Cà phê Sơn La: Từ cây trồng xoá đói giảm nghèo đến sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia
06/11/2023 lúc 15:32 (GMT)

Cà phê Sơn La: Từ cây trồng xoá đói giảm nghèo đến sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia

Năm 2021, sản phẩm Cà phê bột nguyên chất của HTX Cà phê Bích Thao, thành phố Sơn La là sản phẩm duy nhất của tỉnh Sơn La được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia.  Chứng nhận OCOP không chỉ nói lên chất lượng của sản phẩm mà còn thể hiện tính đặc sắc văn hóa bản địa, tính tác động xã hội và tính nhân văn trong quá trình phát triển của thương hiệu.

 

Những năm 1990, Sơn La đã chọn cà phê là một trong những loại cây trồng giảm nghèo chủ lực của địa phương, chủ yếu là giống cà phê chè. Hơn 30 năm gắn bó với cây cà phê, chứng kiến cảnh người dân làm việc vất vả, cà phê đến ngày thu hoạch bị tư thương ép giá, khiến ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX Cà phê Bích Thao Sơn La luôn trăn trở tìm giải pháp nâng cao giá trị cho cây trồng này. Nỗi trăn trở này đã thôi thúc ông bằng mọi giá phải gây dựng bằng được thương hiệu cho cây cà phê Sơn La.

Ông Thao cũng như nhiều hộ dân trồng cà phê nhận ra rằng, muốn nâng cao giá trị cho cây cà phê phải chuyển đổi sản xuất theo hướng năng suất, chất lượng, an toàn. Đây là điều kiện tiên quyết để xây dựng thương hiệu, tạo chỗ đứng và nâng cao thu nhập cho người trồng cà phê. Với suy nghĩ đó, ông bắt đầu bước vào hành trình đi tìm con đường nâng cao giá trị cho cà phê Sơn La, xóa đi cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa” đeo bám người dân mãi không thôi.

Năm 2017, ông Thao liên kết các hộ trồng cà phê bản Hoàng Văn Thụ thành lập HTX cà phê Bích Thao (HTX) và được tín nhiệm bầu làm Giám đốc HTX với 11 thành viên, quy mô 50 ha cà phê.  Mặc dù tuổi đời của HTX còn non trẻ, nhưng bản thân ông cùng với các thành viên đều là những người gắn bó với cây cà phê từ tấm bé, hiểu cây cà phê như hiểu chính bản thân mình. Nhờ đó, rất nhanh chóng HTX đã trở thành 1 trong 6 đơn vị được Sở Khoa học và Công nghệ cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La. Các sản phẩm được bảo hộ gồm: Cà phê nhân, cà phê hạt rang và cà phê bột.   

Cà phê Sơn La

Ngay từ ban đầu, HTX đã định hướng không chạy theo số lượng mà đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng cà phê và khắc phục ô nhiễm môi trường. Trên cơ sở đó, HTX đã vận động các thành viên và hộ liên kết áp dụng quy trình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP, UTZ, xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh chất lượng cao, canh tác hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ, từng thửa ruộng được đánh số để dễ dàng truy xuất nguồn gốc...

Đầu năm 2021, HTX đã khởi công xây dựng Nhà máy chế biến cà phê quy mô gần 1.120 m², công suất 20 tấn cà phê nhân/ngày, với tổng vốn đầu tư 16 tỷ đồng, trong đó: UBND Thành phố hỗ trợ 2,1 tỷ đồng còn lại vốn huy động của HTX. Dây chuyền chế biến theo quy trình khép kín, gồm: Máy sát, sàng kích thước, sàng trọng lượng, máy bắn màu công nghệ của Đức và Mỹ, máy rang, xay cà phê, có kho bảo quản, khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Ngoài ra, HTX cũng đầu tư xây dựng 3 nhà kính trong đó, 2 nhà kính ngay sau Nhà máy với diện tích 700 m²/nhà và 1 nhà kính ở xã Mường Do (Phù Yên) rộng 1.500 m². Đặc biệt, HTX sử dụng phương pháp chế biến ướt, phơi trong nhà kính thân thiện môi trường.

Cà phê Sơn La

Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật của các chuyên gia đến từ Đức, Mỹ, HTX đã thành công với phương pháp chế biến cà phê honey (cà phê mật ong), không chỉ giúp nâng cao giá trị cà phê mà còn khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường.

Theo ông Thao, ưu điểm của phương pháp chế biến cà phê mật ong là không đòi hỏi cơ giới cao nên chi phí đầu tư thấp, tiêu thụ ít nước hơn so với chế biến ướt truyền thống giúp giảm áp lực trong việc xử lý nước xả thải với các vùng chuyên canh cà phê, phù hợp với những địa bàn thiếu nước ở vùng núi...

Tuy nhiên, để cho ra được sản phẩm cà phê chất lượng, hương vị độc đáo phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu kỹ thuật từ khâu giống, chăm sóc, thu hái, chế biến. Việc thu hoạch được tiến hành bằng phương pháp hái chọn lọc, đảm bảo 100% là cà phê chín đỏ. Quá trình phơi/sấy hạt cà phê phải được giám sát chặt chẽ, cào đảo liên tục để ngăn ngừa sự phát triển của nấm mốc gây hư hỏng do độ ẩm cao..

Cà phê Sơn La

 

Năm 2018, HTX cà phê Bích Thao tham gia trồng thử nghiệm mô hình trồng cà phê chè giống mới (THA1) theo hướng bền vững, với quy mô 15 ha tại bản Tát, xã Mường Do (Phù Yên) và 5 ha tại bản Hoàng Văn Thụ, xã Hua La (Thành phố). Mô hình thuộc Chương trình phát triển cà phê Quốc gia do Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ cà phê Eakmat (Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai. Tiếp đó, năm 2020, HTX mở rộng thêm 40 ha cà phê THA1 và giống TN6, TN7, TN9 trên địa bàn xã Hua La (Thành phố) và xã Chiềng Ban (Mai Sơn), nâng tổng diện tích cà phê giống mới lên 60 ha, trong đó 20 ha trồng từ năm 2018 đã cho thu hoạch vụ đầu.

Cà phê Sơn La

Sau thời gian thử nghiệm giống cà phê mới, ông Thao nhận ra: Giống cà phê THA và TN có khả năng thích nghi với điều kiện khắc nghiệt của thời tiết tốt hơn so với giống cà phê catimo đang trồng. Tổng chi phí cây giống và phân bón hết khoảng 150 triệu đồng/ha. Sau 3 năm trồng cho thu hoạch, sản lượng trung bình đạt 25-30 tấn quả tươi/ha; giá 20.000-25.000 đồng/kg quả tươi; 80% hạt đạt sàng loại 18 (loại 1) trong khi cà phê catimo chỉ có 40% hạt đạt sàng 16 và 18.

Ông Thao cho biết, trong thời gian từ 2022-2025, HTX đặt mục tiêu tái canh tác 30-50% diện tích cà phê cũ đã hết thời gian khai thác bằng giống cà phê mới, cho năng suất chất lượng cao hơn, đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu.

Đáp ứng nguyên liệu sản xuất các dòng cà phê Arabica đặc sản, chất lượng cao, trong niên vụ 2023 - 2024, HTX Cà phê Bích Thao Sơn La đang liên kết với 800 hộ, HTX trồng cà phê trên địa bàn tỉnh, với quy mô sản xuất khoảng 1.500 ha.

Cà phê Sơn La

 

Tiếp tục phát triển dòng cà phê đặc sản, chất lượng cao, HTX đã thử nghiệm và chế biến thành công sản phẩm cà phê hòa tan sấy Thăng hoa. Cà phê hòa tan Thăng hoa là dòng cà phê đặc sản cao cấp và mới tại Sơn La.

Sản phẩm cà phê hòa tan sấy Thăng hoa được HTX Bích Thao sản xuất thử nghiệm từ tháng 4 và đến đầu tháng 10/2023 bắt đầu bán ra thị trường. Quy trình chế biến dòng sản phẩm cà phê mới đòi hỏi kỳ công. Nguyên liệu đầu vào là các quả cà phê chín không lẫn quả xanh, chế biến thành cà phê Honey, được triết xuất thành nước đựng trong khay inox, sau đó cho vào máy sấy ở nhiệt độ âm 45 độ C để tách nước và còn lại tinh bột cà phê. Mỗi mẻ cà phê hòa tan sấy thăng hoa mất 30 tiếng; 40 kg cà phê bột nguyên chất triết xuất và sấy được 2 kg tinh chất cà phê hòa tan thăng hoa.

Điểm đặc biệt của sản phẩm cà phê sấy Thăng hoa là vẫn giữ được 97-98% hương vị của cà phê nguyên chất, không có chất phụ gia và chất bảo quản.Thời hạn sử dụng lâu hơn, màu sắc của cà phê đẹp, các chất dinh dưỡng và dược chất của sản phẩm không bị hao hụt. Sản phẩm cà phê hòa tan sấy Thăng hoa đáp ứng thị hiếu của khách hàng, đặc biệt là khách hàng công sở khi muốn thưởng thức ly cà phê nguyên chất Arabica Sơn La nhưng không có thời gian pha cà phê phin.

Sản phẩm cà phê hòa tan Thăng hoa được đóng gói theo ly, trọng lượng 3 gam cà phê hòa tan, pha với 20-25 ml nước sôi và có giá từ 25.000 – 30.000 đồng/gói; thời gian bảo quản 24 tháng. Tùy theo sở thích của mỗi người có thể pha thêm đường hoặc sữa để thưởng thức. Sản phẩm mới này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người tiêu dùng và đảm bảo được sử dụng cà phê nguyên chất giống cà phê pha bằng phin hoặc máy.

Ông Thao cho biết, đã gửi sản phẩm mẫu bột cà phê hòa tan Thăng hoa cho các đối tác ở Đức, Pháp và Nhật được bạn hàng đánh giá cao và đã liên hệ đặt hàng.

Cà phê Sơn La

 

Cà phê Sơn La đã có mặt tại các thị trường EU, Bắc Mỹ, Hoa Kỳ, các nước Trung Đông và ASEAN với sản lượng xuất khẩu năm 2022 đạt 30.500 tấn, giá trị xuất khẩu đạt trên 82,2 triệu USD (chiếm 37,6% tổng giá trị hàng nông sản tham gia xuất khẩu của tỉnh). Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của thương hiệu Cà phê Bích Thao.

Theo ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX Cà phê Bích Thao, tiêu chuẩn xuất khẩu, văn hoá cà phê của từng nước là khác nhau chứ không phải cứ là cà phê thì sẽ xuất khẩu được. Do đó, ông đã tìm hiểu kỹ để nắm được các tiêu chuẩn của từng thị trường khác nhau. Ví dụ xuất khẩu đi Đức phải theo theo quy trình, tiêu chuẩn của Đức; xuất khẩu đi Mỹ hay Nhật thì phải theo quy trình, tiêu chuẩn của Mỹ, Nhật…

Từ đó, HTX Cà phê Bích Thao đã xây dựng 54 khu sơ chế lên men, xuất đi nước nào thì lên men theo tiêu chuẩn nước đó. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư công nghệ sơ chế và chế biến. Hiện nay sản lượng cà phê đặc sản làm hàng xuất khẩu của HTX đã lên đến 97%, lượng còn lại phục vụ nội địa. Giá cà phê Arabica đặc sản xuất khẩu có thể lên đến 230.000 – 270.000/kg, cao gấp nhiều lần so với xuất khẩu cà phê thô.

Cà phê Sơn La

Sau 5 năm thành lập, HTX đã có bước phát triển vững chắc. Vụ cà phê 2019-2020, đã xuất bán trên 2.000 tấn cà phê nhân, 12 tấn cà phê bột nguyên chất. Trong đó, 80% sản phẩm xuất khẩu sang các nước: Đức, Pháp, Mỹ. Doanh thu đạt 40 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương, thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng.  

Hiện nay, HTX sản xuất trung bình từ 4.000 - 6.000 tấn cà phê nhân xuất khẩu/năm, xuất bán ra thị trường khoảng 1,5 tấn cà phê rang, xay và cà phê bột.

Ở thị trường nội địa, cà phê Bích Thao cũng vinh dự là một trong những sản phẩm hiếm hoi của vùng đất Sơn La được vinh danh là sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia, mang lại giá trị lớn cho người nông dân.

Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Sơn La cho biết: Chúng tôi rất vinh dự và tự hào khi sản phẩm cà phê bột nguyên chất của HTX Bích Thao đã đạt sản phẩm OCOP Quốc gia 5 sao. Đây là mô hình sản xuất cà phê thân thiện với môi trường được khuyến khích nhân rộng.

Cà phê Sơn La

 

          

Bài: Nguyên Vỵ
Thiết kế: Duy Kiên

          

Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí