Tết Hàn thực diễn ra vào ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm, là dịp mà mỗi gia đình Việt dâng lên bát bánh chay, bánh trôi được làm từ gạo nếp để lễ Phật, lễ gia tiên với tấm lòng thành khẩn, mong muốn đấng thần linh có thể mang đến những điều tốt đẹp cho tổ ấm của mình thêm an yên.

Đây là dịp để con cháu tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên, chư vị Phật tổ cũng như các vị anh hùng đã hi sinh bản thân để giành lấy độc lập tự do, vậy nên mang nhiều bản sắc dân tộc từ quá trình dựng nước và giữ nước. Ở một số nơi, Tết Hàn thực còn để cúng Thần hoàng với mong muốn thần linh sẽ mang lại nhiều may mắn cho gia đình. Do đó, Tết Hàn thực ở đất Việt cũng không có kiêng cữ lửa như người dân Trung Hoa.

Tết hàn thực
Tết Hàn thực ở Việt Nam là dịp để con cháu tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên, chư vị Phật tổ cũng như các vị anh hùng đã hi sinh bản thân để giành lấy độc lập tự do

Việc dùng bánh trôi, bánh chay để cúng lễ cũng mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Thứ nhất, nó thể hiện cho nền văn hóa lúa nước của người Việt từ lâu đời. Cả hai thứ bánh đều được làm từ bột gạo nếp thơm, thành quả lao động vất vả mới có được để dâng lên ông bà, tổ tiên.

Bánh trôi
Bánh được làm từ bột gạo nếp

Loại bánh này còn bắt nguồn từ tích truyện “bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ”. Bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên rừng theo mẹ. Bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con theo cha xuống biển. Chính vì thế, Tết Hàn thực của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những đã khuất.

Bánh Trôi
Bánh trôi bánh chay bắt nguồn từ tích truyện “bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ”

Từ xa xưa bánh trôi bánh chay đã đi vào thơ ca dân tộc như những món ăn đặc trưng phổ biến của người Việt. Hai thứ bánh trôi và chay đều làm từ bột gạo nếp thơm. Bánh trôi nặn viên nhỏ, ngoài trắng, trong nhân đường đỏ, thả luộc trong nồi nước sôi, khi bánh nổi lên mặt nước vớt ra vừa chín tới. Còn bánh chay thì nặn tròn dẹt, không nhân, đặt lên đĩa nhỏ, khi ăn đổ nước đường lên trên.

Bánh trôi
Bánh trôi còn đi vào thơ ca của người Việt

Tết Hàn thực ngày nay phổ biến nhất ở khu vực miền Bắc với các tỉnh thành xung quanh Hà Nội. Và trong từng mâm cỗ cho ngày Tết Hàn thực mỗi gia đình ở từng vùng miền cũng có chút khác biệt. Các gia đình miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng cúng Tết Hàn thực bằng món bánh Coóng phù giống bánh trôi đồng bằng Bắc Bộ nhưng khi ăn có chan thêm nước.

Còn với người miền Nam, Tết Hàn thực đơn giản hơn rất nhiều khi với mâm cỗ truyền thống phương Bắc khi chỉ dùng món chè trôi nước với nước dừa thơm lừng đặc trưng.