomas Cueni, Tổng giám đốc của Liên đoàn các Nhà sản xuất và Hiệp hội Dược phẩm Quốc tế, cho biết vắc xin phức tạp hơn nhiều so với hầu hết các loại thuốc nên chưa bao giờ có giấy phép bắt buộc cho việc tiêm phòng. Ông nói rằng bằng sáng chế chỉ là “lớp kem phủ trên mặt bánh”.

Cùng quan điểm đó, Sir Robin Jacob, chủ tịch luật sở hữu trí tuệ tại Đại học College London, cũng cho biết “không có bằng chứng” nào cho thấy các công ty khác sẽ “đột nhiên” sản xuất được vắc xin nếu bằng sáng chế được dỡ bỏ. Vấn đề nằm ở chỗ năng lực sản xuất của đối tác phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cao chứ không phải ràng buộc về quyền sáng chế. Johnson & Johnson cho biết họ đã kiểm tra 100 đối tác tiềm năng nhưng kết luận chỉ có 10 đối tác có khả năng thực hiện thành công.

Chưa kể đến, nỗ lực sản xuất hàng loạt vắc xin Covid-19 trên quy mô chưa từng có đang bị hạn chế bởi nhiều nút thắt khác nhau, bao gồm hạn chế về nguồn cung cấp vật liệu như hạt nano lipid và các thiết bị như hệ thống nuôi cấy tế bào (bioreactor). Các nhà máy mới sẽ phải đối mặt với những hạn chế tương tự, bao gồm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu.

Theo Al Jazeera, bên cạnh việc dỡ bỏ quyền sáng chế, các bước quan trọng khác bao gồm giảm hạn chế xuất khẩu cả vắc-xin lẫn các thành phần cần thiết để tạo ra chúng, chia sẻ bí quyết sản xuất, đào tạo nhân viên sản xuất và tăng năng lực sản xuất trên toàn cầu.