Định vị thương hiệu cá hồi Sa Pa
25/11/2023 lúc 14:00 (GMT)

Định vị thương hiệu cá hồi Sa Pa

 

 Sự có mặt của đặc sản cá hồi cũng như các trang trại cá hồi giữa núi rừng Tây Bắc đã tạo ra mô hình sản xuất mới, đa dạng hóa sản phẩm và góp phần tạo nguồn thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Sa Pa (Lào Cai).

cá hồi sa pa

Sapa là một huyện thuộc khu vực vùng núi cao Tây Bắc nước ta. Nằm ở độ cao khoảng 1.500m đến 1.600m so với mực nước biển, Sapa thừa hưởng nền khí hậu mang nhiều màu sắc ôn đới với nhiệt độ trung bình năm là 15,3 độ C. Ưu thế về khí hậu này đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi nghề nuôi cá nước lạnh, nổi bật là giống cá hồi ở Sa Pa phát triển.

Cá hồi vân, tên tiếng Anh là Rainbow trout, tên khoa học là Oncorhynchus thuộc bộ Salmoniformes họ Salmonidae, có nguồn gốc từ vùng biển Thái Bình Dương, khu vực Bắc Mỹ, trên mình có các chấm mầu đen hình cánh sao, đến mùa sinh sản, cá đực có vân mầu hồng dọc lườn cá,  thịt có mầu hồng tươi.

cá hồi

Loại cá được nuôi tại Sa Pa chủ yếu là cá hồi vân, hay còn gọi là cá hồi ráng, được nuôi ở nhiều nơi như Thác Bạc, Tả Giàng Phình, Bản Khoang. Các cơ sở nuôi cá hồi tại Sa Pa nuôi cá theo hình thức nhập trứng cá đã thụ tinh từ châu Âu về và nuôi trong môi trường nước lạnh. Tầm 1,5 đến 2 tháng, trứng sẽ nở thành cá con.

Khi cá con ươm giống đạt trọng lượng khoảng 30 gram thì sẽ được chuyển sang hồ nuôi thương phẩm. Nước nuôi cá hồi phải là nước sạch và lạnh. Vì cá hồi ưa “nước động” nên các bể nuôi cá thường đặt gần nơi đầu nguồn của các con sông suối. Sau 2 năm nuôi, mỗi con cá hồi thường đạt trọng lượng 1,8 đến 2,5kg.

Thịt cá hồi hồi Sa Pa có màu hồng tươi, thớ săn, thịt mềm, ít mỡ và rất chắc. Cá hồi Sa Pa có thân hình thon dài trông giống với cá hồi nauy. Tuy nhiên thân cá hồi Sa Pa ít vân, da có bóng nhẹ, thịt phê lê đỏ màu đỏ tươi. Điểm nổi trội của cá hồi Sa Pa so với các loại cá hồi nhập khẩu khác đó là vân thịt của chúng ít mỡ.

cá hồi 1
cá hồi 2
cá hồi 3
cá hồi 4

Cá hồi rất giàu axit béo omega-3, loại chất giúp tăng cường chức năng của bộ não như cải thiện trí nhớ, thư giãn não và hạn chế sự suy giảm các chức năng của não gây ra bệnh Alzheime.

Cá hồi Sa Pa rất thích hợp để chế biến thành nhiều món khác nhau như sashimi, chiên xù, hấp, nấu cari..., nhưng nổi bật nhất là các món lẩu cá hồi, gỏi cá hồi, cá hồi nướng,...

mở hướng mới

Với khí hậu quanh năm mát mẻ và một mùa đông rất lạnh, thậm chí có cả tuyết bao phủ, chất lượng và màu sắc của cá hồi Sa Pa không thua kém so với bất cứ loại cá hồi nào được nhập khẩu vào Việt Nam.

cá hồi sa pa

Việc nuôi cá nước lạnh góp phần phát triển kinh tế, tạo ra mô hình sản xuất mới, đa dạng hóa sản phẩm và góp phần tạo công ăn việc làm cho một bộ phận dân cư, nhất là dân cư vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Dự án nuôi cá hồi Sa Pa khởi động từ năm 2005. Đến năm 2006, đúng một năm sau khi dự án nuôi cá hồi được khởi động, dự án nuôi cá hồi tại Việt Nam đã chính thức được công bố thành công. Từ đây nghề nuôi cá hồi phát triển và dần phổ biến tại Sa Pa.

cá hồi 1
cá hồi 2

Lứa cá hồi đầu tiên được nuôi thử nghiệm thành công ở Sa Pa đã khiến sản phẩm du lịch của phố núi càng trở nên hấp dẫn. Khách du lịch đến với Sa Pa giờ không chỉ để tham quan núi Hàm Rồng, Cầu Mây, bản Cát Cát hay ăn cá suối, rau rừng, mà còn là để khám phá, tìm hiểu về loài cá lạ, cũng như thưởng thức hương vị độc đáo của các món ăn được chế biến từ cá hồi.

Thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn (Sa Pa, Lào Cai), có 100% là đồng bào Mông. Bằng những cách làm hiệu quả, người dân vùng cao vươn lên làm giàu, trong đó nhiều hộ đang có thu nhập khá, thu nhập cao nhờ làm bể nuôi cá nước lạnh, chủ yếu là nuôi cá hồi.

Chị Sùng Thị Dua, thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa, chia sẻ: Năm 2019, gia đình tôi đã đầu tư ống nhựa dẫn nước để nuôi cá hồi. Mỗi năm gia đình tôi mua từ 2.000 – 3.000 con cá hồi giống về nuôi. Năm nay, gia đình tôi xuất bán được 1,6 tấn cá hồi ra thị trường, với giá bán 200 nghìn đồng/kg, thu về hơn 300 triệu đồng. Nhờ nuôi cá lồng mà gia đình tôi đã có cuộc sống khá giả hơn so với trước đây.

cá hồi song nhi

Đại diện hệ thống nhà hàng Song Nhi, cũng là chủ trang trại cá hồi cho biết, cá hồi Sa Pa luôn được thực khách ưu tiên chọn món trong bữa ăn. Do vậy, những người nuôi cá hồi ở đây không lo lắng về đầu ra. Có thời điểm cá hồi Sa Pa nuôi không đủ bán nên thu nhập cho bà con nuôi cá nước lạnh khá ổn. Tuy nhiên, không vì thế cá hồi Sa Pa bị đẩy giá mà chủ yếu bán để lấy số lượng và thu nhập từ tiền công phục vụ, chế biến...

Từ dự án thử nghiệm thành công, nhiều nhà dân đã nuôi và mang lại hiệu quả rõ rệt. Khắp các quán ăn của thị xã du lịch Sa Pa và thành phố Lào Cai, đâu cũng có món cá hồi. Cá hồi tươi Sa Pa đã theo máy bay (có gây mê trên đường chuyên chở) vào tới Ðà Lạt, TP Hồ Chí Minh. Cung không đủ cầu.

cá hồi

 

Cá hồi Sa Pa được nuôi tập trung nhiều tại các xã Bản Khoang, Tả Giàng Phình, Tả Van, Tả Phìn, San Sả Hồ, Lào Chải, thị trấn Sa Pa…

Ở thời điểm hiện tại, Cá hồi Sa Pa trên thị trường có giá dao động từ 300.000 đến 500.000 đồng/kg, cá hồi mang lại doanh thu hàng tỷ đồng cho các cơ sở nuôi. Với những con cá có cân nặng lớn hơn giá sẽ chênh nhiều hơn. Những con cá này thớ thịt dày, săn chắc và rất nhiều thịt. Mặc dù có mức giá không hề rẻ nhưng cá hồi vân Sa Pa vẫn là sự lựa chọn của rất nhiều du khách.

cá hồi
nâng giá trị

Trang trại cá hồi Thức Mai ở thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn (Sa Pa, Lào Cai) là một trong những trang trại đầu tiên ở Sa Pa chuẩn hóa quy trình nuôi và chế biến cá hồi thành các sản phẩm đóng gói để du khách có thể mua làm quà, đưa đi tới nhiều nơi trong cả nước. Việc này, cũng giúp cá hồi Sa Pa mở ra hướng đi mới thay vì chỉ được dùng để chế biến các món ăn tại các quán ăn, nhà hàng...

Năm 2022, một số sản phẩm tiêu biểu của HTX như cá tầm cắt khúc, chả cá tầm, viên thả lẩu cá hồi, xúc xích cá tầm đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ngoài ra, còn có nhiều sản phẩm khác cũng nhận được sự đón nhận tích cực trên thị trường như ruốc cá hồi, cá hồi hun khói, cá hồi phi lê, cá hồi cắt khúc, tinh dầu cá, cá tầm hun khói, cá tầm kho cạn,...

thức mai

Giám đốc Phạm Thị Mai cho biết, trung bình mỗi năm, HTX cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn cá hồi, cá tầm thương phẩm. Ngoài việc tiêu thụ tại Sa Pa, các sản phẩm của HTX đã có mặt tại nhiều tỉnh thành khác trên cả nước như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Sơn La, Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa,...

Đầu ra sản phẩm tại các hệ thống siêu thị hiện chiếm khoảng 50% số lượng cá mà trang trại của HTX nuôi được, còn lại là tiêu thụ qua các kênh bán lẻ. Hiện nay, trại nuôi cá của HTX đảm bảo công ăn việc làm cho trên 20 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.

Để làm được điều này, trang trại đã áp dụng nuôi cá hồi theo tiêu chuẩn VietGAP; cơ sở nuôi còn chủ động gửi mẫu phân tích, đánh giá chất lượng và công bố các chỉ số về dinh dưỡng của sản phẩm.

chế biến cá hồi

Trung bình mỗi năm, trang trại này cung ứng ra thị trường cả trăm tấn cá hồi thương phẩm. Ngoài số cá hồi được tiêu thụ tại Sa Pa, cá hồi được chế biến để cung ứng tới tay người tiêu dùng qua kênh bán lẻ, bán tại siêu thị chiếm khoảng 50% số lượng cá hồi trang trại nuôi được. Các sản phẩm giò chả, xúc xích, ruốc và thịt hun khói cá hồi với giá dao động từ 350.000 - 800.000 đồng/kg.

Hiện nay, trên địa bàn thị xã có 307 cơ sơ nuôi cá nước lạnh với trên 60% các cơ sở nuôi là các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số. Trên địa bàn thị xã có 5 doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến cá nước lạnh liên kết, thu mua sản phẩm của bà con để chế biến sâu gồm: Công ty TNHH một thành viên Thương mại và dịch vụ Song Nhi; Hợp tác xã chế biến thủy sản, cá hồi, cá tầm Thức Mai; Hợp tác xã Minh Đức; Hộ kinh doanh Nguyễn Trọng Quỳnh; Hợp tác xã Dịch vụ thương mại tổng hợp Thành đạt.

cá hồi

Công suất chế biến của các đơn vị này có thể đạt bình quân trên 300 tấn mỗi năm. Hiện trên địa bàn có khoảng 20 sản phẩm được sơ chế, chế biến từ cá hồi, cá tầm. Các sản phẩm nổi bật gồm: Ruốc cá Hồi Sa Pa, Xúc xích cá Hồi Sa Pa, Chả cá Hồi Sa Pa, Giò cá hồi Sa Pa, Cá hồi Sa Pa cuộn phô mai, Xúc xích cá tầm Sa Pa…

Mục tiêu phát triển thủy sản tỉnh Lào Cai từ nay đến 2030 theo hướng gia tăng sản xuất hàng hóa, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ đảm bảo đầu ra ổn định cho trên 20% tổng sản lượng thủy sản.

cá hồi

 

          

Bài: Xuân An

Trình bày: My Nguyễn

          

 


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí