Ý thức chấp hành pháp luật về môi trường của cộng đồng, doanh nghiệp có nhiều chuyển biến

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường qua việc triển khai nhiều công cụ, biện pháp quản lý đồng bộ, công tác Bảo vệ môi trường (BVMT) trong giai đoạn 2016 - 2022 tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, xu hướng suy giảm nhanh chất lượng môi trường đã được ngăn chặn

Phát biểu khai mạc Hội nghị Môi trường toàn quốc, ngày 4/8/2022, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà nhấn mạnh, tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu, thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về khí hậu, môi trường, suy giảm của các hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu một hành tinh khỏe mạnh.

Đồng thời, tận dụng cơ hội đưa đất nước ta theo con đường “xanh”, hiện thực hoá mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Đây là xu thế phát triển phù hợp với “Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc trong 15 năm tới”. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và chung tay của toàn dân, công tác BVMT đã chuyển từ bị động ứng phó, sang chủ động phòng ngừa, bảo vệ và phục hồi.

Bộ trưởng Bộ TN&MT phát biểu tại sự kiện
Phát biểu khai mạc Hội nghị Bộ trưởng bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, Hệ thống chính sách, pháp luật về BVMT giai đoạn 2016-2022 đã được hoàn thiện, trong đó Luật Bảo vệ môi trường 2020 với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân.

 

Chất lượng môi trường sống tiếp tục được cải thiện. Các mô hình, công nghệ hiện đại được triển khai trong tái chế, xử lý chất thải. Hoạt động quan trắc, cảnh báo, dự báo về chất lượng môi trường được nâng cao, cung cấp thông tin về môi trường phục vụ tốt cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

Nhiều phong trào, mô hình điển hình về BVMT đã đi vào cuộc sống, trở thành hành động và nếp sống của mọi người, mọi nhà và cộng đồng xã hội như vấn đề rác thải nhựa, bảo vệ môi trường nơi sinh sống… ngày càng đóng góp thiết thực cho công tác bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng chỉ rõ, bên cạnh những thành công đạt được vẫn còn những hạn chế cần sớm khắc phục. Liên hợp quốc cũng đã cảnh báo, các hệ sinh thái trên trái đất đang tiếp tục suy thoái hoặc biến đổi; đa dạng sinh học đang suy giảm với tốc độ chưa từng có trong lịch sử loài người chạm ngưỡng không thể đảo ngược ảnh hưởng đến việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), gia tăng các thách thức về biến đổi khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực và nguồn nước.

Bộ trưởng Bộ TN&MT đồng thời nhấn mạnh: “Thực trạng đó buộc chúng ta phải nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Chuyển đổi xanh dựa nền tảng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các - bon thấp, kinh tế số là con đường để chúng ta đưa đất nước phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống cho nhân dân”

Xu hướng suy giảm nhanh chất lượng môi trường đã được ngăn chặn

Nhìn nhận về kết quả công tác bảo vệ môi trường (BVMT) giai đoạn 2016 -2022 Bộ TN&MT cho biết Hệ thống pháp luật về BVMT đã có những bước phát triển đột phá. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN&MT, các Bộ, ngành, địa phương tập trung cao độ mọi nguồn lực để nỗ lực xây dựng, trình ban hành Luật BVMT năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết của Luật.

Đồng thời tạo bước chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về môi trường của cộng đồng, doanh nghiệp. Nhiều hoạt động, phong trào tuyên truyền, giáo dục được tổ chức, phát động đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về tầm quan trọngcủa môi sống và nhiệm vụ BVMT của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình. Ý thức chấp hành các quy định pháp luật về BVMT của các doanh nghiệp cũng có nhiều chuyển biến tích cực, dần chuyển từ đối phó sang tự giác chấp hành…

Các nguồn thải lớn (KCN, CCN, làng nghề, dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ lớn,...) đã được chủ động kiểm soát chặt chẽ. Phương thức phối kết hợp giữa Trung ương, địa phương trong kiểm soát, giám sát, giải quyết các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, các vấn đề môi trường phát sinh. Hình thành được một phương thức, tư duy quản lý mới các vấn đề môi trường, chuyển từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa kiểm soát, làm chủ công nghệ giám sát, phòng ngừa ô nhiễm.

Nhiều dự án lớn đã được kiểm soát chặt chẽ về BVMT để đi vào vận hành chính thức, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng của địa phương. Hoạt động đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục truyền số liệu trực tiếp về cơ quan quản lý nhà nước về BVMT đã được các địa phương, tổ chức quan tâm, đầu tư mạnh mẽ. Đã xuất hiện nhiều mô hình đô thị, nông thôn, KCN, làng nghề, cơ sở sản xuất sinh thái, thân thiện với môi trường.

Tỷ lệ KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, tỷ lệ KCN đã đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, tỷ lệ cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg được xử lý triệt để và tỷ lệ xã đạt tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm đều tăng so với giai đoạn trước.

Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về quản lý chất thải, từng bước thực hiện tái chế, tái sử dụng rác thải thay cho chôn lấp, giảm thiểu rác thải nhựa.Tỷ lệ CTRSH được thu gom, tái chế liên tục tăng, tỷ lệ phải chôn lấp giảm. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn công nghiệp; tỷ lệ thu gom, xử lý CTNH đều tăng so với giai đoạn trước. Đối với một số loại CTR đặc thù như tro xỉ, thạch cao, việc đảm bảo yêu cầu môi trường khi thực hiện tái chế đã được quan tâm triển khai. Tỷ lệ tro xỉ được tái sử dụng tăng mạnh, nhiều cơ sở sản xuất đạt tỷ lệ tái sử dụng cao đồng thời kiểm soát, ngăn chặn việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất để đưa rác thải vào nước ta.

Khu bảo tồn thiên nhiên, vùng đất ngập nước Vân Long
Khu bảo tồn thiên nhiên, vùng đất ngập nước Vân Long. Ảnh: TN&MT

Chất lượng môi trường (đất, nước, không khí...) được cải thiện đáng kể. Công tác bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, mở rộng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên được đẩy mạnh… Số lượng các khu bảo tồn, khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế ở nước ta tiếp tục gia tăng. Quy trình kiểm dịch động, thực vật nhập khẩu được kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn ngừa các loài ngoại lai xâm hại.

Nhìn chung, thông qua việc triển khai nhiều công cụ, biện pháp quản lý đồng bộ, công tác BVMT trong giai đoạn vừa qua tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Xu hướng suy giảm nhanh chất lượng môi trường đã được ngăn chặn. Các chỉ số về bảo vệ môi trường đã đóng góp quan trọng đưa chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam ở vị trí 51/165 quốc gia và vùng lãnh thổ tăng 37 bậc so với năm 2016

Pvi