Đồng Tháp: 4 kiến nghị với Bộ Công Thương về an toàn thực phẩm
25/10/2023 lúc 12:00 (GMT)

Đồng Tháp: 4 kiến nghị với Bộ Công Thương về an toàn thực phẩm

an toan thuc pham dong thap

Ông Nguyễn Văn Na - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp trao đổi với phóng viên Tạp chí Công Thương về những nỗ lực của Đồng Tháp trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Nhiều thuận lợi xen vướng mắc

PV: Thưa ông, xin ông cho biết về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm của Đồng Tháp trong những năm gần đây?

Ông Nguyễn Văn Na: Những năm gần đây, vấn đề đảm bảo ATTP ngày càng được quan tâm và chú trọng. Theo đó, công tác chỉ đạo, điều hành được tăng cường, đặc biệt vào các đợt cao điểm như tháng hành động về ATTP, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán... Từ đó, đã tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động quản lý của các ngành, các cấp, cùng với sự nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh về bảo đảm ATTP tại địa phương.

Được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng với sự vào cuộc của chính quyền các cấp và sự phối hợp chặc chẻ giữa các ngành liên quan, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cơ bản ổn định và đi vào nề nếp, không để xảy ra những điểm nóng, ngộ độc thực phẩm gây mất an ninh trật tự. Công tác kiểm tra, hậu kiểm đã được quan tâm thực hiện theo đúng kế hoạch một cách nghiêm túc, đồng bộ từ tuyến tỉnh, đến tuyến huyện, xã.

dong thap an toan thuc pham
Những cánh đồng đẹp như trong tranh của Đồng Tháp Mười quả là những di sản không gì sánh nổi

Hoạt động thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, theo phân cấp quản lý và đúng quy định của pháp luật. Các đoàn kiểm tra chuyên ngành hoặc liên ngành, tập trung kiểm tra các cơ sở thực phẩm vào các đợt cao điểm (Tết Nguyên đán, mùa Lễ hội xuân, Tháng hành động, Tết Trung thu. ...) và theo chuyên đề về ATTP. Qua kiểm tra kịp thời phát hiện, uốn nắn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, góp phần chấn chỉnh và đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm từng bước đi vào nề nếp theo quy định, nhằm ngăn ngừa thực phẩm giả, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ lưu thông trên thị trường,...

          

Công tác tuyên truyền, phồ biến pháp luật về an toàn thực phẩm ngày càng được quan tâm, chú trọng; góp phần tác động đến nhận thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về chấp hành các quy định an toàn thực phẩm.

          

 

Năm 2021, UBND Tỉnh ban hành Kế hoạch số 370/KH-UBND ngày 27/12/2021 của UBND Tỉnh về triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Trên cơ sở đó, hàng năm Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm Tỉnh và các ngành xây dựng và triển khai Kế hoạch cụ thể thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của ngành trên địa bàn, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Theo Kế hoạch ban hành, Sở Y tế sẽ chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thực hiện Kế hoạch trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Đồng thời làm đầu mối tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương và UBND tỉnh theo quy định.

Năm 2022 và năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành một số kế hoạch như: Kế hoạch số 27/KH-BCĐ ngày 18/3/2022 của Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm năm 2022; Kế hoạch số 343/KH-UBND ngày 17/10/2022 của UBND Tỉnh về việc nhân rộng mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; Kế hoạch số 196/KH-UBND ngày 29/5/2023 thực hiện chiến lược dinh dưỡng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn Tỉnh; Kế hoạch số 214/KH-UBND ngày 07/6/2023 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21 tháng 10 năm 2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

an toan thuc pham dong thap muoi
Đi giữa biển vàng

PV: Ông đánh giá gì về những thuận lợi và thách thức của Đồng Tháp hiện nay, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Na: Đồng Tháp gần đây cũng có rất nhiều thuận lợi trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiêu biểu là trong viêc tiếp nhận bản tự công bố sản phẩm thực phẩm.

Theo quy định, thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, vật liệu bao gói, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm đã có quy chuẩn phải được công bố hợp quy, sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định ATTP trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Việc áp dụng này đã tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp khi khai báo và nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện, theo đó doanh nghiệp không nhất thiết phải tới cơ quan quản lý nên sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại.

Tuy nhiên, Đồng Tháp đang “vướng” trong việc quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở thuộc diện không phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đối với các cơ sở thuộc diện không phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, theo đó chủ cơ sở chỉ thực hiện cam kết bảo đảm ATTP với cơ quan quản lý có thẩm quyền. Theo đó, nguy cơ không bảo đảm ATTP, ngộ độc thực phẩm đối với các cơ sở là rất dễ xảy ra do không có hướng dẫn cơ sở, tổ chức đánh giá, chứng nhận việc tuân thủ đầy đủ các quy định về điều kiện ATTP (biện pháp tiền kiểm), trong khi biện pháp hậu kiểm chưa thực sự có hiệu quả (do thiếu nguồn lực, nhận thức trách nhiệm và đầu tư của cơ sở còn hạn chế trong việc tuân thủ các quy định về bảo đảm ATTP).

an toan thuc pham dong thap
Các món làm từ sen - ẩm thực đặc trưng của Đồng Tháp 

Hơn nữa, việc tăng cường công tác hậu kiểm tạo điều kiện thuận lợi ban đầu cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhưng sau đó, cơ quan quản lý nhà nước thực hiện công tác hậu kiểm thì gặp khó khăn do cơ sở thiếu vốn đầu tư, chủ cơ sờ chưa biết, chưa quan tâm việc thực hiện các thủ tục như Bản cam kết sản xuất kinh doanh, thực phẩm an toàn, Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP hết hạn, Giấy phép sản xuất rượu đã hết hạn, Giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP,...

 

          

ATTP Đồng Tháp vẫn còn không ít bất cập, nhất là xuất phát từ việc còn tồn tại số lượng rất lớn các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ. Việc sản xuất thực phẩm còn manh mún nhỏ lẻ, chưa nhiều cơ sở đầu tư máy móc, trang  thiết bị được áp dụng công nghệ cao trong sản xuất…"

          

 

Ứng dụng công nghệ thông tin tạo sự thuận lợi rõ rệt

Ông Nguyễn Văn Na: Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo đảm an toàn thực phẩm của Đồng Tháp trong những năm gần đây mang lại  hiệu quả như thế nào thưa ông?

Quan điểm của Sở Công Thương Đồng Tháp về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực ATTP là luôn quán triệt, quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện, thông qua việc cập nhật dữ liệu về công bố sản phẩm đăng tải lên trang thông tin điện tử của Sở công Thương; đồng thời lồng ghép chung vào nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành, đảm bảo tiến độ kế hoạch đề ra. Việc thực hiện giải quyết thủ tục hành chính qua cổng dịch vụ công của Tỉnh tạo thuận lợi cho người dân sẽ nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn  thực phẩm trực tuyến qua cổng dịch vụ công của tỉnh Đồng Tháp.

 

          

Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đã tạo sự thuận lợi rõ rệt so với trước. Cụ thể: bộ phận chuyên môn tiếp nhận hồ sơ sớm và việc trao đổi thông tin với doanh nghiệp nhanh chóng, kịp thời, tăng tính phục vụ cho người dân hơn trước.

          

 

Từ đầu năm 2023 đến nay, Sở Công Thương đã cấp 11 Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và tiếp nhận 164 Bản tự công bố sản phẩm thuộc ngành quản lý; đã tiến hành kiểm tra tại 27/35 cơ sở xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn (08 cơ sở chưa được kiểm tra, nguyên nhân do các cơ sở đã ngưng hoạt động, địa chỉ hoạt động của cơ sở không tồn tại, đường đi đến cơ sở gặp khó khăn). Trong đó, có 27 cơ sở được kiểm tra, qua kiểm tra ghi nhận có 15 cơ sở đạt yêu cầu và 12 cơ sở chưa đạt yêu cầu (Giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định; Nội dung ghi nhãn sản phẩm của các cơ sở được kiểm tra phù hợp với nội dung đã đăng ký với cơ quan thẩm quyền; Giấy phép sản xuất rượu đã hết hạn sử dụng).

an toan thuc pham dong thap
Cá lóc nướng trui cuốn lá sen non - món ăn dân dã mà mê mẩn bao thực khách tới Đồng Tháp

PV: Đồng Tháp cũng nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Ông nhận xét gì về vai trò, ý nghĩa của công tác hậu kiểm ở Đồng Tháp?

Ông Nguyễn Văn Na:  Mục đích của công tác hậu kiểm là đánh giá việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trên cơ sở đó, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm phải đúng quy định, không chồng chéo giữa các ngành, các cấp, không gây phiền hà cho cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm.

an toan thuc pham dong thap xanh
Với cảnh đẹp hút hồn thế này, Đồng Tháp sẽ trở thành điểm đến của khách du lịch, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm càng cần có nhiều thích ứng.

 

Riêng với tỉnh Đồng Tháp, công tác hậu kiểm nhằm tăng cường ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cũng như trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP ở các cấp, thông qua hoạt động hậu kiểm kịp  thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Triển khai hoạt động hậu kiểm có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới theo Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới theo Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ;

Thông qua công tác này sẽ đánh giá việc chấp hành pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo sự phân công trách nhiệm quản lý của các sở, ngành: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương. Trên cơ sở đó, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện đảm bảo ATTP theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là những quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực an toàn thực phẩm.

ca linh an toan thuc pham
Lẩu cá linh ngon miệng mà vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm mà 
 

4 KIẾN NGHỊ CỦA ĐỒNG THÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG THỜI GIAN TỚI

Sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm/nhóm sản phẩm hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Để tạo sự đồng bộ thống nhất trong thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn theo quy định, đề nghị Bộ Công Thương xem xét và thống nhất với Bộ Y Tế và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn về loại hình sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định, nhằm tạo thuận lợi cho cơ sở thực hiện.

Sớm ban hành quy định hướng dẫn đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định, nhằm tạo sự đồng bộ thống nhất và thuận lợi trong thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm của ngành tại địa phương.

Để thực hiện triển khai cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, cơ sở dữ liệu/phần mềm hệ thống thông tin về an toàn thực phẩm của ngành tại địa phương đảm bảo đồng bộ, liên thông, kết nối vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia (Đề án 06) và nguồn kinh phí thực hiện phần mềm hệ thống thông tin về an toàn thực phẩm của ngành Công Thương, đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn cụ thể việc triển khai hệ thống thông tin về an toàn thực phẩm ngành Công Thương để Sở Công Thương có cơ sở đề xuất tỉnh triển khai, nhằm tạo sự đồng bộ thống nhất trong thực hiện, đồng thời có cơ sở hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện cập nhật phần mềm hệ thống thông tin về an toàn thực phẩm của ngành tại địa phương.

 

Bài: Minh Thủy
Thiết kế: Duy Quân

 


Trang chủ

Bài mới

Xem nhiều

Multimedia

Tạp chí