Yếu tố nào giúp Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội đầu tư, thương mại từ châu Âu?

Trong bối cảnh những thách thức và cơ hội đan xen hiện nay, việc thực hiện các chính sách thích ứng và các điều chỉnh chiến lược phù hợp sẽ là yếu tố then chốt giúp Việt Nam có thể duy trì tăng trưởng và tận dụng được nhiều cơ hội đầu tư, phát triển bền vững.

Sáng ngày 15/1, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức Lễ công bố ấn bản Sách Trắng thường niên lần thứ 15 với chủ đề "Thúc đẩy đầu tư hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững" nhằm đưa ra các khuyến nghị ưu tiên đầu tư và thương mại, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới; đồng thời tổ chức Hội nghị đối thoại chính sách giữa cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng với các Bộ, ngành về cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Sách Trắng
Lễ ra mắt Sách Trắng 2024 của EuroCham và Hội nghị đối thoại chính sách với các Bộ, ngành

Xu hướng đầu tư của doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam tăng lên

Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) mới nhất do EuroCham công bố đạt 46,3 điểm trong quý 4/2023.

Trong Quý 4/2023, vị thế điểm nóng đầu tư của Việt Nam tăng lên đáng kể. Con số ấn tượng là 62% số người được khảo sát đã xếp hạng Việt Nam trong số 10 điểm đến đầu tư toàn cầu hàng đầu, trong đó 17% ​​xếp Việt Nam ở vị trí cao nhất. Điều này được chứng minh bằng con số 53% số người được hỏi dự đoán đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng vào cuối quý 4.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Gabor Fluit - Chủ tịch EuroCham nhận định: Trong thời gian gần đây, mặc dù nền kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn phức tạp, nhưng nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện khả năng phục hồi và linh hoạt. Một dấu hiệu quan trọng của điều này là sự gia tăng đầu tư của doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam, được thể hiện bằng thông báo gần đây của Nestlé Việt Nam về kế hoạch mở rộng có trị giá 100 triệu USD. Qua đó nhấn mạnh niềm tin tưởng của doanh nghiệp châu Âu đối với Việt Nam.

đầu tư
Ông Gabor Fluit - Chủ tịch EuroCham

Tuy nhiên, dự báo năm 2024 sẽ có những khó khăn riêng. Dù Việt Nam được kỳ vọng sẽ dẫn đầu về tăng trưởng GDP nhưng môi trường kinh tế có thể sẽ không thuận lợi như trước năm 2020.

"Chúng tôi dự đoán sẽ có những thách thức như xuất khẩu và nhập khẩu bị chậm lại, sự phức tạp của chuỗi cung ứng và những khó khăn khác không lường trước được", ông Gabor Fluit lưu ý và cho rằng, khi Việt Nam đối mặt với những thách thức và cơ hội hiện tại, các chính sách thích ứng sẽ là yếu tố then chốt. Bằng cách thường xuyên điều chỉnh các chiến lược để phù hợp với bối cảnh đang phát triển, Việt Nam có thể định vị chính mình để tận dụng được nhiều cơ hội trong tương lai.

EVFTA mang lại cơ hội đầu tư, thương mại chưa từng có cho các doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam 

Trao đổi về những kết quả đạt được trong hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, ông Julien Guerrier - Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết: Trong nhiều năm qua, Việt Nam là đối tác quan trọng của Liên minh châu Âu trong các vấn đề kinh tế, chuyển đổi kỹ thuật số, chuyển đổi xanh... 

Để thúc đẩy tăng trưởng thương mại và kinh tế, Việt Nam cần liên tục cải thiện tính công khai và minh bạch cũng như hiện đại hóa hành chính công. Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) đang đóng vai trò quan trọng trong tiến trình này và góp phần giúp Việt Nam thành công vượt qua các thách thức kinh tế phát sinh từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng, giá nhiên liệu tăng và bảo đảm an ninh lương thực.

"EVFTA không chỉ là một hiệp định thương mại tự do. Thông qua khuôn khổ EVFTA, chúng ta đã chứng kiến mức độ tự do hóa thương mại hàng hóa, dịch vụ chưa từng có và các cơ hội đầu tư mới cho các nhà đầu tư châu Âu và Việt Nam", Đại sứ EU nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, sau ba năm thực hiện, EVFTA đã hỗ trợ Việt Nam củng cố định hướng phát triển của đất nước bằng cách thúc đẩy các quy định của Việt Nam tương thích với tiêu chuẩn quốc tế, cải thiện mức độ phù hợp về quy định và giảm bớt các rào cản pháp lý, tạo môi trường thuận lợi hơn cho tăng trưởng của Việt Nam.

sách trắng
Ra mắt Sách Trắng 2024 của EuroCham.

Cải cách và hợp tác - "Từ khóa" thúc đẩy đầu tư, thương mại và phát triển bền vững

Ấn bản Sách Trắng lần thứ 15 với chủ đề "Thúc đẩy đầu tư hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững" của EuroCham cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, học giả và các bên liên quan khác của Việt Nam và châu Âu góc nhìn thực tế về các vấn đề kinh tế quan trọng.

Ấn bản tập trung phân tích và cập nhật thông tin về các xu hướng, thách thức và cơ hội trong các lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, số hóa, tài chính và cơ sở hạ tầng, phát triển xanh..., đồng thời đề xuất, khuyến nghị những chính sách nhằm hỗ trợ đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài với các cơ quan quản lý Nhà nước của Việt Nam hướng tới tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy đầu tư - thương mại, hướng tới một nền kinh tế Việt Nam tiên tiến, thân thiện với môi trường và bền vững hơn.

Ông Paul-Antoine Croize, Chủ tịch Tiểu ban Ngành Thực phẩm, Nông nghiệp và Nuôi trồng thủy sản thuộc EuroCham (FAABS) chia sẻ: Trên tinh thần hợp tác hỗ trợ, các khuyến nghị của chúng tôi trong Sách Trắng EuroCham xác định các giải pháp thiết thực hỗ trợ Việt Nam tận dụng EVFTA như: hợp tác đào tạo, các chương trình giáo dục có tác động cao, đầu tư năng lực có mục tiêu và hợp nhất quan hệ đối tác...

Theo chuyên gia này, bằng cách thúc đẩy các kỹ thuật hữu cơ và thân thiện với môi trường, Việt Nam có thể nâng cao chất lượng và giá trị vượt trội của sản phẩm cho cả người tiêu dùng trong nước và toàn cầu một cách có lợi. Các bước tiếp theo quan trọng là áp dụng các chiến lược tài chính thận trọng và giải pháp One Health để giảm kháng sinh. Những biện pháp mang tính hướng tới tương lai này thể hiện những cột mốc quan trọng trên hành trình chung hướng tới một ngành nông nghiệp Việt Nam tiên tiến và có khả năng cạnh tranh quốc tế.

Trong khi đó, ông Erik Contreras, Chủ tịch Tiểu ban Phát triển Xanh của EuroCham cho rằng có những cơ hội lớn để thực hiện các chiến lược tác động cao như phân loại rác thải sinh hoạt, giảm lạm dụng nhựa và đưa ra các giải pháp tuần hoàn, mang lại lợi ích kinh tế bên cạnh bảo vệ môi trường. Công trình xanh mang đến một cơ hội đáng kể. Bằng cách thúc đẩy trao đổi kiến thức và các biện pháp thực hành tốt nhất trong việc thiết kế tiết kiệm năng lượng, chúng ta có thể đưa các thành phố đang phát triển của Việt Nam trở thành những thành phố dẫn đầu khu vực về tính bền vững, đồng thời giảm chi phí chung cho tất cả các bên liên quan.

"Để hỗ trợ tương lai năng lượng tái tạo của Việt Nam, chúng tôi khuyến nghị hợp tác nhằm mục đích đơn giản hóa các hợp đồng mua bán và đầu tư năng lượng sạch, cũng như nhanh chóng đưa ra các quy định hiệu quả nhằm tạo điều kiện và duy trì tăng trưởng năng lượng xanh nhằm tối đa hóa tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực này, đồng thời hỗ trợ bổ sung thúc đẩy kinh tế xã hội để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho chuỗi cung ứng và lực lượng lao động", ông Erik Contreras nhấn mạnh...

Những đề xuất và khuyến nghị được đưa ra tại Sách Trắng hướng tới mục tiêu góp phần phát huy tối đa tiềm năng quan hệ kinh tế và thương mại song phương giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam, góp phần định hình các sáng kiến và chiến lược đầu tư trong tương lai giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Châu Âu.

Việt Hằng